Thế Giới

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân tích rất nghiêm túc, rằng chiến tuyến Ukraine có thể sẽ sụp đổ. Không chỉ chiến tuyến phía Đông, nơi mà quân Nga đã chiếm được đất trong năm 2024 nhiều gấp 6 lần họ đã làm năm 2023, mà kể cả chiến tuyến tại Kursk, nơi đang tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất của Ukraine. Bài báo được BBC cho đăng 2 hôm trước, sau khi truyền thông Tây phương loan tin Mỹ đang gấp rút chuyển vũ khí cho chính quyền Kiev, kể cả mìn sát thương vốn đã được coi là bị cấm bởi luật quốc tế, đồng thời cho phép dùng vũ khí tầm xa của Mỹ và NATO tấn công vào lãnh thổ Nga.

BBC: “Các chuyên gia cảnh báo chiến tuyến của Ukraine có thể sụp đổ trước bước tiến của quân Nga” (ảnh chụp màn hình bài báo của BBC hai hôm trước)

Tạm gạt sang một bên các nghi ngờ phải chăng có động cơ chính quyền Biden đang cố ý làm khó Tổng thống Đắc cử Donald Trump, vì ông Trump khi tranh cử đã tuyên bố hùng hồn rằng sẽ chấm dứt sớm chiến tranh Ukraine, thì một loạt các tăng cường ủng hộ mà Mỹ dành cho chính quyền Kiev có thể còn có một nguyên nhân nữa, đó là bởi vì chiến tuyến của Ukraine có thể đang bên bờ “sụp đổ” (collapse), như tình hình chiến tranh trên thực địa cho thấy.

Nga liên tục lấn đất ở chiến tuyến phía Đông

BBC dẫn nguồn bản đồ của ISW (Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ), nơi liên tục đăng bản đồ tình hình chiến sự Ukraine trong suốt thời gian qua, cho thấy rằng năm nay, 2024, Nga chiếm được thêm 2.700 km2, vậy là gần như gấp 6 lần so với năm ngoái, 465 km2.

BBC cũng chỉ ra rằng, tốc độ lấn đất của quân Nga thậm chí còn đang tăng nhanh qua thời gian, khiến Ukraine mất đi hơn 1.000 km2 kể từ 1/9 tới 3/11.

Chiến tuyến phía Đông Ukraine “có thể sẽ sụp đổ,” BBC dẫn lời của Marina Miron, một chuyên gia quốc phòng của Kings College London, nếu Tây phương không có cách nào làm giảm bước tiến của quân Nga.

Vài tháng trở lại đây, truyền thông Tây phương đã bắt đầu không miêu tả rằng chiến tuyến phía Đông Ukraine là ở trạng thái “đình trệ” (stalemate) nữa, nhưng có lẽ báo cáo này của BBC là một trong các báo cáo đầu tiên Tây phương đề cập tới khả năng “sụp đổ” (collapse) của chiến tuyến Ukraine.

Trong một phân tích của vlog quân sự về chiến tuyến phía Đông, thì cả 2 phe Nga và Ukraine hiện nay đều tổ chức các nhóm quân nhỏ (từ dưới 10 người cho tới dưới 50 người) để tiến hành giao tranh ở chiến tuyến này. Theo vlog đó là do cả 2 phe đều nhận ra, qua các bài học đắt giá bằng xương máu, rằng các cuộc tấn công quy mô lớn là không hiệu quả.

Như vlog chỉ ra, đó là vì vệ tinh và drone thám thính đã phát huy quá mạnh. Hình ảnh mà người ta quen thuộc trong chiến tranh truyền thống, về việc tập trung lượng lớn quân đội, xung phong, v.v. là đã thuộc về quá khứ. Hiện nay, hễ vệ tinh hay drone thám thính biết được quân đối phương có dấu hiệu tập trung, thì pháo cối và pháo kích truyền thống sẽ được huy động.

