7 Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ “mất tích”: Vì điểm nóng Nga – Ukraine hay vì nội chiến?
- Mộc Vệ
- •
Gần đây, 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “mất tích” ít nhất đã 6 ngày từ sau khi dự khai mạc Olympic Bắc Kinh 2022 làm dấy lên nhiều đồn đoán.
Vương Kỳ Sơn chủ trì hội nghị thay Tập Cận Bình
Hội nghị thượng đỉnh “Một đại dương” đầu tiên trên thế giới được tổ chức tại Brest (Pháp) từ ngày 9 – 11/2. Hội nghị do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, đại diện cho nước Pháp trong tư cách chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu. Hầu hết thành viên tham gia là nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ. Đối với Trung Quốc thì người lãnh đạo cao nhất đương nhiệm là ông Tập Cận Bình, nhưng nhân vật xuất hiện tại hội nghị này lại là ông Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn khiến giới quan sát lưu ý.
Theo Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), vào ngày 11/2, Phó Chủ tịch ĐCSTQ Vương Kỳ Sơn đã có bài phát biểu qua video trước hội nghị này. Ông Vương nhấn mạnh Trung Quốc là nước thúc đẩy phát triển đại dương bền vững, kiến tạo quản trị và bảo vệ trật tự đại dương toàn cầu. Thời điểm này, toàn bộ 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã nhiều ngày liên tiếp không thấy xuất hiện công khai trên truyền thông.
Kiểm tra mục “Hoạt động lãnh đạo cấp cao” của Tân Hoa Xã (Xinhuanet) cho thấy, ngày 6/2 ông Tập Cận Bình gặp gỡ một số chức sắc quốc tế đã đến Trung Quốc, bao gồm: Thủ tướng Mông Cổ Oyun Erden, Thủ tướng Pakistan Imran Khan, Thân vương MonacoAlbert II, Đại công tước Henry của Luxembourg. Nhưng sau đó thì ông Tập luôn trong tình trạng ‘ẩn thân’, mọi hoạt động đối ngoại chỉ được thực hiện bằng thư từ và điện thoại.
Sau đó, trong ít nhất 5 ngày liên tiếp (tính đến ngày 12/2), không thấy các phương tiện truyền thông chủ chốt của ĐCSTQ như CCTV và Tân Hoa Xã đưa tin về sự xuất hiện của ông Tập Cận Bình và một số ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác.
Vấn đề từ ngày 4/2 khi đồng loạt xuất hiện tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông, cả 7 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đều không những không đến các địa điểm tổ chức Olympic nhằm “tiếp sức bầu không khí” mà còn ở ẩn trong nhiều ngày liên tục, được nhiều người cho là tín hiệu chính trị bất thường.
Putin vẫn chưa hài lòng với “đơn hàng lớn” 500 tỷ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào ngày 4/2. Ông Putin đã không cần phải tuân thủ quy tắc phòng chống dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) của ĐCSTQ khi đến Bắc Kinh, không cần có thời gian cách ly và ngay cùng ngày hôm đó có cuộc gặp mặt trực tiếp với ông Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, ông Putin đã ký 15 thỏa thuận hợp tác song phương, trong đó hợp tác trong lĩnh vực năng lượng là đáng chú ý. Nhưng với tư cách là nhà lãnh đạo duy nhất của một nước lớn, ông Putin lại có hành động hiếm thấy khi bỏ bữa tiệc cấp nhà nước do ông Tập Cận Bình và phu nhân tổ chức vào ngày 5/2.
Trong một bài đăng ngày 3/2 của tờ Nezavisimaya Gazeta (Nga) có tiêu đề “Nga ẩn mình sau Vạn Lý Trường Thành, Moscow muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng và tài chính”, cho biết cuộc gặp của Putin và Tập Cận Bình trong bối cảnh áp lực mạnh mẽ từ Mỹ đối với Điện Kremlin về vấn đề Ukraine. Bắc Kinh đồng ý với quan điểm của Moscow rằng việc mở rộng NATO và thành lập một liên minh quân sự mới sẽ gây mất ổn định thế giới, hai cường quốc cùng phản đối các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên họ.
