Huỳnh Thúc Kháng – Bậc “Uy vũ bất năng khuất” (Phần 1)

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), hiệu Mính Viên, tự Giới Sanh, là một trong những trí thức lỗi lạc xuất thân từ Trung Kỳ, được người cùng thời lẫn hậu thế yêu mến bởi tài năng và đạo đức hơn người. Học hành đỗ đạt lại có chí giúp dân giúp nước nhưng nhiều lần cụ từ chối làm quan. Ủng hộ chủ trương ôn hòa, bất bạo động nhưng cụ lại bền chí, kiên cường không chịu cúi đầu trước giặc mạnh ngoại bang, một lòng lên tiếng bảo vệ nhân dân, có thể xứng với câu “Uy vũ bất năng khuất”(1).

Chân dung cụ Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh tư liệu)

Nhiều lần từ chối làm quan

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ra trong một gia đình hiếu học tại huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay là tỉnh Quảng Nam). Hai người anh của cụ trời phú thông minh nhưng mất sớm. Nhiệm vụ làm rạng danh gia đình được đặt lên vai cụ.

Thuở bé cụ đã bộc lộ tư chất thông minh của mình với trí nhớ trời phú. Trong Tự truyện của mình cụ ghi rằng: “Nhà nghèo, không sách nhưng nhờ có tính hơi thông minh, đọc sách nào thì nhớ quyển ấy”. Có lần đi chợ Huyện mua lịch đón Tết. Thay vì mua, cụ học thuộc lòng rồi chép ra toàn bộ để dùng.

Ấy vậy mà vào năm 1904 khi đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân(2), Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà lui về quê mở lớp dạy học. Cụ trở thành hạt nhân của phong trào Duy Tân với chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Ngôi nhà của cụ Huỳnh Thúc Kháng tại Tiên Phước. (Ảnh: Nam Trân)

Sử liệu ghi lại ít nhất 8 lần từ chối làm quan của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Trong cuốn tự truyện của mình cụ viết “Theo lệ đỗ Tiến sĩ vinh quy 3 tháng, hết hạn phải đến Bộ học tập chính sự làm quan. Lâu nay chí kì vọng của gia nghiêm cốt ở thi đỗ đại khoa, nay thế là đạt mục đích, còn việc làm quan chẳng phải là điều mong muốn. Vì thế sau khi đỗ Tiến sĩ liền cáo bệnh ở nhà làm điếu ông”(3). Đây là lần từ chối thứ nhất.

Lần từ chối thứ hai là khi cụ Huỳnh được bổ nhiệm làm giáo thọ Điện Bàn, cụ lại viết giấy cáo từ.

Lần từ chối thứ ba là sau 13 năm cụ Huỳnh bị tù ở Côn Đảo, Khâm sứ Pasquier lấy quan chức ra dụ dỗ, cụ “nghiêm sắc mặt” nói: “Tôi là một quốc dân Việt Nam, đã thăm dò rõ việc dân, nên phải nói rõ, còn việc làm quan chẳng là điều sở nguyện”, rồi cụ cười một cái, cáo biệt(4).

Sau này khi được bổ nhiệm đi làm ở Cổ học viện với mức lương cao, cụ lại viết đơn từ chức, trong đó có câu: “Ngày trước từ chức giáo thọ Điện Bàn, đã sinh ra lụy tới thân gia, nay nhận chức thuộc viên tại Cổ học, còn mặt mũi nào?”. Đây là lần từ chối thứ tư.

Sau khi ra tù, với mong muốn nói lên tiếng nói của người dân, bảo vệ quyền lợi nhân dân, cụ Huỳnh Thúc Kháng quyết định ứng cử chức Nghị trưởng và Nghị viện dân biểu Trung Kỳ. Thời gian làm Viện trưởng tuy ngắn nhưng cụ không khi nào ngừng nghỉ lên tiếng bảo vệ người dân. Cụ còn chủ trương lập ra tờ báo Tiếng Dân để làm cơ quan hậu thuẫn. Cụ đọc diễn văn chỉ trích gắt gao chính sách của Chính phủ Pháp tại Trung Kỳ. Thực dân Pháp ra mặt bác bỏ và khước từ mọi kiến nghị. Do vậy cụ Huỳnh tuyên bố từ chức Viện trưởng Viện dân biểu. Đây là lần từ chối thứ năm.

Lần từ chối thứ sáu là khi người Nhật thông qua Cường Để(5) mời cụ Huỳnh Thúc Kháng làm việc, cụ đã thể hiện thái độ từ chối bằng bức thư gửi Kỳ ngoại hầu Cường Để. “Bức thơ gởi Kỳ ngoại hầu Cường Để” thực chất là một quyển sử lược 80 năm vong quốc. Trong “Bức thư trả lời chung” viết năm 1945, cụ trực tiếp nói rõ lý do không cộng tác với người Nhật. “Bức thư trả lời chung” là một cuốn sử gọn hơn, đầy đủ hơn Bức thư gởi Cường Để.

