Sự kiện Tổng thống Donald Trump tái đắc cử và quay trở lại Nhà Trắng đã đảo ngược hoàn toàn các chính sách từ thời chính quyền Biden, rút khỏi các thỏa thuận quốc tế quan trọng và tạo ra sự bất định khiến các đối tác quốc tế bối rối khi phải chờ đợi động thái của ông Trump để xác định vị trí của họ trong danh sách ưu tiên. Một số quốc gia nỗ lực kiểm soát thiệt hại, trong khi những quốc gia khác tìm cách giành lấy một vị trí trong bàn cờ chính trị.
Những hành động chẳng hạn như ký kết hàng loạt những sắc lệnh hành pháp ngay sau ngày nhậm chức của ông Trump lần này không gây bất ngờ khi vị tổng thống thứ 47 bước vào nhiệm kỳ thứ hai. Tuy nhiên, tác động địa chính trị của điều này vẫn còn chưa rõ ràng khi các đối thủ và đồng minh đều dõi theo những diễn biến trong bốn năm tiếp theo.
Những nguyên thủ tham gia
Thủ Tướng Ý Giorgia Meloni: Bà Meloni, lãnh đạo Đảng Anh Em Ý theo khuynh hướng bảo thủ, đã gặp ông Trump tại dinh thự Mar-a-Lago vào đầu tháng Một này. Nhà lãnh đạo Ý, chính trị gia từng bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của ông Trump về các vấn đề quốc tế như tăng chi tiêu quốc phòng của liên minh NATO, đã tham dự lễ nhậm chức của Trump hôm thứ Hai (20/1). Theo các báo cáo tuần này, bà Meloni được coi là “người thấu hiểu [ông] Trump” và cũng là một “đối tác ưu tiên tại EU” – một mối quan hệ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ngoại giới lo ngại rằng ông Trump có thể khởi xướng một cuộc chiến thương mại với châu Âu.
Thủ Tướng Hungary Viktor Orban: Là một đồng minh lâu năm của ông Trump, ông Orban đã ca ngợi sự trở lại của ông Trump tại Nhà Trắng và tuyên bố rằng với việc ông Trump tại vị, ông có thể khởi động “giai đoạn thứ hai của chiến dịch nhằm chiếm lấy Brussels”, nơi ông cáo buộc “đang bị chi phối bởi một tầng lớp tài phiệt tự do cánh tả”. Dù được ông Trump mời, ông Orban đã không tham dự lễ nhậm chức với lý do không sắp xếp được lịch trình.
Tổng Thống Argentina Javier Milei: Từng được ông Trump ca ngợi là nhà lãnh đạo sẽ “đưa Argentina vĩ đại trở lại”, ông Milei đang tìm cách mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ. Trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos hôm thứ Tư (22/1), ông Milei tuyên bố có thể rời khỏi khối thương mại Mercosur, được thành lập vào năm 1991 giữa Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay, nếu điều này giúp đạt được một thỏa thuận thương mại mới với Hoa Kỳ.
Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi: Ấn Độ cũng đang khẩn trương tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ giữa lo ngại về các mức thuế quan quốc tế.
Mặc dù quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã cải thiện, với cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nga vào năm ngoái, tờ Reuters cho biết ông Modi đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh – đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ – và thay vào đó tăng cường quan hệ với Washington. Ông Modi dự kiến sẽ gặp ông Trump vào tháng Hai.
Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu: ông Trump và ông Netanyahu đã duy trì mối quan hệ bền chặt trong nhiệm kỳ Trump đầu tiên, và một mối quan hệ tương tự được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong nhiệm kỳ Trump thứ hai. Vào hôm thứ Hai (20/1), ông Netanyahu đã gửi đi một thông điệp video chúc mừng ông Trump nhân dịp lễ nhậm chức và khẳng định rằng “những ngày tươi đẹp nhất trong mối quan hệ đồng minh của chúng ta vẫn đang ở phía trước”. Ông Netanyahu cũng cảm ơn ông Trump đối với vai trò của chính quyền ông trong việc giúp đạt được một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, qua đó khởi đầu cho việc Hamas trả tự do cho các con tin vẫn bị giam giữ tại Gaza.
