Vấn đề hạt nhân tại Bắc Hàn luôn làm đau đầu Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. Ngay cả Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng dường như cũng phản đối nước này sở hữu vũ khí hạt nhân. Bất chấp nỗ lực ngăn cản của quốc tế, Bắc Hàn vẫn đơn phương triển khai chương trình hạt nhân và họ đã 5 lần thử vũ khí hủy diệt này kể từ năm 2006.
Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Bắc Hàn có thể tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 vào bất kỳ lúc nào.
Vậy thực tế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng tiên tiến cỡ nào?
Câu trả lời là có. Thực tế, Bắc Hàn đã tiến hành thử bom hạt nhân nhiều lần, các số liệu công khai là 5 lần kể từ năm 2006.
Tuy nhiên, để tiến hành cuộc tấn công hạt nhân vào nước khác, Bắc Hàn cần phải có khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn lên tên lửa.
Bình Nhưỡng nhiều lần tuyên bố rằng họ đã “thu nhỏ” đầu đạn hạt nhân thành công. Nhưng điều này chưa bao giờ được kiểm chứng độc lập và một số chuyên gia vẫn hoài nghi về tính xác thực của các tuyên bố này.
Các phương tiện truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên thông báo họ đã thực hiện thành công 5 vụ thử hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, tháng 1 và tháng 9/2016.
Sức công phá của bom dường như đã tăng lên theo thời gian.
Vụ thử vào tháng 9/2016 công suất nổ của bom ước đạt vào khoảng 10 – 30.000 tấn TNT. Nếu số liệu này là xác thực thì đây là loại bom hạt nhân mạnh mẽ nhất mà Bắc Hàn từng sở hữu.
Một câu hỏi lớn khác là liệu các thiết bị được thử nghiệm là bom nguyên tử hay bom hydro (bom H) – loại vũ khí có sức mạnh lớn hơn.
Bom H sử dụng nhiệt hạch (sự kết hợp các nguyên tử) để giải phóng một lượng năng lượng khổng lồ, sức mạnh vượt trội hơn nhiều so với các quả bom nguyên tử dùng năng lượng nổ từ sự phân rã hạt nhân nguyên tử.
Các vụ thử 2006, 2009 và 2013 được xác định là bom nguyên tử.
Bắc Hàn tuyên bố rằng vụ thử hạt nhân vào tháng 1/2016 là bom H.
Nhưng các chuyên gia vẫn nghi ngờ về tuyên bố này vì quy mô của vụ nổ, nếu so với một thiết bị bom H là quá nhỏ.
Chi tiết về vụ thử bom này cũng chưa được Bình Nhưỡng công bố chính thức.
Phía Hàn Quốc ước tính, công suất nổ của vụ thử bom đó là vào khoảng 10.000 tấn TNT. Nhưng viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, tại California, Hoa Kỳ lại ước tính năng suất nổ lên tới khoảng 20 – 30.000 tấn TNT. Để so sánh, quả “bom mẹ” MOAB mà Mỹ mới thả xuống Afghnistan nặng tới 10 tấn, phải chở bằng máy bay quân sự chuyên dụng và sức công phá chỉ tương đương 10 tấn TNT nhưng đã tạo một vụ nổ bán kính 1,6 km, để lại một hố nổ với miệng rộng 300 mét và tiêu diệt hơn 90 tay súng IS đang lẩn trốn ở hệ thống đường hầm ngầm dưới mặt đất. Một quả bom hạt nhân có kích thước nhỏ hơn nhiều, nếu được thu nhỏ đến gắn lên các tên lửa xuyên lục địa, sự đe dọa mà Bắc Hàn sở hữu là vô cùng khủng khiếp.
Một câu hỏi khác được đặt ra là nguyên liệu ban đầu mà Bắc Hàn sử dụng chế tạo bom nguyên tử là gì? plutonium or uranium?
Các nhà phân tích tin rằng bom hạt nhân trong hai vụ thử đầu tiên sử dụng plutonium, nhưng vẫn không rõ vật liệu ban đầu mà Bắc Hàn sử dụng cho bom thử nghiệm năm 2013 là plutonium hay uranium.
Một vụ thử uranium thành công sẽ đánh dấu một bước tiến đáng kể trong chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trữ lượng plutonium của Bình Nhưỡng là hữu hạn, nhưng nếu có thể làm giàu uranium, Bắc Hàn có thể xây dựng kho dự trữ hạt nhân.
Hơn nữa, việc làm giàu plutonium cũng phải được thực hiện ở các nhà máy lớn, dễ dàng bị phát hiện, trong khi làm giàu uranium có thể được thực hiện một cách bí mật hơn.
