Đáp trả việc Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng ông có thể sẽ đầu thai ở Ấn Độ trong tương lai và bất kỳ người nào được Trung Quốc dựng lên làm Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp không nên được tôn trọng, Bắc Kinh nói sự luân hồi của ngài phải tuân theo pháp luật của chính phủ Trung Quốc.
Năm 2019 kỷ niệm 60 năm cuộc nổi dậy Tây Tạng chống lại sự cai trị của chính quyền Bắc Kinh. Ngày 10/3/1959 một cuộc nổi dậy nổ ra tại thủ đô Lhasa của Tây Tạng, kéo theo sự bỏ chạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại cùng hàng ngàn người đi theo ông. Tại thị trấn phía bắc Ấn Độ Dharamshala, Đạt Lai Lạt Ma, người vẫn được coi là lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, đã thành lập một chính phủ Tây Tạng lưu vong vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Trong dịp kỷ niệm 60 năm nổi dậy, Đạt Lai Lạt Ma, 83 tuổi, nói với Reuters về khả năng ông sẽ luân hồi tại Ấn Độ theo truyền thống của Phật Giáo Tây Tạng.
“Trung Quốc xem việc đầu thai của Đạt Lai Lạt Ma là rất quan trọng. Họ còn quan tâm tới Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp hơn cả tôi”, lãnh đạo Phật giáo Tây tạng nói trong trang phục truyền thống gồm áo cà sa đỏ và khăn vàng.
“Trong tương lai, nếu các bạn chứng kiến 2 Đạt Lai Lạt Ma xuất hiện, một từ đây, một quốc gia tự do, và một được chọn bởi Trung Quốc, thì không ai sẽ tin, không ai sẽ tôn trọng (người được chọn bởi Trung Quốc). Vì thế nó có thêm một vấn đề cho Trung Quốc!”, ông vừa cười vừa nói.
Hôm 19/3, một ngày sau khi phát biểu của Đạt Lai Lạt Ma được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có phản ứng rằng Trung Quốc có các điều luật quản lý sự luân hồi của Phật sống và Đạt Lai Lạt Ma hiện tại cũng phải tuân thủ điều này.
Người phát ngôn Cảnh Sảng nói:
“Việc đầu thai của các vị phật sống là một thể chế đặc sắc được kế thừa trong Phật giáo Tây Tạng, xuất hiện với một loạt các tập tục và lễ nghi. Chính quyền Trung Quốc thi hành chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo. Thể chế đầu thai này được tôn trọng và bảo vệ bởi các cơ quan pháp lý như Luật Vấn đề Tôn giáo và Các biện pháp quản lý Sự Đầu thai của Phật sống.
Thể chế về đầu thai của Đạt Lai Lạt Ma đã tồn tại hàng trăm năm. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cũng được tìm thấy và công nhận dựa vào các lễ nghi tín ngưỡng và tập tục lịch sử đó, và sự tôn phong của ông cũng được chuẩn thuận bởi chính quyền trung ương. Do đó việc đầu thai của Phật sống, bao gồm Đạt Lai Lạt Ma phải tuân theo pháp luật Trung Quốc và các quy định, và theo nghi lễ tôn giáo cũng như tập tục lịch sử. “
Năm 2007, Ban quản lý nhà nước về vấn đề Tôn giáo Trung Quốc ban hành Các biện pháp về Quản lý sự Đầu thai của Phật sống. (Hiện tại Ban quản lý nhà nước về vấn đề Tôn giáo được đặt ngay trực tiếp dưới quyền điều khiển của Bộ Mặt trận Trung Ương thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc)
Điều 2 của Luật Quản lý đầu thai Phật sống quy định rằng “sự luân hồi của một Phật sống phải tuân theo các nguyên tắc bảo vệ sự thống nhất quốc gia, bảo vệ sự hòa hợp tôn giáo và xã hội và duy trì trật tự của Phật giáo Tây Tạng”. Ngoài ra luật còn yêu cầu “sự tái sinh của Phật sống không được bị can thiệp và kiểm soát bởi bất cứ một tổ chức hay cá nhân nào bên ngoài đất nước”.
Luật này được đưa ra rõ ràng nhằm chống lại việc Đạt Lai Lạt Ma trong tương lai, người đang sống lưu vong ở Ấn Độ. Từ lâu nhiều người đã nhận định rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ tìm cách chọn ra Đạt Lai Lạt Ma kế vị để đảm bảo lãnh đạo cao nhất của Phật Giáo Tây Tạng phù hợp với các yêu cầu, chính sách của Bắc Kinh.
Trọng Đạt
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…