Ngày 1/9, Ấn Độ và Trung Quốc tham gia tập trận quân sự “Phương Đông 2022” do Nga đăng cai tổ chức, truyền thông Trung Quốc bình luận Mỹ đã thất bại trong việc “lôi kéo” Ấn Độ. Tuy nhiên có ý kiến phản bác cho rằng rõ ràng Ấn Độ đã xích lại gần Mỹ hơn trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung.
Ngày 4/9/2022 Nga bắn đạn pháo trong cuộc tập trận Vostok 2022 tại bãi tập Uspenovsky (đảo Sakhalin) bên ngoài thành phố Yuzhno-Sakhalinsk ở vùng Viễn Đông (KIRILL KUDRYAVTSEV / AFP/Getty).
Từ ngày 1 – 7/9, cuộc tập trận quân sự thường niên Vostok-2022 do Nga đăng cai đã được tổ chức tại một số bãi tập và vùng biển liên quan thuộc Quân khu phía Đông của Nga. 13 nước bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Syria đã cử quân đội tham gia cuộc tập trận này. Tổng quân số tham gia vượt quá 50.000 người với khoảng 5.000 thiết bị quân sự bao gồm 140 máy bay và 60 tàu chiến.
Ấn Độ đã cử một đơn vị quân đội nhỏ gồm 75 người tham gia, truyền thông nhà nước Trung Quốc giải thích sự tham gia của New Delhi là thất bại của Mỹ trong việc “lôi kéo” Ấn Độ, rằng động thái của Ấn Độ khiến Mỹ “tức giận”.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và chính sách đối ngoại tại Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên (Observer Research Foundation) ở Ấn Độ là Harsh Pant nói với VOA, rằng có những lý do lịch sử và thực tế cho việc Ấn Độ tham gia cuộc tập trận của quân đội Nga: “Quan hệ Ấn – Nga dựa trên lợi ích riêng của Ấn Độ với Nga, phần lớn liên quan đến quốc phòng, nhưng cũng liên quan đến an ninh khu vực. Một lý do khác là Ấn Độ không muốn Nga hoàn toàn lệ thuộc Trung Quốc. Vì vậy có nhiều lý do để Ấn Độ tham gia, đặc biệt khi lại được Nga kêu gọi. Mặc dù hiện tại Ấn Độ đang có vấn đề lớn với Trung Quốc, nhưng Ấn Độ quyết định tham gia vì Nga là nước đã mời Ấn Độ. Ấn Độ không muốn Nga thất vọng trong tình huống này”.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), trong thập kỷ qua Ấn Độ là một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới đã mua tổng số vũ khí trị giá hơn 4 tỷ USD từ Mỹ và hơn 25 tỷ USD từ Nga. Từ năm 2017 – 2021, 46% vũ khí và thiết bị nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Nga, 27% từ Pháp và 12% từ Mỹ.
Chuyên gia Harsh Pant cho rằng mặc dù Ấn Độ đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga, bao gồm việc gác lại kế hoạch hợp tác sản xuất trực thăng với Nga và hủy bỏ kế hoạch mua một số máy bay trực thăng từ Nga, nhưng trong ngắn hạn Ấn Độ không thể thoát khỏi sự phụ thuộc nhất định, nên sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với Nga.
Phó giám đốc Michael Kugelman phụ trách về châu Á, cũng là cộng sự cấp cao của Chương trình Nam Á tại Trung tâm Wilson (tổ chức tư vấn của Mỹ), cho rằng việc Ấn Độ tiếp tục tập trận quân sự với Nga trong khi vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ và các nước phương Tây khác thể hiện “nguyên tắc ngoại giao độc lập tự chủ” mà Ấn Độ đặc biệt xem trọng, điều đó không ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ – Ấn.
“Tôi không nghĩ việc Ấn Độ tham gia các cuộc tập trận do Nga chủ trì này sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của họ với Mỹ, mặc dù Mỹ rõ ràng rất không hài lòng khi Ấn Độ tiếp tục coi Nga là đối tác an ninh. Tôi nghĩ Mỹ nhận ra đây là điều mà họ không thể thay đổi. Và tôi nghĩ Mỹ sẽ tiếp tục chính sách mà họ đã áp dụng trong những tháng gần đây, từ từ thuyết phục Ấn Độ rằng về lâu dài Nga sẽ không còn là đối tác an ninh khả thi của Ấn Độ”, ông nói.
Kể từ khi chiến tranh Nga xâm lược Ukraine bùng nổ, Ấn Độ không những không tham gia vào các lệnh trừng phạt chống lại Nga do Mỹ khởi xướng, mà còn mua một lượng lớn than và dầu từ Nga.