Hãng thông tấn vệ tinh Nga (Sputnik) đưa tin, việc ông Putin tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đã gặt hái thu hoạch lớn. Những thỏa thuận được ký kết giữa Trung Quốc và Nga liên quan đến ít nhất 3 lĩnh vực quan trọng: thứ nhất là trong vòng 10 năm Nga sẽ cung cấp 100 triệu tấn dầu cho Trung Quốc, tổng giá trị thỏa thuận vẫn chưa xác định vì phụ thuộc vào giá thị trường dầu, nếu tính theo giá thị trường ở thời điểm hiện nay, thì giá trị hợp đồng trị giá 80 tỷ USD; thứ hai là tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang Trung Quốc 25% lên 48 tỷ m3 mỗi năm; thứ ba là tất cả các khu vực của Nga đều có thể cung cấp lúa mì và lúa mạch cho Trung Quốc. Ba hiệp định này đã làm giảm đáng kể áp lực của phương Tây đối với trừng phạt kinh tế lên Nga.
Nhà bình luận Trần Phá Không (Chen Pokong) người Mỹ gốc Hoa phân tích rằng việc ông Putin lập tức rời đi ngay sau khi dự lễ khai mạc và cuộc gặp với ông Tập có thể nói là gây thất vọng cho phía Trung Quốc. Tại sao ông Putin rời đi ngay trong ngày? Ông Trần Phá Không chỉ ra rằng phía ĐCSTQ cũng phải trả giá cho yêu cầu đối với ông Putin, tương tự cái giá phải trả cho nguyên thủ 5 nước Trung Á tham dự là mỗi nước nhận được 100 triệu USD viện trợ không hoàn lại. Nga có thể nhận được nhiều hơn là nhờ một số thương lượng trao đổi công bằng? Phải chăng có điều gì đó không vui trong quá trình đàm phán? Phải chăng không đáp ứng đủ điều kiện cho nhau đến nỗi Putin không còn muốn nán lại Bắc Kinh vào đêm hôm đó? Hành động này tượng trưng cho sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga là lợi dụng lẫn nhau, gọi là tựa lưng nhau trong thời khắc đối đầu phương Tây, xem nhau như quân bài nên thực tế chỉ bằng mặt mà không bằng lòng.
Tranh giành quyền lực khốc liệt trong ĐCSTQ trước Đại hội 20
Ngày 4/2, người sáng lập Ian Bremmer của công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia (Mỹ) đã viết trên trang truyền thông GZERO của ông rằng “chi phí cơ hội” mà Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh mang lại cho ông Tập Cận Bình là rất cao, một khi bị thất bại sẽ là đòn giáng mạnh vào uy tín của ông Tập ở cả trong và ngoài nước.
Gần đây, ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với màn vây ráp mới của phe chống lại. Một bài báo dài 40.000 chữ có tựa “Đánh giá khách quan về Tập Cận Bình” đã chỉ trích ông Tập bằng những từ ngữ gay gắt hiếm thấy. Trong khi lại cóp một bài khác tựa “Đánh giá khách quan về Bạc Hy Lai” đã đặc biệt ca ngợi cựu quan to bị tù chung thân này trong việc thực hiện chính biến chống Tập Cận Bình. Cả hai bài đều được viết bởi tác giả có biệt danh “Thuyền lớn và Trung Quốc”.
Có nhận định cho rằng tác giả bài báo không phải là một người mà là một tập thể. Cao Văn Khiêm (Gao Wenqian), một chuyên gia về lịch sử ĐCSTQ và là tác giả sách “Cuối đời của Chu Ân Lai” có nhận định rằng đây là bom tấn mới nhất do lực lượng chống Tập tung ra nhằm ngăn cản Tập Cận Bình tái nhiệm tại Đại hội 20 của ĐCSTQ. Và việc họ ca ngợi Giang Trạch Dân và Bạc Hy Lai cho thấy lai lịch của tác giả thuộc phe “chống Tập Cận Bình chứ không chống chế độ Cộng sản Trung Quốc”.
Ngày 11/2, trong mục “Điểm nóng công luận” của nhà bình luận người Mỹ gốc Hoa khác là Hoành Hà cũng có phân tích, bài viết cho thấy đấu đá quyền lực của ĐCSTQ trước Đại hội 20 đang khốc liệt hơn. Hiện tượng 7 Ủy viên Ban Thường vụ ĐCSTQ đồng loạt ‘ẩn thân’ nhiều ngày liên tục cuối cùng là vì tình hình dịch bệnh COVID-19 hay vì đấu đá nội bộ nhạy cảm? Hãy chờ thời gian trả lời.