Những nguyên thủ đang tìm cách cứu vãn mối quan hệ
Thủ Tướng Anh Keir Starmer: Quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Anh Quốc từ lâu đã được xem như “một mối quan hệ đặc biệt”, và London từ trước đến nay luôn là một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington. Tuy nhiên, mối quan hệ này sẽ bị thử thách khi ông Trump phải đối mặt với Thủ tướng thuộc Đảng Lao Động, Keir Starmer, chính trị gia trước đây từng chỉ trích ông mạnh mẽ.
Vào năm 2023, ông Starmer đã lên án Đảng Bảo Thủ Anh vì “ngày càng hành xử giống [ông] Donald Trump” hơn là theo các giá trị của cố Thủ tướng Anh Winston Churchill.
Ông Starmer từng tuyên bố: “Họ nhìn vào chính trị Hoa Kỳ và muốn mang điều đó đến đây. Có ai trong chính phủ [Anh] hiện nay còn cảm thấy mình cần có trách nhiệm với điều gì ngoài lợi ích cá nhân không? Với dân chủ, pháp quyền, hay phục vụ đất nước?”
Ông Starmer nhấn mạnh thêm: “Mọi thứ đều là [trào lưu] thức tỉnh, thức tỉnh, thức tỉnh. Chia rẽ, chia rẽ, chia rẽ. Phân cực, phân cực, phân cực”.
Dù đã cam kết sẽ làm việc với ông Trump để bảo đảm “mối quan hệ đặc biệt” này vẫn được duy trì, ông Starmer được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron: Nhà lãnh đạo của Pháp, đồng minh lâu đời nhất của Hoa Kỳ, là nguyên thủ châu Âu duy nhất trong Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc từng làm việc với ông Trump trong nhiệm kỳ Trump đầu tiên. Ông Trump và ông Macron thường xuyên đối đầu trong nhiệm kỳ Trump đầu tiên, và mặc dù ông Trump đã được mời tham dự lễ khai trương Nhà thờ Đức Bà vào tháng 12/2024, các báo cáo cho thấy lần này cũng sẽ không có gì khác biệt.
Dù ông Macron là một trong những chính trị gia đầu tiên chúc mừng ông Trump sau chiến thắng nhiệm kỳ Trump thứ hai, ông cũng đưa ra hàng loạt những lời cảnh báo trong tuần qua. Trong cảnh báo đầu tiên, ông Macron nhấn mạnh rằng đây là thời điểm cần có một “hồi chuông thức tỉnh chiến lược châu Âu”, đặc biệt là cần giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ về quốc phòng.
Trong cảnh báo thứ hai vào hôm thứ Hai (20/1), ông Macron cũng kêu gọi châu Âu “phải đoàn kết, mạnh mẽ và tự chủ hơn” để đối phó với các mức thuế quan mà ông Trump đã tuyên bố sẽ áp đặt.
Thủ Tướng Đức Olaf Scholz: Chính trị gia tiền nhiệm của ông Scholz, bà Angela Merkel, từng nhiều lần đối đầu với ông Trump và cho rằng Tổng thống Hoa Kỳ đặc biệt có thái độ không mấy thiện cảm với Đức trong nhiệm kỳ Trump đầu tiên. Ông Scholz, lãnh đạo Đảng Dân Chủ Xã Hội cánh tả, dường như đang theo đuổi một cách tiếp cận cứng rắn tương tự đối với nhiệm kỳ Trump thứ hai. Vào thứ Tư (22/1), ông Scholz tuyên bố rằng ông “Trump sẽ là một thách thức, điều này đã rõ ràng ngay từ bây giờ”.
Phát biểu bên cạnh ông Macron vào hôm thứ Tư (22/1), ông Scholz cam kết đoàn kết với các đồng minh châu Âu và nhấn mạnh rằng: “Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Châu Âu là một cường quốc kinh tế lớn với khoảng 450 triệu công dân. Chúng ta mạnh mẽ, chúng ta đoàn kết. Châu Âu sẽ không trốn tránh hay ẩn nấp mà sẽ là một đối tác xây dựng và tự tin”.
