Nghiên cứu: Khả năng miễn dịch của vắc-xin COVID-19 Pfizer suy yếu sau 2 tháng
- Mộc Lan
- •
Hai nghiên cứu công bố vào hôm thứ Tư (ngày 6/10) xác nhận rằng khả năng bảo vệ miễn dịch được cung cấp bởi 2 liều vắc-xin COVID-19 của hãng Pfizer sẽ giảm sau khoảng 2 tháng.
Những nghiên cứu này đến từ Israel và Qatar, được công bố trên Tạp chí Y học New England, trong đó ủng hộ lập luận: “Ngay cả những người được tiêm chủng đầy đủ cũng cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.”
Nghiên cứu của Isarel về vắc-xin COVID-19
Một nghiên cứu từ Israel đã thực hiện trên 4.800 nhân viên y tế, cho thấy mức độ kháng thể giảm nhanh chóng sau 2 liều vắc-xin COVID-19, “đặc biệt là ở nam giới, những người từ 65 tuổi trở lên và những người bị suy giảm miễn dịch”.
“Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đoàn hệ theo chiều dọc, thời gian dài (longitudinal cohort study) với sự tham gia của các nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế Sheba, một trung tâm y tế đại học lớn ở Israel”, Tiến sĩ Gili Regev-Yochay ở Sheba và các đồng nghiệp của ông cho biết.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cái gọi là mức độ kháng thể trung hòa – tuyến phòng thủ đầu tiên của hệ thống miễn dịch chống lại lây nhiễm – tương quan với khả năng bảo vệ chống lại lây nhiễm, nhưng trong nghiên cứu này, họ chỉ xem xét mức độ kháng thể.
Họ cho hay: “Công trình đã công bố về nhiều loại vắc-xin, chẳng hạn như vắc-xin phòng bệnh sởi, quai bị và rubella, trong đó chỉ ra rằng mức độ kháng thể trung hòa sẽ giảm nhẹ từ 5% đến 10% mỗi năm. Chúng tôi nhận thấy phản ứng miễn dịch đối với vắc-xin BNT162b2 (còn được gọi là Pfizer) giảm đáng kể và nhanh chóng được quan sát thấy trong vòng vài tháng sau khi tiêm chủng”.
Nghiên cứu của Qatar
Nghiên cứu thứ 2 đến từ Qatar đã điều tra tình hình lây nhiễm thực tế trong nhóm dân số đã tiêm chủng mức cao ở quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này. Hầu hết những người ở đó đã được tiêm vắc-xin của Pfizer/BioNTech, còn được gọi là BNT162b2.
Nhà nghiên cứu Laith Abu-Raddad của Weill Cornell Medicine-Qatar và các đồng nghiệp cho hay: “BNT162b2 tạo ra khả năng bảo vệ chống lại lây nhiễm một cách nhanh chóng sau liều đầu tiên, đạt đỉnh trong tháng đầu tiên sau liều thứ 2 và sau đó giảm dần trong những tháng tiếp theo. Sự suy yếu dường như sẽ tăng tốc sau tháng thứ 4, đạt mức thấp khoảng 20% trong những tháng tiếp theo”.
Nghiên cứu chỉ ra rằng “sự suy yếu của tác dụng bảo vệ có thể liên quan đến hành vi cá nhân. Họ viết: “Những người đã tiêm chủng có thể có tỷ lệ tiếp xúc xã hội cao hơn những người không tiêm chủng và cũng có thể có mức độ tuân thủ các biện pháp an toàn thấp hơn. Hành vi này có thể làm giảm hiệu quả của vắc-xin trong thế giới thực và có thể là lý do khiến tác dụng bảo vệ bị suy yếu so với hiệu quả sinh học của nó”.
Nhưng đây là một tín hiệu cho thấy các quốc gia nên chuẩn bị cho sự gia tăng số ca COVID-19 mới. Họ viết: “Những phát hiện này chỉ ra rằng trong vài tháng tới, một phần lớn dân số đã tiêm chủng có thể mất khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm, có thể làm gia tăng khả năng bùng phát các đợt dịch mới”.
Pfizer cho rằng khả năng miễn dịch của 2 liều vắc-xin đầu tiên bắt đầu suy yếu sau vài tháng. Tháng trước, Pfizer đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cấp phép tiêm liều vắc-xin bổ sung trong vòng 6 tháng sau khi hoàn thành 2 liều vắc-xin đầu tiên.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo những người trên 65 tuổi, những người có nhiều khả năng bị bệnh nặng dù đã tiêm chủng và những người có nguy cơ lây nhiễm cao như nhân viên y tế và tù nhân nên tiêm liều bổ sung.
Israel đã và đang tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 cho toàn dân, đồng thời cho biết họ sẽ yêu cầu mọi người tiêm mũi thứ 3 để được coi là đã tiêm chủng đầy đủ. Theo số liệu của CDC Mỹ, hơn 6 triệu người ở nước này đã tiêm liều vắc-xin thứ 3.
Mộc Lan/ Theo CNN
Xem thêm:
Từ khóa Vắc-xin Pfizer Miễn dịch tự nhiên Dòng sự kiện Tiêm vắc-xin COVID-19