Chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc Gordon Chang phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ Úc (CPAC) ở Sydney ngày 19/8/2023. Ảnh: (Wade Zhong/ Epoch Times)
Chuyên gia nổi tiếng về vấn đề Trung Quốc của Mỹ, ông Gordon Chang, đã đăng bài trên The Hill chỉ ra rằng ‘Thỏa thuận Thịnh vượng Kinh tế Mỹ-Anh’ mới ký kết gần đây, không chỉ là một hiệp định thương mại mà còn là một biện pháp quan trọng nhằm ngăn chặn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cài “Con ngựa thành Troy” xâm nhập cơ sở hạ tầng trọng yếu của Mỹ. Sau khi thỏa thuận được công bố, Bắc Kinh đã bày tỏ sự bất mãn mạnh mẽ, cho thấy nỗ lực tấn công của họ trong cục diện thương mại toàn cầu một lần nữa bị tổn thất.
Bài viết cho biết, trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng “hợp tác giữa các quốc gia không nên gây tổn hại đến lợi ích của bên thứ ba”, và bày tỏ sự không hài lòng với các điều khoản liên quan đến an ninh quốc gia trong thỏa thuận.
Thỏa thuận Thịnh vượng Kinh tế Mỹ-Anh được công bố vào ngày 8/5, là khuôn khổ thương mại đầu tiên được thúc đẩy kể từ khi chính quyền Tổng thống Trump nhậm chức.
Trên thực tế, ngay từ ngày 2/4, ông Trump đã tăng thuế đối với phần lớn các quốc gia trên thế giới và tuyên bố đây là “Ngày Giải Phóng”, khởi đầu cho một đường lối thương mại mới lấy an ninh quốc gia làm trọng tâm.
Thỏa thuận quy định rõ rằng chỉ những hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn an ninh quốc gia của Mỹ mới được hưởng ưu đãi miễn thuế, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lượng lớn hàng hóa Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Gordon Chang chỉ ra rằng trước đây, ĐCSTQ thường cài các linh kiện truyền thông trái phép vào thiết bị xuất khẩu nhằm xâm nhập hệ thống điện và năng lượng của Mỹ, thực hiện giám sát từ xa, thậm chí là phá hoại.
Thỏa thuận cũng nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ dựa vào quan hệ thương mại cân bằng và ưu tiên an ninh quốc gia chung, để cấp ưu đãi thuế quan mang tính đối ứng. Các ưu tiên này bao gồm kết quả điều tra theo Điều 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại, liên quan đến an ninh chuỗi cung ứng đối với nguyên liệu thuốc, thép, nhôm và cấu trúc sở hữu của các doanh nghiệp sản xuất.
Ông Chang trích dẫn lời của chuyên gia thương mại Alan Tonelson, cho rằng ĐCSTQ cảm thấy sốc vì các điều khoản an ninh quốc gia này đã làm suy yếu hiệu quả các công cụ chiến lược của họ trong thương mại toàn cầu.
Ông Trương Yến Sinh, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc, phê bình rằng những điều khoản như vậy còn gây thiệt hại hơn cả thuế quan.
Ông Chang tán thành với nhận định trên. Thỏa thuận này không chỉ buộc các quốc gia xuất khẩu phải loại bỏ linh kiện Trung Quốc trong thương mại với Mỹ, mà còn khiến họ tránh sử dụng các linh kiện có nguy cơ cao này trong thị trường nội địa.
Về mặt rủi ro an ninh, hãng tin Reuters cho biết một số bộ nghịch lưu dùng cho năng lượng mặt trời và gió do Trung Quốc sản xuất đã bị phát hiện có linh kiện truyền thông trái phép, có thể bị sử dụng để điều khiển từ xa hoặc làm tê liệt lưới điện. Các vấn đề tương tự cũng xuất hiện ở một số loại pin do Trung Quốc sản xuất.
Ông Brandon Weichert, biên tập viên cao cấp phụ trách an ninh quốc gia của tạp chí National Interest, nói với ông Chang rằng chính quyền Trung Quốc đã cài cắm nhiều thiết bị giám sát và phá hoại vào hệ thống năng lượng mặt trời của Mỹ.
