Phủ thờ họ Đặng ở Lương Xá. (Ảnh: Facebook họ Đặng gốc Trần)
Hồ Quý Ly tìm diệt tôn thất nhà Trần khi cướp ngôi, khiến hoàng tộc nhà Trần ly tán khắp nơi. Trải qua nhiều sóng gió, hậu duệ của Hưng Đạo Vương vẫn có được 9 đời liên tiếp là Công, Hầu thời Lê Trung Hưng.
Quay lại việc họ Đặng đời thứ 6 có 30 người bị đám kiêu binh xử chém vì đưa Tuyên phi Đặng Thị Huệ chạy trốn. Sau việc này, nhà Lê Trung Hưng cũng suy sụp, họ Đặng cũng không có nhiều cơ hội phụng sự Triều đình cùng Xã Tắc như trước.
Đời thứ 7 họ Đặng có 6 người được phong Công, Hầu. Đến đời thứ 8 có 3 người đươc phong Công, Hầu trong đó nổi bật là Xuyền Thái bá Đặng Thông Mẫn.
Đặng Thông Mẫn kết duyên với con gái của Tiến sĩ Công bộ Thượng thư tước Quận công Phạm Quang Dung. Tuy nhiên hai vợ chồng mãi vẫn chưa có con.
Đặng Thông Mẫn đến cầu tự tại chùa Viễn Sơn nằm mộng thấy một thiên sứ từ trên trời xuống cầm cờ đeo chuông nói: “Đây là Văn khúc Tinh quân, vâng mệnh Thượng đế ban xuống làm con ông”. Sau đó phu nhân thụ thai, đến tháng giêng năm 1759 thì hạ sinh được người con trai đặt tên là Đặng Trần Thường – đây cũng đời thứ 9 của họ Đặng thời Lê Trung Hưng.
Năm lên 9 tuổi thì Đặng Trần Thường được cha cho đi học, nhưng tính trẻ nhỏ hiếu động nên ông thích luyện võ, chơi đánh trận giả cùng chúng bạn.
Năm 16 tuổi, Đặng Trần Thường đi thi Hương, vượt trường nhất và trường nhị thì thân phụ ở nhà bị bệnh nặng, nên quyết định dừng thi để ở nhà chăm sóc cha. Cha ông bệnh nặng không thể chữa khỏi và qua đời, mẹ ông vì đau buồn nên 2 năm sau cũng mất.
Không còn người thân, Đặng Trần thường trở nên túng thiếu, phải bỏ học mà làm thầy đồ dạy trẻ, lại thường vay mượn bạn bè. Tương truyền ông làm thơ mượn tiền bạn như sau:
Ngất ngưởng đồ Thường đã đến đây,
Có tiền xin mượn lấy năm chầy.
Năm chầy không được ba chầy vậy,
Phiếu mẫu đền ân cũng có ngày…
Đến năm 1782, Đặng Trần Thường mới có điều kiện đi học lại. Năm 1783 Triều đình mở khoa thi, thầy của ông dự đoán ông sẽ đỗ cao. Tuy nhiên Đặng Trần Thường thấy kiêu binh hoàn toàn thao khống chúa chúa Trịnh mà Triều đình không có biện pháp gì, có thi đỗ cũng chẳng thể làm gì, vì thế ông không thi mà đi ngao du các nơi tìm gặp các bậc hào kiệt và chờ thời.
Người họ Đặng vốn gắn liền với triều đình Lê – Trịnh, nhưng khi Lê Chiêu Thống chọn con đường sang nhà Thanh cầu cứu, Đặng Trần Thường quyết định không tiếp tục đi theo nhà Lê. Năm 1794, ông vào Gia Định theo chúa Nguyễn Phúc Ánh.
Chúa Nguyễn xem ông xứng là hào kiệt Bắc hà nên trọng dụng, ban cho ngay 300 quan tiền và 100 phương gạo, giúp ông ổn định cuộc sống mới.
Cũng năm 1794, ông theo Nguyễn Ánh tiếp viện cho thành Diên Khánh, hiến kế giúp giải vây được cho thành và cứu Đông cung Cảnh, được phong làm Hữu Tham tri bộ Lại.
Từ đó Đặng Trần Thường tham mưu hiến kế, hoặc làm phó tướng giúp quân Nguyễn có những trận thắng lớn trước quân Tây Sơn.