Khi được hỏi về việc Ấn Độ tham gia cuộc tập trận do Nga đăng cai, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Chúng tôi (Mỹ) cũng nhận thức được rằng một số nước đã thiết lập quan hệ an ninh với Nga và các nước khác, bao gồm cả quan hệ an ninh lâu dài, việc muốn thay đổi hành vi trong các lĩnh vực như ngoại giao, an ninh và quân sự không thể thực hiện trong một sớm một chiều”.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre mới đây cho biết: “Vào thời điểm Nga phát động ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ đối với Ukraine thì bất cứ nước nào tập trận chung với Nga cũng khó tránh việc bị Mỹ đặt dấu hỏi, nhưng tất nhiên các nước có quyền tự quyết trong hành động”.
Cả Quân đội Ấn Độ và Bộ Quốc phòng Ấn Độ đều giữ kín về việc quân đội Ấn tham gia cuộc tập trận này. Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 1/9 cho biết, một đội quân Ấn Độ “đã đến địa điểm tập trận và sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung trong 7 ngày tới, bao gồm huấn luyện dã chiến chung trên thực địa, thảo luận chiến đấu và diễn tập hỏa lực”.
Ông Harsh Pant thuộc Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên Ấn Độ chỉ ra, mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn của Nga với Trung Quốc sẽ khiến Ấn Độ thận trọng hơn trong các giao dịch với Nga cũng như với Trung Quốc. Ông cho rằng việc Ấn Độ tham gia BRICS (gồm các nền kinh tế lớn mới nổi: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, là nhằm làm suy yếu sự thống trị của Trung Quốc trong các tổ chức này, nhưng cuộc chiến Ukraine có thể phá vỡ chiến lược của Ấn Độ.
“Rõ ràng là Nga sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, đặc biệt là sau khi xâm lược Ukraine, sự phụ thuộc này sẽ dẫn đến một loạt hậu quả và sẽ không có lợi cho Ấn Độ. Ấn Độ nhận thức được điều này, vì vậy đang rất thận trọng trong tiếp xúc với Nga và đặc biệt là Trung Quốc”, ông nói
Ông cho rằng việc Ấn Độ quyết định không tham gia phần hàng hải của cuộc tập trận là do Ấn Độ nhận thức được những thách thức mà các hoạt động chung của Nga và Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương sẽ mang lại cho Ấn Độ.
Chỉ 48 giờ trước cuộc tập trận của quân đội Nga, Ấn Độ tuyên bố sẽ không tham gia phần hàng hải của cuộc tập trận. Vị trí tập trận này được bố trí gần quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga (Nhật Bản gọi là ‘4 đảo phía Bắc’) đã khiến Nhật kịch liệt lên án. Có phân tích cho rằng động thái này của Ấn Độ cũng là phản ứng trước những lo ngại của Mỹ và Nhật Bản. Quân đội Trung Quốc và Nga đã nhiều lần tiến hành các hoạt động chung ở khu vực này. Năm 2021, hạm đội của Trung Quốc và Nga đã đi qua eo biển Tsugaru, đi vào biển Hoa Đông qua eo biển Osumi và vòng qua quần đảo Nhật Bản.
Ông Harsh Pant lo ngại rằng khi mối quan hệ của Nga với Mỹ và phương Tây xấu đi, thì cách tiếp cận của Ấn Độ giữa Mỹ và Nga sẽ khó lường. Tuy nhiên, ông Kugelman của Trung tâm Wilson cho biết Ấn Độ đã có dấu hiệu “nghiêng về phía Mỹ”.
Ông nói: “Trong tam giác (Mỹ-Ấn-Nga), Mỹ và Ấn Độ đang có chiều sâu đáng kể. Hai thập kỷ qua cho thấy Ấn Độ đã gia tăng đáng kể tỷ trọng nhập khẩu vũ khí từ Mỹ. Truyền thống nhiều thập kỷ qua thì Nga vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ, nhưng tỷ lệ mua vũ khí của Ấn Độ từ Nga đã giảm dần, thay vào là hợp tác của Ấn Độ với Mỹ không ngừng mở rộng, vượt quá vấn đề vũ khí, còn liên quan đến giáo dục và khoa học công nghệ, vốn là những vấn đề Ấn Độ không có giao lưu nhiều với Nga. Vì vậy, trong khi có xu thế quan điểm cho rằng Ấn Độ vẫn đang bị giằng co giữa thân Mỹ và thân Nga, tôi nghĩ rằng họ đang nghiêng về phía Mỹ theo cách tế nhị”.
Ấn Độ đã bỏ phiếu phản đối động thái của Nga vào ngày 24/8 khi Nga cố gắng ngăn Tổng thống Zelensky của Ukraine phát biểu trước Liên Hợp Quốc. Cuối cùng, ông Zelensky đã tham gia cuộc họp qua video, vì trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chỉ có 1 phiếu chống của Nga và 1 phiếu trắng của Trung Quốc.
