Chúng ta vẫn luôn ngưỡng mộ những người thành công quanh mình, nhưng lại thường bỏ qua những tố chất được hun đúc trong quá trình đi tới thành công của họ. Ba câu chuyện của ba người cầm quân đánh trận dưới đây sẽ giúp chúng ta suy ngẫm thêm về một số đức tính góp phần thành tựu nên một con người thành công.
George Smith Patton Jr., là một vị tướng, nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng của Lục quân Hoa Kỳ trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Ông từng nói khi muốn cất nhắc sỹ quan, ông thường tụ tập những người có đủ điều kiện lại, và để họ cùng nhau hoàn thành một nhiệm vụ.
Một lần nọ ông ra lệnh cho những vị sỹ quan này đào một chiến hào phía sau nhà kho, dài 8 thước Anh (2.44m), rộng 3 thước Anh (0.91m), nhưng chỉ sâu 6 tấc Anh (chừng 21cm). Patton nói xong bèn đi vào nhà kho, ngồi lặng lẽ quan sát họ qua khung cửa sổ.
Một vài sỹ quan đặt xẻng và thuổng ở khu đất trống phía sau nhà kho, bình luận xem vì sao Patton lại muốn họ đào một chiến hào nông như vậy. Có người oán trách, rằng 21cm căn bản không thể che nổi bất cứ thứ gì. Cũng có người oán trách rằng đây nên là việc của binh sỹ, sỹ quan thì không cần làm những việc thế này. Cuối cùng một sỹ quan nói với mọi người rằng: “Chúng ta mau đào chiến hào cho xong, còn lão già kia muốn dùng làm gì là việc của ông ta” rồi bắt tay vào làm việc.
Người sỹ quan này sau đó đã được Patton đề bạt. Chiến trường vô tình, nên Patton cần lựa chọn những người không oán trách mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Kỳ thực, xung quanh chúng ta dường như cũng không thiếu những người như vậy: Họ thường thích oán trách sếp nghiêm khắc, đồng nghiệp nham hiểm, khách hàng khó tính và cho rằng lương của mình thấp, lại phải làm việc quần quật từ sáng đến tối, công việc thì nặng nhọc, thường xuyên phải tăng ca, nhiệm vụ thì nặng nề.
Nhưng oán trách lại không khiến hoàn cảnh của họ trở nên tốt hơn. Ngược lại bởi tâm thái họ không đúng, nên không được cấp trên cất nhắc, đồng nghiệp tôn trọng và cũng không được khách hàng thông cảm. Có thể nói oán trách là thứ vô dụng nhất, thậm chí còn phản tác dụng. Ngược lại, “không oán trách” là tố chất của một con người thành công.
Khi Trần Quốc Tuấn được 9 tuổi thì gia đình xảy ra biến động. Do chú ông là Trần Thái Tông lên ngôi và kết hôn đã lâu nhưng chưa có con nối dõi, Thái sư Trần Thủ Độ đang nắm thực quyền ép cha ông là Trần Liễu phải nhường vợ là Thuận Thiên công chúa cho Trần Thái Tông, dù bà đang mang thai với Trần Liễu được ba tháng.
Trần Liễu phẫn hận nổi dậy ở sông Cái nhưng thất bại. Thái Tông nể tình anh em, lại áy náy việc bị ép lấy Thuận Thiên công chúa, nên cứu và ban cho Trần Liễu đất An Sinh, cải làm An Sinh Vương. Mang lòng hậm hực, Trần Liễu tìm khắp những người tài nghệ để dạy văn, võ cho Trần Quốc Tuấn, lập chí phục thù.
Tháng 4 năm 1251, Trần Liễu ốm nặng. Lúc sắp mất, ông cầm tay Trần Quốc Tuấn, trăng trối rằng: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”.
Khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt, nhiều người cho rằng đứng trước vận nước lâm nguy, xã tắc giày xéo, Trần Quốc Tuấn bị đặt vào tình thế hai chữ Trung Hiếu chỉ làm tròn được một. Nhưng kỳ thực chữ Hiếu trong văn hóa truyền thống không đồng nghĩa với việc phục tùng tuyệt đối lời cha mẹ. Nó cũng bao hàm việc khi cha mẹ sai thì khuyên bảo, và khi cha mẹ làm việc trái với đại nghĩa thì cần ngăn cản. Vậy nên mới có chuyện Khổng Tử chê Nhan Hồi bất hiếu vì đứng im chịu đòn nặng của cha.
Bởi vậy là con dân Đại Việt, Trần Quốc Tuấn một lòng trung thành với giang sơn, hết lòng phò tá các vua Trần đánh ngoại xâm cứu nước. Trái ngược với ông, cũng có không ít tôn thất nhà Trần vì tư lợi đã dẫn gia quyến đầu hàng quân Nguyên.
Sau khi ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, danh chấn phương Nam, lại có trong tay hàng vạn binh sĩ, việc Hưng Đạo Vương muốn lên ngôi hoàng đế, đoạt lấy giang sơn không phải là không thể, nhưng ông một lòng trung với vua mà thiện giải mối thù của cha. Người đời sau kính phục tố chất trung nghĩa kiệt xuất của Hưng Đạo Đại Vương mà lập đền thờ ông khắp cả nước.
Năm Đại Đường thứ 13, khoảng 5.000 người Hồi Hột xâm lăng biên giới Đại Đường. Trương Quang Thịnh, thứ sử Đại Châu lúc bấy giờ, đã phụng mệnh dẫn 2 vạn tinh binh nghênh chiến. Mặc dù binh lực chênh nhau 4 lần, nhưng ngay trong trận chiến đầu tiên, Trương Quang Thịnh lại thất bại.
Trận chiến này khiến rất nhiều thuộc hạ của Trương Quang Thịnh cảm thấy không phục và nôn nóng yêu cầu đánh tiếp. Đối diện với làn sóng muốn tiếp tục ra trận, Trương Quang Thịnh đã đưa ra một quyết định khiến mọi người kinh ngạc: “Không đánh!”
Một vị tướng lĩnh hỏi Trương Quang Thịnh: “Số lượng quân ta vốn nhiều hơn quân địch, hơn nữa chúng ta còn có ưu thế, đánh tiếp sẽ thắng, vì sao lại không đánh tiếp?”
Trương Quang Thịnh lại trầm tĩnh đáp rằng: “Chúng ta có thiên thời địa lợi, binh lực cũng vượt xa đối thủ, nhưng trận đầu đã bại. Có thể thấy rằng, ta không bằng tướng lĩnh của đối phương, không thể tập trung sức chiến đấu của mọi người. Ta cần phải nhìn lại bản thân, tìm ra sai sót của ta, như vậy mới có thể cầm chắc chiến thắng.”
Trương Quang Thịnh nghiêm khắc yêu cầu bản thân, không đẩy trách nhiệm bại trận cho người khác, khiến toàn thể tướng sỹ cảm động, đồng thời cũng khiến họ thức tỉnh nhìn nhận sự việc. Ông cũng không vì bại trận mà nóng nảy, không vì ham thắng lợi mà xuất quân. Bách tính cũng bởi điều này mà hỗ trợ ông nhiều hơn. Trương Quang Thịnh thể hiện ra đầy đủ tố chất của một vị tướng lĩnh. Dưới sự chỉ huy của ông, tướng sỹ tích cực, bách tính đồng lòng, cuối cùng cũng đánh bại quân Hồi Hột.
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…