Liên Minh châu Âu (EU): ông Trump đã công khai tuyên bố rằng EU là mục tiêu của ông, khi ông nói với các phóng viên trong tuần này: “Liên minh Châu Âu [đối xử] với chúng ta rất, rất tệ”. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã khẳng định rõ ràng lập trường của bà rằng bà sẵn sàng hợp tác với vị tổng thống mới của Hoa Kỳ.
Bà Leyen phát biểu: “Không có nền kinh tế nào trên thế giới lại gắn kết chặt chẽ như chúng ta”, đồng thời lưu ý rằng khối lượng thương mại giữa Hoa Kỳ và châu Âu chiếm 30% tổng thương mại toàn cầu, theo báo cáo của tờ Reuters. “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sớm tham gia, thảo luận các lợi ích chung, và sẵn sàng đàm phán.”
Bà Leyen khẳng định EU sẽ không bị ông Trump bắt nạt và tuyên bố: “Chúng tôi sẽ thực tế, nhưng sẽ luôn giữ vững các nguyên tắc của mình. Bảo vệ lợi ích và duy trì các giá trị – đó là cách của châu Âu”.
Lập trường trong liên minh EU đối với ông Trump có vẻ khá chia rẽ khi nhà ngoại giao hàng đầu của EU, bà Kaja Kallas, ủng hộ trước kế hoạch ông Trump thúc đẩy việc tăng chi tiêu quốc phòng trên toàn châu Âu. Trong khi đó, Nghị sĩ Đan Mạch cánh hữu thuộc Nghị viện châu Âu Anders Vistisen đã lên tiếng đáp trả tuyên bố của ông Trump về mong muốn mua lại Greenland và trong một thông điệp công khai, ông Vistisen không ngần ngại sử dụng ngôn từ mạnh mẽ.
“Thưa Tổng thống Trump, xin hãy lắng nghe cẩn thận: Greenland đã thuộc Vương Quốc Đan Mạch trong suốt 800 năm qua. Đây là một phần không thể tách rời của đất nước chúng tôi. Greenland không phải để bán. Để tôi nói theo cách ông có thể hiểu: Thưa ông Trump, hãy biến đi!”, ông Vistisen tuyên bố.
Thủ Tướng Canada Justin Trudeau: Sau hàng loạt báo cáo gây chấn động và các vụ từ chức liên quan đến cách ông Trudeau xử lý mối quan hệ với ông Trump sau khi ông được bầu, ông Trudeau đã tuyên bố từ chức chức vị Thủ tướng trong tháng này.
Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ thay thế ông Trudeau trong cuộc bầu cử nội bộ Đảng Tự Do vào ngày 9 tháng 3, trước thềm cuộc tổng tuyển cử cuối năm nay, khi mà đảng này được dự đoán sẽ gánh chịu thất bại trước Đảng Bảo Thủ.
Ông Trudeau từng tuyên bố: “Không bao giờ có khả năng Canada trở thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ”. Trong khi đó, các quan chức chính phủ Canada đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, sau khi ông Trump đe dọa áp đặt mức thuế quan 25% lên Canada, bắt đầu từ ngày 1 tháng 2.
Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly phát biểu trong tuần này rằng Ottawa “sẽ tiếp tục nỗ lực để ngăn chặn các mức thuế quan này”, nhưng cũng cho biết các quan chức đang “chuẩn bị các biện pháp trả đũa cần thiết”.
Tết này là cơ hội tốt nhất mà bạn nên thử tham gia các cuộc…
Theo Trung y, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này không chỉ nằm ở…
Dù là nấu ăn, bảo quản thực phẩm hay đơn giản là khử mùi khó…
Ngày 26/1, Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã công bố báo…
Nếu bạn đang tìm kiếm một không gian để mở rộng hay thay đổi tư…
Một chiếc ô tô điện đã mất kiểm soát và lao vào một cửa hàng…