Ngày 30/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố Báo cáo Nhân quyền Quốc gia năm 2020, lần đầu tiên kết luận rằng ĐCSTQ phạm tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người ở Tân Cương, và lo ngại về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, các nhà hoạt động nhân quyền…
Báo cáo thường niên có ý nghĩa quan trọng này do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đệ trình lên Quốc hội giải thích tình hình nhân quyền ở gần 200 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Nga.
Trong buổi họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Blinken khẳng định: “Một trong những nguyên tắc cốt lõi của quyền con người là tính phổ quát. Tất cả mọi người, bất kể nơi sinh, tín ngưỡng hay bất kỳ đặc điểm nào khác, đều có quyền được hưởng những quyền này”.
“Chính phủ Biden – Harris phản đối vi phạm nhân quyền, ở bất cứ đâu, bất kể người vi phạm là đối thủ hay đối tác.”
“Bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ. Chúng tôi ủng hộ tự do và công lý cho tất cả mọi người, không chỉ ở đây, mà trên toàn thế giới.”
Ông Blinken cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm nhân quyền. Phương phức là các cơ quan hành pháp hợp tác với Quốc hội Hoa Kỳ để sử dụng các công cụ lập pháp như “Đạo luật Trách nhiệm Giải trình Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu” và “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông”. Cách khác là thông qua các lệnh trừng phạt kinh tế và hạn chế thị thực, đồng thời khuyến khích các quốc gia thực hiện các bước tích cực nhằm tôn trọng nhân quyền.
Ông trích dẫn ví dụ việc Hoa Kỳ gần đây đã phối hợp với Canada, Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh để trừng phạt những người vi phạm nhân quyền thực hiện hành vi tàn bạo ở Tân Cương, Trung Quốc.
Ông Blinken cho biết thêm, các biện pháp trừng phạt thị thực cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của những người vi phạm nhân quyền.
Phần Trung Quốc của báo cáo nêu rõ rằng: “Nạn diệt chủng và tội ác chống lại loài người đã xảy ra ở Tân Cương, chống lại người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu là người Hồi giáo, và các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác”.
“Những tội ác này vẫn đang tiếp tục…”
Báo cáo lần đầu tiên đề cập rằng, ngoài việc đưa “hơn một triệu” người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác vào các trại tạm giam, “còn có hai triệu người khác bị ‘giáo dục lại’ vào ban ngày”.
Báo cáo cũng lo ngại về việc đàn áp các nhóm Pháp Luân Công, người Tây Tạng, người Công giáo và người Hồng Kông.
“Chính phủ (ĐCSTQ) giết hại, cưỡng chế mất tích và thực hiện tra tấn một cách tùy tiện hoặc bất hợp pháp, môi trường nhà tù hoặc giam giữ quá tồi tệ dẫn đến đe dọa tính mạng …”
“Chính quyền sử dụng biện pháp giam giữ hành chính để đe dọa những người khởi xướng chính trị và tôn giáo cũng như ngăn cản các cuộc biểu tình của công chúng.”
“Các hình thức giam giữ hành chính bao gồm …thiết lập ‘giam giữ và đào tạo’ và ‘trung tâm pháp chế’ đối với các nhà hoạt động chính trị và tín đồ tôn giáo, đặc biệt là đối với các học viên Pháp Luân Công.”
Báo cáo đặc biệt đề cập về việc học viên Pháp Luân Công Biện Lệ Triều (Bian Lichao) vẫn đang bị giam giữ.
Báo cáo đề cập đến các luật sư nhân quyền bị ĐCSTQ giam giữ, như luật sư Cao Chí Thịnh, Dư Văn Sinh, Hạ Lâm, v.v.
Nội dung viết: “Chính phủ (ĐCSTQ) đã đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh/ giấy phép luật sư của một số luật sư đại diện cho các vụ án nhạy cảm, chẳng hạn như các vụ án liên quan đến các nhà bất đồng chính kiến dân chủ, nhà hoạt động giáo hội tại gia, học viên Pháp Luân Công hoặc các nhà phê bình chính phủ.”
