Đức Hồng y người Mỹ Robert Francis Prevost chủ trì Thánh lễ đầu tiên của mình với tư cách là Giáo hoàng Leo XIV cùng các hồng y tại Nhà nguyện Sistine khi bế mạc Mật nghị Hồng y vào ngày 09 tháng 05 năm 2025 tại Thành phố Vatican, Vatican. (Ảnh: Simone Risoluti - Vatican Media via Vatican Pool/Getty Images)
Trong bài phát biểu nhậm chức trước đoàn ngoại giao tại Vatican, Giáo hoàng Leo XIV (Pope Leo XIV) đã trình bày quan điểm của ngài về hôn nhân đồng giới và phá thai, khẳng định rằng hôn nhân được xây dựng trên “sự kết hợp ổn định giữa một người nam và một người nữ”, đồng thời nhấn mạnh rằng thai nhi chưa chào đời cũng sở hữu phẩm giá vốn có.
Tổng hợp thông tin từ Reuters, AP và Fox News, vị Giáo hoàng vừa được bầu vào ngày 8/5 gần đây đã có bài phát biểu quan trọng đầu tiên trong cuộc gặp riêng với đoàn ngoại giao Vatican, nhấn mạnh phẩm giá của các nhóm yếu thế như thai nhi chưa chào đời, người cao tuổi và người di cư, đồng thời trình bày giáo lý cốt lõi của Giáo hội Công giáo về hôn nhân và phá thai, qua đó xác lập lập trường của ngài đối với hôn nhân đồng giới và phá thai.
Cuộc gặp với đoàn ngoại giao là một nghi thức tiêu chuẩn sau khi Vatican bầu tân Giáo hoàng, cho phép Giáo hoàng gặp gỡ đại diện chính phủ các quốc gia trước Thánh lễ nhậm chức chính thức vào ngày 18/5. Giáo hoàng mới được bầu có cơ hội chính thức tiếp đón gần 200 đại diện các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Vatican. Vì Vatican có vị thế là một quốc gia có chủ quyền, được công nhận theo luật pháp quốc tế, nên cũng có địa vị quan sát viên tại Liên Hợp Quốc.
Vatican cho biết, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng nhiều lãnh đạo các quốc gia khác sẽ tham dự Thánh lễ này.
Giáo hoàng Leo XIV phát biểu: “Các nhà lãnh đạo chính phủ có trách nhiệm nỗ lực xây dựng một xã hội công dân hòa hợp và hòa bình. Để đạt được mục tiêu này, trước tiên phải xây dựng xã hội dựa trên nền tảng hôn nhân ổn định giữa một người nam và một người nữ.”
Mặc dù Giáo hoàng Phanxicô (Pope Francis) cũng từng khẳng định rằng Vatican không thể chấp nhận hôn nhân đồng giới, song phe bảo thủ lại chỉ trích cố Giáo hoàng Phanxicô có thái độ cởi mở hơn với cộng đồng LGBTQ so với những người tiền nhiệm, đồng thời đã chấp thuận ban phép lành cá nhân cho các mối quan hệ đồng giới, điều này dẫn đến sự hoang mang trong hàng ngũ tín hữu Công giáo.
Giáo hoàng Leo XIV là người Mỹ đầu tiên lãnh đạo Vatican, đồng thời là thành viên của Dòng Thánh Augustinô (Augustinian order). Ngài nhấn mạnh rằng hòa bình là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Giáo hoàng của mình. Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên, ngài tái khẳng định lập trường phản đối phá thai của Vatican, kêu gọi bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ quốc tế, đồng thời ca ngợi đối thoại liên tôn (là một sự trao đổi hai chiều, nói chuyện với nhau giữa hai bên, gồm hai hoặc nhiều người có những quan điểm khác nhau phát xuất từ niềm tin khác nhau, gia tài văn hóa và tôn giáo khác nhau) là con đường then chốt để theo đuổi hòa bình thế giới.
Giáo hoàng Leo XIV nói: “Bất cứ ai cũng đều không nên xem nhẹ việc tôn trọng phẩm giá của mỗi con người, đặc biệt là những nhóm người yếu thế nhất – từ thai nhi chưa chào đời đến người cao tuổi, từ bệnh nhân đến người thất nghiệp, từ công dân bản địa đến người di cư nước ngoài.”
Cha của Giáo hoàng Leo XIV mang dòng máu Pháp và Ý, mẹ ngài có nguồn gốc Tây Ban Nha. Khi nhấn mạnh về phẩm giá của người di cư, ngài cho biết gia đình mình cũng từng là người nhập cư đến Mỹ. “Câu chuyện của tôi là câu chuyện của một công dân hậu duệ của những người di cư đã lựa chọn rời bỏ quê hương. Tất cả chúng ta, dù khỏe mạnh hay ốm đau, có việc làm hay thất nghiệp, sống tại quê nhà hay nơi đất khách, thì phẩm giá của chúng ta vẫn không thay đổi. Đó là ý muốn của Thiên Chúa, là phẩm giá vốn có của các tạo vật của Ngài.”
Giáo hoàng Leo XIV kêu gọi những người tham dự ghi nhớ 3 từ khóa: hòa bình, chính nghĩa và chân lý, đồng thời cho biết đây là 3 trụ cột trong hoạt động truyền giáo và mục tiêu ngoại giao của Giáo hội Vatican.
Ngài nói, sự thật “không tạo ra chia rẽ, mà ngược lại giúp chúng ta có thể đối mặt vững vàng hơn với những thách thức của thời đại, như vấn đề di cư, đạo đức trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, và bảo vệ trái đất thân yêu của chúng ta.” Những thách thức này đòi hỏi sự cam kết và hợp tác của tất cả mọi người, vì không ai có thể đơn độc đối mặt với chúng.
Phó Tổng thống JD Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio đã gặp Tổng thống Ukraine…
Tối thứ Bảy (ngày 17/5), một tàu huấn luyện hải quân Mexico dài 270 foot…
Cơn bão "thuế quan đối đẳng" của Mỹ phá vỡ phòng tuyến Đông Nam Á,…
Bờ sông Ông Chưởng (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) sạt…
Tối ngày 16/5, người tại nhiều khu vực thuộc Tân Cương nhìn thấy vật thể…
WASHINGTON - Tiến sĩ Sara Brenner, Phó ủy viên chính của Cục Quản lý Thực…