Bộ trưởng Tài chính của chính quyền Biden, bà Janet Yellen hôm thứ Hai (5/4, giờ Mỹ) đã nói rằng bà đang làm việc với các quốc gia thuộc nhóm G20 để tiến đến đồng thuận về một tỷ suất thuế doanh nghiệp tối thiểu trên phạm vi toàn cầu. Bà Yellen cho rằng làm được việc này sẽ chấm dứt “cuộc đua 30 năm qua về giảm thuế doanh nghiệp”.
Thuế tối thiểu toàn cầu là một trụ cột quan trọng trong kế hoạch chi tiêu cơ sở hạ tầng hơn 2 nghìn tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong kế hoạch chi tiêu khổng lồ trong vòng 10 năm này, ông Biden đề xuất tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%.
Các chuyên gia về thuế nhận định rằng nếu không áp đặt được mức thuế doanh nghiệp tối thiểu trên phạm vi toàn cầu, nước Mỹ sẽ lại gặp bất lợi so với nhiều nền kinh tế lớn khác vốn đang có mức thuế thấp hơn. Chính vì thế, Washington dưới trào Biden đang nỗ lực làm sống lại các cuộc đàm phán về thuế giữa các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới.
Theo Reuters, phát biểu tại Hội đồng Chicago về Các vấn đề Toàn cầu hôm 5/4, bà Yellen nói rằng điều quan trọng bây giờ là phải “kết thúc các áp lực về cạnh tranh thuế” và đảm bảo chắc chắn các chính phủ “có các hệ thống thuế ổn định để tăng đủ thu cho hàng hóa công cộng thiết yếu và ứng phó với các cuộc khủng hoảng, và đảm bảo rằng tất cả công dân đều chia sẻ công bằng gánh nặng tài chính với chính phủ”.
Trao đổi với báo giới bên lề diễn đàn trên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết điều quan trọng là các nền kinh tế lớn thế giới phải cùng đồng thuận về thuế tối thiểu toàn cầu để làm cho nó hiệu quả.
Quan chức tài chính dưới của ông Biden nói thêm rằng Mỹ sẽ sử dụng luật thuế quốc nội để ngăn chặn các công ty chuyển lợi nhuận hoặc nơi đăng ký trụ sở chính tới các quốc gia thuế thấp và sẽ khuyến khích các nền kinh tế lớn khác thực hiện động thái tương tự.
Kế hoạch cơ sở hạ tầng của ông Biden đề xuất tỷ suất thuế doanh nghiệp tối thiểu là 21%, gắn liền với việc xóa bỏ miễn trừ đối với các khoản thu nhập đến từ các quốc gia không ban hành mức thuế tối thiểu. Chính quyền Biden nói rằng biện pháp này sẽ ngăn chặn các doanh nghiệp Mỹ chuyển việc làm và lợi nhuận ra nước ngoài.
Tuy nhiên, kế hoạch chi tiêu khổng lồ mà ông Biden gọi là “Kế hoạch Việc làm Mỹ” kèm theo tăng thuế đã đang vấp phải sự phản đối gay gắt của cựu Tổng thống Donald Trump, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa và kể cả một thượng nghị sĩ của Đảng Dân chủ.
Ông Trump trong một tuyên bố phát đi hôm thứ Tư (31/3, giờ Mỹ) nhằm phản ứng với kế hoạch cơ sở hạ tầng của chính quyền Biden bao gồm khoản tăng thuế doanh nghiệp, đã nói rằng đó là “nằm trong số những vết thương kinh tế tự gây ra lớn nhất trong lịch sử”.
“Nếu thứ quái đản này được phép thông qua, thì hậu quả sẽ là thêm nhiều người Mỹ hơn bị mất việc làm, thêm nhiều gia đình tan vỡ, thêm nhiều nhà máy bị bỏ hoang, thêm nhiều ngành bị sụp đổ, và thêm nhiều [các cửa hàng] trên các tuyến phố lớn phải che lại bằng ván và đóng cửa – giống như những gì đã xảy ra trước khi tôi giữ chức tổng thống 4 năm trước”, cựu tổng thống nói và cho biết thêm kế hoạch này sẽ “thực thi tăng thuế lớn nhất trong lịch sử Mỹ”.
Ông Trump, trong một tuyên bố gợi lại các phát biểu từ chiến dịch tranh cử 2016, đã nói biện pháp của ông Biden sẽ chỉ phục vụ “Trung Quốc và những phần lớn khác trên thế giới” và nhấn mạnh rằng kế hoạch đó sẽ khiến nước Mỹ thua “trong cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc”.
Với các tỷ suất thuế của kế hoạch cơ sở hạ tầng này, “nếu quý vị tạo ra việc làm tại Mỹ, và thuê công nhân Mỹ, quý vị sẽ phải nộp thuế NHIỀU HƠN – nhưng nếu quý vị đóng cửa các nhà máy của quý vị tại Ohio và Michigan, sa thải công nhân Mỹ, và chuyển tất cả sản xuất của quý vị tới Bắc Kinh và Thượng Hải, thì quý vị sẽ trả thuế ÍT HƠN”, ông Trump nói. “Điều đó TƯƠNG PHẢN rõ ràng với đặt nước Mỹ trên hết – đó là đặt nước Mỹ cuối cùng!”
