Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 17/5, các quốc gia thuộc khối ASEAN ghi nhận thêm khoảng 25.137 ca mắc COVID-19 mới và 353 trường tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 3,717,512 ca, trong có có khoảng 73.570 người thiệt mạng.
Trong 24 giờ qua, có tới 7 quốc gia thuộc khối ASEAN ghi nhận các ca tử vong mới do COVID-19: Việt Nam, Philippines, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia và 10/11 nước ASEAN ghi nhận các trường hợp COVID-19 mới.
Indonesia hiện vẫn đang là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ASEAN. Chỉ trong 24 giờ qua, nước này có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca mắc mới nhiều thứ 4.
Trong ngày 17/5, chính phủ thông báo tiếp tục thực hiện chính sách hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM) tại 30/34 tỉnh, thành phố đến ngày 31/5 nhằm kiềm chế tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19.
Tại cuộc họp báo cùng ngày, ông Susiwijono Moegiarso, quan chức cấp cao Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế của Indonesia, cho biết bắt đầu từ ngày 18-31/5, PPKM sẽ được thực hiện tại 30 tỉnh, thành phố. Riêng 4 tỉnh Maluku, Tây Sulawesi, Bắc Maluku và Gorontalo không phải thực hiện PPKM do tỷ lệ lây nhiễn rất thấp.
Theo thống kê mới nhất, trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 4.295 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này lên 1.744.045 người. Số bệnh nhân tử vong cũng tăng thêm 212 người, nâng tổng số lên 48.305 người.
Tại Philippines, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng, trong đó số ca mắc mới trong 1 ngày cao hơn cả ổ dịch ở Indonesia, cao thứ 2 trong số các nước thuộc ASEAN, trong khi số trường hợp tử vong đứng thứ 2 toàn khối.
Tại Malaysia, làn sóng dịch mới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Quốc gia này đang chứng kiến dịch leo thang trở lại khi số ca mắc mới trong 1 ngày tăng nhanh mấy ngày qua, còn số ca tử vong cũng ở mức cao với 45 trường hợp tử vong.
Ngày 17/5, Bộ Y tế Malaysia cho biết có thể phải đóng cửa hoàn toàn bang Selangor – vốn là trung tâm vận tải biển và công nghiệp, đóng góp chính cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này nếu làn sóng lây nhiễm COVID-19 hiện nay vẫn tiếp diễn.
Trước đó 2 tuần, Chính phủ Malaysia đã cấm các hoạt động xã hội và đi lại giữa các huyện và bang, như một phần của Lệnh Kiểm soát đi lại (MCO), được áp đặt trước kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr. Quốc gia Đông Nam Á này phải đối phó với với làn sóng lây nhiễm COVID-19 do sự xuất hiện của nhiều biến thể mới. Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi, hoạt động kinh doanh hiện nay ở Selangor – bang đông dân nhất trên cả nước, có thể phải tạm ngừng lại.
Kể từ ngày 5/5, bang Selangor ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, chiếm ít nhất 1/4 tổng số ca nhiễm mỗi ngày trên cả nước. Trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 45 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất kể từ trước tới nay và 4.446 ca nhiễm mới. Như vậy, tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lần lượt là 474.556 và 1.947. Malaysia cũng là nước có số ca nhiễm cao thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines.
Tại Myanmar, quốc gia này ghi nhận 32 ca mắc COVID-19 và có 1 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Tại Thái Lan, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Trong ngày 17/5, Thái Lan ghi nhận thêm số ca mắc mới cao kỷ lục là gần 10.000 trường hợp, trong khi số ca tử vong tăng lên 25 người.
Giới chức Thái Lan trong tuần trước đã mở thêm một bệnh viện dã chiến mới tại trung tâm hội nghị Impact Muang Thong Thani ở tỉnh Nonthaburi với sức chứa 5.000 bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng vừa phải đến từ thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận. Cơ sở này đã được lập ra để tiếp nhận những bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực. Với diện tích 20.000 m2, bệnh viện dã chiến này được chia thành 4 khu dành cho bệnh nhân nam, bệnh nhân nữ, một khu hỗn hợp và khu dành cho bệnh nhân cần được hỗ trợ oxy. Ngoài ra, còn có 100 phòng áp suất âm dành cho bệnh nhân nặng hơn.
Tại Campuchia, dịch bệnh đang gia diễn biến xấu khi nước này ghi nhận 360 bệnh nhân mắc mới và 4 ca tử vong trong ngày 17/5. Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng khiến quốc gia này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Tại Lào, trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng phức tạp với nhiều ổ dịch mới phát hiện trong thành phố, ngày 17/5 vừa qua, thủ đô Viêng Chăn vừa quyết định phân chia thành phố thành các khu vực đỏ sậm, đỏ và vàng theo số ca mắc COVID-19 của từng khu vực.
Các khu vực đỏ sậm và đỏ sẽ bị phong tỏa hoàn toàn trong 14 ngày tới. Mọi hoạt động ra vào, các chợ, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan trong khu vực đỏ sẽ bị đóng cửa, trong khi người lao động làm việc tại các cơ quan chính phủ ở vùng đỏ cũng được nghỉ làm. Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lân lan của dịch COVID-19, chính quyền thành phố Viêng Chăn cũng cấm các hoạt động tụ tập, tập thể dục ngoài trời.
Bộ Y tế Lào chiều 17/5 cho biết nước này đã ghi nhận 47 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Ton Pheung, tỉnh Bokeo, nơi có đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng, với 38 ca mắc cộng đồng. Tính đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.638 ca mắc COVID-19 và 2 trường hợp tử vong.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…