Giáo hoàng Leo XIV mới được bầu lần đầu xuất hiện trên ban công trung tâm chính của Vương cung thánh đường Thánh Peter vào ngày 8 tháng 5 năm 2025. (Ảnh: ALBERTO PIZZOLI / AFP via Getty Images)
Sau khi cựu Giáo hoàng Phanxicô (Francis) qua đời vào ngày 21/4, đến ngày 8/5, Hồng y Robert Prevost đã được bầu làm Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo, lấy hiệu là Giáo hoàng Leo XIV. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn “trống ngôi giáo hoàng”, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhanh chóng tổ chức hai cuộc bầu chọn giám mục, khiến tân giáo hoàng phải đối mặt với tình huống khó xử: có nên phê chuẩn những vị trí do Bắc Kinh tự ý chỉ định hay không.
Theo báo Asia News ngày 29/4, ông Ngô Kiến Lâm – nguyên là Phó giám mục giáo phận Thượng Hải và từng giữ chức Ủy viên Chính Hiệp – đã được bầu làm giám mục phụ tá. Trước đó, giám mục phụ tá của Thượng Hải được Vatican công nhận, ông Mã Đạt Khâm, từng tuyên bố rút khỏi “Hội Công giáo yêu nước” (tổ chức tôn giáo do ĐCSTQ kiểm soát) ngay trong lễ phong chức giám mục năm 2012. Sau đó, ông bị chính quyền ĐCSTQ hủy bỏ chức vụ và bị quản thúc tại một tu viện gần Thượng Hải. Năm 2013, người bạn của ông Mã từng nói với BBC rằng ông bị buộc tham gia các lớp “học chính trị” 3 lần mỗi tuần.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng chỉ định ông Lý Kiến Lâm làm giám mục giáo phận Tân Hương (Hà Nam). Ông Lý là người từng ký văn bản cấm trẻ vị thành niên tham dự thánh lễ tại tỉnh Hà Nam. Giám mục “ngầm” (không được chính quyền ĐCSTQ công nhận) trước đó của Tân Hương là ông Trương Duy Trụ, người trung thành với Vatican và kiên quyết từ chối gia nhập Hội Công giáo yêu nước, nhiều lần bị bắt giam trong những năm gần đây. Vào tháng 5/2021, nhà chức trách huy động hàng trăm cảnh sát bao vây một tu viện ở Tân Hương, bắt giữ Giám mục Trương, 7 linh mục và hơn 10 tu sĩ.
Dưới thời Giáo hoàng Phanxicô, Vatican và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận tạm thời vào năm 2018 liên quan đến việc bổ nhiệm giám mục. Thỏa thuận này cho phép cả hai bên cùng đề cử và phê chuẩn giám mục, nhưng nội dung chi tiết được giữ bí mật. Thỏa thuận tạm thời này có hiệu lực lần đầu tiên vào tháng 10/2018 và được gia hạn lần đầu tiên trong 2 năm vào năm 2020. Vào ngày 22/10/2022, Vatican tiếp tục gia hạn thỏa thuận này, nhưng không nêu rõ liệu thỏa thuận có được sửa đổi trước khi gia hạn hay không.
Ngày 7/5, Wall Street Journal đăng bài bình luận có tiêu đề “Trung Quốc thách thức Tân Giáo hoàng” (China Challenges the Next Pope), chỉ ra rằng Bắc Kinh lợi dụng giai đoạn chưa có giáo hoàng để tự ý phong hai giám mục mới. Danh sách các giám mục mới được bầu sẽ được đệ trình lên Vatican để phê duyệt hoặc bác bỏ. Đây là phép thử trước để xem Giáo hoàng mới có sẵn lòng đóng góp bao nhiêu cho chế độ độc tài Caesar (Caesar là nhà độc tài La Mã, ý chỉ chính quyền ĐCSTQ).
Bình luận cho rằng từ sau năm 1949, ĐCSTQ đã cố gắng tiêu diệt Kitô giáo nhưng thất bại, sau đó chuyển sang tìm cách kiểm soát giáo hội. Thỏa thuận năm 2018 là một bước đi mang tính “thỏa hiệp”, nhưng đồng thời khiến Vatican đánh mất uy tín đạo đức và phản bội những giám mục, linh mục đã chịu khổ vì kiên định đức tin. Bắc Kinh thông qua việc bổ nhiệm giám mục mới cho Thượng Hải sẽ tăng cường kiểm soát đối với giáo phận lớn nhất của Trung Quốc.
Bài bình luận chỉ ra rằng trong khi cố gắng hòa hợp với ĐCSTQ, Roma đã đánh mất uy tín đạo đức và phản bội các giám mục cùng linh mục, những người kể từ khi ĐCSTQ nắm quyền đã từ chối khuất phục trước ĐCSTQ và chịu đựng những đau khổ to lớn.
Báo cáo năm 2025 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ cũng xác nhận rằng tình trạng đàn áp tôn giáo tại Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Chính quyền liên tục giam giữ, cưỡng bức mất tích hoặc từ chối tiết lộ thông tin về các giáo sĩ ngầm không chịu phục tùng đảng.
Bình luận kết luận rằng Bắc Kinh đã xem “thời kỳ tòa thánh trống” như cơ hội để thách thức Vatican, và tân giáo hoàng cần nhận thức rõ rằng thỏa thuận với ĐCSTQ không khác gì một “giao kèo với quỷ” (Faustian bargain).
Trong khi đó, việc Hồng y Robert Prevost đánh bại một ứng viên sáng giá khác – cựu Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin – để trở thành giáo hoàng, cũng được nhìn nhận là dấu hiệu cho thấy Vatican có thể đang điều chỉnh quan điểm với ĐCSTQ.
Tiến sĩ Trương Mạnh Nhân, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn học Ý tại Đại học Công giáo Phụ Nhân (Đài Loan), nói với Đài Á Châu Tự Do rằng mặc dù chưa rõ lập trường của Giáo hoàng Leo XIV đối với vấn đề hai bờ eo biển Đài Loan, nhưng ông cho rằng: “Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục đàn áp người có đạo hoặc theo hướng ‘Trung Quốc hóa’ tôn giáo, thì tôi cho rằng vị giáo hoàng mới chưa chắc sẽ tiếp tục con đường nhượng bộ.”
Theo Ninh Hải Chung, Epoch Times
Dưới đây là niên biểu các sự kiện bao gồm các hoạt động của Pháp…
Ông Hồ Nhân, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần…
Độ rộng toàn thị trường nghiêng về sắc xanh với 502 mã tăng, 31 mã…
Bỏ bằng tốt nghiệp THCS, xây dựng hệ thống văn bằng số, hỗ trợ trường…
Sau hai ngày đàm phán, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tạm thời hạ thuế…
Các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine cần xem xét cả thực tế hiện…