Dân biểu Cộng hòa Steve Scalise (tiểu bang Louisiana) nhận xét trên ấn bản của SiriusXM Breirbart hôm 1/4 rằng, “Kế hoạch Việc làm Mỹ” của chính quyền Biden, bề ngoài một dự luật tài trợ cho cơ sở hạ tầng “dưới danh nghĩa nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu”, nếu được ban hành sẽ tạo thêm việc làm cho Trung Quốc.
“Điều này sẽ giết chết nhiều việc làm hơn [so với việc chấm dứt dự án Đường ống Keystone XL]”, ông Scalise nhận định. “Khi các vị tăng thuế… các công ty sẽ lại bắt đầu dịch chuyển công việc ra nước ngoài, giống như họ đã làm khi chúng ta đánh thuế cao vài năm trước. Điều đó có nghĩa là chúng ta mất đi việc làm của tầng lớp trung lưu.”
Trong khi đó, Dân biểu Cộng hòa Kevin Brady (tiểu bang Texas) nhận xét với người dẫn chương trình Alex Marlow trên SiriusXM Breirbart hôm 2/4 rằng, ‘Kế hoạch Việc làm Mỹ’ mà ông Joe Biden đang đề xuất sẽ khiến nước Mỹ chạm đáy trong “cuộc đua về việc làm và tăng trưởng”.
Ông Brady, thành viên cấp cao của Ủy ban Thuế vụ Hạ viện Mỹ, cho biết ‘Kế hoạch Việc làm của Mỹ’ sẽ làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh quốc tế của Mỹ – khiến nước này trở thành một môi trường kém hấp dẫn hơn cho các công ty – thông qua chính việc tăng thuế doanh nghiệp.
Ông khẳng định: “[Dự luật] này khiến Mỹ trở thành một trong những quốc gia kém cạnh tranh nhất, và thực sự là một cuộc chạy đua tới đáy về việc làm và tăng trưởng.”
Dân biểu Brady nói thêm: “Những gì ông [Joe Biden] đề xuất là làm cho thuế suất của Mỹ trở nên tồi tệ hơn, khiến nó trở nên tệ hại hơn cả của Trung Quốc, ngang bằng với Syria và Pháp… Cuối cùng chúng ta sẽ chết trên tay các đối thủ cạnh tranh đang phát triển của chúng ta. Do đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Canada đang cổ vũ động thái này, bởi vì Tổng thống Biden đã tự nguyện làm suy yếu nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của Mỹ.”
“Tôi dự đoán chúng ta sẽ thấy làn sóng thứ hai về việc làm và các công ty Mỹ chuyển ra nước ngoài,” ông Brady cảnh báo. “Làn sóng đầu tiên là dưới thời chính quyền Obama-Biden và tôi nghĩ các bạn đã thấy sự đảo ngược các chính sách của Tổng thống Trump. Như các bạn biết đấy, bởi vì chúng ta đã giảm thuế suất cho các gia đình và cho các doanh nghiệp, đã thiết lập lại luật [thuế], vì vậy các công ty Mỹ có thể cạnh tranh và giành chiến thắng ở khắp nơi trên thế giới. Điều chúng ta thấy là chấm dứt việc các công ty Mỹ chuyển đi và mang công việc của họ ra nước ngoài.”
Theo Dân biểu Brady, chính quyền Biden thực chất đang thúc đẩy một “chương trình nghị sự xã hội chủ nghĩa” dưới chiêu bài phát triển cơ sở hạ tầng.
Ông khẳng định: “Cũng giống như dự luật kích thích COVID-19 có rất ít điểm liên quan đến dịch bệnh, dự luật cơ sở hạ tầng này không có mấy liên quan đến cầu đường, bến cảng và đường hàng không, những thứ mà hầu hết người Mỹ đều ủng hộ mạnh mẽ. Dự luật này thực chất giống chương trình nghị sự xã hội chủ nghĩa, chỉ là dưới một biểu ngữ khác.”
Hôm 5/4, Thượng nghị sĩ Dân chủ Joe Manchin (bang Tây Virginia) đã nói rằng ông không muốn tăng thuế doanh nghiệp lên 28%, ông đang đề xuất tăng lên 25%.
“Dự luật hiện nay cần phải thay đổi. Nếu tôi không bỏ phiếu để thông qua nó, nó sẽ không đi đến đâu hết”, ông Manchin nói.
“Có 6 hoặc 7 đảng viên Dân chủ khác cảm thấy rất vững tin về điều này. Chúng ta phải [đảm bảo] tính cạnh tranh [cho các doanh nghiệp], và chúng ta sẽ không làm bừa”, ông Manchin nói thêm.
Đức Thiện
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…