Phần lõi của tên lửa Trung Quốc dự kiến sẽ rơi không kiểm soát vào bầu khí quyển Trái đất vào cuối tuần này, nhưng Bắc Kinh đã trấn an dư luận và cho biết nguy cơ thiệt hại rất thấp.
Tên lửa Trường Chinh 5B được sử dụng để phóng module Thiên Hà cho trạm vũ trụ mới đầu tiên mà Trung Quốc dự định xây dựng trong không gian vào ngày 29/4.
Hiện module Thiên Hà đã ở đúng quỹ đạo sau khi tách khỏi lõi của tên lửa. Tuy nhiên, phần lõi thay vì rơi xuống điểm đã định trên biển như trước đây, nó bắt đầu xoay quanh địa cầu không thể kiểm soát.
Phần lõi nặng ước tính 21 tấn hiện đang rơi tự do và các chuyên gia cho biết rất khó để nói chính xác nó sẽ rơi cụ thể vào khu vực và thời gian nào.
Theo Lầu Năm Góc, tên lửa dự kiến sẽ rơi vào khoảng 11 giờ tối theo giờ GMT ngày thứ Bảy (8 giờ sáng Chủ nhật, giờ Việt Nam), với khoảng sai số là +/- 9 tiếng.
Mặc dù nó sẽ bị bốc cháy khi ngang qua tầng khí quyển, nhưng các chuyên gia vẫn lo ngại các mảnh vỡ sẽ gây ra những thiệt hại đáng kể.
Tuy vậy, nhà chức trách Trung Quốc cho biết hầu hết phần còn lại của tên lửa sẽ bị đốt cháy khi lao qua bầu khí quyển.
“Xác suất gây hại trên mặt đất là cực kỳ thấp”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói với các phóng viên hôm thứ Sáu.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Mike Howard cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ hạ cánh ở một nơi mà nó sẽ không gây hại cho bất kỳ ai.”
Ông Howard nói rằng Hoa Kỳ đang theo dõi phần lõi tên lửa đang rơi nhưng “không thể xác định chính xác điểm rơi vào bầu khí quyển Trái đất trừ phi cách thời điểm rơi vài giờ.”
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trước đó cho hay quân đội Mỹ không có kế hoạch bắn hạ tên lửa, đồng thời nói Trung Quốc đã sơ suất để nó rơi khỏi quỹ đạo.
Florent Delefie, một nhà thiên văn học tại Đài quan sát Paris-PSL cho biết: “Với kích thước của vật thể, chắc chắn sẽ có những mảnh lớn còn sót lại.”
“Cơ hội để các mảnh vỡ rơi xuống khu vực có người ở là rất nhỏ, có thể là một phần triệu.”
Vào năm 2020, các mảnh vỡ từ một tên lửa Trường Chinh khác đã rơi xuống các ngôi làng ở Bờ Biển Ngà, gây ra một số thiệt hại nhưng không có người bị thương hoặc tử vong.
Một nhà vật lý thiên văn người Ý đã chụp được lõi tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc khi nó đang rơi mất kiểm soát xuống Trái Đất.
Gianluca Masi, người điều hành Dự án Kính viễn vọng Ảo, đã chụp một bức ảnh phơi sáng 0,5 giây về tên lửa Trường Chinh 5B đang di chuyển nhanh từ Ý bằng cách sử dụng kính thiên văn robot Paramount 17 inch “Elena”.
“Vào thời điểm chụp ảnh, lõi tên lửa cách kính thiên văn của chúng tôi khoảng 700 km, trong khi mặt trời chỉ ở dưới đường chân trời vài độ, vì vậy bầu trời cực kỳ sáng. Điều kiện này khiến việc chụp ảnh rất khó khăn, nhưng kính thiên văn robot của chúng tôi đã thành công,” ông Masi viết trong một thông cáo.
Xuân Lan (t/h)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…