Làng cổ Lộc Yên – Tiên Phước – Quê hương cụ Huỳnh với lối đi bằng đá.
(Ảnh: Hội đồng hương Tiên Phước)

Trước 1945, Vua Bảo Đại mời cụ Huỳnh Thúc Kháng đứng ra thành lập nội các cho Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam, nhưng cụ cũng từ chối. Đây là lần thứ bảy. Sau này Bảo Đại đã mời được một nhân vật khác là Trần Trọng Kim.

Sau sự kiện tháng 8 năm 1945, chính quyền Việt Minh có gửi thư mời cụ Huỳnh ra làm quan nhưng cụ cũng thẳng thừng từ chối. Lúc này cụ là một trong số những trí thức Trung Kỳ không ủng hộ con đường cứu nước bằng bạo lực vũ trang và cách tuyên truyền của Việt Minh. Đây là lần thứ tám.

Sau này nhận ra vai trò không thể thiếu của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong việc thu hút sự ủng hộ của nhân dân nên Chính quyền Việt Mình bằng mọi giá phải có được sự tham gia của cụ. Họ nhờ một người bạn của cụ cùng ký tên vào thư mời và dùng đến Sắc Lệnh của Chủ tịch nước để yêu cầu cụ ra Bắc. Lúc đi cụ không mang theo gì, vì nghĩ sẽ chỉ ra chào hỏi ông Hồ rồi về.

Thế rồi định mệnh bắt cụ phải ra làm quan ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Cụ làm Bộ trưởng bộ Nội vụ, Phó chủ tịch nước, rồi đến Quyền Chủ tịch nước. Thời gian 2 năm ngắn ngủi đó cụ vẫn giữ nguyên cái khí tiết của mình cho đến ngày tạ thế. Giải thích về lần làm quan này, người ta nói trên bia mộ của cụ có bài thơ chữ Hán như vậy:

Ngũ hành linh địa phụng tề phi,
Thúc Kháng tiên sinh chiếm nhứt chi.
Quốc tỉnh thành chung văn tứ cảnh,
Dân Thanh báo quán đạt tam kỳ.
Cừu Tần tạm tá Hồ công thủ,
Phá Lỗ trường lưu Lộ Bố thi.
Vị toái hương hoài mai ánh lãnh
Thiên thu chánh khí nhật tinh huy.

Có nhiều vấn đề xung quanh thời gian thời gian này, kể cả cái chết của cụ. Dẫu vậy tìm hiểu về cuộc đời và con người của cụ Huỳnh Thúc Kháng sẽ khiến ta hiểu biết thêm về cái tiến trình lịch sử của dân Việt.

Xưa kia có những vị như Trang Tử, học rộng tài cao không ra làm quan mà chọn lui về dạy học. Cả nghìn năm sau, một người đọc sách Thánh hiền vẫn chọn cách hành xử như thế. Chưa đầy 100 năm sau, xã hội ta nhìn nơi đâu cũng thấy những vị “tự xưng” học rộng tài cao, với núi non bằng cấp, tranh thủ cơ hội ngày đêm “xông pha” chốn quan trường, mải mê lo chuyện “vinh thân phì gia”(6). Tiếc thay!

(Còn nữa)

Nam Trân
Tác giả gửi Trí Thức VN

Chú thích:

  1. Mạnh Tử, Đằng Văn Công hạ: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu” 富貴不能淫,貧賤不能移,威武不能屈,此之謂大丈夫 (Giàu sang không sống buông thả, nghèo hèn không làm thay đổi chí hướng, quyền uy không thể khuất phục, làm được như thế thì đáng gọi là bậc đại trượng phu). Mạnh Tử cũng là người tài giỏi đỗ đạt nhưng không ra làm quan mà lui về dạy học.
  2. Là một loại danh hiệu thuộc học vị Tiến sĩ trong hệ thống thi cử Nho học thời phong kiến
  3. Trang 26&27, cuốn “Huỳnh Thúc Kháng tự truyện”, Anh Minh dịch và xuất bản năm 1963
  4. Lê Đức Dục & Hồ Tấn Vũ, “Vị Viện Trưởng can trường.” Báo Tuổi trẻ, 04/10/2015
  5. Kỳ Ngoại hầu Cường Để (chữ Hán: 畿外侯彊㭽; 1882–1951) là Hoàng thân triều Nguyễn (cháu bốn đời của Nguyễn Phúc Cảnh)
  6. Có thể hiểu là “Bản thân được vinh hiển, gia đình phát đạt, thịnh vượng”.

Xem thêm:

Mời xem video:

Nam Trân

Published by
Nam Trân

Recent Posts

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

3 phút ago

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

19 phút ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

28 phút ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

33 phút ago

Nga thông báo mục tiêu tấn công “ưu tiên” mới ở Ba Lan

Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…

55 phút ago

Nhật Bản phát lệnh bắt cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc vẽ bậy tại Đền Yasukuni

Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…

2 giờ ago