Hãng tin RT dẫn lời một trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow hài lòng với kết quả cuộc điện đàm mới nhất giữa ông Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, Điện Kremlin cũng đã cảnh báo Nhà Trắng không được leo thang chính sách chế tài Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin họp video trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 7/12/2021. (Ảnh: MIKHAIL METZEL/SPUTNIK/AFP via Getty Images)
Trong tuyên bố phát đi sau cuộc điện đàm chiều 30/12 giữa nguyên thủ hai nước Nga-Mỹ, Điện Kremlin tiết lộ rằng ông Biden đã cam kết với ông Putin về việc Mỹ sẽ không triển khai vũ khí tấn công tại Ukraine.
Theo truyền thông Nga, cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin, ông Yuri Ushakov cho hay: “[Ông] Biden đã nói rõ rằng Mỹ không có ý định triển khai vũ khí tấn công tại Ukraine”.
Ông Ushakov nhấn mạnh cam kết đó của ông Biden cũng là một trong những mục tiêu mà Nga hy vọng sẽ đạt được thông qua các đề xuất với Mỹ và NATO về đảm bảo an ninh.
Trong cuộc điện đàm với ông Biden kéo dài khoảng 50 phút, ông Putin một lần nữa vạch ra những nguyên tắc chính trong đề xuất an ninh của Nga, bao gồm cả việc cấm NATO mở rộng về phía Đông. Ông Putin được cho là đã nhấn mạnh với người đồng cấp Mỹ rằng bất kỳ thỏa thuận khả thi nào với phương Tây đều cần phải bao gồm các đảm bảo an ninh cho Nga mang tính ràng buộc pháp lý. Ông Ushakov cho biết Tổng thống Biden dường như “khá coi trọng” yêu sách đó của ông chủ Điện Kremlin.
Sau cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ Mỹ-Nga, Nhà Trắng cũng đã công bố phát ngôn của Thư ký báo chí Jen Psaki về cuộc thảo luận.
Bà Jen Psaki cho biết: “Tổng thống Biden đã tái khẳng định rằng các cuộc đối thoại [Mỹ-Nga] chỉ có thể đạt được tiến bộ thực chất trong môi trường giảm leo thang hơn là leo thang”.
Cũng theo bà Psaki, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga, ông Biden một lần nữa đã nhắc lại đe dọa về việc sẽ áp đặt các chế tài chưa từng có tiền lệ lên Nga, nếu nước này tiến hành xâm lược Ukraine.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Biden tiết lộ rằng ông Biden đã đặt ra hai lộ trình để giải quyết căng thẳng Đông-Tây, một là thông qua ngoại giao và hai là tập trung nhiều hơn vào biện pháp răn đe, trong đó có các biện pháp chế tài mạnh mẽ nếu Nga lựa chọn tiến hành xâm lược Ukraine.
Về vấn đề Ukraine và đe dọa chế tài từ Mỹ, ông Ushakov cho biết Tổng thống Putin “lập tức phản ứng” rằng mọi chế tài bây giờ hoặc sau này “có thể dẫn tới sự đổ vỡ hoàn toàn mối quan hệ [Nga-Mỹ]”.
Cố vấn chính sách đối ngoại của ông Putin nói thêm rằng: “Tổng thống của chúng tôi cũng đã đề cập rằng [biện pháp chế tài đó] sẽ là sai lầm mà con cháu chúng ta sẽ nhìn thấy đó là một lỗi rất lớn”.
Cả Nhà Trắng và Điện Kremlin đều đã thông báo về các cuộc đối thoại an ninh Đông-Tây sẽ diễn ra trong năm tới ở nhiều cấp độ: cấp độ Nga-Mỹ tại Geneva; cấp độ Nga-NATO tại Brussels; và cấp độ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna.
Xuân Thành
Xem thêm:
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…