Điểm lại những nhân vật diều hâu đối với Trung Quốc trong chính quyền Biden

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Biden nhậm chức, chính sách về Trung Quốc của ông đã thu hút nhiều sự chú ý. Xét các thành viên trong nhóm nghiên cứu về Trung Quốc của chính quyền Biden, đa số họ là phe diều hâu trong chính sách đối với Trung Quốc. Đặc biệt là trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ, những người này từ các thời kỳ khác nhau đã tập hợp lại. Cho đến nay, chính quyền Biden phần lớn vẫn tiếp tục chiến lược đối đầu với ĐCSTQ từ thời chính quyền Trump.

Tổng thống Joe Biden ở giữa (Nguồn: Adam Schultz/ Nhà Trắng)

Ông Biden đề cử Thea Kendler cho vị trí quan trọng trong Bộ Thương mại Mỹ

Ngày 28/7 Nhà Trắng cho biết, ông Biden đã đề cử lên Thượng viện Công tố viên Thea Kendler làm Trợ lý Bộ trưởng Thương mại. Vị trí chủ chốt này rất cần thiết cho việc kiểm soát kiểm soát xuất khẩu sang Trung Quốc, và chính bà Kendler là công tố viên liên bang Mỹ đã xử lý vụ Mạnh Vãn Châu. Động thái này được coi là một tín hiệu mạnh mẽ khác mà chính quyền Biden gửi tới ĐCSTQ.

Kể từ năm 2019, Bộ Thương mại Mỹ đã hạn chế bán hàng xuất khẩu cho Huawei, Huawei và các công ty không liên quan đến Mỹ của Huawei cũng bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ.

Hai năm trước, khi Bộ Thương mại áp đặt các hạn chế đối với Huawei đã viện dẫn một vụ kiện hình sự được đệ trình lên Tòa án Liên bang ở Brooklyn, New York, cáo buộc Huawei vi phạm luật pháp Mỹ, bao gồm xuất khẩu hàng hóa, công nghệ và dịch vụ ngân hàng sang Iran, quốc gia đang bị Mỹ trừng phạt.

Vào thời điểm đó, bà Kendler là công tố viên liên bang chịu trách nhiệm truy tố Huawei và các thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu.

Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt khi đang quá cảnh tại sân bay quốc tế Vancouver, Canada vào ngày 1/12/2018.

Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, trong thời gian học đại học, bà Kendler đã học tiếng Trung ở Bắc Kinh Trung Quốc và học tiếng Nhật ở Kanazawa Nhật Bản.

Nhân vật diều hâu đối với Trung Quốc trong quân đội Mỹ tuyên thệ nhậm chức trên máy bay quân sự

Ngày 25/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trên một máy bay quân sự bay đến Singapore tuyên thệ bổ nhiệm ông Ely Ratner – chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc trong chính quyền Biden, làm Trợ lý Bộ trưởng phụ trách vấn đề an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ông Ely Ratner (Nguồn: CNAS)

Ngày 10/2, lần đầu tiên ông Biden đã đến thăm Lầu Năm Góc của Bộ Quốc phòng và tuyên bố thành lập “Nhóm công tác Trung Quốc” của Bộ Quốc phòng. Nhóm này bao gồm 15 quan chức quân sự và dân sự từ Bộ Quốc phòng và giới tình báo, do ông Ratner phụ trách, nhiệm vụ của ông là chịu trách nhiệm rà soát phương châm chiến lược của Mỹ khi đối mặt với những thách thức của ĐCSTQ.

Các quan chức liên quan cho biết, mục đích của việc thành lập nhóm công tác này là nhằm điều phối các chức năng khác nhau của chính phủ, bao gồm các chức năng kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự, và hình thành một chính sách thống nhất để đối kháng với ĐCSTQ.

Hồi tháng Tư, ông Biden đã đề cử ông Ratner, trợ lý đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng, làm trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Bộ Quốc phòng.

