Truyền thông trong nước đưa tin chiều 17/5, Công an Hà Nội cho hay đã chỉ đạo Công an huyện Thanh Oai thực thi việc kỷ luật đại úy Lâm do thiếu trách nhiệm trong việc bắt giữ nghi phạm cướp taxi vào chiều ngày 15/5. Đại úy Lâm bị điều chuyển về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện.
Công an Hà Nội cũng đề xuất khen thưởng người dân trực tiếp bắt giữ nghi phạm.
Tối 17/5, thượng tá Chu An Thanh, Trưởng công an huyện Thanh Oai (Hà Nội) nói: “Thời điểm trên, đại úy Lâm đang trên đường đi làm nhiệm vụ về căn cước công dân. Khi thấy vụ việc, đồng chí Lâm dừng lại để gọi điện cho đồng đội ở Công an xã Cự Khê đến hiện trường tiếp ứng…”, và 4 phút sau, lực lượng công an xã đã tới hiện trường dẫn giải nghi can về trụ sở công an và cùng người dân đưa nạn nhân đi cấp cứu, theo báo Người Lao Động.
Đại diện phía Công an TP Hà Nội cho rằng “Đây là sự việc đáng tiếc…” – Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội nói, vẫn theo báo trên.
Tuy nhiên, công luận phần nhiều thể hiện sự bất bình trước hình thức “kỷ luật cảnh cáo” trên. Luật sư Lê Văn Luân nhận định “cảnh cáo là không đúng với mức độ và tác hại của hành vi của công chức”.
Ông cho rằng “công an không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm” là “hành động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, theo Điều 13 NĐ 112/2020/NĐ-CP, và phải áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc với người công an này mới chính xác.
“Hành vi đó thực tế đã rơi vào trường hợp lỗi cố ý trực tiếp – biết rõ người khác đang gặp nguy hiểm đến tính mạng, trong một thời gian đủ dài để cân nhắc hành động nhưng theo bổn phận của một cảnh sát về trấn áp và truy bắt tội phạm, vị đại uý này đã không thực hiện hành động buộc phải làm.
Nếu tài xế không may nguy hiểm tới tính mạng thì vị đại uý chắc chắn sẽ đối mặt với một tội danh trong Bộ luật Hình sự hiện hành vì hành vi không cứu giúp này của anh ta, mà theo chức trách (được giao phó) anh ta phải hành động ngay lập tức trước tình thế.” – luật sư Luân phân tích trên trang cá nhân.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng đại úy Lâm có thể không phải vô cảm, thiếu trách nhiệm, vì theo kết quả xác minh của Công an TP Hà Nội, người này đã gọi điện thoại về công an xã xin chi viện. Nhưng cách xử lý tình huống này “rất thiếu chuyên nghiệp” vì đây là “trường hợp khẩn cấp, nạn nhân đã bị thương, đang cố gắng vật lộn bắt giữ đối tượng, sự hỗ trợ từ bên ngoài lúc đó là vô cùng cần thiết”.
Theo trung tá Hiếu, lẽ ra đại úy Lâm phải lập tức cùng hỗ trợ, cũng có thể kêu gọi người đi đường cùng giúp sức khóa trói tên cướp, sau khi khống chế thành công mới gọi điện cho đơn vị công an ra tiếp nhận.