Các bên nói gì khi Putin “xé toạc” Thỏa thuận Minsk sau cú “xoay trục” của TQ?

Dường như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đánh giá thấp phản ứng mạnh của phương Tây đối với tuyên bố chung Trung-Nga ngày 4/2, hệ quả sau đó Bắc Kinh có những dấu hiệu “nhượng bộ”. Về phía Nga, trong diễn biến mới đây ông Putin đã “xé toạc” Thỏa thuận Minsk khiến Mỹ và phương Tây giận dữ. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Wikimedia)

Sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin tại Bắc Kinh ngày 4/2, nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã ra tuyên bố chung nói rằng mối quan hệ giữa hai nước vượt ra khỏi mô hình liên minh quân sự và chính trị trong Chiến tranh Lạnh…

Tuyên bố chung giữa ĐCSTQ và Nga được giới quan sát chỉ ra có ý định cùng chống lại Mỹ và thiết lập một trật tự quốc tế mới dựa trên cách giải thích nhân quyền và dân chủ của chính họ.

Nhìn vào bước đi này, cộng thêm cân nhắc thực trạng gây sức ép kinh tế của ĐCSTQ đối với các nước như Úc và Litva (Lithuania), và tình trạng gia tăng hoạt động quân sự gần eo biển Đài Loan, khiến Mỹ và các đồng minh quyết tâm hơn nhằm kiềm chế ĐCSTQ. Bloomberg đưa tin vào ngày 11/2, cho biết một quan chức Mỹ giấu tên nói rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Tập Cận Bình và Putin đã làm trầm trọng thêm mối quan ngại trong Nhà Trắng. Ông cho biết CIA đang xem xét kỹ lưỡng tuyên bố chung dài hơn 5.000 từ mà hai nhà lãnh đạo đưa ra sau cuộc gặp mặt trực tiếp vào tuần trước. Quan chức Mỹ này nói thêm rằng các quan chức Mỹ ở tất cả các cấp nhận thức sâu sắc rằng các sự kiện ở Trung Đông và các nơi khác thường làm chệch hướng trong nỗ lực của Mỹ tập trung vào châu Á, cho nên họ quyết tâm không để điều đó xảy ra một lần nữa. 

Nhưng Bắc Kinh “xoay trục”

Tuy nhiên, truyền thông quốc tế chỉ ra trong khoảng hơn một tuần qua, Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã tổ chức các cuộc thảo luận kín về cách đối phó với cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine và cách quản lý quan hệ đối tác Trung-Nga mà không làm tổn hại đến lợi ích của chính Trung Quốc.

Khi các thành viên Ban Thường vụ ĐCSTQ xuất hiện công khai trở lại thì Bắc Kinh bắt đầu thể hiện rõ quan điểm phản đối với việc Nga xâm lược Ukraine.

Ngoại trưởng ĐCSTQ Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở EU qua video ngày 19/2: “Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước cần được tôn trọng, và Ukraine không phải là ngoại lệ”.

Đó là tuyên bố rõ ràng nhất từ một quan chức cấp cao ĐCSTQ về vấn đề Nga và Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Institute for the Study of War) của Mỹ cho biết trong một báo cáo rằng tuyên bố của ông Vương Nghị có thể cho thấy “xoay trục” của Bắc Kinh vốn dĩ trước đây thường triệt để ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 16/2, ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi một giải pháp cho cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine thông qua đối thoại và tham vấn.

Tờ WSJ cho biết rằng những phát biểu mới nhất của Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đích danh đề cập đến Ukraine, cho thấy rằng hiện nay Trung Quốc đã xác định chiến lược: Một mặt tiếp tục lên án Mỹ và đồng minh không ngừng gây áp lực đối với an ninh của Nga, mặt khác phản đối việc Nga xâm lược Ukraine.

Thông tin cho hay, giới chức ĐCSTQ tin rằng động thái như thế phù hợp lợi ích riêng của họ để ngăn chặn một cuộc đối đầu toàn diện với phương Tây do Mỹ dẫn đầu, đồng thời lại vẫn duy trì được nguyên tắc phản đối sự can thiệp của bất kỳ quốc gia nào vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.

Nhiều nhận định chỉ ra, thực tế xoay trục của ĐCSTQ đối với Ukraine phản ánh mong muốn của Bắc Kinh trong việc tránh làm cho quan hệ Mỹ – Trung trở nên đối đầu hơn. Nếu đối đầu Trung-Mỹ gia tăng có thể dẫn đến việc Trung Quốc bị phương Tây cô lập và về dài hạn sẽ gây tổn hại lớn cho Trung Quốc.