Nhìn chung các chuyên gia quốc tế đều cho rằng Bắc Hàn chưa thể gắn được đầu đạn lên tên lửa, nhưng họ đã đạt được thành tựu rất xa về công nghệ vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Tháng 3/2016, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Peter Cook nói rằng Hoa Kỳ chưa thấy dấu hiệu Bắc Triều Tiên có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Nhưng chỉ sau đó hai ngày, Bill Gortney – quan chức cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ không phận Mỹ nói trước một Ủy ban của Thượng viện rằng Bình Nhưỡng có thể tấn công Hoa Kỳ, bất chấp cộng đồng tình báo nói rằng họ chỉ có “một xác suất thành công rất thấp”.
Giáo sư Siegfried Hecker của Đại học Stanford, một tiếng nói có trọng lượng về chương trình phát triển vũ khí của Bắc Triều Tiên, cho biết: “chúng ta phải [hành động dựa trên] giả thiết rằng Bắc Hàn đã có thiết kế và làm được đầu đạn hạt nhân có thể gắn trên một số tên lửa tầm ngắn và có thể cả tên lửa tầm trung”.
Trong một bài viết vào tháng 9/2016, Giáo sư Hecker nói rằng khả năng của Bình Nhưỡng trong việc hoàn thiện một tên lửa đạn đạo liên lục địa có đầu đạn hạt nhân vươn tới được lãnh thổ Hoa Kỳ vẫn còn rất xa – có thể từ 5 đến 10 năm nữa, nhưng Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể làm được điều đó nếu chương trình hạt nhân của họ không bị ngăn chặn.
Cơ sở hạt nhân chính của Bắc Hàn được cho là đặt tại vùng núi gần Yongbyon, phía bắc Bình Nhưỡng. Vụ thử hạt nhân vào tháng 1 và tháng 9/2016 được cho là đã được tiến hành tại khu vực Punggye-ri, tỉnh Bắc Hamgyong, nằm sát biên giới Trung Quốc.
Khu vực Yongbyon xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng từ các nhà máy điện và là nguồn cung cấp plutonium cho chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Cả Hoa Kỳ và Hàn Quốc đều tin rằng Bắc Hàn chắc chắn có thêm các địa điểm khác liên quan đến chương trình làm giàu uranium. Bắc Triều Tiên có trữ lượng quặng uranium phong phú.
Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tham gia cùng Bắc Triều Tiên trong nhiều vòng đàm phán được gọi là cuộc đàm phán sáu bên để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Có nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm đạt thỏa thuận giải trừ vũ khí với Bắc Triều Tiên, nhưng cho đến nay mọi việc chưa có kết quả và Bình Nhưỡng vẫn đơn phương triển khai chương trình của mình.
Năm 2005, Bắc Triều Tiên đã đồng ý với một thoả thuận mang tính bước ngoặt nhằm từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình để đổi lấy viện trợ kinh tế và nhượng bộ chính trị.
Năm 2008, Bình Nhưỡng thậm chí cho phá hủy tháp làm mát tại Yongbyon như là một phần của hiệp định giải trừ vũ khí-đổi-viện trợ.
Nhưng thực hiện thỏa thuận này khó thực hiện và các cuộc đàm phán bị đình trệ trong năm 2009.
Mỹ không bao giờ tin rằng Bình Nhưỡng đã tiết lộ đầy đủ tất cả các cơ sở hạt nhân của họ. Nghi ngờ này càng được củng cố khi Giáo sư Siegfried Hecker cho biết Bắc Triều Tiên đã công bố một cơ sở làm giàu uranium tại Yongbyon vào năm 2010.
Sau đó vào năm 2012, Bắc Triều Tiên lại bất ngờ tuyên bố sẽ đình chỉ hoạt động hạt nhân và tạm đình chỉ các cuộc thử tên lửa để đổi lấy viện trợ lương thực của Hoa Kỳ.
Nhưng tuyên bố này trở thành vô nghĩa khi Bình Nhưỡng tiếp tục phóng tên lửa vào tháng 4 năm đó.
Tháng 3/2013, sau cuộc khẩu chiến với Mỹ và thêm các lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc (LHQ) sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba ở Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã thề sẽ khởi động lại tất cả các cơ sở hạt nhân tại Yongbyon.
Đến năm 2015, các cơ sở hạt nhân Bắc Hàn có vẻ như đã trở lại hoạt động bình thường.
Phản ứng của Trung Quốc đối với các vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn đã được quốc tế theo dõi chặt chẽ vì Bắc Kinh là đối tác thương mại chính và là đồng minh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng.
Cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ hai vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn trong năm 2016. LHQ sau đó đã ban hành một loạt các lệnh trừng phạt mạnh hơn với Bình Nhưỡng.
Trung Quốc cũng đã dùng đòn bẩy thương mại để gây sức ép Bắc Hàn từ bỏ tham vọng hạt nhân. Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu than từ Bắc Hàn vào 28/2/2017.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn luôn kêu gọi các bên phải kiềm chế, giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn bằng biện phát hòa bình.
Trung Quốc vẫn luôn lo lắng và không muốn làm bất cứ điều gì quá mức để gây bất ổn cho nước hàng xóm “bốc đồng” của mình.
Tân Bình
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…