Trung Quốc có kế hoạch mở rộng ngư trường xuống vùng biển phía Nam, với lối đánh bắt của Trung Quốc, tài nguyên biển Đông có nguy cơ sẽ cạn kiệt.
Thời báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP, có trụ sở tại Hồng Kông) hôm 14/8 đưa tin từ Đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc cho biết, Trung Quốc vừa yêu cầu các địa phương ven biển (trong đó có cả tỉnh Hải Nam) không được tăng thêm và phải cắt giảm số lượng tàu cá nhằm “bảo vệ nguồn lợi hải sản” trong bối cảnh vùng biển xung quanh Trung Quốc đang cạn kiệt cá.
Giới quan sát phân tích, thông tin này cho thấy, các giới chức Trung Quốc cũng đang lo lắng trước sức hủy diệt của đội tàu cá nước này đối với tài nguyên biển.
Tờ Conversation của Úc dẫn lời các chuyên gia cho biết, biển Đông có ít nhất 3.365 loài cá, chiếm 12% sản lượng đánh bắt của toàn thế giới, mang về giá trị tới 21,8 tỷ USD.
Các chuyên gia này cũng đánh giá hải sản nơi đây có giá trị hơn cả dầu mỏ và khí đốt bởi chúng nuôi sống hàng trăm triệu ngư dân ven biển.
Năm ngoái, Tiến sĩ William Cheung thuộc Đại học British Columbia, Canada cho biết, biển Đông là nơi đánh bắt của 55% số tàu cá toàn thế giới, trong đó chủ yếu là của Trung Quốc và Đài Loan.
Tàu cá Trung Quốc đang hoạt động tại biển Đông trực thuộc tỉnh Hải Nam có số lượng hàng chục ngàn chiếc. Trong đó có nhiều tàu vỏ thép lớn cho phép đánh bắt xa bờ dài ngày.
Theo Ngân hàng thế giới, Trung Quốc tiêu thụ hơn 1/3 lượng hải sản toàn cầu, và nhu cầu của người dân nước này sẽ tăng lên 30% vào năm 2030.
Ngư dân Trung Quốc tiến hành đánh bắt hải sản mang tính hủy diệt như dùng thuốc nổ, hóa chất. Hôm 30/4, tổ chức phi lợi nhuận Kalayaan Atin To của Philippines cho biết người dân nước này phát hiện tàu Trung Quốc thường xuyên di chuyển trong vòng 5 km quanh đảo PAGASA (Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ) đổ hóa chất để tiêu diệt san hô và nguồn cá gần đảo.
San hô bị diệt khiến cá không còn chỗ đẻ trứng, hiện nay, nhiều vùng biển ven bờ Trung Quốc đã sạch bóng cá, khiến đội tàu cá của Trung Quốc phải đánh bắt xa, sang cả những vùng biển nước khác.
Mặt khác trong khi Trung Quốc yêu cầu các địa phương giảm 3% lượng tàu cá, thì riêng tỉnh Hải Nam không yêu cầu giảm số lượng tàu, mà chỉ không được phép tăng thêm.Từ đó giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đang mở rộng ngư trường của họ xuống vùng biển phía Nam.
Để hỗ trợ cho các ngư dân đánh bắt tại vùng biển phía Nam, Trung Quốc đã cho xây các cảng cá cỡ lớn, tàu hải cảnh sẵn sàng tiếp tế xăng dầu cho các tàu cá.
Tàu cá Trung Quốc không chỉ mang ý nghĩa đánh bắt, mà còn giúp Trung Quốc khẳng định chủ quyền của mình trên biển. Ngư dân được Chính phủ huấn luyện và trang bị để trở thành dân quân biển.
Một thuyền trưởng ẩn danh trở về sau 2 tháng hoạt động ở quần đảo Trường Sa đã trả lời trên tờ ABC News của Úc: “Chúng tôi sẽ không đến đó nếu chính phủ không trả cho chúng tôi trợ cấp khoảng 20.000 USD (444 triệu đồng) mỗi lần, và chúng tôi chỉ nhận được số tiền này nếu chúng tôi cam kết đến đây 4 lần/năm. Chúng tôi không kiếm tiền từ việc đánh bắt cá”.
Thuyền trưởng này cũng cho biết đây là một cách kiếm tiền nguy hiểm.
“Năm 1998 tại bãi cạn Scarborough (gần đảo Luzon của Philippines), tôi cùng với 60 người từ 4 thuyền đã bị Philippines bắt giữ”, ông nói. “Chúng tôi đã bị giam 6 tháng cho đến khi đại sứ quán Trung Quốc trả tiền để chúng tôi được thả.”
Trường hợp tàu cá Trung Quốc vét sạch tài nguyên biển cũng được ghi nhận ở Tây Phi, tàu cá Trung Quốc đến vùng biển này làm cạn kiệt tài nguyên biển, người dân ở đây chỉ có thể bất lực đứng nhìn các hoạt động đánh bắt cá phi pháp của Trung Quốc vì không có đủ tài chính để ngăn chặn.
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…