Chính phủ càng lớn, người dân càng nhỏ

Trong các cuộc tranh luận tại những cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, người ta thường nghe thấy khái niệm “chính phủ giới hạn” hay chính phủ quy mô nhỏ (limited government), xuất phát từ những người bảo thủ của Đảng Cộng hoà. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng là một thành viên của Đảng Cộng hoà và cũng bảo lưu quan điểm chính phủ cần phải nhỏ nhưng quân đội phải hùng mạnh. Tại sao lại như vậy? Trong video dưới đây, tác giả Dennis Prager giải thích lập luận của những người thuộc cánh hữu về việc kiềm chế chính phủ cũng như vai trò của nó trong sự thành công của nước Mỹ:

Chính phủ càng lớn, người dân càng nhỏ. Đây là một trong những nhận thức xã hội quan trọng nhất mà bạn phải mở mắt chấp nhận. Trên thực tế, chính vì nhận thức được điều này mà nước Mỹ đã đặc biệt thành công trong việc xây dựng một xã hội tự do và giàu có.

Mọi thứ sẽ trở nên nhỏ hơn khi chính phủ lớn hơn. Quyền tự do ít đi, tính cá nhân nhỏ đi, sự tử tế cũng ít đi, và nhân cách cũng bé lại. Đây không phải là một quan điểm chính trị đại diện cho một đảng phái chính trị nào. Nó đơn giản chỉ là một thực tế có thể quan sát được. Nó đơn giản là logic thông thường mà thôi.

Không ai phủ nhận rằng chính phủ có thể và phải làm một số việc nhất định. Có rất nhiều việc chính phủ cần làm. Chính phủ phải bảo vệ chúng ta khỏi những cuộc tấn công ngoại bang. Đó là lý do tại sao chúng ta có lực lượng vũ trang. Chính phủ phải bảo vệ chúng ta khỏi tội phạm trong nước. Đó là lý do tại sao chúng ta có cảnh sát. Cũng như vậy, cơ quan cứu hoả và toà án cũng là những cơ quan cần thiết của chính phủ. Và, hiển nhiên rồi, khi tất cả những nỗ lực cứu trợ khác thất bại – ví như các tổ chức tư nhân và tôn giáo, gia đình và bạn bè – thì chính phủ cũng phải có mặt để cung cấp một mái ấm an toàn như là phương sách cuối cùng cho người dân. Nhưng nó phải luôn luôn là “phương sách cuối cùng”. Nếu chính phủ là phương sách đầu tiên – là nơi đầu tiên mà người dân tìm đến khi họ có vấn đề – thì sẽ xảy ra những điều tồi tệ.

Khi chính phủ bắt đầu lớn lên là khi mọi thứ bắt đầu nhỏ dần và biến mất.

Thứ đầu tiên mất đi khi chính phủ bắt đầu lớn hơn mức cần thiết chính là sự tử tế. Vâng, sự tử tế. Khi chính phủ lớn hơn thì người ta đơn giản là sẽ làm ít điều thiện hơn cho người khác. Cuối cùng thì tại sao lại phải giúp người khác khi chính phủ sẽ làm điều đó cho bạn?

Đây chính là lý do mà, như Charities Aid Foundation – một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, đã nói và chỉ ra trong hàng loạt nghiên cứu của mình rằng, người Mỹ làm từ thiện và cống hiến thời gian tình nguyện giúp người khác nhiều hơn người châu Âu, chưa kể đến là nhiều hơn bất kỳ người ở quốc gia khác trên thế giới này.

Ngay từ đầu, người Mỹ hiểu rằng chính phủ phải nhỏ thôi và vì vậy các cá nhân phải cống hiến thời gian và tiền của để giúp người khác, cũng như là các tổ chức phi chính phủ tử tế, phải có thật nhiều và họ phải là tổ chức lớn.

Mặt khác, người châu Âu với triết lý chính phủ cần lớn, đã trở nên ỷ lại vào chính phủ trong việc giúp đỡ đồng bào – và thậm chí cả các thành viên gia đình của họ.

Điều thứ 2 sẽ nhỏ lại khi chính phủ lớn lên đó là đạo đức của rất nhiều công dân của nó. Chăm lo cho người khác và tự chăm lo cho chính mình là một biểu hiện của đạo đức. Ỷ lại vào người khác chăm lo cho mình khi mình có thể tự lo được thì được định nghĩa chính xác là ích kỷ và vô trách nhiệm.

Và còn tệ hơn. Càng có nhiều người ỷ lại vào chính phủ chăm lo cho mình, thì họ càng bắt đầu phát triển tư duy hưởng thụ. Tư duy hưởng thụ là niềm tin rằng bạn không nợ người khác mà người khác – trong trường hợp này là chính phủ và những người dân khác đã đóng góp tiền cho chính phủ – mới nợ bạn.

Tư duy hưởng thụ tạo ra hai tính cách tồi tệ khác: vô ơn và ghen tức. Con người càng mong đợi được cho nhiều, thì họ càng ít biết ơn những gì người khác cho họ. Và họ trở nên oán hận bất cứ khi nào những gì họ đang thụ hưởng bị lấy mất.

Điều thứ ba sẽ bị thu hẹp khi chính phủ lớn lên là tự do. Điều này rất hiển nhiên. Chính phủ càng to thì càng nhiều luật lệ. Càng nhiều luật, càng ít tự do. Ở hầu hết các nước châu Âu, chẳng hạn, chính phủ yêu cầu các chủ cửa hàng chỉ được mở cửa hàng của chính mình trong một khoảng thời gian nào đó. Đúng thế. Ví dụ như ở Pháp và Đức, bạn không thể mở cửa hàng của chính mình quá một khung giờ nào đó, và bạn không thể mở cửa hàng của chính mình trước một khung giờ nào đó.

Còn ở Mỹ, Bộ luật và quy định của Cơ quan Đăng ký Liên bang dài 2.620 trang vào năm 1936. Vào năm 2012 thì quy định của nó đã lên tới 78.961 trang.

Tuy nhiên, có những điều mà các chính phủ càng lớn thì quy mô của chúng cũng càng lớn: tham nhũng, lừa đảo, và trộm cắp. Sao lại không chứ? Trừ phi bạn nghĩ rằng con người là những thiên thần, và quyền lực chính trị hấp dẫn thiên thần, bạn sẽ thấy rằng rất nhiều người với quyền lực vô hạn và có quyền sử dụng những khoản gần như tiền vô hạn sẽ lạm dụng quyền lực đó.

Vì vậy, vì tất cả những lý do trên, chính phủ nhỏ chính là tầm nhìn của những người lập nên Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ.

Đó chính là lý do chính mà nước Mỹ là nơi người dân được hưởng nhiều quyền tự do và có cơ hội hơn để sống một cuộc sống tốt đẹp hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Thu Hương biên dịch

Thu Hương

Published by
Thu Hương

Recent Posts

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 phút ago

ĐBQH: ‘Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa’

Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…

9 phút ago

Chém người trong ký túc xá một trường đại học ở Hàng Châu

Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…

26 phút ago

Đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…

59 phút ago

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

2 giờ ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

2 giờ ago