Bắc Hàn hôm thứ Sáu (5/1) đã đồng ý tổ chức đối thoại chính thức với Hàn Quốc vào tuần tới, ít giờ sau khi Washington và Seoul thống nhất tạm hoãn các cuộc tập trận chung cho tới sau Thế vận hội mùa đông.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên được nhen nhóm giải quyết thông qua đối thoại sau động thái đề xuất “mở đàm phán” bất ngờ của ông Kim Jong-un.
Reuters cho hay phía Hàn Quốc xác nhận họ đã nhận được ý kiến đồng ý đàm phán vào thứ Ba (9/1) từ chế độ Bắc Hàn. Đây là cuộc đối thoại cấp cao chính thức đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ tháng 12/2015.
Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun nói với báo giới rằng cuộc họp này sẽ diễn ra tại làng biên giới Panmunjom. Nội dung của cuộc đối thoại dự kiến sẽ thảo thuận về Thế vận hội mùa đông – diễn ra ở Hàn Quốc vào tháng Hai tới, và các mối quan hệ liên Triều.
Ông Baik cho biết phía Bắc Hàn yêu cầu nội dung cuộc các thảo luận về cuộc họp này phải được thực hiện qua trao đổi bằng văn bản.
Hai miền Triều Tiên thống nhất tổ chức đàm phán chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un trong bài phát biểu chào mừng năm 2018 hôm thứ Hai (1/1) đã mở đường đối thoại với Hàn Quốc. Ông Kim bất ngờ kêu gọi giảm căng thẳng với miền Nam và gợi ý sẽ cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông do miền Nam đăng cai tổ chức.
Tuy nhiên, cũng trong bài phát biểu nêu trên, ông Kim Jong-un vẫn kiên định lập trường về vấn đề vũ khí hạt nhân, nói rằng miền Bắc sẽ tiến hành sản xuất tên lửa hạt nhân hàng loạt để phục vụ triển khai tác chiến và cảnh báo rằng ông sẽ cho tấn công tên lửa nếu đất nước Bắc Hàn bị đe dọa.
Sau một vài tweet mỉa mai động thái của lãnh đạo Bắc Hàn, hôm thứ Năm (4/1), Tổng thống Trump đã gọi các cuộc đàm phán liên Triều được đề xuất là “một điều tốt”. Tổng thống Mỹ trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 4/1 đã đồng ý hai nước Mỹ – Hàn sẽ chỉ tổ chức các cuộc tập trận chung quy mô lớn thường niên sau Thế vận hội mùa đông.
Bắc Hàn trước nay vẫn xem các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn trên bán đảo Triều Tiên là màn tập dượt xâm lược và lấy đó làm lý do biện minh cho việc Bình Nhưỡng phát triển chương trình vũ khí vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Chính quyền Mỹ vẫn đang nỗ lực dẫn dắt cộng đồng quốc tế gây sức ép mạnh mẽ để buộc chế độ Kim Jong-un phải từ bỏ tham vọng hạt nhân. Ông Trump trong một tweet gần đây đã nói rằng chính sự kiên định gây sức ép của Washington đã khiến chế độ Bình Nhưỡng phải đề xuất “mở đàm phán” với Seoul.
“Có ai thực sự tin rằng các cuộc đàm phán và đối thoại sẽ diễn ra giữa Bắc Hàn và Hàn Quốc ngay bây giờ nếu tôi không cứng rắn, mạnh mẽ và sẵn sàng cam kết ‘sức mạnh’ tổng thể của chúng tôi chống lại Bắc Hàn”, ông Trump tweet.
>>Ông Trump: Sự cứng rắn của Mỹ đã khiến Bắc Hàn ngỏ lời đàm phán
Trong cuộc trả lời phóng vấn kênh CNN hôm thứ Sáu (5/1), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã cảnh báo rằng mặc dù mục đích của Washington là giải quyết khủng hoảng Bắc Hàn bằng con đường ngoại giao, nhưng “những nỗ lực ngoại giao này phải được hậu thuẫn bằng một lựa chọn quân sự mạnh mẽ nếu cần thiết”.
Ông Tillerson nói thêm rằng các cuộc đối thoại tương lai liên quan tới Mỹ có thể cho phép Bắc Hàn “tạo dựng một con đường cho họ hướng tới tương lai an toàn và thịnh vượng hơn”. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Họ biết làm thế nào để tiếp cận chúng tôi nếu và khi họ cũng sẵn sàng tham gia với chúng tôi”.
Ông Tillerson cho biết các cuộc đàm phán Mỹ – Bắc Hàn có thể tiến hành thế nào vẫn chưa được xác định, nhưng phía Bắc Hàn phải báo hiệu rằng họ hiểu rằng họ sẽ hướng tới “phi hạt nhân hóa toàn bộ, cuối cùng“.
Trung Quốc là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất các cuộc đàm phán liên Triều và xa hơn nữa. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng mới đây đã hoan nghênh việc miền Bắc và miền Nam “thực hiện các bước đi tích cực để cải thiện mối quan hệ”, và nói thêm rằng việc hoãn tập trận chung Mỹ – Hàn “không nghi ngờ gì nữa, đó là một điều tốt”.
Nhật Bản, đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, bày tỏ thái độ thận trọng hơn trước các cuộc đàm phán liên Triều.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho hay: “Tôi nghĩ điều quan trọng là phải duy trì tư thế phòng thủ vững chắc. Bắc Hàn đã trải qua các giải đoạn đối thoại và khiêu khích, nhưng dù tình huống nào, miền Bắc vẫn tiếp tục các chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa. Chúng tôi không có ý định hạ thấp cảnh báo và giám sát”.
Yên Sơn
Xem thêm:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…