Ông Ratner từng có thời gian dài làm trợ lý của ông Biden và từng là phụ tá của ông Biden khi ông còn là thượng nghị sĩ. Từ năm 2015 đến năm 2017, ông Ratner làm Phó Cố vấn An ninh Quốc gia khi ông Biden làm Phó Tổng thống.

Ông Ratner được coi là thuộc phe diều hâu cứng rắn với Trung Quốc. Ông đã tiến hành nghiên cứu về các vấn đề Trung Quốc trong một thời gian dài, và các mối quan tâm nghiên cứu của ông tập trung ở khu vực châu Á, đặc biệt chú ý đến chính sách châu Á và Trung Quốc, Biển Đông, các vấn đề Triều Tiên, cũng như xây dựng liên minh và chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ ở châu Á.

Nhân vật cấp cao trong nhóm chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ: Blinken

Các nhân vật trung tâm trong chính sách Trung Quốc của Biden bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Điều phối viên Nhà Trắng về Các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Kurt Campbell.

Ngoại trưởng Antony J. Blinken (Nguồn: Ron Przysucha/ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)

Ông Blinken, 59 tuổi, xuất thân trong một gia đình ngoại giao và là thân tín của Biden, hai người đã làm việc cùng nhau gần 20 năm. Trong thời kỳ chính quyền Obama, ông Blinken liên tiếp giữ chức vụ trợ tá an ninh quốc gia của Phó Tổng thống Biden và Tổng thống Obama, và sau đó vươn lên vị trí số hai trong Bộ Ngoại giao của ông Obama.

Ông Blinken được coi là phe diều hâu chống lại Trung Quốc trong Đảng Dân chủ. Trong chính sách đối với Trung Quốc, ông Blinken đã nhiều lần đồng ý với lập trường cứng rắn của chính quyền Trump.

Tháng Ba năm nay, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại chính của mình đối với Trung Quốc, ông Blinken nói rằng Washington sẽ “cạnh tranh với Trung Quốc khi cần, hợp tác khi có thể và đối đầu khi cần thiết.”

Một bài báo của Initium Media (tại Singapore) nói rằng Mỹ nên luôn duy trì một “lập trường vững chắc” khi giải quyết các mối quan hệ Mỹ – Trung. Điều này yêu cầu Mỹ phải giữ thực lực vững chắc về kinh tế, chính trị, quân sự của chính mình, về vĩ mô thì điều này phù hợp với triết lý quản trị trong nước của chính quyền Biden.

Bài viết phân tích và cho rằng các đề xuất chính sách và lập trường của ông Blinken đối với Trung Quốc là quan điểm chủ lưu đối với Trung Quốc, tương đối có tính đại diện trong chính quyền Biden. Tuy nhiên, việc duy trì thái độ vừa cạnh tranh vừa hợp tác này với Trung Quốc có thể không nhất thiết mang lại sự xoa dịu cho quan hệ Mỹ – Trung, điểm này có thể nhìn thấy từ thái độ của hai bên tại cuộc họp cấp cao ở Alaska. 

Đội ngũ chính sách đối với Trung Quốc trong Ủy ban An ninh Quốc gia: Sự tập trung nhiều thế hệ diều hâu đối với Trung Quốc

Jake Sullivan từng là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Phó Tổng thống Biden trong chính quyền Obama, cũng từng là Phó Tham mưu trưởng của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Theo báo cáo của BBC, ông Sullivan được biết đến là người thông thạo các chi tiết chính sách, về chính sách đối với Trung Quốc. Cả ông và ông Blinken nhiều lần nhấn mạnh rằng chính quyền Biden sẽ không phải là một “quả hồng mềm” đối với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Antony J. Blinken (trái) và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan (phải) tại cuộc hội đàm cấp cao với Trung Quốc ở Alaska hôm 18/3/2021. (Nguồn: Ron Przysucha/ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)

Ông Kurt M. Campbell, 64 tuổi, được cho là người thuộc phe diều hâu truyền thống trong chính sách đối với Trung Quốc. Ông là điều phối viên các vấn đề Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Ông đã nghiên cứu các chính sách của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua và có các mối liên hệ trong thời gian dài với các quan chức ĐCSTQ.