Trong chiến dịch phản công mùa Hè năm ngoái, Nga đã tương kế tựu kế, theo vlog. Họ đào rất nhiều giao thông hào và rải rất nhiều các cái mà gọi là “răng rồng” (một loại chướng ngại). Đó là những thứ có thể được vệ tinh của NATO nhìn thấy. Sau khi pháo kích xong, quân Ukraine bèn cho rằng chiến địa đã an toàn vào đưa bộ binh và xe tăng vào, kết quả là gặp phục kích của Nga. Các giao thông hào và dải răng rồng, có rất nhiều là được làm ra để nghi binh, chứ không phải là thật sự được dùng.

Theo vlog, cách chia quân thành các nhóm nhỏ, dẫn tới giao tranh giằng co trên nhiều điểm của chiến tuyến. Tổn thất về người là rất cao.

Sự thất bại của quân Ukraine liên tục trong thời gian dài ở chiến tuyến phía Đông trong nhiều tháng, cộng với các căng thẳng tăng dần khi bắt lính ngày càng khó khăn ở hậu phương đã dẫn tới tinh thần chiến đấu giảm.

  • Theo một bài giải độc thông tin đã cho rằng phe Nga xuyên tạc ý của tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội GUR của Ukraine. Theo bài giải độc này, thì Budanov trong một cuộc tọa đàm với sinh viên đã nói rằng: Nếu tuổi huy động [bắt buộc nhập ngũ] giảm từ 25 xuống 18 tuổi, thì Ukraine có thể cầm cự tới 2033. Bài ‘giải độc’ cho rằng phe Nga đã lấy câu nói đó như là bằng chứng Budanov muốn hạ độ tuổi bắt lính. Kỳ thực, ngay sau khi nói câu ấy, theo bài giải độc viết, thì Budanov đã nói rằng điều đó sẽ không xảy ra đâu, và ông giải thích rằng “không nền kinh tế nào trụ vững nổi thời gian lâu đến thế trong trạng thái chiến tranh này.”

Quân Ukraine tổ chức cuộc đột phá vào tỉnh Kursk của Nga, theo như tuyên bố của Kiev, là để giảm bớt căng thẳng ở chiến tuyến phía Đông, cũng là phản ánh tình trạng này.

Chiến tuyến tại tỉnh Kursk cũng bên bờ sụp đổ

Nguyên từ ngữ được dùng trong báo cáo của BBC“The Kursk gambit” (vụ đánh cược Kursk).

BBC dẫn lời bình của chuyên gia Miron rằng chiến dịch Kursk không chỉ là một “sáng kiến về chiến thuật” (tactical brilliance) nhất thời, mà còn là “thảm kịch về chiến lược” (strategic catastrophe) khi nhìn toàn cục chiến tranh Ukraine.

“Toàn bộ ý tưởng [của chiến dịch Kursk] ấy là có thể đạt được một chút đòn bẩy chính trị trong các cuộc đàm phán tiềm năng, đồng thời về mặt quân sự là nhằm kéo lực lượng Nga ra khỏi Donbass để [quay về nước] giải phóng Kursk,” chuyên gia Miron phân tích. “Nhưng [kết quả] thực tế, điều chúng ta đang chứng kiến ấy là quân Ukraine đang bị sa lầy ở đó.”

Theo BBC hiện nay những binh lính “có kinh nghiệm nhất và thiện chiến nhất” của Ukraine đã được điều tới chiến đấu ở tỉnh Kursk, và một phần các vũ khí tối tân nhất mà Tây phương đưa vào chiến trường Ukraine là cũng được điều tới mặt trận Kursk.

Kỳ vọng đạt được lợi thế cho đàm phán có nguy cơ phản tác dụng, bởi vì điều kiện tiên quyết ở đây là quân Kiev do Tây phương nâng đỡ phải chiến thắng trên chiến trường mới được. Nếu đang thua, thì hiển nhiên, nó không những không đem lại lợi thế cho đàm phán, mà còn có nguy cơ gây tác hại cho đàm phán.

Kỳ vọng Nga phải rút bớt quân ở Donbass để về cứu Kursk đã không xảy ra.