Ông Wang Huiyao, cố vấn của Chính phủ Trung Quốc và là giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Center for China and Globalization), nói với WSJ rằng Trung Quốc vẫn hy vọng bảo đảm cải thiện quan hệ Mỹ – Trung.

Tuần này, ĐCSTQ sẽ tổ chức một loạt sự kiện, bao gồm kỷ niệm 50 năm chuyến thăm Trung Quốc của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Sự kiện này có tham dự của hơn 20 lãnh đạo cấp cao của các công ty đa quốc gia, cơ quan tổ chức là Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa do ông Wang Huiyao phụ trách. Không giống như các “think tank” nước ngoài, các “think tank” trong nước của Trung Quốc về cơ bản được chính phủ tài trợ, đồng thời các lãnh đạo phụ trách các cơ quan đó đều là các quan chức đã nghỉ hưu.

Tờ WSJ có chỉ ra, việc giới chức ĐCSTQ hiểu rõ, bên cạnh quan hệ gần gũi hơn với Nga thì Trung Quốc sẽ có lợi hơn nhiều khi không đoạn tuyệt hoàn toàn với Mỹ, vì Trung Quốc cần tiếp tục tiếp cận các nguồn lực tài chính và công nghệ của Mỹ để đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế. Nếu ĐCSTQ triệt để giúp Nga tránh các lệnh trừng phạt khi xâm lược Ukraine, điều đó có thể gây nguy hiểm cho việc Bắc Kinh tiếp cận các nguồn tài chính và công nghệ của Mỹ.

Động thái khó lường của Putin: Phá bỏ Thỏa thuận Minsk

Hôm thứ Hai (21/02), Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR). Trước đó cùng ngày, lãnh đạo của hai nước cộng hòa tự xưng thân Nga này đã yêu cầu lãnh đạo Điện Kremlin công nhận độc lập và chủ quyền của họ. Tại một cuộc họp hôm đó, các thành viên trong hội đồng an ninh của Putin đã ủng hộ sáng kiến ​​này.

Phản ứng mạnh từ phương Tây

Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết, quyết định của Tổng thống Nga Putin công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk “thể hiện sự bác bỏ hoàn toàn các cam kết của Nga theo thỏa thuận Minsk”. Ông Blinken nói thêm trong tuyên bố hôm thứ Hai (21/2) rằng động thái này “thắng thắn vi phạm cam kết ngoại giao mà Nga đã tuyên bố, là cuộc tấn công rõ ràng vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch áp đặt các hạn chế thương mại và tài chính mới đối với hai khu vực ly khai của Đông Ukraine mà Nga công nhận là độc lập. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ ký lệnh hành pháp “cấm người Mỹ đầu tư, thương mại và tài chính mới” trong cái gọi là các khu vực DNR và LNR của Ukraine.

Lệnh này cũng sẽ cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ ai hoạt động trong các khu vực đó. Nhà Trắng cho biết họ sẽ “sớm công bố các biện pháp bổ sung liên quan đến Nga công khai vi phạm cam kết quốc tế”. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh: “Cần phải nói rõ: Nếu Nga tiến thêm bước đi xâm lược Ukraine, các biện pháp này sẽ tách biệt và sẽ bổ sung cho các biện pháp kinh tế nhanh chóng và hà khắc mà chúng tôi đang chuẩn bị với sự phối hợp của các đồng minh và đối tác”.

Ngoại trưởng Blinken cho biết, “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Ukraine và các đồng minh, đối tác để thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm đáp trả hành động vô cớ và không thể chấp nhận này của Nga. Lệnh hành chính này chỉ nhằm ngăn chặn Nga công khai vi phạm cam kết quốc tế, nó không nhắm vào người dân Ukraine hoặc Chính phủ Ukraine và sẽ cho phép các hoạt động nhân đạo và các hoạt động liên quan khác tiếp tục ở những khu vực này”.

EU

Các nhà lãnh đạo EU đã lên án quyết định của Tổng thống Nga Putin công nhận nền độc lập đối với hai khu vực của Ukraine thân Nga. Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen đã tweet: “Việc công nhận hai lãnh thổ ở Ukraine ly khai (độc lập) là sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế, sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Thỏa thuận Minsk”.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel đã phản hồi lại dòng tweet của von der Leyen rằng: “EU và các đối tác sẽ hành động với tinh thần đoàn kết, kiên định và quyết tâm”.

Ngoại trưởng Edgars Rinkevics của Latvia cũng lên án quyết định của Moscow và kêu gọi EU ngay lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Latvia lên án hành động gây hấn này và kêu gọi (cộng đồng quốc tế) phản ứng mạnh mẽ. EU phải ngay lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt”, ông Rinkevics cho biết trong một tweet hôm thứ Hai.

