Thế Giới

Đằng sau xung đột Ấn Độ – Pakistan: ĐCSTQ cung cấp vũ khí, tranh thủ thu thập tình báo

Gần đây, Ấn Độ và Pakistan bùng phát xung đột, thu hút sự chú ý của quốc tế về cuộc cạnh tranh địa chính trị đằng sau căng thẳng Ấn – Pakistan.

Ảnh minh họa căng thẳng Ấn Độ và Pakistan. (Ảnh: Shutterstock)

Khi hai nước xảy ra giao chiến dữ dội trên không, nhiều phân tích quốc tế cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lợi dụng cơ hội để can thiệp vào các vấn đề Nam Á thông qua việc cung cấp vũ khí cho Pakistan, đồng thời bí mật thu thập tình báo quân sự của Ấn Độ.

Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), 81% lượng vũ khí nhập khẩu của Pakistan đến từ Trung Quốc, bao gồm tiêm kích J-10C, tên lửa, radar phòng không và các hệ thống khác. Nhà nghiên cứu cấp cao Siemon Wezeman cho biết, Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại khi giảm xuất khẩu vũ khí, trở thành nhà cung cấp vũ khí chính cho Pakistan.

Theo CNN, phía Pakistan tuyên bố đã dùng tiêm kích J-10C bắn hạ nhiều máy bay chiến đấu của Ấn Độ, bao gồm cả loại Rafale do Pháp chế tạo. Mặc dù phía Ấn Độ chưa xác nhận tổn thất, nhưng vũ khí do Trung Quốc sản xuất đã trở thành tâm điểm của cuộc đụng độ lần này.

Nhà báo kỳ cựu Phương Vĩ (Fang Wei) nhận định, dù Pakistan tụt hậu toàn diện so với Ấn Độ về ngân sách quốc phòng, GDP và dự trữ ngoại tệ, nhưng vẫn có thể “lấy yếu thắng mạnh”, đằng sau điều này rõ ràng là nhờ có ĐCSTQ chống lưng.

Theo bảng xếp hạng “Sức mạnh quân sự toàn cầu” (Global Firepower), Ấn Độ có hơn 1,4 triệu binh sĩ tại ngũ, ngân sách quốc phòng gấp 9 lần Pakistan, sở hữu hơn 4.200 xe tăng và hơn 2.000 máy bay quân sự, tổng thể đứng thứ 4 thế giới. Trong khi đó, Pakistan chỉ có khoảng 650.000 quân tại ngũ và phụ thuộc nặng nề vào vũ khí, công nghệ do ĐCSTQ và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp.

Reuters trích dẫn phân tích cho biết, ĐCSTQ đang thử nghiệm các hệ thống vũ khí của mình thông qua cuộc chiến tranh ủy nhiệm này, đồng thời thu thập thông tin cốt lõi về việc triển khai tên lửa, đường bay, và cấu trúc chỉ huy của Ấn Độ. Cuộc xung đột này đã trở thành một “cuộc diễn tập tình báo” của họ.

Chuyên gia an ninh Singapore Alexander Neill chỉ ra rằng đây là một cuộc diễn tập chiến đấu thực tế ngay sát biên giới Trung Quốc. Bắc Kinh không chỉ theo dõi bằng vệ tinh mà còn triển khai một lượng lớn “tàu dân quân ngư nghiệp” và tàu trinh sát xuống Ấn Độ Dương để thực hiện các hoạt động nghe lén và do thám.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), ĐCSTQ hiện có hơn 115 vệ tinh trinh sát quân sự đang hoạt động, chỉ đứng sau Mỹ. CNN cũng cho rằng cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan giờ đây đã trở thành một “cuộc đối đầu công nghệ quân sự thực sự” giữa Trung Quốc và phương Tây.

Trước đây, khoảng 80% vũ khí chủ lực của Ấn Độ đến từ Nga. Nhưng trong 4 năm gần đây, con số này đã giảm một nửa. Hiện nay, hơn một nửa lượng vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Mỹ, Pháp và Israel, trong khi Pakistan gần như hoàn toàn sử dụng trang bị của ĐCSTQ.

Hiện tại, dù ĐCSTQ chưa trực tiếp tham chiến, nhưng đang nhân cơ hội này để kiểm chứng hiệu suất vũ khí, thu thập tình báo và âm thầm mở rộng ảnh hưởng của mình tại Nam Á.