Ông Kurt Campbell, Điều phối viên các vấn đề Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. (Ảnh: Facebook/ Asia Society)

Ông Kurt Campbell từng là Trợ lý Ngoại trưởng trong chính quyền Obama, được coi là “kiến trúc sư trưởng” của chính sách “xoay trục sang châu Á“. Ông cùng với ông Sullivan giúp chính quyền Obama thiết kế chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ.

Vào tháng Năm năm nay, tại một hội nghị do Trung tâm Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương Walter H. Shorenstein tổ chức tại Đại học Stanford, ông Kurt Campbell cho biết, Mỹ chỉ có cách đoàn kết các đồng minh toàn cầu của mình thì mới có thể ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức của ĐCSTQ.

Ông Campbell cho rằng kỷ nguyên “giao thiệp” (engagement) kéo dài gần nửa thế kỷ giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc và chính thức bước vào kỷ nguyên “cạnh tranh khốc liệt”, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự thay đổi này có liên quan đến chính sách đối ngoại của ông Tập Cận Bình.

Ông cho rằng cốt lõi phản kháng lại ĐCSTQ của Mỹ trong vài năm tới sẽ là đoàn kết các đồng minh để chống ĐCSTQ. Ông nhắc đến tầm quan trọng của “Đối thoại an ninh 4 bên” (Quad) do Mỹ thành lập gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc. 

Ngoài Sullivan và Campbell, Nhóm Chính sách Trung Quốc của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ còn bao gồm thế hệ “am hiểu Trung Quốc” mới, như Rush Doshi và Julian Gewirtz. Họ cũng có cơ hội tham gia vào việc xây dựng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

Đài Á Châu Tự Do đưa tin, Rush Doshi và Julian Gewirtz đã đảm nhận chức vụ đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia về Trung Quốc trong các bổ nhiệm liên quan đến cố vấn chính sách Trung Quốc của Hội đồng An ninh quốc gia của ông Biden. Sự khác biệt lớn nhất giữa họ và thế hệ “am hiểu Trung Quốc” cũ nằm ở chỗ thông hiểu tiếng Trung một cách trực tiếp, có khả năng đọc các văn kiện chính thức của ĐCSTQ và kinh nghiệm tiếp xúc với Trung Quốc.

Anh Julian Gewirtz (Nguồn: Wilson Center)

Anh Julian Gewirtz mới chỉ 32 tuổi, nhưng đã học tiếng Trung từ khi còn nhỏ. Năm 2009, Julian Gewirtz làm thực tập sinh tại tòa soạn tạp chí Caijing, một tạp chí về tài chính, kinh tế ở Trung Quốc. 

Ông Rush Doshi (Nguồn: Twitter cá nhân)

Một học giả thế hệ mới khác là Rush Doshi, sinh sau năm 1980, chuyên nghiên cứu về chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Trước khi vào Nhà Trắng, Rush Doshi từng là Giám đốc Kế hoạch Chiến lược Trung Quốc của Viện Brookings. Năm 2012, ông làm việc tại Vân Nam trong một năm với tư cách là thành viên của Chương trình Fulbright do chính phủ Mỹ tài trợ.

Ngày 8/7 năm nay, ông Rush Doshi ra mắt cuốn sách mới có tên “Trò chơi lâu dài: Đại chiến lược thay thế Mỹ của Trung Quốc” (The Long Game: China Grand Strategy to Displace American Order), cuốn sách đã phân tích 3 lần chuyển hướng chiến lược ngoại giao của ĐCSTQ trong 30 năm qua.