Anh và NATO

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng động thái của Moscow đã vi phạm luật pháp quốc tế và là “một điềm xấu, một dấu hiệu rất đen tối”.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss hôm thứ Hai đã lên án việc ông Putin công nhận nền độc lập của khu vực ly khai Ukraine tự xưng nước cộng hòa. Ông tweet: “Việc Tổng thống Putin công nhận ‘Cộng hòa Nhân dân Donetsk’ và ‘Cộng hòa Nhân dân Luhansk’ là các quốc gia độc lập cho thấy sự coi thường trắng trợn của Nga đối với cam kết trong Thỏa thuận Minsk. Động thái này là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, việc [đơn phương] kết thúc thỏa thuận Minsk là vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc. Điều này cho thấy quyết định của Nga chọn con đường đối đầu hơn là đối thoại. Chúng tôi sẽ phối hợp phản ứng với các đồng minh của mình. Chúng tôi sẽ không để Nga vi phạm cam kết quốc tế mà không bị trừng phạt”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Hai cũng lên án quyết định của Nga, nói rằng động thái “tiến thêm một bước làm xói mòn” chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Tôi lên án quyết định của Nga công nhận ‘Cộng hòa Nhân dân Donetsk’ và ‘Cộng hòa Nhân dân Luhansk’. Điều này tiến thêm một bước làm xói mòn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, làm xói mòn nỗ lực giải quyết xung đột và vi phạm Thỏa thuận Minsk”, ông Stoltenberg nói trong một tuyên bố.

Ông Stoltenberg cáo buộc Nga “(tiếp tục) châm ngòi cho cuộc xung đột ở Đông Ukraine bằng cách hỗ trợ tài chính và quân sự cho phe ly khai”. Ông nói thêm, “Năm 2015, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bao gồm cả Nga đã tái khẳng định sự tôn trọng hoàn toàn đối với chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, theo đó Donetsk và Luhansk là một phần của Ukraine”.

Ông Stoltenberg cho biết, NATO ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong “biên giới được quốc tế công nhận”, qua đó cho biết NATO mạnh mẽ kêu gọi Nga “chọn con đường ngoại giao và ngay lập tức đảo ngược tình trạng bành trướng ồ ạt ở khu vực xung quanh Ukraine, đồng thời rút quân khỏi Ukraine phù hợp với nghĩa vụ và cam kết quốc tế”.

Nhìn lại bối cảnh

Cả hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine là Donetsk và Luhansk đều được Nga hậu thuẫn. Năm 2014 khi Ukraine mất quyền kiểm soát Crimea (sáp nhập vào Nga) thì các lực lượng thân Nga và chống Nga ở vùng Donbas của nước này cũng ngay lập tức nổ ra xung đột vũ trang, lực lượng thân Nga đã thắng thế và tuyên bố thành lập hai nước cộng hòa độc lập Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR).

Chính phủ Ukraine tuyên bố rằng thực tế hai khu vực này đang bị Nga chiếm đóng. Hai nước cộng hòa tự xưng không được chính phủ nào công nhận, kể cả Nga. Chính phủ Ukraine từ chối đối thoại trực tiếp với bất kỳ nước cộng hòa ly khai nào.

Thỏa thuận Minsk II năm 2015 đã dẫn đến một lệnh ngừng bắn nhưng đầy bất an, xung đột động biến thành trận chiến tĩnh dọc theo ranh giới khu vực do phe ly khai nắm giữ. Hiệp định Minsk cấm sử dụng vũ khí hạng nặng gần đường ranh giới.

Hơn 14.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ở Donbass kể từ năm 2014. Ukraine cho biết 1,5 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, phần lớn còn lại ở vùng Donbas do Ukraine kiểm soát và khoảng 200.000 người tái định cư ở khu vực Kiev rộng lớn hơn.

Mộc Vệ (t/h)

Xem thêm:

Mộc Vệ

Published by
Mộc Vệ

Recent Posts

Chút tản mạn về tên ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký

Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…

2 phút ago

Có cách nào cải thiện tình trạng quần áo bị xù lông?

Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…

9 phút ago

Ý định của ông Trump trong việc muốn giải thể Bộ Giáo dục Mỹ

Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…

12 phút ago

Cựu Dân biểu Matt Gaetz rút lui khỏi vị trí ứng cử viên tổng chưởng lý

Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…

19 phút ago

Ông Trump bán cây đàn guitar có chữ ký với giá hơn 10.000 USD

Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…

37 phút ago

Bệnh tiểu đường gây tổn thương võng mạc như thế nào?

Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…

56 phút ago