Tiếp sau động thái hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva, trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Litva đã đăng tuyên bố tạm dừng dịch vụ lãnh sự. Tuy nhiên, sau đó tuyên bố này đã nhanh chóng bị xóa.
Ngày 25/11, trang web Đại sứ quán Trung Quốc tại Litva đã đăng tuyên bố: “Do nguyên nhân kỹ thuật, bắt đầu từ ngày 25/11/2021, sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ lãnh sự. Thời gian khôi phục lại sẽ đăng trong tuyên bố khác.” Tuy nhiên, tuyên bố này được đưa ra chưa đầy 1 tiếng đồng hồ thì đã bị xóa.
Reuters đưa tin, thời gian ghi trên trang web cho thấy, Đại sứ quán Trung Quốc tại Litva đăng tuyên bố nói trên vào lúc 13:26 theo giờ GMT, nhưng đến 14:00 thì tuyên bố đã biến mất.
Trước đó, ngày 21/11, ĐCSTQ cũng tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva. Do Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Litva nằm ở thủ đô Vilnius được chính thức treo bảng thành lập vào ngày 18/11, điều này đã khiến chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tức giận.
Ngày 25/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã chỉ trích Litva: “Không tiếc tổn hại đến chủ quyền của Trung Quốc, dùng ‘sự trung thành’ nhằm đổi lấy khoản vay, kiểu thỏa thuận này là vô đạo đức và nguy hiểm”. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thúc Giác Đình nói: “Hành động của Litva ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của doanh nghiệp 2 nước, Litva cần gánh chịu mọi hậu quả.”
Tuy nhiên, đến nay trang web “Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Litva” thuộc trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đổi tên gọi khi hạ cấp ngoại giao, nhưng Twitter chính thức của họ đã đổi tên thành Văn phòng Đại biện Lâm thời.
Động thái thân thiện với Đài Loan của Litva được phương Tây ủng hộ. Khi Đài Loan thành lập Văn phòng Đại diện tại Litva, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Uzra Zeya đã đến Litva, sau khi gặp mặt Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis, bà Uzra Zeya cho biết Mỹ phản đối ý đồ của quốc gia khác can thiệp vào quan hệ giữa Litva và Đài Loan.
Tháng 8 năm nay, Litva đã đồng ý để Đài Loan thành lập “Văn phòng Đại diện Đài Loan tại Litva”, trở thành văn phòng đại diện đầu tiên của Đài Loan được thành lập tại quốc gia châu Âu. Bắc Kinh sau đó tuyên bố triệu hồi Đại sứ tại Litva và yêu cầu đối phương cũng triệu hồi Đại sứ tại Trung Quốc để biểu thị kháng nghị.
Khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) quyết định lên tiếng ủng hộ Litva. Bộ Ngoại giao Mỹ lên án Bắc Kinh “trả thù” Litva. EU cho rằng việc Đài Loan thành lập Văn phòng Đại diện tại Litva không vi phạm chính sách “một Trung Quốc” của EU.
Về vấn đề ĐCSTQ vì sao lại không trực tiếp cắt đứt quan hệ ngoại giao với Litva? Giáo sư Quách Dục Nhân thuộc Đại học Trung Sơn Đài Loan phân tích rằng, ĐCSTQ lo lắng nếu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Litva “thì sẽ trở thành một mô hình, các nước khác cũng có thể sẽ lặp lại mô hình này”.
Litva là một trong những quốc gia nhỏ nhất của châu Âu, nhưng từ đầu năm đến nay, Litva lại tăng cường lập trường cứng rắn đối kháng lại Trung Quốc, từ đó khiến ĐCSTQ có động thái trả đũa.
Kiểu trả đũa này đã củng cố hình tượng Bắc Kinh “không phải làm ngoại giao” mà là “xuất phát từ vị thế quyền lực để áp bức, chèn ép nước khác”. Hôm 24/11, Ngoại trưởng Litva, ông Gabrielius Landsbergis trả lời phỏng vấn của AFP tại Washington rằng các nước cảm thấy nếu Bắc Kinh không vui, “thì sẽ có một ‘Thanh gươm của Damocles’ treo trên đầu”.
“Tôi cho rằng kinh nghiệm lớn nhất mà Litva học được chính là sự đe dọa kinh tế không hẳn có nghĩa là quốc gia cần tách khỏi các quyết định về chính sách ngoại giao độc lập. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy đe dọa, bạn sẽ bị chỉ trích không kiêng nể gì trên trang nhất của truyền thông Trung Quốc, nhưng dù có như thế thì bạn vẫn có thể chịu được những áp lực này.”
Ông Gabrielius Landsbergis nói, Litva sẽ cung cấp cho các nước mô hình làm thế nào để chịu được áp lực này, nhưng các nước châu Âu cần phải tích cực tham gia vào các vấn đề khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hơn nữa để củng cố an ninh kinh tế của chính mình.
Ngoài ra, ông Matas Maldeikis, lãnh đạo nhóm thân thiện Đài Loan trong Quốc hội Litva, sẽ thăm Đài Bắc từ ngày 2 – 3/12, và tham dự một diễn đàn lập pháp. Ngày 24/11, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, đi cùng ông Matas Maldeikis còn có nghị sĩ Janis Vucans và Juri Jaanson. Tổng cộng có 10 đại diện của ba nước Baltic sẽ đến thăm Đài Loan.
Do ĐCSTQ xâm hại nhân quyền một cách nghiêm trọng, thời điểm này cũng đúng dịp phương Tây đang kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 2 năm sau.
Ngày 24/11, Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Thể thao Litva Siugzdiniene Jurgita đã biểu đạt thái độ không tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Truyền thông Litva “15min” đưa tin, bà Siugzdiniene Jurgita còn nói rằng các quan chức khác hiện cũng không có kế hoạch tham dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.
Tuần trước, 17 nghị sĩ quốc hội của Litva, bao gồm cả Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Žygimantas Pavilionis, đã công bố thư chung, kêu gọi tổng thống, quan chức chính phủ và tất cả nhân vật chính trị, Ủy ban Olympic Litva và các vận động viên cùng tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, không nên cử bất cứ đoàn đại biểu chính thức nào tham dự.
Các nghị sĩ chỉ ra, các sự kiện thể thao quốc tế quan trọng không nên được tổ chức tại các quốc gia độc tài để “tẩy trắng” cho hệ thống độc tài; thể thao không nên trở thành một công cụ để tuyên truyền chính trị.
Theo Lý Duyên, Epoch Times
Xem thêm:
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…