Các nhà khoa học tại FDA Mỹ cho biết dữ liệu vắc-xin của Moderna cho thấy liều vắc-xin bổ sung có thể làm tăng số lượng kháng thể bảo vệ, nhưng sự khác biệt giữa mức kháng thể trước và sau khi tiêm liều thứ 3 này là không đủ lớn, đặc biệt ở người có mức kháng thể vẫn còn cao.
“Đúng là có bổ sung (tăng cường), nhưng liệu đã đủ chưa? Hiện không có tiêu chuẩn về mức độ bổ sung cần thiết, và nghiên cứu này cũng không thể hiện rõ mức độ bổ sung là bao nhiêu”, John Moore, giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Đại học Y tế Weill Cornell, New York, cho biết trong một email.
Hãng dược Moderna hiện đang xin FDA phê duyệt mũi vắc-xin bổ sung với liều 50 microgram, bằng một nửa so với liều lượng của 2 mũi đầu.
Trước đó, Moderna từng đề nghị giới chức trách cho phép tiêm mũi bổ sung cho người từ 65 tuổi trở lên, cũng như cho nhóm có rủi ro cao. Hãng dược phẩm đối thủ Pfizer đã được FDA phê duyệt nội dung này.
Mời xem thêm: |
Cho đến nay, dữ liệu về liều vắc-xin bổ sung chủ yếu tới từ Israel, quốc gia triển khai tiêm liều thứ 3 bằng vắc-xin Pfizer. Không có nghiên cứu tương tự được thực hiện trên vắc-xin Moderna hoặc Johnson & Johnson.
Chứng cứ cho việc tiêm liều vắc-xin bổ sung của hãng Moderna dường như “còn nhiều lỗ hổng”, theo giáo sư y học phân tử Eric Topol. Ông lưu ý rằng dữ liệu được cung cấp còn hạn chế và không làm sáng tỏ được hiệu quả thực tế của liều bổ sung.
Tuần tới, một nhóm cố vấn của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ sẽ nhóm họp để trao đổi cụ thể về đối tượng được khuyến nghị tiêm liều bổ sung, nếu FDA phê duyệt liều bổ sung của hãng Moderna.
Theo Reuters,
Phan Anh
Xem thêm: