Tổng thống tiếp theo của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ có khả năng sẽ phải chèo lái Hoa Kỳ vượt qua một giai đoạn bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc quan trọng, một đối thủ với dã tâm cùng năng lực có thể thay thế trật tự thế giới hiện nay do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Tám trên mười công dân Hoa Kỳ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, theo báo cáo mới được công bố của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng Bảy.
Lưỡng đảng tại Washington đều nhất trí rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang trở thành một mối đe dọa khi chế độ này đang rút ngắn khoảng cách quyền lực với Hoa Kỳ trên nhiều phương diện như quân sự, ngoại giao và công nghệ.
Cựu Tổng thống Donald Trump là người đã khởi xướng các chính sách đối ngoại cứng rắn hiện tại đối với Trung Quốc. Ông Trump đã định vị Đảng Cộng sản Trung Quốc như một “đối thủ chiến lược [của Hoa Kỳ]”. Chính quyền Trump đã áp dụng một cách tiếp cận mới trong mối bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc như áp đặt các mức thuế quan rộng rãi đối với hàng hóa Trung Quốc, hạn chế Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ bán dẫn của Hoa Kỳ, và điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia Hoa Kỳ từ Trung Đông sang Trung Quốc và Nga.
Chính quyền Biden vẫn đang tiếp tục duy trì nhiều chính sách từ thời chính quyền Trump. Nhiều khả năng, Washington vẫn sẽ tiếp tục duy trì nhiều chính sách theo hướng cứng rắn đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử lần này, cả hai đề cử viên cũng tuyên bố những cách tiếp cận riêng biệt, phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân khác biệt và vào những chính trị gia được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền sau khi họ đắc cử.
Cựu Tổng thống Donald Trump, đề cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa, được công chúng kỳ vọng sẽ tiếp tục các chính sách Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông.
Phó Tổng thống Kamala Harris, đề cử viên tổng thống Đảng Dân chủ, có khả năng vẫn tiếp tục duy trì các chính sách Trung Quốc hiện tại của chính quyền Biden.
Cả hai đề cử viên đều nhất trí rằng Washington cần phải kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ, cũng như hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chiến lược, tiếp tục đầu tư giúp đổi mới đất nước, tái lập chuỗi cung ứng và chống lại các hành vi thương mại bất công của Bắc Kinh.
Mục tiêu hiện tại của Washington là đảm bảo “Hoa Kỳ, chứ không phải Trung Quốc, sẽ là bên chiến thắng trong cuộc đua cạnh tranh thế kỷ 21”, bà Harris đã nhấn mạnh nhiều lần tuyên bố này.
Vào tháng trước, chính quyền Biden đã hoàn thiện các mức thuế suất áp đạt lên các mặt hàng từ Trung Quốc như giữ nguyên tất cả các mức thuế từ thời chính quyền Trump cũng như áp đặt thêm các loại thuế suất đối với công nghệ và khoáng sản nhạy cảm.
Trong một bài phát biểu về vấn đề kinh tế tại thành phố Pittsburgh vào ngày 25 tháng 9, phó tổng thống Kamala Harris cam kết: “Tôi sẽ không bao giờ ngần ngại áp dụng các biện pháp cứng rắn và nhanh chóng khi Trung Quốc vi phạm những quy tắc quốc tế, gây tổn hại cho công nhân, cộng đồng và các công ty của chúng ta”.
Trong khi đó, cương lĩnh của Đảng Cộng hòa lấy ông Trump làm trung tâm cũng cam kết sẽ hủy bỏ tình trạng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (Permanent Normal Trade Relations – PNTR) hay còn gọi là quy chế tối huệ quốc đối với Trung Quốc, tình trạng giúp Trung Quốc đạt được nhiều lợi ích thương mại tự do với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng sẽ dần dần loại bỏ nhập khẩu hàng hóa thiết yếu như điện tử, thép và dược phẩm; đồng thời ngăn chặn Trung Quốc thu mua bất động sản và các ngành công nghiệp tại Hoa Kỳ.
Ông Trump ám chỉ sẽ khởi động lại cuộc chiến thương mại, tiết lộ rằng ông có thể áp đặt mức thuế quan hơn 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Ông Dennis Wilder, một cựu sĩ quan an ninh quốc gia và tình báo từng được bổ nhiệm vào nhiều chức vị cấp cao trong chính quyền Bush và Obama, tin tưởng rằng những chính sách đe dọa thuế suất cao hơn của ông Trump chỉ là một công cụ đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại tương tự như thỏa thuận thương mại giai đoạn một Hoa Kỳ–Trung Quốc đã ký kết vào năm 2020.
Ông Stephen Ezell, phó chủ tịch của Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin, nói với tờ The Epoch Times rằng ông Trump nghiêm túc thực hiện các cam kết về thương mại đối với Trung Quốc trong cương lĩnh của Đảng Cộng hòa, đặc biệt là quyết định hủy bỏ quy chế tối huệ quốc cho Trung Quốc, bởi vì Bắc Kinh đã từ chối tuân theo những cam kết mà họ đã hứa khi trở thành một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Bắc Kinh từ chối thực hiện các điều khoản trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một Hoa Kỳ–Trung Quốc 2020, trong đó có cam kết nhập khẩu thêm 200 USD hàng hóa của Hoa Kỳ trong hai năm.
Vào ngày 23 tháng 9, trong một cuộc họp với các nông dân tại thành phố Smithton, gần thành phố Pittsburgh, ông Trump nói, nếu ông tái đắc cử, ông sẽ điện đàm với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tiên, yêu cầu ông Tập tôn trọng thỏa thuận đã ký kết.
Trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump đã đề xuất tách biệt hoàn toàn nền kinh tế Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc, được gọi là “tách biệt kinh tế“. Ông Robert Lighthizer, đại diện thương mại dưới chính quyền Trump, có thể trở thành bộ trưởng tài chính của chính quyền Trump tiếp theo, cũng lên tiếng ủng hộ ý tưởng của ông Trump.
Bà Harris cùng Đảng Dân chủ lại có quan điểm khác biệt về vấn đề thương mại với Trung Quốc. Bà Harris mong muốn giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng, nhưng không tách biệt hoàn toàn.
Ông James Lewis, phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói rằng việc tách biệt kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Ông Lewis đặt câu hỏi liệu chính quyền Harris trong tương lai có cách tiếp cận khác biệt so với chính quyền Biden hay không, và cho biết ông sẽ tiếp tục theo dõi tốc độ nền kinh tế Hoa Kỳ tách biệt khỏi Trung Quốc và các biện pháp kinh tế được áp dụng để củng cố quá trình tách biệt này.
Mặc dù lưỡng đảng tại Washington đều nhất trí rằng Hoa Kỳ cần tăng cường các biện pháp an ninh nhằm đối phó với các hành động hung hăng của Trung Quốc, đặc biệt là ở khu Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhưng cả hai đảng vẫn có những cách tiếp cận khác biệt về vấn đề an ninh với Trung Quốc nhằm tránh xung đột quân sự.
Ông Trump nhấn mạnh Hoa Kỳ cần duy trì hòa bình tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách thể hiện sức mạnh quân sự. Khi ông Trump còn tại nhiệm, ông tập trung hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân đồng thời chấm dứt chính sách cắt giảm dần dần kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.
Một tài liệu chính sách hạt nhân được công bố năm 2018 trong thời kỳ chính quyền Trump nói rằng một trong những vai trò quan trọng của vũ khí hạt nhân là nhằm “đối phó với một tương lai không chắc chắn”. Chính quyền Biden đã loại bỏ trích đoạn này trong bản cập nhật năm 2022.
