(Ảnh: Shutterstock)
John Healey: ‘Nếu phải chiến đấu [vì Đài Loan], Úc và Vương quốc Anh sẽ chiến đấu cùng nhau’
Người dân tập trung xem tàu sân bay HMS Prince of Wales của Anh rời Căn cứ Hải quân Portsmouth ở bờ biển phía nam nước Anh, ngày 22 tháng 4 năm 2025, để triển khai đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. (Ảnh: Ben STANSALL / AFP) (Ảnh: BEN STANSALL/AFP qua Getty Images)
Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey nói rằng, Vương quốc Anh sẵn sàng chiến đấu ở Thái Bình Dương nếu Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xâm lược Đài Loan.
Ông Healey đã phát biểu trên tàu HMS Prince of Wales bên cạnh Richard Marles, Phó Thủ tướng Úc, khi con tàu cập cảng tại Darwin để tham gia các cuộc tập trận quân sự với các đồng minh, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Khi được The Telegraph hỏi về những gì Vương quốc Anh đang làm để giúp các quốc gia như Đài Loan chuẩn bị cho khả năng leo thang căng thẳng từ Trung Quốc, ông Healey nói: “Nếu chúng ta buộc phải chiến đấu, như chúng ta đã từng làm trong quá khứ, Úc và Vương quốc Anh sẽ chiến đấu cùng nhau. Chúng ta sẽ tập trận cùng nhau, và bằng cách tập trận cùng nhau và sẵn sàng chiến đấu hơn, chúng ta sẽ cùng nhau ngăn chặn tốt hơn.”
Bình luận của ông Healey nằm trong số những bình luận mạnh mẽ nhất từ một đại diện của Anh về vấn đề có thể xảy ra chiến tranh trong tương lai tại khu vực này.
Tuy nhiên, Healey cũng cho biết ông đang nói “một cách tổng quát”, và nói rằng Vương quốc Anh muốn thấy bất kỳ tranh chấp nào ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được giải quyết một cách “hòa bình” và “thông qua con đường ngoại giao”.
Ông nói thêm: “Chúng ta bảo đảm hòa bình thông qua sức mạnh, và sức mạnh của chúng ta đến từ các đồng minh.”
Trong khi đó, Tập Cận Bình, người đứng đầu ĐCSTQ, không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để “thống nhất Tổ quốc”. Bắc Kinh khẳng định chủ quyền của mình đối với Đài Loan, điều mà chính quyền Đài Bắc kiên quyết bác bỏ.
Các chuyên gia cảnh báo rằng cuộc xâm lược Đài Loan nếu xảy ra, có thể dẫn đến một cuộc xung đột liên quan đến nhiều quốc gia trên toàn cầu.
Ông Healey thừa nhận rằng các “mối đe dọa” đang gia tăng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi quân đội Trung Quốc đã chiếm giữ các rạn san hô có tranh chấp và bị cáo buộc là đang đe dọa các nước láng giềng.
Nhóm tàu sân bay HMS Prince of Wales đã di chuyển cùng với các tiêm kích tàng hình F-35 tiên tiến từ Singapore đến miền bắc nước Úc – đây là lần đầu tiên kể từ năm 1997 – và sẽ tiếp tục hành trình đến Nhật Bản, nơi nhiều khả năng tàu sẽ đi qua gần khu vực Đài Loan.
Chính phủ Anh trước đây đã tránh đưa ra bình luận về việc liệu nước này có can thiệp hay không nếu xảy ra xung đột. Hải quân Hoàng gia Anh hiện duy trì hai tàu tuần tra thường trực tại khu vực này.
Hầu hết các quốc gia đều theo lập trường “mơ hồ chiến lược” của Hoa Kỳ, theo đó họ thường tránh đưa ra tuyên bố rõ ràng về việc liệu có bảo vệ Đài Loan hay không nếu chiến tranh xảy ra.
Tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm, Joe Biden, đã nhiều lần phá vỡ nguyên tắc này khi tuyên bố rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Bắc chống lại Trung Quốc. Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tuy không có những phát biểu mạnh mẽ tương tự, nhưng các quan chức Lầu Năm Góc hiện đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh.
Chính quyền hiện tại của Hoa Kỳ cũng cho biết sẽ xem xét lại vai trò của mình trong thỏa thuận Aukus — một hiệp ước an ninh ba bên giữa Hoa Kỳ, Úc và Vương quốc Anh — như một phần của chiến lược “Nước Mỹ trên hết” thời chính quyền Trump.
Về vấn đề Đài Loan, Úc cũng đã lựa chọn cách tiếp cận thận trọng hơn. Thủ tướng Anthony Albanese tuần trước đã từ chối bình luận về việc liệu Úc có tham gia cùng Hoa Kỳ và các đồng minh khác để chống lại Trung Quốc nếu xung đột xảy ra hay không.
