Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết vòng đàm phán thứ hai với Nga về cuộc chiến ở Ukraine đã bắt đầu ở nước láng giềng Belarus.
Một đoạn video do văn phòng của ông Zelenskyy công bố hôm thứ Năm cho thấy phái đoàn Ukraine ăn mặc lịch sự bước vào phòng họp, nơi họ bắt tay các đại biểu Nga trong bộ vest và cà vạt.
Tuy vậy, hai bên dường như không có nhiều điểm chung.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo Ukraine rằng nước này phải nhanh chóng chấp nhận yêu cầu của Điện Kremlin về việc “phi quân sự hóa” và tuyên bố trung lập, chính thức từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO. Ông Putin từ lâu đã cho rằng việc Ukraine ngả theo phương Tây là một mối đe dọa đối với Moscow, một lập luận mà ông sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lược tuần trước.
Theo AP, một quan chức Pháp cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói chuyện trong 90 phút qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin đã nói với ông Macron rằng các hoạt động quân sự ở Ukraine đang “diễn ra theo kế hoạch.”
Ông Putin được cho là đã nói với ông Macron rằng xung đột sẽ tiếp tục “cho đến cuối cùng” trừ khi các cuộc đàm phán đáp ứng các điều khoản của ông.
Ông Putin cho biết các cuộc đàm phán phải tập trung vào việc “vô hiệu hóa và giải trừ quân bị Ukraine”, theo quan chức Pháp. Ông Putin được cho là sẽ cố đạt được mục tiêu đó bằng các biện pháp quân sự, nếu không phải bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao.
Jaroslaw Kaczynski, phó thủ tướng phụ trách an ninh và lãnh đạo đảng Công lý và Pháp luật cầm quyền, nói với quốc hội rằng Ba Lan cần một quân đội mạnh.
Ông cho biết Ba Lan sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP bắt đầu từ năm tới, trong bối cảnh mối đe dọa an ninh mới sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
“Quân đội nên có sức mạnh răn đe. Chúng tôi muốn hòa bình, chúng tôi không muốn chiến tranh,” ông Kaczynski nói.
Ba Lan đã là một trong số ít các quốc gia NATO có chi tiêu quốc phòng vượt quá mục tiêu 2% GDP của liên minh, hiện ở mức 2,2%. Ông Kaczynski cho biết quốc gia này đã lên kế hoạch tăng chi tiêu lên 2,5% vào năm 2030 nhưng hiện có kế hoạch tăng chi tiêu lên 3% vào năm 2023.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, đồng thời là phó thủ tướng Đức, cho biết hôm thứ Năm rằng đất nước của ông cần “giải phóng khỏi việc nhập khẩu năng lượng của Nga” nhưng thừa nhận rằng làm như vậy sẽ mất thời gian.
Ông cho biết điều này có thể gây nguy hiểm cho sự gắn kết xã hội trong nước.
Đức nhập khoảng một nửa lượng than và khí đốt từ Nga, và một phần ba lượng dầu của nước này.
Tuy vậy, ông Habeck nói với các phóng viên ở Berlin rằng chính phủ đang thực hiện một loạt các biện pháp để nhanh chóng tăng cường độc lập về năng lượng.
Phó Thủ tướng Canada Chrystia Freeland cho biết Canada đang loại bỏ quy chế “tối huệ quốc” của Nga và Belarus như một đối tác thương mại. Quy chế này thường được mở rộng cho các quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới.
Freeland cho biết hôm thứ Năm rằng Canada đang khuyến khích các đồng minh của mình cùng thực hiện biện pháp nói trên.
Khi lực lượng Nga tiến vào các điểm chiến lược ở miền nam Ukraine, chính quyền Ukraine hôm thứ Năm đã kêu gọi người dân thưc hành chiến tranh du kích chống lại lực lượng Nga.
Trong một đoạn video được đăng tải trên mạng, phụ tá tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovich kêu gọi những người đàn ông chặt cây và tìm cách tiêu diệt các lực lượng hậu phương của quân đội Nga.