Tình hình căng thẳng Ukraine – Nga
Cũng có những suy đoán cho rằng hành vi hiện tượng đồng loạt ẩn thân nhiều ngày của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ có thể liên quan đến tình hình ngày càng căng thẳng giữa Nga và Ukraine, có lẽ mấy ngày đó họ đang tập trung cùng nhau bàn về tình hình ảnh hưởng của Nga và Ukraine đối với Trung Quốc và thậm chí cân nhắc cơ hội tấn công Đài Loan.
Có tiết lộ từ vài quan chức cấp cao Mỹ chỉ ra, chính quyền Biden nhận thấy ông Tập Cận Bình đang đặc biệt chú ý động thái của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng Ukraine như một dấu hiệu nhận diện cách hành xử của Mỹ nếu ĐCSTQ dùng vũ lực quân sự thống nhất Đài Loan.
Bloomberg đưa tin vào ngày 12/2 dẫn lời quan chức Mỹ cho rằng ông Tập Cận Bình được cho là đang xem xét tính đoàn kết của NATO. Hiện NATO đang tìm cách chống lại việc Nga tăng quân ở biên giới Ukraine, đồng thời thảo luận về các biện pháp áp đặt trừng phạt nếu Nga xâm lược Ukraine hoặc có các hình thức gây bất ổn khác ở Ukraine. Hiển nhiên chính quyền Tập Cận Bình đặc biệt chú ý đến vấn đề này. Thông tin cũng chỉ ra rằng không chỉ Tập Cận Bình, mà cả Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cũng chỉ thị các quan chức Chính phủ Đài Loan phải chú ý đến tình hình Ukraine và tác động có thể xảy ra đối với an ninh của Đài Loan.
Trước đó ông Putin đã tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, thậm chí Trung Quốc và Nga đã đưa ra tuyên bố chung, trong tuyên bố này, ĐCSTQ đã thể hiện ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine, đổi lại thì Bắc Kinh cũng được ông Putin ủng hộ về vấn đề Đài Loan.
Sau khi ông Putin rời Trung Quốc thì căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang. Vào ngày 11/2, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan đã cảnh báo tại một cuộc họp báo rằng Nga có thể xâm lược Ukraine “và có thể bắt đầu ngay bây giờ, hoặc có thể xảy ra trước khi kết thúc Thế vận hội”. Thế vận hội Bắc Kinh dự kiến bế mạc vào ngày 20/2.
Đồng thời, ít nhất 7 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Latvia và Na Uy, đã kêu gọi công dân của họ sơ tán khỏi Ukraine càng sớm càng tốt.
Vào ngày 12/2, hai Tổng thống Mỹ và Nga là Biden và Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài gần một giờ để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Biden nhắc lại rằng việc Nga làm tăng căng thẳng ở Ukraine sẽ gây nguy hiểm cho thế giới và làm suy yếu vị thế của Nga. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nga được coi là nỗ lực cuối cùng để xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraine. Sau đó Bộ Ngoại giao Mỹ đã lệnh cho tất cả nhân viên ngoại giao rời đại sứ quán Mỹ ở Kiev (trừ nhóm nòng cốt). Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa nhắc nhở tất cả công dân Mỹ rời khỏi Ukraine ngay lập tức để tránh bị thiệt hại trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine.
Vốn dĩ trước đó, giới chức tình báo Mỹ đoán rằng để tránh làm mất lòng ông Tập, ông Putin sẽ đợi cho đến sau Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh mới ra lệnh hành động quân sự đối với Ukraine. Hiện có thể xem Trung Quốc và Nga là quan hệ mức độ cận đồng minh. Nhưng gần đây tình báo Mỹ đã cân nhắc thời gian biểu (của Moscow) có thể sớm hơn dự kiến, vào thứ Sáu (18/2) vấn đề này cũng đã được giới chức trong chính quyền Biden công khai thừa nhận.
Mộc Vệ (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Đài Loan Vương Kỳ Sơn Dòng sự kiện căng thẳng Nga - Ukraine