Gordon Chang (Ảnh: Epoch Times)
Gần đây, động thái của chính quyền Bắc Kinh trong việc thúc đẩy ‘Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á Không có Vũ khí Hạt nhân’ đã thu hút sự quan tâm của công chúng. Chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, ông Gordon Chang, bình luận rằng đây là một cái bẫy. Mục đích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là nhằm trói tay buộc chân Washington, khiến Mỹ không thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Đài Loan và các quốc gia Đông Nam Á.
Trong bài bình luận đăng trên tờ The Hill hôm thứ Tư (ngày 16/7), ông Gordon Chang cho biết việc Bắc Kinh và Moscow đột nhiên quyết định ký ‘Nghị định thư của Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á Không có Vũ khí Hạt nhân’ (tức Hiệp ước Bangkok năm 1995), “không có nghĩa là khu vực hỗn loạn này sẽ đón nhận hòa bình. Ngược lại, hành động này giống một tín hiệu chiến tranh hơn.”
Ngày 3/7, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ thông báo với bên ngoài rằng Bắc Kinh sẽ ký ‘Nghị định thư của Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á Không có Vũ khí Hạt nhân’. Theo các nguồn tin, Nga cũng chuẩn bị ký nghị định thư này, và Hoa Kỳ đang xem xét vấn đề đó.
Ngày 10/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, Mao Ninh, tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ: “Là đối tác chiến lược toàn diện và là láng giềng hữu nghị của ASEAN, Trung Quốc (ĐCSTQ) kiên quyết ủng hộ việc thiết lập Khu vực Đông Nam Á Không có Vũ khí Hạt nhân. Trung Quốc (ĐCSTQ) sẵn sàng đi đầu trong việc ký Nghị định thư của Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á Không có Vũ khí Hạt nhân. Chúng tôi sẽ duy trì liên lạc với các nước ASEAN về vấn đề này.”
Ngày 14/7, người phát ngôn Cục Thông tin Bộ Quốc phòng ĐCSTQ, Tưởng Bân, đã phản hồi về nghi ngờ của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đối với ‘Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á Không có Vũ khí Hạt nhân’, đưa vấn đề này trở lại tiêu điểm.
Lúc đó, có phóng viên đặt câu hỏi: Theo các báo cáo, gần đây Bộ trưởng Quốc phòng Philippines trong một cuộc phỏng vấn nói rằng: “Việc Bắc Kinh đồng ý ký Nghị định thư của Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á Không có Vũ khí Hạt nhân ‘chỉ là làm cho có’, Trung Quốc là một trong những kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, nên phải đi đầu trong việc phi hạt nhân hóa, chỉ như vậy mới thể hiện được thành ý,” và xin hỏi người phát ngôn có bình luận gì?
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng ĐCSTQ không trực tiếp trả lời vấn đề đó mà lại chỉ trích người đưa ra nhận xét này. Ông nói: “Một số người phía Philippines thường xuyên công kích và bôi nhọ vô cớ nỗ lực của Trung Quốc trong việc duy trì hòa bình khu vực, không rõ là đại diện cho cá nhân ông ta hay lập trường quốc gia? Thật khó hiểu!”
Theo nghị định thư, việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong khu vực Đông Nam Á sẽ bị cấm. Cho đến nay, 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đều chưa ký.
Ông Gordon Chang trong bài viết dẫn lời ông Peter Huessy từ Viện Nghiên cứu Răn đe Quốc gia (National Institute for Deterrence Studies) đặt câu hỏi rằng: “Tôi không hiểu, một quốc gia đang thực hiện mở rộng vũ khí hạt nhân với quy mô lớn nhất, đồng thời tích cực triển khai vũ khí hạt nhân trên biển ở các khu vực khác nhau, làm sao lại có thể mặt dày thúc đẩy hiệp ước phi hạt nhân?”
Ông Gordon Chang cho biết, bối cảnh Bắc Kinh thúc đẩy khu vực phi hạt nhân hóa này là vì ĐCSTQ từ lâu đã lên kế hoạch gây chiến ở Đông Á. Ông Tập Cận Bình đang thực hiện công cuộc xây dựng quân sự nhanh nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai, tích trữ lương thực và các mặt hàng khác, thay thế các sĩ quan phản đối chiến tranh, triệu tập quân dự bị và huy động dân thường chuẩn bị cho chiến tranh.
Ông nói: “Xét đến quy mô chuẩn bị chiến tranh lớn như vậy, việc Bắc Kinh sẵn sàng ký Nghị định thư của Hiệp ước Bangkok, rất khó có thể là kết quả của thiện chí hòa bình.”
Ngoài ra, ông Gordon Chang còn đặt nghi vấn trong bài viết: “Trong khi Bắc Kinh liên tục vi phạm nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân mà họ từng cam kết trước đây, thì làm sao cộng đồng quốc tế có thể tin rằng Bắc Kinh sẽ tuân thủ nghị định thư mà họ đã ký?”
Bài viết cho biết, mặc dù trước đây Bắc Kinh cam kết không phổ biến công nghệ vũ khí hạt nhân, nhưng từ những năm 1970, ĐCSTQ đã không ngừng truyền bá công nghệ này sang Pakistan. Mà Pakistan thì thông qua mạng lưới chợ đen đã bán công nghệ của ĐCSTQ cho Triều Tiên, Iran, Iraq và Libya.
Về mục đích của việc Bắc Kinh thúc đẩy “Khu vực Đông Nam Á Không có Vũ khí Hạt nhân,” ông Gordon Chang giải thích: “Trên thực tế, hiệp ước này là đơn phương. Bắc Kinh mong người khác tuân thủ cam kết, còn bản thân lại tùy tiện vi phạm nghĩa vụ. Vì vậy, có thể để Bắc Kinh và Moscow ký Nghị định thư của Hiệp ước Bangkok, nhưng Hoa Kỳ thì không nên làm vậy.”
Ông nói: “Các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đều dựa vào ‘chiếc ô hạt nhân’ của Mỹ, tức là Washington cam kết sử dụng vũ khí có sức hủy diệt lớn nhất của mình để bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công (từ phía ĐCSTQ). Hiện nay không phải là lúc nghi ngờ cam kết quan trọng này với các đồng minh và đối tác ở Đông Á.”
Ông Richard Fisher từ Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế thì giải thích mục đích của ĐCSTQ một cách trực tiếp và thấu đáo hơn. Ông nói: “Hiệp ước này không thể thực sự bảo vệ các quốc gia Đông Nam Á khỏi mối đe dọa hạt nhân từ Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng sẽ ngăn cản Philippines cho phép đồng minh Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình để răn đe hoặc đánh bại cuộc tấn công hạt nhân của Trung Quốc (ĐCSTQ), hoặc ngăn chặn cuộc xâm lược thực sự của Bắc Kinh đối với đảo Palawan của Philippines — điều mà Manila và Washington vẫn đang tích cực chuẩn bị ứng phó.”
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến Dự án xây…
Sau gần 10 năm chờ đợi, vào thứ Ba (ngày 15/7), hãng sản xuất xe…
Thực vật khi bị căng thẳng sẽ phát ra âm thanh lách cách siêu âm,…
Tyramine là một hợp chất tự nhiên có trong nhiều loại thực phẩm quen thuộc…
Tổng giá trị các hợp đồng đầu tư và xây dựng mới mà các doanh…
Trung ương sẽ xem xét bổ sung quy hoạch BCH TW, Ban Bí thư, Bộ…