Là một phần của Chiến lược An ninh Quốc gia được công bố đầu năm nay, Chính phủ Anh thừa nhận rằng “có nguy cơ leo thang căng thẳng đặc biệt xung quanh Đài Loan”.
Gavin Williamson, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh từ năm 2017 đến 2019, cho biết Vương quốc Anh có lẽ đang phát biểu một cách thẳng thắn hơn khi mối đe dọa ngày càng gia tăng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang trở nên rõ ràng hơn.
“Tôi nghĩ rằng có một sự nhận thức rằng việc hoàn toàn im lặng sẽ không khiến tình hình trở nên khả thi hơn hay ít khả thi hơn. Răn đe là việc nêu rõ những hậu quả sẽ xảy ra do hành động nguy hiểm hoặc ác ý của người khác”, Sir Gavin nói với tờ The Telegraph.
“Điều thực sự quan trọng là những người như Bộ trưởng Quốc phòng Anh phải rõ ràng về hậu quả của các hành động.”
Quyết định điều động tàu HMS Prince of Wales – nhóm tàu sân bay tấn công lớn nhất của Anh – thực hiện chuyến hải trình kéo dài chín tháng qua Thái Bình Dương cho thấy rõ mức độ nhận thức của Vương quốc Anh về mối đe dọa đang gia tăng trong khu vực này.
Việc con tàu cập cảng Darwin – một thành phố ở miền Bắc nước Úc – cũng phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa London và Canberra, điều sẽ đóng vai trò then chốt trong bất kỳ cuộc xung đột nào có thể xảy ra trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Healey nhấn mạnh: “Khi các mối đe dọa gia tăng, những quan hệ đối tác như giữa Vương quốc Anh và Úc càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.”
Đây là lần đầu tiên trong gần 30 năm, một nhóm tàu sân bay tấn công của Anh cập cảng Úc, và cũng là lần đầu tiên một tàu sân bay không thuộc Hoa Kỳ tham gia cuộc tập trận quân sự thường niên Talisman Sabre của Úc – cuộc tập trận lớn nhất từ trước đến nay của nước này.
Cuối tuần này, hai quốc gia cũng đã ký Hiệp ước Geelong — một thỏa thuận mới kéo dài 50 năm nhằm củng cố vai trò của họ trong hiệp ước Aukus và cam kết xây dựng một thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới.
Việc tàu HMS Prince of Wales cập cảng Darwin cũng là một phần trong nỗ lực của Vương quốc Anh nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải qua eo biển Đài Loan — vùng biển hẹp ngăn cách Trung Quốc và Đài Loan.
David Lammy, Ngoại trưởng Anh — người cũng đã có mặt trên tàu HMS Prince of Wales vào đầu ngày hôm đó — trước đó từng tuyên bố rằng Anh có kế hoạch thực hiện thêm nhiều hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải tại eo biển Đài Loan.
“Chúng tôi có lợi ích trực tiếp trong các quy tắc quốc tế, quyền tự do trên biển, quyền tự do hàng hải, cũng như sự ổn định và an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương,” ông Healey phát biểu.
Tháng trước, tàu HMS Spey — một tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Anh — đã đi qua eo biển Đài Loan, động thái khiến Đài Bắc hoan nghênh, đồng thời vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía ĐCSTQ.
Vương quốc Anh không đưa ra bình luận về lộ trình tương lai của các tàu hải quân, nhưng nhiều người cho rằng HMS Prince of Wales sẽ đi qua eo biển đang có tranh chấp này trong hành trình đến các điểm tiếp theo là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, dù London có thể đang gia tăng sự chú ý đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, điều này không đồng nghĩa với việc nước này sẽ mở rộng mức độ hợp tác với Đài Loan.
Khi được hỏi liệu Anh có khả năng tham gia hợp tác chính thức hơn với Đài Loan hay không, ông Healey trả lời: “Không có thay đổi nào trong cách tiếp cận của Anh đối với Đài Loan.”
Ông Gavin Williamson, người cũng từng đối mặt với câu hỏi về việc hợp tác với Đài Loan khi còn tại chức, cho biết Anh chỉ có khả năng điều chỉnh lập trường nếu “Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hơn.”
Xung đột liên quan đến Đài Loan có khả năng sẽ gây ra những hệ lụy toàn cầu to lớn, do hòn đảo này là nơi sản xuất phần lớn các loại chip máy tính tiên tiến nhất thế giới.
Sức khỏe tim mạch không chỉ liên quan đến cơn đau tim, mà còn là…
Một người đàn ông đã bắn chết 5 người trước khi tự sát tại chợ…
Campuchia cho biết vào lúc 8h15 sáng ngày 28/7/2025, máy bay chiến đấu Thái Lan…
Erythritol – một loại chất thay thế đường được sử dụng rộng rãi trong các…
Từ 28/7, miền Bắc và miền Trung bước vào đợt nắng nóng với nhiệt độ…
Nhiều quảng cáo chứa thông tin sai lệch, phóng đại tiện ích, cam kết lợi…