Ngày 29/6, Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo đã bỏ phiếu thông qua dự luật nhằm tìm cách di dời các bức tượng Liên minh miền Nam khỏi khu trưng bày trong Điện Capitol của Hoa Kỳ.
Dự luật H.R. 3005 đã được thông qua tại Hạ viện với tỷ lệ 285-120, toàn bộ phiếu chống đều là của các thành viên Đảng cộng hòa.
Theo dự luật, bức tượng bán thân của cựu Chánh án Roger Taney, người đã đưa ra phán quyết Dred Scott 1857 ủng hộ chế độ nô lệ, sẽ bị thay thế bằng một trong những bức tượng Thurgood Marshall – thẩm phán Tối cao Pháp viện da màu đầu tiên.
Bức tượng bán thân của cựu Chánh án Roger Taney (Ảnh minh họa: Getty Images)
Trong phán quyết Dred Scott 1857, ông Taney viết rằng người da đen không thể là công dân Mỹ và chế độ nô lệ không bị cấm theo Hiến pháp Hoa Kỳ. Quyết định này sau đó đã bị đảo ngược bởi Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp, được chính thức vào năm 1868.
Ngoài ra, những bức tượng của những người phục vụ trong Liên minh cũng bị dời đi, như một trong những chủ tịch Liên minh Jefferson Davis vốn được trưng bày vĩnh viễn ở Statuary Hall, cũng như những bức tượng của Phó Chủ tịch John C. Calhoun, Thống đốc North Carolina Charles Brantley Aycock, và Thượng nghị sĩ Arkansas James Paul Clarke, tất cả đều là những người bảo vệ chế độ nô lệ.
Ngày 29/6, Lãnh đạo Đa số tại Hạ viện Steny Hoyer (tiểu bang Maryland), người giới thiệu dự luật cho biết, ông hy vọng Thượng viện sẽ nhanh chóng thông qua dự luật này.
“Hôm nay, Hạ viện đã đứng lên phản đối sự bất công và gửi một thông điệp đến người dân Mỹ: các biểu tượng của chế độ nô lệ, phân biệt đối xử và sự nổi loạn không được chào đón trong các phòng họp của Quốc hội,” ông Hoyer nhấn mạnh trong một tuyên bố. “Tôi rất vui khi thấy Dự luật của chúng ta xóa bỏ hận thù trong Hạ viện. Mặc dù chúng ta không thể thay đổi lịch sử của mình, nhưng chúng ta có thể nỗ lực để khẳng định lý tưởng nền tảng để xây dựng đất nước của chúng ta: công lý và bình đẳng cho tất cả mọi người.”
“Các biểu tượng của chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc đang bôi nhọ Điện Capitol của chúng ta, và chúng không có chỗ ở đây. Những cá nhân đã tiến hành giam giữ hoặc duy trì chế độ nô lệ người Mỹ gốc Phi, hoặc ngăn cản họ giành được các quyền đầy đủ và bình đẳng, không đáng được tôn vinh ở đất nước chúng ta.”
Động thái này đánh dấu năm thứ hai liên tiếp Hạ viện thông qua một biện pháp nhằm loại bỏ các bức tượng của những người từng phục vụ hoặc ủng hộ Liên minh miền Nam khỏi Điện Capitol. Thượng viện, do Đảng Cộng hòa kiểm soát vào năm 2020, đã chặn dự luật vốn được giới thiệu trong bối cảnh các cuộc biểu tình trên khắp đất nước kêu gọi công bằng chủng tộc sau cái chết của George Floyd.
Các đảng viên Dân chủ hiện chiếm đa số khá mỏng manh tại Thượng viện, điều này khiến họ buộc bỏ phiếu về dự luật. Dự luật sẽ cần ít nhất 60 phiếu để thông qua, cũng tức là cần có sự ủng hộ của ít nhất 10 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa.
Quốc hội không thể dỡ bỏ các bức tượng, nhưng nếu HR 3005 được thông qua, sẽ cho phép di chuyển các bức tượng khỏi bất kỳ khu vực nào của Điện Capitol mà công chúng có thể tiếp cận trong vòng 120 ngày kể từ khi dự luật có hiệu lực. Các bức tượng sẽ được trả lại cho tiểu bang đã gửi bức tượng này đến Capitol, miễn là họ chịu chi phí vận chuyển.
Một trong số những người phản đối dự luật, Dân biểu Cộng hòa Mo Brooks (tiểu bang Alabama) nhìn nhận dự luật là một minh chứng về “văn hóa xóa sổ và chủ nghĩa xét lại lịch sử” của “những người theo chủ nghĩa tinh hoa – những người tuyên bố họ biết nhiều hơn những công dân phổ thông”.
Năm 2020, tiểu bang Virginia đã dỡ bỏ một bức tượng của tướng Liên minh miền Nam Robert E. Lee khỏi Điện Capitol, thay thế bằng bức tượng của nhà lãnh đạo dân quyền Barbara Johns.
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…