Tổng thống Joe Biden, trong lần Đánh giá Tinh thế Hạt nhân năm 2022, đã tuyên bố hủy bỏ chương trình tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ biển, viện dẫn lý do chi phí. Tuy nhiên, Quốc hội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tài trợ cho chương trình, mặc dù chính quyền Biden không bổ sung chương trình trong các yêu cầu ngân sách quốc phòng. Theo lời những chính trị gia ủng hộ, chương trình này giúp gia tăng khả năng răn đe thực tế của quân đội Hoa Kỳ.
Vào tháng Sáu, một cuộc khảo sát của YouGov đã phát hiện ra rằng so với những cử tri ủng hộ ông Biden, phần lớn những cử tri ủng hộ ông Trump nói rằng Hoa Kỳ sẽ an toàn hơn vì sở hữu kho vũ khí hạt nhân.
Trong cuộc tranh biện về dự luật tài trợ quốc phòng năm 2020, bà Harris khi đó là Thượng nghị sĩ liên bang (Đảng Dân Chủ, California) đã tuyên bố ủng hộ cắt giảm ngân sách quốc phòng. Bà nói: “Tôi đồng thuận hoàn toàn với mục tiêu cắt giảm ngân sách quốc phòng và chuyển hướng ngân sách cho các cộng đồng đang cần [được hỗ trợ]”.
Vào tháng Năm năm nay, bà Harris tuyên bố rằng sự thống trị không gian và phòng không của Hoa Kỳ là thiết yếu để đảm bảo hòa bình và an ninh toàn cầu, và chính quyền Biden vẫn sẽ tiếp tục duy trì ngân sách quốc phòng ổn định.
Ông Trump là tổng thống khởi xướng chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, mà sau đấy Tổng thống Biden vẫn tiếp tục phát triển hơn nữa. Cả hai đảng đều nhất trí rằng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ là chiến trường chính của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông Trump và bà Harris có thể có quan điểm khác biệt về cách cân bằng giữa những mối đe doạ hiện hữu ở cuộc chiến Nga-Ukraine và Israel–Hamas cũng như tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan.
Ông Ivan Kanapathy, Phó Chủ tịch cấp cao tại công ty tư vấn Beacon Global Strategies, đồng thời là cựu quan chức an ninh quốc gia cấp cao dưới thời chính quyền Trump, tin rằng Liên minh Châu Âu, với nền kinh tế lớn hơn nhiều so với Nga, nên tích cực tham gia quản lý cuộc chiến Nga–Ukraine đang diễn ra tại phía đông châu Âu, trong khi Hoa Kỳ có thể tập trung nguồn lực nhiều hơn vào Trung Quốc và Triều Tiên.
Ông Elbridge Colby, cựu quan chức cấp cao tại Lầu Năm Góc, đồng thời là đề cử viên hàng đầu cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, cũng tuyên bố đồng tình với quan điểm của ông Kanapathy.
Vào cuối tháng Chín, bà Harris khẳng định một lần nữa chính quyền Harris sẽ vẫn tiếp tục viện trợ cho Ukraine như một cách để Hoa Kỳ “thực hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu lâu dài của chúng ta“. Vào đầu năm nay, hồi tháng Hai, bà Harris tuyên bố rằng chính quyền Biden đã “đầu tư mạnh mẽ vào các liên minh và đối tác của chúng ta và thành lập các mối quan hệ mới nhằm đảm bảo hòa bình và an ninh” ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong ba năm rưỡi qua.
Chính quyền Biden đã khẳng định chắc chắn rằng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là “sân khấu chính” của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ đã không đáp ứng đủ viện trợ quân sự liên tục cho Ukraine và Israel dẫn đến tình trạng đơn hàng vũ khí trị giá 20 tỷ USD cho Đài Loan bị tồn đọng, giá trị tồn đọng này tương đương với ngân sách quốc phòng hàng năm của quốc đảo Đông Bắc Á.