Cuốn sách phân tích cách mà ĐCSTQ đã cố gắng làm suy yếu sức mạnh của Mỹ trong hơn 30 năm và từng bước thực hiện chiến lược thay thế địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Dựa trên đánh giá về chiến lược thay thế Mỹ của ĐCSTQ, cuốn sách đề xuất một chiến lược đáp trả cho Mỹ, đó là sẽ “cạnh tranh với Trung Quốc khi cần, hợp tác khi có thể, và đối đầu khi cần thiết”.

Rush Doshi cho rằng bản chất của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung chủ yếu nằm ở việc ai sẽ dẫn đầu trật tự châu Á và toàn cầu, và loại trật tự nào mà họ có thể tạo ra từ vị trí dẫn đầu này. Trọng tâm chiến lược cạnh tranh của Mỹ là làm suy yếu thực lực và trật tự của ĐCSTQ, đồng thời thiết lập nền tảng sức mạnh và trật tự của Mỹ.

Thái độ cứng rắn với Trung Quốc của Bộ trưởng Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ

Đến hiện tại, chính quyền Biden vẫn tiếp tục chính sách áp thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc từ thời kỳ chính quyền Trump. 

Ngày 2/3 năm nay, Thượng viện liên bang Mỹ đã phê chuẩn việc ông Biden đề cử Thống đốc tiểu bang Rhode Island là bà Gina Raimondo làm Bộ trưởng Thương mại. Bà Gina Raimondo đã nhiều lần có những ngôn luận cứng rắn đối với ĐCSTQ trước và sau khi nhậm chức. Tháng Bảy vừa qua, bà cũng đưa ra những bình luận hiếm hoi về bài phát biểu của ông Tập Cận Bình.

Ngày 1/7, trong bài phát biểu kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần nói về “thế lực bên ngoài”, và được coi là đang ngầm chỉ trích Mỹ.

Về vấn đề này, trong cuộc phỏng vấn với chương trình “Closing Bell” của CNBC, bà Gina Raimondo nói rằng các công ty Mỹ không cần để tâm đến những đe dọa đó. “Bạn biết đấy, rõ ràng là có rất nhiều lời phô trương thanh thế và ngon ngọt. Tôi nghĩ các công ty Mỹ cần tập trung vào hoạt động kinh doanh.”

Bà cho biết, “Chúng ta cần đảm bảo phía Trung Quốc tuân thủ quy tắc, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cho phép công ty chúng ra tiếp cận thị trường Trung Quốc.” Bà còn nhấn mạnh Mỹ cần làm tốt việc của mình, trở thành một nước Mỹ lớn mạnh. 

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (Ảnh chụp màn hình video)

Ngoài ra, bà Katherine Tai, người mới nhậm chức Đại diện Thương mại Mỹ vào tháng Ba năm nay, cho biết rằng bà sẽ sử dụng thương mại để giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi sau cuộc khủng hoảng virus corona mới (virus Trung Cộng), giải quyết những thách thức của Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bà.

Bà Katherine Tai là Luật sư trưởng thương mại của Ủy ban phân bổ ngân sách Hạ viện Mỹ, và từng là người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật về Trung Quốc tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Bên cạnh đó, bà còn thông thạo tiếng Trung và đã dạy học ở Quảng Châu trong hai năm.

Đại diện thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai (Ảnh: Inter-American Dialogue/ Wikimedia)

Bà Katherine Tai từng nói rằng Mỹ nên củng cố chiến lược đối với Trung Quốc của mình. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ từng đưa tin, một số nhà phân tích cho rằng sau khi bà Katherine Tai nhậm chức Đại diện thương mại Mỹ, bà sẽ tiếp tục phong cách “diều hâu” đối với Trung Quốc của Đại diện thương mại sắp mãn nhiệm Robert Lighthizer ở một mức độ nhất định.

Theo Lâm Duệ, Epoch Times

Xem thêm:

Lâm Duệ

Published by
Lâm Duệ

Recent Posts

Kremlin nói đáp trả bằng tên lửa siêu thanh là cảnh báo sự “liều lĩnh” của phương Tây

Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…

6 phút ago

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

4 giờ ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

5 giờ ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

6 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

7 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

8 giờ ago