“Vào tháng Năm, chính quyền Nam Ninh (Quảng Tây) đã bí mật thẩm vấn luật sư Đàm Vĩnh Phái (Qin Yongpei), không cho phép luật sư biện hộ nào tham gia. Luật sư Đàm Vĩnh Phái từng thụ lý một số vụ án nhân quyền, bao gồm cả ‘sự kiện 709′ (vào ngày 9/7/ 2015, ĐCSTQ đã tiến hành một cuộc đàn áp quy mô lớn các luật sư nhân quyền và những người ủng hộ quyền khác) và các học viên Pháp Luân Công.”
“Vào tháng Tám, Sở Tư pháp tỉnh Hồ Nam đã thu hồi giấy phép của luật sư nhân quyền Tạ Dương (Xie Yang) vì cáo buộc kích động lật đổ quyền lực nhà nước năm 2017. Ông Tạ là luật sư bị giam giữ trong ‘sự kiện 709′.”
Báo cáo cũng đề cập đến nhiều tù nhân và nhà hoạt động chính trị Trung Quốc bị giam giữ, như: Quách Phi Hùng (Guo Feixiong), Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), các học giả người Duy Ngô Nhĩ Ilham Tohti, Rahile Dawut, nhà hoạt động Vương Bỉnh Chương (Wang Bingzhang), Trần Kiến Phương (Chen Jianfang), Hoàng Kỳ (Huang Qi), nhà hoạt động dân chủ Đài Loan Lý Minh Triết (Li Mingzhe), mục sư Trương Thiểu Kiệt (Zhang Shaojie) và Vương Di (Wang Yi), linh mục Công giáo Thượng Hải Mã Đại Khâm (Ma Daqin), v.v.
Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến việc chính quyền ĐCSTQ để mất tích 4 nhà báo công dân đưa tin về thời kỳ đầu dịch viêm phổi Vũ Hán. Các học giả Trung Quốc đi chệch khỏi định hướng thông tin về dịch bệnh của chính quyền ĐCSTQ đã bị quấy rối và kiểm duyệt, trong một số trường hợp đã bị nhà trường và cảnh sát can thiệp.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba (ngày 30/3), ông Blinken nói rằng có bằng chứng cho thấy sự thụt lùi nhân quyền trên toàn thế giới.
“Chúng tôi nhìn thấy những hành động diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu là người Hồi giáo và các dân tộc thiểu số và tôn giáo khác ở Tân Cương; ở Nga, Uganda, Venezuela và các quốc gia khác, họ nhắm vào các chính trị gia đối lập, nhà hoạt động chống tham nhũng và nhân viên truyền thông độc lập. Hành hung và bỏ tù, bắt giữ tùy tiện, đánh đập và các hành vi bạo lực khác đối với những người biểu tình ở Belarus”, ông Blinken nói.
Ông cũng nói về tình hình mới nhất ở Myanmar: “Những người biểu tình bất bạo động ở Myanmar đã bị giết hại, bị đánh đập và bị bỏ tù. Hôm thứ Bảy, có thông tin cho biết hơn 100 người đã bị quân đội giết hại, rất nhiều người đã tham gia biểu tình vào Ngày Quân nhân hôm đó, một số chỉ là người đứng xem.”
Ngoại trưởng Blinken đề cập việc một số chính phủ đã sử dụng cuộc khủng hoảng COVID-19 “như một cái cớ để hạn chế quyền của người dân và củng cố quyền cai trị độc tài.”
Ông cho biết, Hoa Kỳ sẽ tái tham gia vào các tổ chức quốc tế như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ngay cả khi các tổ chức đó có sai sót. Ông nói thêm rằng để làm cho một tổ chức như vậy tốt hơn, Hoa Kỳ cần phải “ngồi vào bàn”.
Về Nga, báo cáo nhấn mạnh “các báo cáo đáng tin cậy” liên kết vụ đầu độc Navalny của phe đối lập với Cơ quan An ninh Liên bang Nga.
Báo cáo cũng nêu quan ngại về khu vực Tigray của Ethiopia và kêu gọi sự chú ý đến các vấn đề nhân quyền ở Yemen, Syria, Venezuela và Nicaragua.
Theo luật, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đệ trình các báo cáo nhân quyền quốc gia lên Quốc hội hàng năm để các nhà lập pháp tham khảo khi xem xét luật pháp, phê duyệt viện trợ nước ngoài và các quyết định khác.
Mộc Lan (t/h)
Xem thêm:
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…