Tổng thống Biden đã tuyên bố nhiều lần rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Bắc Kinh cố gắng thôn tính quốc đảo này bằng vũ lực. Tuy nhiên, các quan chức của ông Biden luôn rút lại những tuyên bố đó, viện dẫn chính sách cố ý mập mờ về những hành động Hoa Kỳ sẽ thực hiện ở Đài Loan.
Vào tháng Chín năm 2022, bà Harris tuyên bố rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ “tiếp tục phản đối bất kỳ những thay đổi đơn phương nào đối với tình trạng hiện tại [tại Eo biển Đài Loan]” cũng như “tiếp tục viện trợ quốc phòng để Đài Loan tự vệ, phù hợp với chính sách [đối ngoại] lâu dài của chúng ta“.
Gần đây, ông Trump đã khiến cộng đồng quốc tế tranh cãi khi yêu cầu Đài Loan trả tiền để được Hoa Kỳ bảo vệ.
Khi ông Trump còn tại nhiệm, ông đã tăng cường bang giao Hoa Kỳ–Đài Loan, bắt đầu với một cuộc điện đàm chưa từng có vào năm 2016—lần điện đàm chính thức đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Đài Loan kể từ năm 1960—với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, chính trị gia đã chân thành chúc mừng tân Tổng thống Hoa Kỳ mới đắc cử.
Ông Trump đã ký ban hành Đạo luật Di trú Đài Loan năm 2018, khuyến khích các quan chức Hoa Kỳ giao lưu với các quan chức Đài Loan ở mọi cấp độ, và Đạo luật Bảo đảm Đài Loan năm 2020, đảm bảo các hướng dẫn về Đài Loan tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phù hợp và thống nhất. Trong thời gian ông Trump tại nhiệm, nhiều quan chức cấp cao trong nội các của ông đã công du đến quốc đảo này.
Tại thành phố Smithton, tiểu bang Pennsylvania, vào ngày 23 tháng 9, ông Trump dự đoán khả năng Hoa Kỳ đối chiến với Trung Quốc khi nhắc đến việc bảo vệ ngành công nghiệp thép của Hoa Kỳ.
“Nếu chúng ta đang trong một cuộc chiến—và chúng ta cần xe tăng quân đội, và chúng ta cần tàu chiến, và chúng ta cần nhiều thứ khác được làm từ thép—chúng ta sẽ làm gì? Đi đến Trung Quốc và mua thép à?” — Chúng ta đang đối chiến với Trung Quốc, nhưng ‘Liệu [Trung Quốc] có bằng lòng bán cho chúng ta một ít thép hay không?’ Hãy suy nghĩ về điều đó”, ông Trump nói.
Theo ấn bản năm 2024 của Chỉ số Quyền lực Châu Á của Viện Lowy—xếp hạng quyền lực của 27 quốc gia dựa trên tám chỉ số, bao gồm năng lực quân sự và kinh tế—sức mạnh của Trung Quốc đang chững lại ở mức thấp hơn Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lần đầu tiên kể từ khi chỉ số này ra đời vào năm 2018, các chuyên gia được tham khảo cho rằng Trung Quốc có khả năng triển khai quân đội nhanh chóng và đối chiến trong một thời gian dài trong trường hợp xảy ra xung đột ở Châu Á.
Một vấn đề quan trọng khác liên quan đến Trung Quốc chính là vấn nạn fentanyl quá liều, chất gây nghiện chết người, nguyên nhân hàng đầu khiến người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 45 tử vong. Nửa triệu công dân Hoa Kỳ đã thiệt mạng vì sử dụng loại thuốc này trong một thập kỷ qua. Đa số các hóa chất hoặc tiền chất cần thiết để sản xuất fentanyl được chuyên chở từ Trung Quốc đến Mexico, rồi từ đó thẩm thấu vào Hoa Kỳ.