“Theo các binh sĩ Ukraine từ các điểm khác nhau nơi tiền tuyến, quân Nga tăng viện cho Kursk chủ yếu được rút khỏi từ Kherson và Zaporizhzhia,” theo Yurri Clavilier, một nhà phân tích chiến lược nói với BBC.

“Cuộc chiến ở đó [Kherson và Zaporizhzhia] không khốc liệt như ở [Donbass] phía Đông. Một số đơn vị Nga tấn công Kharkov cũng được chuyển hướng đến Kursk.”

Ngoài ra, lãnh thổ có phải là quân bài có thể được dùng cho đàm phán hay không? Nó có sức nặng ngần nào? Kỳ thực nó là phải tùy vào phần đất đó có giá trị thế nào mới được.

Nga là nước có rất nhiều đất, đất rộng người thưa. Kursk là tỉnh biên giới, cũng là đất rộng người thưa. Ở đó có duy nhất nhà máy điện nguyên tử là có giá trị, nhưng mà nơi đó Nga phòng thủ rất chặt.

Phía Nga đã nhiều lần bác bỏ lập luận mà truyền thông Tây phương miêu tả rằng Nga ham muốn lãnh thổ của Ukraine, thậm chí muốn khôi phục lại Đế quốc Nga thời Sa hoàng.

Hiện nay, Nga đã sáp nhập Crimea (nơi có vị trí chiến lược tại Biển Đen) và 4 tỉnh phía Đông Ukraine (tạo thành hành lang trên bộ nối từ Nga tới Crimea).

Ngoài hai mục tiêu nêu trên của chiến dịch Kursk, được trình bày công khai, thì còn mục tiêu nữa mà giới quan sát còn cho rằng chiến dịch này còn là để cung cấp thành tích cho cuộc bầu cử Mỹ, khi mà sau gần 180 tỷ chính quyền Biden chi cho Kiev, vẫn không có được thành tích đáng kể nào hữu dụng cho cuộc bầu cử. Trái lại, phe đối lập thường xuyên chỉ trích các khoản chi khổng lồ cho chiến tranh ở một châu lục khác, trong khi tình hình trong nước Mỹ đang không phải là tốt. Tuy nhiên, tính đến nay, dường như chiến dịch Kursk đã không đạt được mục đích này. Ngoài ra bầu cử tổng thống Mỹ đã xong, bức tranh bối cảnh đã thay đổi.

BBC cũng dẫn chứng bản đồ tình hình chiến sự từ ISW. Các bản đồ cho thấy, ban đầu khi 10.000 quân Ukraine được huy động đánh bất ngờ hồi đầu tháng 8, đã nhanh chóng chiếm được rất nhiều đất của tỉnh biên giới Kursk của Nga, khoảng gần 1.000 km2, tạo ra tinh thần phấn chấn cho quân Kiev.

Lưu ý rằng, lúc đó có các bình luận rằng số liệu trên bản đồ chưa phản ánh đúng thực tế, vì trong 1.000 km2 đó, không phải chỗ nào quân Ukraine cũng thực sự kiểm soát được. Do đặc điểm đất rộng người thưa, quân Ukraine chỉ là đánh tới, cắm cờ, rồi lại di chuyển. Sau này quân Ukraine mới điều thêm quân vào Kursk, và thực sự chiếm đóng và kiểm soát được một phần trong số 1.000 km2 mà họ tuyên bố đã lấy được từ Nga. Tuy nhiên rất khó đánh giá cụ thể.

Tiếp đó là phản công một cách chậm trễ của quân Nga.

Tuy nhiên, quân Nga đã tiến quân mạnh hơn vào thời gian gần đây, kể từ tháng 10, và theo bản đồ, thì họ đã lấy lại được gần 600 km2 đất tính đến nay.

Nhật Tân

Nhật Tân

Published by
Nhật Tân

Recent Posts

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

38 phút ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

2 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

2 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

2 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

2 giờ ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

2 giờ ago