Việc Tổng thống Joe Biden ký Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ hôm thứ Năm (23/12) đã làm dấy lên những thách thức đối với các doanh nghiệp Mỹ, chưa kể đến những khó khăn trong việc thực thi luật này, theo các chuyên gia.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất nhập khẩu Mỹ Eugene Laney nói với tờ Politico rằng họ sẽ phải làm việc cẩn thận với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) để đảm bảo các cơ chế được thực hiện đúng theo yêu cầu nhưng không gây nhiều rắc rối cho các doanh nghiệp.
“Điều thách thức là mạng lưới dày đặc các nhà cung cấp ở các cấp độ khác nhau, họ có đến tầng thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, và cả thứ tám… Các công ty Mỹ giờ phải tìm hiểu kỹ để xác định liệu lao động cưỡng bức có phải là một phần trong chuỗi cung ứng của họ hay không. Điều đó rất khác với việc kiểm soát xuất khẩu của thế giới hay các biện pháp trừng phạt của thế giới khi các công ty biết họ bị cấm kinh doanh với nước nào.”
Nguồn tin từ một nhóm kinh doanh đại diện cho lợi ích của các công ty Mỹ ở Trung Quốc đã bổ sung thêm rằng luật mới đang ép các doanh nghiệp Mỹ phải đi chứng minh một điều mà họ thực sự không thể làm được, bởi không thể tiến hành các cuộc kiểm toán độc lập ở Tân Cương, nơi người Duy Ngô Nhĩ bị giám sát gắt gao.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng được sản xuất tại các nhà máy cách xa Tân Cương cả nghìn km, bởi có những báo cáo cho hay chính phủ Trung Quốc đưa người Duy Ngô Nhĩ đến nhiều khu vực khác của đất nước để làm việc, khiến việc xác minh càng thêm khó khăn.
Việc thi hành luật cũng sẽ rất khó khăn, đặc biệt với việc kiểm soát doanh nghiệp và việc thiếu minh bạch của Trung Quốc, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ – Trung Siva Yam, nói.
Yam nói với tờ Politico, “Tôi không biết họ sẽ thực hiện nó [bộ luật mới] như thế nào, và tôi cho rằng sẽ rất khó xác minh điều này một cách độc lập theo cách hay cách khác.”
Bộ luật cấm tất cả hàng hoá nhập khẩu từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc với giả định chúng đều được sản xuất bằng lao động cưỡng bức, và các công ty có trách nhiệm phải chứng minh điều ngược lại nếu muốn nhập hàng vào Mỹ. Tuy vậy, các chuyên gia thương mại lưu ý rằng không phải tất cả sản phẩm từ người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc là kết quả của lao động cưỡng bức, và luật mới có thể trừng phạt những người dân Duy Ngô Nhĩ đang kiếm sống chính đáng.
Cựu đại sứ lưu động về chống buôn người John Cotton Richmond nói với tờ Politico rằng bộ luật sẽ “chuyển gánh nặng sang các công ty để họ phải chứng minh rằng không có việc sử dụng lao động cưỡng bức trong các sản phẩm của khu vực, và tôi cho rằng nó sẽ có một tác động rất lớn đối với các nhà nhập khẩu.”
“Nếu tất cả [các doanh nghiệp [Mỹ] rút khỏi Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ đang bị bóc lột ở đó sẽ bị đẩy vào cảnh đói nghèo,” ông bổ sung. “Sẽ có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.”
Nhưng Nhà Trắng đang bị áp lực hành động cứng rắn đối với tình trạng vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và cuộc tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh bị chỉ trích là còn chưa đủ.
“Chúng tôi đồng ý với Quốc hội rằng nhất định phải hành động để buộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chịu trách nhiệm về tội ác diệt chủng, về tình trạng vi phạm nhân quyền và giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức tại Tân Cương,” thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói tuần trước.
Nhóm lưỡng đảng lưỡng viện thúc đẩy dự luật bao gồm Thượng nghị sĩ Marco Rubio, (đảng Cộng hòa – bang Florida), Thượng nghị sĩ Merkley (đảng Dân chủ – bang Oregon), Dân biểu Chris Smith (đảng Cộng hòa – bang New Jersey) và Dân biểu Jim McGovern (đảng Dân chủ – bang Massachuset).
“Nếu công ty bạn sản xuất tại vực đó, bạn sẽ phải chứng minh rằng các sản phẩm không được làm ra bởi nô lệ,” Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho biết vào tuần trước. “Trách nhiệm của bạn là phải xác minh.”
Nhưng cựu luật sư thương mại CBP Richard Mojica nói với tờ Politico rằng chứng minh việc tuân thủ “trên thực tiễn là không thể.”
“Một số ngành công nghiệp có thể có quá trình truy nguyên ngược tới chuỗi cung ứng bông hoặc nguyên liệu thô,” Mojica nói. “Nhưng với một số ngành khác, như năng lượng mặt trời, đó sẽ là một việc làm tốn thời gian và các công ty phải gắng hết sức để có thể đạt tới mức minh bạch đó.”
Trung Quốc hôm 15/12 đã chỉ trích bộ luật mới này là “thao túng về chính trị và bắt nạt về kinh tế núp dưới danh nghĩa nhân quyền”.
Ngân Hà (theo Newsmax, SCMP)
Xem thêm:
Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…