Hôm thứ Ba (6/9), Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố gói tài trợ trị giá 50 tỷ USD, nhằm xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ trong các nỗ lực khoa học và công nghệ, nhằm chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Trong “Quỹ CHIP cho nước Mỹ” (CHIPS for America Fund), khoảng 28 tỷ USD dự kiến sẽ được sử dụng trong các khoản tài trợ và cho vay, để giúp các công ty xây dựng cơ sở tại Hoa Kỳ trong việc sản xuất, lắp ráp và đóng gói chip tiên tiến trên thế giới.
Chip (chất bán dẫn) là thành phần quan trọng của điện thoại di động, máy tạo nhịp tim và máy pha cà phê, cùng các công nghệ tiên tiến, như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và máy bay không người lái.
10 tỷ USD khác trong dự luật sẽ được sử dụng để mở rộng sản xuất các công nghệ thế hệ cũ, được sử dụng trong công nghệ ô tô và truyền thông, cũng như công nghệ đặc biệt và các nhà cung cấp khác trong ngành. 11 tỷ USD khác sẽ dành cho các chương trình nghiên cứu và phát triển liên quan đến ngành này.
New York Times đưa tin, trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, bà Gina Raimondo cho biết bộ đặt mục tiêu bắt đầu thu hút đơn đăng ký từ các doanh nghiệp chậm nhất là tháng Hai năm sau, và có thể bắt đầu giải ngân vào mùa xuân tới.
Quỹ này được Quốc hội phê duyệt vào tháng Bảy, nhằm khuyến khích Hoa Kỳ sản xuất chất bán dẫn quan trọng chiến lược, kích thích nghiên cứu và phát triển trong công nghệ chip thế hệ tiếp theo. Chính quyền Biden cho biết, các khoản đầu tư này sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài, vốn đang nổi lên như một “mối đe dọa khẩn cấp” đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Các chuyên gia thương mại gọi quỹ này là khoản đầu tư quan trọng nhất vào chính sách công nghiệp mà Hoa Kỳ thực hiện trong ít nhất 50 năm qua.
Căng thẳng Mỹ-Trung về Đài Loan đang nóng lên trong bối cảnh thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu. Đài Loan dân chủ là nguồn cung cấp hơn 2/3 lượng chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới. Tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn cũng thúc đẩy lạm phát toàn cầu, vì giá cả và thời gian giao hàng đối với đồ điện tử, thiết bị gia dụng và ô tô đều tăng.
Trong một tài liệu chiến lược, Bộ Thương mại cho biết Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu toàn cầu về thiết kế chip, nhưng đã mất vị trí dẫn đầu trong việc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới. Vài năm qua, Trung Quốc đã chiếm một phần lớn trong lĩnh vực sản xuất mới.
Các cơ sở bán dẫn, hay nhà máy chế tạo chất bán dẫn (fab), có chi phí xây dựng rất tốn kém, khiến các công ty tách thiết kế chip ra khỏi sản xuất. Nhà Trắng cho biết cách làm này rất rủi ro, khiến ngành công nghiệp chip phụ thuộc vào các nguồn cung từ nước ngoài.
Bộ Thương mại cho biết, khoản tài trợ này nhằm giúp các công ty bù đắp chi phí xây dựng và vận hành các cơ sở ở Hoa Kỳ cao hơn các quốc gia khác, và khuyến khích các công ty xây dựng những nhà máy lớn hơn ở Hoa Kỳ. Các công ty trong nước và nước ngoài đều có thể đăng ký các quỹ này, miễn là họ đầu tư vào các dự án liên quan tại Hoa Kỳ.
Bộ cho biết để nhận được tài trợ, các công ty cần chứng minh khả năng kinh tế lâu dài trong dự án của họ, cũng như “lợi ích lan tỏa” cho cộng đồng, như đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phát triển lực lượng lao động, hoặc khả năng thu hút các nhà cung cấp và khách hàng.
Một trong những thách thức lớn nhất của Bộ Thương mại là đảm bảo nguồn tài trợ của chính phủ có thể bổ sung, chứ không phải thay thế số tiền mà các công ty sản xuất chip đã lên kế hoạch đầu tư. Các công ty như GlobalFoundries, Micron, Qualcomm và Intel đã công bố kế hoạch đầu tư lớn vào các cơ sở của Hoa Kỳ có đủ điều kiện nhận tài trợ của chính phủ.
