Hai hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đang tập trận ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông trong khi tàu hải quân Trung Quốc chạy quanh 2 pháo đài nổi này, một tư lệnh chỉ huy nói với tờ Reuters hôm 6/7.
“Họ đã thấy chúng tôi và chúng tôi cũng thấy họ”, Chuẩn Đô Đốc James Kirk của chiếc mẫu hạm USS Nimitz nói.
Fox News cũng xác nhận chiếc mẫu hạm USS Nimitz và USS Ronald Reagan cùng hai hạm đội hộ tống đang tập trận tại Biển Đông từ ngày 4/7, ngày Quốc Khánh Hoa Kỳ.
“Mục đích là để thể hiện một tín hiệu không mơ hồ đối với các đồng minh và đối tác của chúng tôi rằng chúng tôi cam kết gắn bó với nền an ninh và ổn định của khu vực”, Chuẩn Đô Đốc George Wikoff của chiếc USS Ronald Reagan nói với tờ Wall Street Journal hôm 5/7.
Cuộc tập trận với mục tiêu cổ súy cho một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở và thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật pháp được cho hay sẽ bao gồm “các cuộc bay thử phi cơ thường xuyên và kiểm tra khả năng tấn công của các tiêm kích trên hàng không mẫu hạm”.
“Hai mẫu hạm Nimitz và Reagan tạo thành một lực lượng chiến đấu mau lẹ và hiệu quả nhất trên trái đất, giúp củng cố các cam kết về thỏa thuận phòng thủ chung của Mỹ với các đồng minh và đối tác trong khu vực, và thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trên cả khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”, tuyên bố của Hải quân Mỹ ghi.
Tờ Thời Báo Hoàn Cầu, cánh tay của truyền thông nhà nước Trung Quốc chuyên gửi thông điệp ra nước ngoài, có bài bình luận gọi Mỹ “không khác gì một con hổ giấy đứng trước cửa ngõ Trung Quốc”.
“Biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm tay của Giải phóng Quân, và bất kỳ chuyển động nào của mẫu hạm Mỹ trong khu vực đều được giám sát chặt chẽ và khóa mục tiêu bởi hàng loạt các vũ khí chống hạm của Giải phóng quân, bao gồm hệ thống tên lửa DF-21D và DF-26, hai hệ thống được biết đến với tên gọi hỏa tiễn diệt mẫu hạm”, bài viết của tờ báo này ghi.
Trên Twitter, mạng xã hội bị cấm tại Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu viết: “Bất kỳ hành động nào của hàng không mẫu hạm Mỹ đều nằm dưới sự cho phép của Quân đội Trung Quốc (PLA)”, kèm theo bức ảnh các tên lửa Trung Quốc.
Tài khoản Twitter của Hải Quân Mỹ nhanh chóng trả lời:
“Thế mà, các mẫu hạm vẫn đang ở đó. Hai hàng không mẫu hạm Hải quân Mỹ đang hoạt động ở vùng biển quốc tế của Biển Đông. USS Nimitz và USS Ronald Reagan không bị dọa dẫm #Tự do hành động”.
Theo Không lực Mỹ, một thông điệp khác được gửi tới Trung Quốc đến từ chiếc máy bay ném bom B-52, xuất phát từ Louisiana đã bay suốt 28 giờ để tới tập trận cùng với các chiến cơ phản lực trên 2 hàng không mẫu hạm trên Biển Đông.
Trong quá khứ Mỹ từng đưa hàng không mẫu hạm tới biểu dương lực lượng ở khu vực này, nhưng cuộc tập trận năm nay diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang căng thẳng tột độ ở nhiều mặt. Mỹ vừa chỉ trích Trung Quốc làm đại dịch lan tràn quá mức, vừa tố cáo nước này lợi dụng lúc dịch bệnh để đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền trái phép ở Biển Đông.
Lần gần đây nhất hai hàng không mẫu hạm của Mỹ cùng có mặt ở Biển Đông là vào năm 2014, và lần đầu tiên sự kiện này xảy ra là vào năm 2001, theo phát ngôn viên trên Tàu USS Ronald Reagan.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ đã cố tình điều các tàu chiến tới Biển Đông để khoe cơ bắp và tố cáo Mỹ đang âm mưu chia rẽ các quốc gia trong khu vực.
Ngũ Giác Đài trong tuyên bố gửi các pháo đài nổi của mình tới Biển Đông, nói rằng Mỹ muốn “đứng lên vì quyền được bay, được du thuyền và hoạt động của tất cả các quốc gia ở bất kỳ đâu luật pháp quốc tế cho phép”, và mô tả các mẫu hạm nặng 100.000 tấn và khoảng 90 máy bay chiến đấu trên mỗi mẫu hạm mang theo “biểu tượng của sự quyết tâm”.
Tổng cộng hai mẫu hạm chở 12.000 thủy thủ.
Trong thời gian vài tháng qua khi Mỹ và phương Tây đau đầu vì đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã gia tăng mâu thuẫn với các nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông, mở rộng hoạt động xây cất trên đảo nhân tạo và lập các khu vực hành chính chi tiết để quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc cũng xây dựng xong các tiền đồn trên đảo bồi đắp trên Biển Đông, gây e ngại cho các nước láng giềng và quốc tế.
Đô đốc Kirk cho hay việc liên lạc với các tàu Trung Quốc không xảy ra vấn đề gì.
“Chúng tôi đã dự đoán rằng sẽ luôn luôn có các tương tác chuyên nghiệp và an toàn. Chúng tôi đang hoạt động ở vùng nước tương đối đông đúc, rất nhiều tàu bè có đủ loại lưu thông”.
Trong khi Mỹ thể hiện màn trình diễn sức mạnh trong Ngày Độc Lập thì Trung Quốc hoàn tất 5 ngày tập trận ở quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Trung Quốc gọi là Tây Sa, nơi mà cả Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc không thông tin chi tiết về vụ tập trận này, chỉ gọi đó là “có cường độ cao” trong một bài báo đăng trên Thời Báo Hoàn Cầu.
Thứ Sáu tuần trước, Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố việc hải quân của họ tập trận là “nằm trong phạm vi chủ quyền hợp lý”, và theo thông tin đăng trên trang web của Quân đội Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền gần như toàn bộ 1,3 triệu dặm vuông diện tích Biển Đông.
Cùng ngày, Bắc Kinh gọi việc Mỹ hiện diện trong khu vực là “phá hoại ổn định” và nói: “Một số quốc gia ở bên ngoài khu vực chúng ta thường xuyên đi hàng ngàn dặm tới Biển Đông để tham gia vào các hoạt động quân sự quy mô lớn và khoe khoang sức mạnh của họ, đây chính là lý do cơ bản ảnh hưởng tới sự ổn định ở Biển Đông”.
Trước đó từ ngày 1/7, Giải Phóng Quân Trung Quốc cũng tổ chức tập trận ở khu vực Đảo Hoàng Sa, đơn phương ra lệnh cấm tất cả tàu bè qua lại xung quanh khu vực này.
Trọng Đức
Xem thêm:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…