Đạt Lai Lạt Ma: Không đầu thai tại Trung Quốc sau khi qua đời
- Đức Trí
- •
Lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma trong một cuộc phỏng vấn mới đây nói rằng sau khi ông qua đời, có thể ông sẽ đầu thai tại Ấn Độ, nơi ông sống lưu vong trong 60 năm qua và cảnh báo bất cứ người nào được chỉ định bởi Bắc Kinh để kế tục vị trí của ông không nên được tôn trọng.
Ngồi trong một căn phòng cạnh ngôi chùa vây quanh bởi các ngọn núi tuyết phủ, Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trả lời phỏng vấn của Reuters một ngày sau khi thị trấn Dharamshala kỷ niệm ngày ông cùng các tín đồ phật giáo Tây Tạng trốn khỏi thủ đô Tây Tạng Lhasa.
Ông bỏ chạy tới Ấn Độ vào đầu năm 1959 sau một cuộc nổi dậy thất bại chống lại quân đội Trung Quốc, và từ đó đã hoạt động nhằm thu hút sự ủng hộ của quốc tế đối với nỗ lực tự trị văn hóa và ngôn ngữ cho người dân Tây Tạng đang ngày càng bị chính quyền Bắc Kinh tìm cách đồng hóa.
Trung Quốc đã chiếm Tây Tạng từ năm 1950 và tuyên bố Đạt Lai Lạt Ma là một kẻ ly khai nguy hiểm.
Suy ngẫm về điều gì có thể xảy ra sau khi ông chết, Đạt Lai Lạt Ma dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ cố gắng tìm một người thừa kế.
“Trung Quốc xem việc đầu thai của Đạt Lai Lạt Ma là rất quan trọng. Họ còn quan tâm tới Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp hơn cả tôi”, lãnh đạo Phật giáo Tây tạng nói trong trang phục truyền thống gồm áo cà sa đỏ và khăn vàng.
“Trong tương lai, nếu các bạn chứng kiến 2 Đạt Lai Lạt Ma xuất hiện, một từ đây, một quốc gia tự do, và một được chọn bởi Trung Quốc, thì không ai sẽ tin, không ai sẽ tôn trọng (người được chọn bởi Trung Quốc). Vì thế nó có thêm một vấn đề cho Trung Quốc!”, ông vừa cười vừa nói.
Trung Quốc từng tuyên bố lãnh đạo của họ có quyền phê duyệt người kế nhiệm của Đạt Lai Lạt Ma như một di sản kế thừa từ các hoàng đế Trung Hoa.
Người Tây Tạng theo Phật giáo tin rằng linh hồn của một vị đại sư khi qua đời sẽ được đầu thai vào một em bé mới sinh. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, sinh năm 1935, được xác định là đầu thai chuyển thế của người tiền nhiệm khi ông 2 tuổi.
Phần lớn trong số 6 triệu người Tây Tạng vẫn tôn thờ Đạt Lai Lạt Ma bất chấp việc chính quyền Trung Quốc cấm trưng bày ảnh của ông hay các nghi lễ tôn kính công khai đối với ông.
Đạt Lai Lạt Ma nói rằng liên lạc giữa những người Tây Tạng sống trong nước và lưu vong đã gia tăng, nhưng chưa có cuộc gặp chính thức giữa quan chức Trung Quốc và giới chức của ông.
Tuy nhiên một số quan chức Trung Quốc đã về hưu và nhiều doanh nhân có quan hệ với Bắc Kinh cũng thi thoảng đến thăm ông, Đạt Lai Lạt Ma nói.
Ông nói rằng vai trò của Đạt Lai Lạt Ma sau khi ông chết, bao gồm cả việc có tiếp tục danh hiệu này không, sẽ được thảo luận tại cuộc gặp các nhà sư Phật giáo Tây Tạng tại Ấn Độ trong năm nay. Ông khẳng định rằng nếu ông không đầu thai thì các bài học của ông vẫn tiếp tục.
