Việc kết thúc các phiên điều trần công khai tại Ủy ban Tình báo Hạ viện đã khép lại bước đầu tiên trong cuộc điều tra phế truất tổng thống Donald Trump. Ủy ban Tư pháp của Hạ viện sẽ tiếp quản cuộc điều tra này và thực hiện các bước tiếp theo.
Hôm 26/11, Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã mời tổng thống Donald Trump hoặc các luật sư của ông tham gia vào cuộc điều trần mới ngày 4/12 tới. Theo Nghị quyết của Hạ viện, sang giai đoạn này thì Tổng thống sẽ có nhiều quyền lực hơn, như quyền được chất vấn nhân chứng, quyền gọi nhân chứng, nhưng phải được Chủ tịch ủy ban này, ông Jerry Adler, người Đảng Dân chủ, chuẩn thuận.
Hai tháng qua, Ủy ban Tình báo Hạ Viện do ông Adam Schiff đứng đầu đã tiến hành điều tra chất vấn khoảng 15 nhân chứng, và sắp tới sẽ phải gửi báo cáo điều tra cho Ủy ban Tư pháp sau khi các nghị sĩ trở lại làm việc sau dịp nghỉ lễ Tạ ơn.
Trong thư gửi các nghị sĩ, ông Schiff nói “đây là vấn đề cấp bách không thể chần chừ nếu chúng ta muốn bảo vệ an ninh quốc gia và sự liêm chính của các cuộc bầu cử.” Ông khẳng định các bằng chứng có được cũng đủ mạnh dù chính quyền Trump không chịu giao nộp bất kỳ tài liệu nào được trát đòi. Tuy nhiên, Schiff không nói rằng ông có chủ định phế truất Trump hay không. Đã có một số tiếng nói trong các nghị sĩ chủ trương ôn hòa của Đảng Dân chủ rằng không nên tiếp tục thủ tục phế bỏ ông Trump vì làm vậy chỉ tốn thời gian và vô ích.
Trong tháng 12 này, Ủy ban Tư pháp Hạ viện sẽ tiến hành các buổi điều trần của riêng mình. Sau đó, ủy ban sẽ phải cân nhắc ghi vào hồ sơ các cáo buộc tội trạng của Tổng thống. Trên cơ sở này, Đảng Dân chủ tại Hạ viện sẽ phải quyết định có chính thức phế truất ông Trump hay ra một nghị quyết khiển trách và kết thúc cuộc điều tra.
Nếu quyết định phế truất và phiên bỏ phiếu được đa số Hạ viện thông qua. Sự việc sẽ được đưa lên Thượng Viện, nơi Cộng Hòa chiếm đa số để mở phiên xét xử. Phải có 2/3 số Thượng nghị sĩ bỏ phiếu thuận thì Tổng thống Trump mới chính thức bị phế truất.
Luận tội Tổng thống Mỹ được quy định trong hiến pháp cách đây hơn 230 năm, tuy nhiên tới nay chưa có ai bị truất phế qua thủ lục này. Các nhà lập hiến đã cố ý sắp đặt để thủ tục luận tội phải được tiến hành một cách nghiêm túc, và khiến quốc hội không dễ dàng để có thể truất phế một Tổng thống tại nhiệm.
Khoản 4, điều 2 Hiến Pháp Mỹ quy định:
“Tổng thống, Phó tổng thống, và các viên chức dân sự khác của Hoa Kỳ sẽ bị bãi nhiệm nếu bị luận tội và bị kết tội Phản quốc, Hối lộ và các trọng tội và khinh tội khác.”
Đảng Dân chủ đang “dồn ép” ông Trump vào tội hối lộ chính phủ Ukraine để thúc ép bôi nhọ đối thủ chính trị Joe Biden, nhằm thu lợi bất chính trong cuộc bầu cử 2020. Ông Trump cật lực phản kháng cáo buộc này, và khẳng định ông không làm gì sai. Mới đây ông cho biết ông đã giữ lại khoản viện trợ đối với Ukraine bởi vì Ukraine đang bị coi là một nước tham nhũng và ông muốn biết tại sao các nước phương Tây khác gần Ukraine hơn không gửi hỗ trợ.
Phát biểu trên chương trình “Face the Nation” của đài CBS hôm Chủ nhật 24/11, Cố vấn cấp cao của Toà Bạch Ốc Kellyanne Conway tuyên bố chính phủ Trump đã sẵn sàng để phát động một chiến dịch pháp lý và chính trị mạnh mẽ hầu bảo vệ Tổng thống Trump, nếu phe Dân Chủ tại Hạ viện biểu quyết luận tội Tổng thống, và Thượng viện mở phiên xét xử xem có nên truất phế Tổng thống hay không.
Trọng Đức (T/h)
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…