Đạo luật CHIP quy định các công ty được cấp vốn không được đầu tư vào công nghệ cao mới ở Trung Quốc, hoặc các “quốc gia được quan tâm” khác trong ít nhất 10 năm, trừ khi họ sản xuất “chip truyền thống” công nghệ thấp hơn, chỉ để phục vụ các thị trường tại địa phương. Các khoản tiền sẽ bị thu hồi nếu công ty nhận tài trợ bị phát hiện vi phạm trong quá trình xem xét.
Dưới cạnh tranh từ Mỹ và các nước phương Tây khác trong lĩnh vực chip, từ năm 2013 lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đề xuất yêu cầu Trung Quốc phải làm chủ các công nghệ cốt lõi, cho rằng “cần phải nỗ lực rất nhiều trong các lĩnh vực quan trọng như vấn đề chip”.
Con chip 7 nanomet của Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải (SMIC) đã bị nghi ngờ sao chép từ TSMC – công ty sản xuất và thiết kế bán dẫn lớn nhất của Đài Loan. Ngày 22/7, ông Lâm Tu Dân, giảng viên Khoa Quản lý Kinh doanh của Đại học Soochow (Đài Loan) cho biết, sao chép đã bị nghi ngờ một cách hợp lý. Có học giả kêu gọi Chính phủ Đài Loan cần ngăn chặn, không để Trung Quốc đạt được mục đích sao chép.
Trước đó, vào năm 2002 và 2006, TSMC đã kiện SMIC 2 lần vì sao chép công nghệ xử lý chip, vụ kiện kéo dài 8 năm, mãi đến năm 2009 hai bên mới đạt được hòa giải. SMIC phải bồi thường cho TSMC 200 triệu USD, và chia cho TSMC 8% cổ phần.
Theo Liberty Times, ông Lý Chung Hiến, giáo sư Khoa Điện tại Đại học Thành Công của Đài Loan, Trung Quốc đã phát hiện ra lỗ hổng, so với việc đàm phán thương thảo với Mỹ, thì việc lôi kéo người và ăn cắp từ Đài Loan nhanh hơn.
“Dự luật Chip và Khoa học” được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng Tám sẽ phân bổ 52 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất chip tiên tiến ở Mỹ. Dự luật cũng bao gồm “lan can” ngăn những bên nhận tài trợ liên bang mở rộng hoặc nâng cấp công suất chip tiên tiến ở Trung Quốc trong 10 năm tới.
Bà Raimondo nói: “Chúng tôi sẽ thực hiện một quy trình cạnh tranh minh bạch, nghiêm túc. Chúng tôi đang thương lượng cho từng xu tiền của người đóng thuế.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào tuần trước, bà Raimondo cho biết ưu tiên hiện tại là có một nhóm tại chỗ, để giám sát chương trình và sau đó ban hành “các nguyên tắc và hướng dẫn cấp cao, về cách chúng tôi sẽ vận hành chương trình này”; sau đó trong “những tháng tới”, họ sẽ có được sự tham gia khá tích cực của các bên liên quan.
Bà Raimondo nói ngoài các quy định mới cấm đầu tư vào các cơ sở sản xuất chip ở Trung Quốc, các quan chức chính quyền Biden cũng nhất trí rằng Nhà Trắng nên thực hiện các bước hành pháp, để xem xét đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp khác. Nhưng chi tiết cụ thể vẫn đang trong quá trình làm việc.
Chính quyền Biden cũng đã thực hiện nhiều biện pháp, nhằm hạn chế các loại thiết bị và chất bán dẫn tiên tiến được xuất khẩu từ Hoa Kỳ.
Bà Raimondo từ chối thảo luận chi tiết về việc kiểm soát xuất khẩu, nhưng cho biết bộ đang “liên tục đánh giá” các nỗ lực của mình, gồm cách hợp tác tốt nhất với các đồng minh, nhằm không cho ĐCSTQ có được thiết bị, phần mềm và công cụ mà nước này sử dụng để củng cố ngành công nghiệp bán dẫn của mình.
Trong tuyên bố của mình, Bộ Thương mại cho biết, hướng dẫn cụ thể về cách các công ty có thể đăng ký “Quỹ Chip cho nước Mỹ” sẽ được công bố vào đầu tháng 2/2023.
Hôm thứ Ba, Bộ Thương mại cho biết, vào trước tháng Hai, họ sẽ bắt đầu tìm kiếm các đơn đăng ký, với khoản trợ cấp chip bán dẫn của Chính phủ trị giá 39 tỷ USD, để xây dựng các cơ sở mới và mở rộng sản xuất hiện có của Hoa Kỳ.
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…