Ông Arestovich nói: “Chúng tôi kêu gọi mọi người bắt đầu kháng cự toàn diện trước kẻ thù trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.”
Ông nói thêm: “Điểm yếu của quân đội Nga là hậu phương – nếu chúng ta hạ được chúng và phong tỏa hậu phương, cuộc chiến sẽ dừng lại trong vài ngày tới.”
Ông Arestovich nói rằng các chiến thuật như vậy đã được sử dụng ở Konotop ở đông bắc Ukraine và Melitopol gần Biển Azov, những nơi đã bị quân đội Nga chiếm giữ.
Ông kêu gọi người dân xây dựng các rào chắn trong các thành phố, tổ chức các cuộc biểu tình với cờ Ukraine, và tạo các nhóm mạng trực tuyến.
“Kháng chiến toàn diện … đây là con át chủ bài Ukraine của chúng ta và đây là điều chúng ta có thể làm tốt nhất trên thế giới,” Arestovich nói, đề cập đến các hành động du kích ở Ukraine thời Đức Quốc xã chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai.
Các lực lượng Nga đã chiếm được một cảng biến chiến lược của Ukraine và thiết lập một cuộc bao vây khác khi Moscow cố gắng chia cắt nước láng giềng khỏi Biển Đen.
Quân đội Nga cho biết hôm thứ Năm rằng họ đã kiểm soát Kherson, nơi có dân số 280.000 người, khiến nó trở thành thành phố lớn đầu tiên thất thủ kể từ khi Nga xâm lược vào tuần trước.
Các phương tiện bọc thép của Nga đã được nhìn thấy trên những con phố vắng vẻ của Kherson.
Trong khi đó, giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở Mariupol, ngoại ô thành phố cảng Biển Azov chiến lược. Các kết nối điện và điện thoại hầu như không hoạt động ở Mariupol, nơi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn và nước uống.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết đất nước của ông sẽ đóng băng tài sản của các nhà tài phiệt Nga thân cận với Tổng thống Vlaimir Putin.
Ông Kishida cho biết hôm thứ Năm rằng Nhật Bản đang thêm các nhà tài phiệt vào danh sách trừng phạt theo sau việc Tokyo đóng băng tài sản của Putin và các quan chức hàng đầu trong chính phủ của ông này.
Ông Kishida cũng nói rằng Nhật Bản đã thực hiện các bước để ngắt kết nối bảy ngân hàng Nga khỏi hệ thống nhắn tin tài chính quốc tế SWIFT.
Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết 27 quốc gia Liên minh châu Âu sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin và cộng đồng của ông này vì cuộc xâm lược Ukraine.
Thủ tướng Pedro Sánchez cho biết: “Putin phải biết rằng chúng ta sẽ không ngừng áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại ông ấy và tổ chức tài phiệt đã phát triển thịnh vượng trong chế độ của ông ấy… nhằm chấm dứt cuộc xâm lược phi lý và không công bằng”.
Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha thông báo rằng hai máy bay chở đầy các khí tài quân sự tấn công của Tây Ban Nha sẽ khởi hành đến Ukraine vào thứ Sáu.
Hàng hóa bao gồm 1.370 súng phóng lựu chống tăng và 700.000 viên đạn cho súng trường và súng máy, cũng như một số lượng không xác định súng máy hạng nhẹ.
Cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc đang tổ chức một cuộc tranh luận khẩn cấp về tình hình ở Ukraine và khả năng thành lập một hội đồng để điều tra bất kỳ hành vi lạm dụng nào trong cuộc xâm lược của Nga với nước láng giềng.
Thứ Sáu tới đây, Hội đồng Nhân quyền sẽ bỏ phiếu về việc có thành lập một hội đồng điều tra hay không.
Cuộc bỏ phiếu này diễn ra một ngày sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York bỏ phiếu theo tỷ lệ 141/5, với 35 phiếu trắng, để yêu cầu ngừng ngay lập tức cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine.
Xuân Lan (t/h)
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…