Vào tháng Giêng, chính quyền Biden đã khởi động lại chương trình hợp tác chống ma túy Hoa Kỳ–Trung Quốc. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, lực lượng cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ một cá nhân vào đầu năm nay do các cáo buộc vào năm 2023 của Hoa Kỳ. Đây là vụ bắt giữ duy nhất mà Bắc Kinh thực hiện, kết quả từ sự phối hợp phòng chống ma túy song phương giữa hai quốc gia.
Vào ngày 1 tháng 9, Trung Quốc đã bổ sung thêm bảy tiền chất fentanyl vào danh mục các hợp chất bị nhà nước kiểm soát, khiến việc mua, bán và xuất khẩu fentanyl bị hạn chế.
Bà Harris đã gọi ma túy fentanyl là “tai họa đối với đất nước chúng ta” đồng thời đưa ra cam kết mạnh mẽ vào tháng trước nhưng né tránh đề cập đến Trung Quốc. Bà tuyên bố: “Là tổng thống, ưu tiên hàng đầu [của tôi là] ngăn chặn dòng chảy fentanyl đổ vào Hoa Kỳ”.
Tại thành phố Smithton, ông Trump bày tỏ sự cứng rắn khi nói rằng nếu ông tái đắc cử, ông sẽ điện đàm với ông Tập và yêu cầu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên án tử hình các tay buôn fentanyl Trung Quốc. Theo ông Trump, trong thời gian ông vẫn còn tại nhiệm, ông đã đạt được “thỏa thuận miệng” với ông Tập về vấn đề này.
Ông Tập đã từng cam kết với ông Trump sẽ trừng phạt nghiêm khắc các tay buôn fentanyl Trung Quốc đồng thời bổ sung thêm hơn 1.400 biến thể fentanyl đã biết vào danh sách các chất ma túy bị nhà nước kiểm soát vào tháng 5 năm 2019. Tuy nhiên, chính quyền Trump không nhận thấy bất kỳ động thái thực thi pháp luật quy mô lớn nào từ phía Trung Quốc nhằm củng cố quy định này.
Trong khi bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc ngày càng trở nên đối đầu hơn dưới thời chính quyền Trump, thì cương lĩnh của Đảng Dân chủ cho thấy đảng này sẵn lòng tương tác nhiều hơn với Bắc Kinh, theo đuổi cách tiếp cận “cứng rắn nhưng thông minh” với Trung Quốc.
Bà Harris nhắc lại quan điểm của Tổng thống Biden về việc “quản lý có trách nhiệm cuộc cạnh tranh này” thông qua “các kênh liên lạc mở cấp cao” để tránh xảy ra xung đột hoặc đối đầu trực diện, theo Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.
Ông Alexander Gray, Giám đốc điều hành của American Global Strategies, đồng thời là cựu quan chức an ninh quốc gia cấp cao dưới thời chính quyền Trump, nhấn mạnh rằng đối thoại và thảo luận cần có một mục tiêu rõ ràng.
Ông Gray nói với tờ The Epoch Times rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có “lịch sử nổi danh thao túng các đối tác nước ngoài và lợi dụng những cuộc đối thoại như vậy cho mục đích tuyên truyền thay vì thực hiện những hành động mang tính xây dựng“.
Theo quan sát của ông Kanapathy, Tổng thống Biden đã thận trọng duy trì các chính sách Trung Quốc của ông Trump trong hai năm đầu tiên trước khi chính quyền của ông chuyển dần sang “một lập trường thân thiện hơn, ít tập trung vào các hành động cạnh tranh”.
Ông Lewis từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tin tưởng rằng cách tiếp cận của chính quyền hiện tại phụ thuộc nhiều vào việc đánh giá liệu Trung Quốc đã đạt đến đỉnh cao sức mạnh hay chưa. Nếu Trung Quốc đã thực sự chững lại, không tiếp tục phát triển hơn nữa, thì các chính sách phản ứng của Hoa Kỳ có thể thoải mái hơn. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, thì Hoa Kỳ cần nhiều hành động phản đối mạnh mẽ hơn nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Tuy nhiên câu hỏi về sức mạnh đỉnh điểm của Trung Quốc vẫn còn là một chủ đề tranh luận mở. Theo ông Lewis, điều đó đã dẫn đến một “tình trạng bế tắc tại Nhà Trắng dưới thời chính quyền Biden về chiến lược Trung Quốc”.