Pakistan dùng chiến đấu cơ J-10C của ĐCSTQ sản xuất bắn hạ máy bay Ấn Độ

Phó thủ tướng Pakistan Ishaq Dar ngày 7/5 nhấn mạnh rằng chiến đấu cơ J-10C do Trung Quốc chế tạo có góp mặt trong phản ứng của Pakistan trước cuộc không kích của Ấn Độ.

Ông cho biết “Máy bay phản lực chiến đấu của chúng tôi… đã bắn hạ máy bay Rafale của Ấn Độ, 3 chiếc Rafale là của Pháp (sản xuất). Máy bay của chúng tôi là J-10C. Tất cả đều là máy bay phản lực chiến đấu mua từ Trung Quốc.”

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khawaja Asif cho biết Không quân Pakistan (PAF) đã bắn hạ máy 5 bay chiến đấu của Ấn Độ. Theo quan chức này, PAF đã sử dụng máy bay chiến đấu J-10C được trang bị tên lửa PL-15E để đánh chặn máy bay ở các khu vực Bahawalpur, Awantipora và Punjab.

Liên quan vụ việc trên, Đại sứ quán Ấn Độ tại Trung Quốc bác bỏ một bài đăng trên mạng xã hội X của Hoàn Cầu thời báo liên quan nội dung Pakistan đã bắn hạ máy bay chiến đấu của Ấn Độ. Đại sứ quán Ấn Độ tại Trung Quốc gọi đây là “thông tin sai lệch”.

Vào thứ Sáu (ngày 9/5), gần khu vực Hoshiarpur ở phía đông bang Punjab, Ấn Độ đã phát hiện một quả tên lửa không đối không tầm xa do ĐCSTQ sản xuất gần như còn nguyên vẹn. Dự kiến phát hiện này sẽ mang lại cho Không quân Ấn Độ, thậm chí cả các nước phương Tây, cơ hội đầu tiên để hiểu rõ các thông số kỹ thuật và năng lực tác chiến của loại tên lửa này, đồng thời góp phần nâng cao các biện pháp phòng thủ đối phó.

Rạng sáng ngày 7/5, không quân Ấn Độ và Pakistan đã xảy ra một trận không chiến quy mô lớn. Pakistan nói với CNN rằng hai bên đã huy động tổng cộng 125 máy bay chiến đấu, tiến hành giao chiến trên không kéo dài suốt một giờ. Tuy nhiên, cả hai phía đều không xâm nhập vào không phận của đối phương, mà tiến hành một trận chiến ngoài tầm nhìn (BVR – Beyond Visual Range), sử dụng tên lửa không đối không tầm xa để tấn công lẫn nhau. Theo một quan chức Không quân Ấn Độ, quả tên lửa nói trên có thể đã được bắn về phía một chiến đấu cơ của Ấn Độ nhưng không trúng mục tiêu, tiếp tục bay cho đến khi hết nhiên liệu rồi rơi xuống từ trên không.

Trí Đạt (t/h)

Trí Đạt

Published by
Trí Đạt

Recent Posts

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin ‘đang làm mọi thứ có thể’ vì hòa bình Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “làm mọi thứ có thể” để theo đuổi hòa…

16 phút ago

Doanh nghiệp xây dựng niêm yết bị cấm đấu thầu vì làm giả hồ sơ

UBND tỉnh Hà Nam vừa ban hành quyết định cấm đấu thầu với CIENCO4 sau…

17 phút ago

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói gì trong bài phát biểu Ngày Chiến thắng?

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu (9/5) đã có bài phát biểu quan…

32 phút ago

Tân Giáo hoàng Leo XIV là người theo chủ nghĩa tự do hay bảo thủ?

Vậy tân giáo hoàng là người theo chủ nghĩa tự do hay bảo thủ?

58 phút ago

Thuế quan của Tổng thống Trump thúc đẩy các hãng ô tô nước ngoài sản xuất tại Mỹ

Chiến lược thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã thu hút sự chú ý…

1 giờ ago

TP.HCM ngập nặng sau mưa 225 mm: Xe chết máy, dân mưu sinh lao đao

Cơn mưa đạt hơn 225 mm sáng 10/5 khiến TP.HCM chìm trong nước, nhiều tuyến…

2 giờ ago