Ông Harsh Pant cho biết, 2 cuộc tập trận chung Mỹ – Ấn hồi tháng Tám gần biên giới Trung Quốc cho thấy Ấn Độ không còn do dự về vấn đề Trung Quốc. Hơn nữa các cuộc tập trận quân sự của Ấn Độ với Mỹ và phương Tây phức tạp hơn, có mục tiêu và thường xuyên hơn, bao gồm các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương.
“Tôi nghĩ rằng đó là một dấu hiệu cho thấy Ấn Độ không còn do dự trong chọn phe liên quan giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ ngày càng gắn bó hơn với Mỹ để nâng cao năng lực và tận dụng điều đó như lợi thế. Ngoài ra, cũng cho những nước đang chú ý vấn đề này biết Ấn Độ sẵn sàng theo hướng nào trong phát triển quan hệ và trao đổi quân sự. Do đó khi nói đến Trung Quốc, tôi không nghĩ rằng có bất kỳ sự mập mờ nào ở Ấn Độ”, ông nói.
Ngoài các cuộc tập trận song phương, Ấn Độ còn tham gia cuộc tập trận không quân Pitch Black-2022 do Mỹ – Úc cùng triển khai tổ chức. Cuối tháng Sáu và đầu tháng Tám, Ấn Độ đã tham gia tập trận quân sự Vành đai Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu.
Điều khiến Bắc Kinh lo lắng nhất là vào tháng 6/2020, Ấn Độ đã tích cực xích lại gần Mỹ và Nhật Bản. “Bộ tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã tổ chức 2 cuộc hội đàm cấp thượng đỉnh. Từ năm 2020, Ấn Độ cũng đã mời Úc tham gia cuộc tập trận Malabar, theo một nghĩa nào đó biến nó trở thành nền tảng trao đổi quân sự giữa các nước thành viên “Đối thoại An ninh Bộ tứ”.
Ấn Độ có quan hệ chặt chẽ với cả Nhật Bản và Úc, họ có cơ chế đối thoại “2 + 2” của các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao. Tại Tokyo ngày 8/9, lần thứ 2 Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tổ chức hội đàm “2 + 2”.
Ông Kugelman cho rằng mặc dù Ấn Độ miễn cưỡng trở thành đồng minh quân sự chính thức của Mỹ, nhưng không thể coi đây là 100% trong phe của Mỹ. Mặc dù Ấn Độ vẫn hoạt động thương mại với Trung Quốc và hợp tác trong một số tổ chức quốc tế, nhưng họ đang nghiêng nhiều về Mỹ hơn là về Trung Quốc.
Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã đề cập trong bài phát biểu tại Bangkok ngày 18/8, rằng để hiện thực hóa tầm nhìn về “Thế kỷ châu Á” cần sự hợp tác của hai cường quốc châu Á. Tuy nhiên, phát biểu này lại bị phía Trung Quốc diễn giải rằng đó là tín hiệu Ấn Độ muốn gần hơn với Trung Quốc. Nhưng ông Jaishankar cũng cho rằng quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn “cực kỳ khó khăn”.
Kể từ cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Thung lũng Galwan vào tháng 6/2020, hai bên đã tổ chức 16 vòng đàm phán cấp chỉ huy. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp đồng thuận nào được đưa ra. Phía Trung Quốc cho rằng “hành động cố ý khiêu khích của Ấn Độ dẫn đến xung đột ở biên giới Trung-Ấn”, dẫn đến “mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ không ngừng rơi vào trạng thái căng thẳng”. Trong khi Ấn Độ cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về xung đột biên giới Trung – Ấn.
Ông S. Jaishankar hôm 29/8 cũng cho biết, quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc luôn phụ thuộc vào “vấn đề biên giới”, ông nhấn mạnh rằng “Chủ nghĩa Sô vanh hẹp hòi của châu Á chỉ có thể gây tổn hại đến lợi ích của chính châu Á”.
Giữa tháng Tám, Ấn Độ và Trung Quốc lại xảy ra làn sóng rạn nứt ngoại giao mới nhất. Đó là việc tàu khảo sát Yuanwang-5 của Trung Quốc đã đến thăm và cập cảng Hambantota ở Sri Lanka. Nhiều nhà phân tích an ninh cho rằng tàu Yuanwang-5 là một trong những tàu không gian tiên tiến nhất của Trung Quốc được sử dụng để giám sát vệ tinh, tên lửa và các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Ấn Độ bày tỏ quan ngại, trong khi Bắc Kinh chỉ trích New Delhi vì “can thiệp vô lý”. Cuối tuần trước, Cao ủy Ấn Độ tại Sri Lanka cũng cáo buộc Trung Quốc “quân sự hóa eo biển Đài Loan”.
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…