“Nếu đa số người dân Tây Tạng thực sự muốn giữ lại thể chế này, thì thể chế này sẽ tiếp tục. Rồi đến câu hỏi về sự đầu thai của Đạt Lai Lạt Ma thứ 15”, ông nói.
Nếu đầu thai tiếp, ông vẫn sẽ không giữ trách nhiệm chính trị. Đạt Lai Lạt Ma từ bỏ vai trò lãnh đạo chính trị từ năm 2001 sau khi phát triển một mô hình dân chủ cho khoảng 100.000 người Tây Tạng theo ông sống lưu vong ở Ấn Độ.
Trong buổi phỏng vấn, Đạt Lai Lạt Ma nói về sự quan tâm của ông tới vũ trụ học, sinh học thần kinh, vật lý lượng tử và tâm lý học. Ông nói nếu ông được trở về quê hương, ông muốn nói về những chủ đề này trong một trường đại học Trung Quốc.
Tuy nhiên ông không kỳ vọng trở về khi Trung Quốc vẫn dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản.
“Trung Quốc – một quốc gia vĩ đại, một quốc gia cổ xưa – nhưng hệ thống chính trị của họ là một hệ thống chuyên chế, không có tự do. Vì thế tôi thích ở đây hơn, tại đất nước này.”
Đạt Lai Lạt Ma là con của một gia đình nông dân tại Taktser, một ngôi làng ở rìa đông bắc cao nguyên Tây Tạng, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc.
Khi phóng viên Reuters đến làng Takter, cảnh sát trang bị vũ khí tự động đã chặn con đường vào làng. Cảnh sát và hơn chục quan chức mặc thường phục nói rằng làng không mở cửa đón người ngoài.
“Sức mạnh của chúng ta dựa vào sự thật. Sức mạnh của Trung Quốc dựa vào nòng súng. Ở ngắn hạn, súng ống cứng rắn hơn nhưng trong dài hạn, sự thật có sức mạnh to lớn hơn”, Lạt Ma nói.
Truyền thống chọn Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp
Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma sẽ chọn một cơ thể kế tiếp để đầu thai vào sau khi ông qua đời. Các vị Đạt Lai cấp cao của phái Cách-lỗ có trách nhiệm tìm kiếm đứa trẻ mà vị Đạt Lai đời trước chuyển sinh vào, thông qua các dấu hiệu, giấc mơ hoặc hình ảnh trong khi thiền định. Chẳng hạn khi hỏa táng Đạt Lai Lạt Ma, họ có thể dựa vào hướng khói bay để xác định vị trí mà ngài sẽ đầu thai. Các vị Lạt Ma cấp cao thường ngồi thiền bên bờ hồ Lhamo La-Tso linh thiêng của Tây Tạng và chờ đợi các hình ảnh xuất hiện. Truyền thống này bắt nguồn từ câu chuyện rằng vị nữ thần hồ La-Tso đã hứa với Đạt Lai Lạt Ma thứ nhất sẽ bảo vệ ngài trong quá trình ngài chuyển sinh. Quá trình tìm kiếm có thể mất hàng năm.
Sau khi giải mã được các dấu hiệu và tìm ra đứa trẻ, họ sẽ thực hiện một loạt các bài kiểm tra. Một trong các bài kiểm tra là đứa trẻ sẽ được đưa cho xem nhiều đồ vật để xem có thể tìm được những gì thuộc về Đạt Lai Lạt Ma đã qua đời hay không. Nếu chỉ có một bé trai được tìm thấy, các lạt ma trưởng lão sẽ thông báo với các bậc chức sắc tôn giáo trước khi truyền tin cho chính phủ Tây Tạng. Nếu có nhiều hơn một bé trai vượt qua các thử thách trên, giới chức và các lạt ma sẽ tiến hành rút thăm công khai.
Đứa trẻ được xác định là Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp và gia đình sẽ được đưa tới thủ đô Lhasa để học tập kinh Phật và các kiến thức tích lũy của các Đạt Ma đời trước để chuẩn bị cho vị trí lãnh đạo tôn giáo.
Đức Trí
Xem thêm:
Từ khóa Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma Trung Quốc