Chỉ còn hai tháng nữa cho tới sự kiện Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh chính thức bắt đầu, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như vẫn chưa thể quyết định sẽ giữ lập trường ra sao, trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói và áp lực mạnh mẽ từ các nhóm nhân quyền kêu gọi tẩy chay Olympic do hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc.
Quan điểm tẩy chay Thế vận hội đã tăng lên ở mức độ mạnh mẽ hơn sau khi xảy ra sự kiện vận động viên quần vợt Bành Soái của Trung Quốc có khoảng thời gian “mất tích” sau khi cáo buộc cựu phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ ép cô quan hệ tình dục.
Việc chính quyền Trung Quốc xử lý vụ việc với cô Bành đã trở thành một chủ đề nóng trên toàn thế giới, khiến hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý. Hiệp hội quần vợt nữ đã đình chỉ việc tổ chức các giải đấu trong tương lai ở Trung Quốc.
Các nhà hoạt động và chính trị gia ở nhiều nước trước đó đã kêu gọi tẩy chay Olympic do việc Bắc Kinh vẫn đang đàn áp người Duy Ngô Nhĩ hay làm xói mòn tự do ở Hồng Kông.
Một số quan chức cấp cao nhất của châu Âu đã đồng ý với ý tưởng này.
Tại Anh, lãnh đạo Hạ viện Jacob Rees-Mogg nói rằng “chưa có vé nào được đặt” cho các Bộ trưởng Anh tham dự Thế vận hội Mùa đông.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng đã ám chỉ rằng một động thái như vậy có thể sẽ diễn ra, trong khi Úc cũng cho biết họ đang cân nhắc kỹ lưỡng.
Tuần này, Ngoại trưởng sắp tới của Đức Annalena Baerbock đã trở thành nhân vật nổi tiếng nhất của châu Âu làm nổi bật ý tưởng này.
“Khi tôi thấy cách lãnh đạo Trung Quốc đối phó với vận động viên quần vợt Bành Soái hoặc nhà báo công dân bị bắt Zhang Zhan [người đã bị bỏ tù vì đưa tin về vụ bùng phát COVID-19 ở Vũ Hán], tất nhiên chúng ta cũng nên xem xét kỹ hơn Thế vận hội Olympic,” bà Baerbock, đồng lãnh đạo đảng Xanh cho biết.
Tuần trước, chính phủ Litva cho biết họ sẽ không cử các Bộ trưởng tới Bắc Kinh, và Tổng thống Gitanas Nausėda cũng sẽ không tham dự.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vytaute Smaizyte xác nhận rằng Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis “chưa bao giờ có ý định đến Thế vận hội”.
Hiện mối quan hệ Trung Quốc – Litva đang chạm đáy do leo thang căng thẳng về vấn đề Đài Loan.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của văn phòng số 10 phố Downing cho biết chưa có quyết định nào được đưa ra về Anh Quốc sẽ cử đại diện chính phủ như thế nào tại Thế vận hội.
Brussels cũng quanh co khi được hỏi liệu họ sẽ ủng hộ một cuộc tẩy chay hay liệu họ có chấp nhận lời mời tham dự Thế vận hội hay không.
“Các tổ chức thể thao quốc tế có trách nhiệm chính trong việc tổ chức các sự kiện thể thao ở cấp độ toàn cầu. Ở cấp độ EU, đây là năng lực của các quốc gia thành viên EU trong lĩnh vực thể thao, trong khi EU có vai trò hỗ trợ”, Nabila Massrali, phát ngôn viên đối ngoại của EU cho biết.
Bà nói EU sẵn sàng đóng góp cho các sự kiện như Thế vận hội, nơi được coi là “công cụ để truyền bá các giá trị tích cực và thúc đẩy tự do và nhân quyền ở cấp độ toàn cầu”.
“Tuy nhiên, những nền tảng như vậy không nên được sử dụng để tuyên truyền chính trị,” bà Massrali nói thêm.
Các quan chức của Ủy ban châu Âu trước đó đã bác bỏ yêu cầu của Nghị viện châu Âu về việc EU và các quốc gia thành viên tẩy chay Thế vận hội, chỉ ra thực tế là EU không cạnh tranh với tư cách là một đội tuyển.
Xuân Lan
Xem thêm:
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…