Hiện tại, Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt thách thức, bao gồm già hóa và suy giảm dân số, nợ công tăng dần, suy giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài, và làn sóng di cư của giới nhà giàu.
Ông Lewis cũng cho biết rất nhiều nhà phân tích cũng nhất trí rằng các quan chức Trung Quốc “làm giả số liệu của họ”, nói rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế thực sự của Trung Quốc có thể chỉ bằng một nửa so với những gì Bắc Kinh tuyên bố.
Tuy nhiên, ông Lewis cũng bổ sung thêm rằng các thử thách có thể được giải quyết bởi Bắc Kinh “sẵn sàng chi tiền” cùng đội ngũ nghiên cứu hùng hậu của họ.
Trung Quốc hiện sở hữu hơn 6 triệu nghiên cứu viên tham gia hỗ trợ kế hoạch phát triển các công nghệ mới của ông Tập—bao gồm các công nghệ tiên phong như pin và năng lượng mặt trời—với tham vọng đạt được sự thống trị toàn cầu.
Bà Harris cùng đề cử viên liên danh cho vị trí phó tổng thống của bà, Thống đốc Minnesota Tim Walz, đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Vào năm 2020, bà Harris nói với Hội đồng Quan hệ Đối ngoại rằng “hồ sơ nhân quyền kinh khủng” của Trung Quốc phải chiếm vị trí quan trọng trong các chính sách của Hoa Kỳ đối với quốc gia này.
Khi vẫn còn là thượng nghị sĩ, bà Harris đã đồng bảo trợ Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019 và Đạo luật Chính sách Nhân quyền Người Duy Ngô Nhĩ năm 2020, hai đạo luật này đã áp đặt lệnh trừng phạt các cá nhân chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
Ông Trump đã ký kết cả hai dự luật nêu trên thành luật chính thức.
Trong khi đối mặt với rất nhiều chỉ trích vì đã công khai ca ngợi ông Tập, ông Trump cũng đã lãnh đạo một số tiến triển quan trọng trong việc xử lý các vấn đề nhân quyền liên quan đến Trung Quốc.
Những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, chính quyền Trump đã tuyên bố rằng chế độ Trung Quốc vẫn đang tiến hành “cuộc diệt chủng đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương”.
Rất nhiều cơ quan lập pháp các nước trên khắp thế giới đã lên tiếng ủng hộ quyết định này thông qua các cuộc biểu quyết không ràng buộc pháp lý với cơ quan hành pháp, nhưng Washington vẫn là cơ quan hành pháp duy nhất đưa ra quyết định chính thức này.
Ông Trump cũng là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên gặp gỡ một học viên Pháp Luân Công, cùng với các nạn nhân khác sống sót sau cuộc bức hại tôn giáo từ Trung Quốc và từ những nơi khác. Chính quyền Trump đã trừng phạt những người liên quan đến “các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” và “liên quan đến các vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng đối với những học viên Pháp Luân Công”.
Đảng Cộng sản Trung Quốc coi Pháp Luân Công, hay còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp—một phương pháp tu luyện theo các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn—là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng với các phong trào độc lập Đài Loan, Tây Tạng, những người theo chủ nghĩa “ly khai” ở Tân Cương và phong trào dân chủ Trung Quốc.
Chính quyền Biden vẫn đang tiếp tục chính sách nhân quyền cứng rắn này, với việc Ngoại trưởng Antony Blinken áp đặt các hạn chế thị thực lên một quan chức cộng sản Trung Quốc khác vì “giam giữ tùy tiện những học viên Pháp Luân Công chỉ vì đức tin của họ“.
Terri Wu và Lily Zhou/ The Epoch Times
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…