Năm 1802, quân Nguyễn đánh bại quân Tây Sơn. Nguyễn Phúc Ánh chọn Kinh đô ở Huế, thành Thăng Long được đặt tên là Bắc thành. Nguyễn Văn Thành được giao làm Tổng trấn Bắc thành, còn Đặng Trần Thường trông coi Tào binh – tức nắm giữ quân đội ở Bắc thành.
Ông rước bài vị của tổ tiên về quê nhà làng Lương Xá, làm từ đường để cho con cháu thờ phụng tổ tiên lâu dài.
Nhờ làm tốt công việc, Đặng Trần Thường được gọi về Kinh đô Phú Xuân giữ chức Thượng thư bộ Binh, nắm giữ quân đội nhà Nguyễn, sau đó được giao làm sổ sắc phong cho bách thần.
Đặng Trần Thường làm quan vốn có hiềm kích với Lê Chất. Năm 1811, Lê Chất tìm những chứng cớ cho thấy Thường khi ở Bắc thành đã cố ý giữ lại các khoản thuế đầm ao và dinh điền. Ông bị bắt giam và bị xử tội chết do lậu thuế.
Gia phả họ Đặng ghi chép sự việc này như sau:
“Năm ấy (1810), ông bị trách biếm về việc truy phong cho Quốc Lão tiên công, đến khi xét lại lỗi, về mùa thu ông lại được sửa giữ chức cũ.
Đến năm Nhâm Thân (1812), ông bị mắc vào vụ Ao Kinh – Bến Hội, đó là hai thôn dân bỏ đi hết. Năm ấy ông vâng mệnh về kinh, thổ quan không nộp đủ tô thuế cho nhà nước. Triều đình hặc ông vì tội ẩn lậu đinh điền.
Ông bị tội mà chết. Chúng tôi đã tìm về địa danh Ao Kinh, đó là thôn Ao Kềnh (nay thuộc xã Thuận Hòa, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), thôn hiện nay có trên 100 hộ dân, các cụ cho biết đầu thế kỷ XX cả thôn có 24 hộ dân, như vậy đầu thế kỷ XIX số hộ dân còn ít hơn nhiều, không lẽ vì thiếu thuế của một thôn chưa đến 20 hộ dân mà giết một đại thần.”
Người trong họ vẫn lưu truyền lại truyện này rằng trong 1 lần truy đuổi tàn quân Tây Sơn đến Ao Kinh – Bến Hội, ông thấy nơi đây phong cảnh rất đẹp nhưng người lại thưa thớt, liền cho gọi người đến ở, miễn thuế 5 năm đối với ruộng khai hoang và 3 năm đối với ruộng khai hóa cho dân làng. Mấy năm sau các quan địa phương vẫn chưa lập sổ thu thuế, Lê Chất truy ra việc này rồi báo về Kinh thành.
Họ Đặng làng Lương xá vốn là hậu duệ Hưng Đạo Vương, trải qua kiếp nạn phải đổi họ nhưng vẫn có được 9 đời liên tiếp làm Công, Hầu thời Lê Trung Hưng.
Ngày nay Từ đường họ Đặng ở làng Lương Xá vẫn lưu giữ đôi câu đối do vua Lê ban tặng:
Cự Mạc phù Lê, công tại hoàng gia danh tại sử
Quy tiền dụ hậu, sinh vi lương tướng tử vi thần.
Nghĩa là:
Chống Mạc phù Lê, công ghi ở triều đình, danh lưu sử sách
Quy chế tốt đẹp đời trước tỏ rõ ở đời sau, sống là lương tướng, chết là phúc thần.
Còn dân chúng thì lưu truyền:
Bao giờ núi Chúc hết cây,
Vực Ninh hết nước Đặng này hết quan.
hay:
Giầu thì Quảng Bị, Bối Khê,
Làm quan Lương Xá, ngoại đê Đại Từ.
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng…
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến Dự án xây…
Sau gần 10 năm chờ đợi, vào thứ Ba (ngày 15/7), hãng sản xuất xe…
Thực vật khi bị căng thẳng sẽ phát ra âm thanh lách cách siêu âm,…
Tyramine là một hợp chất tự nhiên có trong nhiều loại thực phẩm quen thuộc…
Tổng giá trị các hợp đồng đầu tư và xây dựng mới mà các doanh…