Cựu sĩ quan CIA Sam Faddis cũng cảnh báo rằng nếu ĐCSTQ cắt đứt nguồn điện, nước và mạng viễn thông của Mỹ, xã hội Mỹ sẽ bị đẩy lùi về thế kỷ 16, và người dân sẽ không đủ sức ứng phó.
Ông Chang còn cho biết một trường hợp điển hình khác là các cần cẩu cảng do công ty Trung Quốc ZPMC sản xuất, như The Wall Street Journal từng tiết lộ, có chứa modem không được khách hàng yêu cầu và không liên quan đến chức năng vận hành, có thể bị sử dụng để can thiệp hoặc phá hoại cơ sở hạ tầng cảng quan trọng.
Ông nhấn mạnh rằng các dấu hiệu này cho thấy ĐCSTQ đang có kế hoạch nhắm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu của Mỹ. Thỏa thuận Mỹ-Anh chính là phản ứng trực diện đối với mối đe dọa này, thiết lập một chuẩn mực mới cho an ninh thương mại quốc tế.
Trong khi đó, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cũng phát tín hiệu cảnh báo đối với các chính sách kinh tế phi thị trường của ĐCSTQ.
Trong tuyên bố chung được đưa ra tại cuộc họp bộ trưởng tài chính G7 ngày 22/5, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng đã nêu rõ sẽ theo dõi và phản ứng với các chính sách và hành vi phi thị trường, trực tiếp chỉ trích việc ĐCSTQ trợ cấp xuất khẩu và thao túng ngoại hối.
Cuộc họp lần này được tổ chức tại Canada. Mặc dù giữa các nước vẫn tồn tại bất đồng về chính sách thuế quan của Mỹ, nhưng cuối cùng đã đạt được đồng thuận, rằng cần phối hợp để đối phó với những bên tham gia không tuân thủ quy tắc và thiếu minh bạch.
Tuyên bố cũng kêu gọi tăng cường phân tích khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng quốc tế, nhấn mạnh rằng một môi trường cạnh tranh công bằng là then chốt cho sự ổn định của kinh tế toàn cầu.
Theo AP, nội dung hội nghị G7 lần này phản ánh sự cộng hưởng với các tiêu chuẩn an ninh quốc gia trong thỏa thuận Mỹ-Anh do chính quyền Trump thiết lập, cho thấy các quốc gia phương Tây đang dần hình thành một mặt trận thống nhất để ứng phó với các mối đe dọa thương mại và an ninh từ ĐCSTQ.
Bộ trưởng Tài chính Canada Francois-Philippe Champagne nhấn mạnh, G7 năm nay tập trung vào việc trở lại sứ mệnh cốt lõi, tức là khôi phục tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.
Nhà Trắng cũng xác nhận Tổng thống Trump sẽ trực tiếp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng Sáu, tiếp tục dẫn dắt tiến trình tái thiết lập các quy tắc thương mại quốc tế.
Ông Gordon Chang cho biết chính quyền Trump đã xem thỏa thuận Mỹ-Anh là mô hình mẫu cho các hiệp định thương mại tương lai, đồng thời khẳng định sẽ không cho phép hàng hóa Trung Quốc lợi dụng con đường qua các quốc gia khác để vào thị trường Mỹ.
Các điều khoản an ninh quốc gia sẽ trở thành tiêu chuẩn mặc định trong các cuộc đàm phán hợp tác với các quốc gia khác, nhằm ngăn ĐCSTQ tiếp tục dùng phương thức “con ngựa thành Troy” để phá hoại hệ thống công nghệ và an ninh quốc gia của phương Tây.
5 công nhân bị ngộ độc khí CO khi tăng ca vào rạng sáng tại…
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói với các nhà báo rằng ông "không…
Chính quyền Trump được cho là đã phái một nhóm chuyên viên sang Vương Quốc…
Báo cáo cho rằng các bệnh mạn tính phổ biến ở trẻ em thời hiện…
Ông Jon Lovett, cựu phụ tá của Tổng thống Barack Obama, thừa nhận ông đã…
Ứng cử viên tổng thống Romania, ông George Simion, đã kêu gọi những người ủng…