Hàng chục nghìn người biểu tình phản đối cuộc đảo chính ở Myanmar bất chấp Internet bị cắt

Hàng chục nghìn người đã xuống đường tại các thành phố của Myanmar vào thứ Bảy để lên án cuộc đảo chính trong tuần này và yêu cầu thả nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi, bất chấp việc chính quyền quân quản đã phong tỏa Internet, theo tin từ Reuters.

Trong cơn giận dữ dâng cao ở thành phố lớn nhất đất nước, Yangon, những người biểu tình đã hô vang: “Độc tài quân sự – thất bại, thất bại; Dân chủ – chiến thắng, chiến thắng” và cầm các biểu ngữ có nội dung “Chống lại chế độ độc tài quân sự”. Những người đứng xem hai bên đường đã mời người biểu tình thức ăn và nước uống.

Nhiều người trong đám đông mặc bộ đồ màu đỏ – màu của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi. Đảng NLD đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 8/11 năm ngoái, tuy nhiên phía quân đội từ chối công nhận kết quả bầu cử, tuyên bố đã có gian lận xảy ra. 

Hàng nghìn người đã diễu hành đến Tòa thị chính Yangon. Các tài xế bấm còi, rướn người ra khỏi xe và giơ ba ngón tay chào nhau, một biểu tượng chống đối của những người biểu tình. Một số người trong số họ giơ cao cờ của NLD hoặc hình ảnh của bà Suu Kyi.

Đến tối, những người biểu tình đã giải tán gần hết. Tuy vậy, người dân bắt đầu bày tỏ sự phản đối bằng cách gõ vào nồi, xoong, chảo, thùng rỗng hay bất cứ thứ gì tạo ra âm thanh, ngay cả khi việc cắt điện ảnh hưởng đến nhiều quận của thành phố.

Tại thành phố Mandalay và thủ đô Naypyidaw (do quân đội xây dựng và có các cơ quan chính phủ), hàng nghìn người cũng đã xuống đường biểu tình, hô vang các khẩu hiệu chống đảo chính và kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi.

Các cuộc biểu tình ngày càng dâng cao bất chấp chính quyền mới đã ra lệnh phong tỏa Internet. Trước đó, các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và các ứng dụng nhắn tin đã bị chặn truy cập. Hiện tại, TV chỉ phát sóng kênh của đài truyền hình nhà nước MRTV chiếu những nội dung ca ngợi quân đội.

Chính quyền mới đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters về việc cấm Internet nhằm bịt miệng những tiếng nói bất đồng. 

Trước động thái này, Facebook đã kêu gọi chính quyền Myanmar bỏ chặn mạng xã hội.

“Vào thời điểm nhạy cảm này, người dân Myanmar cần tiếp cận với những thông tin quan trọng và họ cần được liên lạc với người thân”, người đứng đầu chính sách công của Facebook tại các quốc gia mới nổi ở châu Á – Thái Bình Dương, ông Rafael Frankel, cho biết trong một tuyên bố.

Văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc viết trên Twitter rằng “các dịch vụ Internet và truyền thông phải được khôi phục hoàn toàn để đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin cho người dân.”

Nhà cung cấp mạng di động của Na Uy Telenor ASA cho biết nhà chức trách đã ra lệnh cho tất cả các nhà khai thác di động tạm thời đóng cửa mạng dữ liệu, mặc dù các dịch vụ thoại và SMS vẫn mở.

Các nhóm xã hội dân sự Myanmar đã kêu gọi các nhà cung cấp Internet chống lại lệnh của quân đội. Trong một tuyên bố chung, họ nói rằng nếu các nhà cung cấp Internet không thực hiện như vậy, họ “về cơ bản đã giúp hợp pháp hóa quyền lực của quân đội.”

Nhà cung cấp Telenor cho biết họ “lấy làm tiếc” về tác động của việc mạng Internet bị chặn, nhưng “chúng tôi bị ràng buộc bởi luật pháp địa phương và ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sự an toàn của người lao động địa phương.”

Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, người hiện đang tạm nắm quyền cai quản đất nước, đã cáo buộc bầu cử gian lận, mặc dù ủy ban bầu cử phủ nhận điều này. 

Chính quyền mới đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và hứa sẽ bàn giao quyền lực sau cuộc bầu cử mới mà không đưa ra khung thời gian cụ thể.

Bà Suu Kyi, 75 tuổi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình đã bị buộc tội nhập khẩu trái phép sáu máy bộ đàm; trong khi Tổng thống bị lật đổ Win Myint bị cáo buộc đã không tuân thủ các yêu cầu phòng dịch khi vận động tranh cử. Mức án mà cả 2 đối mặt là 3 năm tù. Nhiều nguồn tin cho hay họ đang bị giam tại nhà riêng.

Chính phủ Úc cho hay họ đã triệu tập đại sứ Myanmar để bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc bắt giữ tùy tiện công dân Úc và các công dân nước ngoài khác ở Myanmar.

Một phong trào bất tuân dân sự đã được khởi xướng ở Myanmar trong suốt tuần qua. Nhiều bác sĩ và giáo viên đã đình công phản đối. Mỗi tối, người dân lại tụ tập đập xoong chảo để biểu lộ sự bất mãn. 

Những người biểu tình ở Yangon sẽ tiếp tục phản kháng vào Chủ nhật này.

Một số hình ảnh của cuộc biểu tình:

Lê Xuân (theo Reuters)

Xem thêm:

Lê Xuân

Published by
Lê Xuân

Recent Posts

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

21 phút ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

2 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

3 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

3 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

3 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

3 giờ ago