Ảnh hưởng của chính biến quân sự Myanmar trong quan hệ Mỹ – Trung
Từ ngày 1/2, nước Myanmar (Miến Điện) ở vùng Đông Nam Á đã thành tâm điểm của truyền thông quốc tế do cuộc đảo chính quân sự của họ. Diễn biến chính trị này tác động như thế nào trong “trận so găng” quan hệ Mỹ – Trung nổi bật hiện nay?
Có hai yếu tố của sự kiện này có thể liên tưởng đến trường hợp của nước Mỹ gần đây:
- Một là ngày tổng tuyển cử của Myanmar (8/11) chỉ sau 6 ngày so với ngày tổng tuyển cử của Mỹ vào ngày 3/11, gần như cùng thời điểm;
- Hai là hình bóng của đảo chính ở Mỹ trong cáo buộc gian lận bầu cử, được truyền thông Trung Quốc mô tả là “đảo chính Trump phiên bản Myanmar”.
Những vấn đề này đáng thú vị để phân tích.
Khác biệt tinh tế trong thái độ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar
Về cuộc đảo chính quân sự của Myanmar, thái độ của cộng đồng quốc tế theo nhiều chiều rất khác nhau:
- Các nước láng giềng Thái Lan và Philippines cho rằng đây là “chuyện nội bộ” và không có ý định lên án;
- Các nhà lãnh đạo của Anh và Liên minh châu Âu xác định các hành động của quân đội Myanmar như “cuộc đảo chính quân sự”;
- Chính quyền Biden của Mỹ đã ba lần lên tiếng chỉ trích nhưng đều không đề cập đến “đảo chính quân sự” và tránh sử dụng thuật ngữ nhạy cảm “gian lận bầu cử”.
- Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tuyên bố sẵn sàng nhóm họp để thảo luận nhưng chỉ đề cập nguyên nhân là do quân đội Myanmar “cải tổ chính phủ” quy mô lớn.
- Trong khi truyền thông phương Tây đồng loạt cho rằng cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar đã ảnh hưởng đến đầu tư của Trung Quốc và hy vọng rằng Trung Quốc sẽ can thiệp, thì người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân của quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất tới Myanmar này lại bày tỏ thờ ơ: “Chúng tôi đã nhận thấy những gì đã xảy ra ở Myanmar và đang tìm hiểu thêm về tình hình… Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên ở Myanmar sẽ xử lý các bất đồng phù hợp khuôn khổ hiến pháp và pháp luật để duy trì ổn định chính trị và xã hội.” Có thể đoán được từ tuyên bố của Trung Quốc: Đừng mong đợi Trung Quốc chấp thuận lên án các hành động quân sự của Myanmar trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trung Quốc và Myanmar có quan hệ quân sự thân thiết
Trong một thời gian dài, Mỹ và các nước phương Tây khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt áp lực cao đối với Myanmar và họ hầu như không có quan hệ ngoại giao chính thức nào với Myanmar. Nước ngoại giao chính của Myanmar là Trung Quốc, và cùng với Campuchia nước này trở thành phát ngôn viên cho các lợi ích và là đồng minh trung thành nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Ngoài số lượng lớn công ty Trung Quốc đầu tư vào Myanmar, Trung Quốc cũng đang xây dựng các đường ống dẫn dầu ở đó nhằm giúp họ thoát khỏi sự phụ thuộc vào eo biển Malacca. Với Trung Quốc, Myanmar không chỉ có ý nghĩa rất quan trọng cả về kinh tế mà còn chính trị.
Thời chính quyền ông Trump, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thảo luận về hợp tác sơ bộ quan hệ quân sự Mỹ – Myanmar, cung cấp cho quân nhân Myanmar đào tạo về hỗ trợ nhân đạo, quân y và cải cách quốc phòng. Động thái này lập tức khiến Trung Quốc phải cảnh giác cao độ. Tháng 12 năm ngoái, báo mạng Hoàn Cầu (Huanqiu) của Trung Quốc đã công bố bài “Mỹ muốn kiểm soát quân đội Myanmar thông qua hợp tác để thúc đẩy Myanmar rời ra Trung Quốc”, bài viết thẳng thắn chỉ ra Mỹ coi việc chia cắt quan hệ Trung Quốc -Myanmar là mục tiêu quan trọng của chiến lược trở lại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việc Mỹ gấp rút thúc đẩy hợp tác quân sự với Myanmar, ví dụ mời tham gia Cuộc tập trận chung Hổ Mang Vàng có hơn 20 nước là nhằm đẩy nhanh việc Myanmar tách khỏi Trung Quốc.
Sau khi bà Aung San Suu Kyi trở thành người nắm quyền tối cao của Myanmar, Trung Quốc vẫn đặt cược vào cả hai bên và tiếp tục duy trì liên hệ chặt chẽ với phe quân đội Myanmar. Lấy ví dụ năm gần đây nhất, ngày 16/7/2020, truyền thông Trung Quốc cao giọng đưa tin về việc Đại sứ Trung Quốc Trần Hải (Chen Hai) tại Myanmar đã trao đổi quan điểm với Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing của Lực lượng Quốc phòng Myanmar về sự phát triển của quan hệ Trung Quốc – Myanmar, đặc biệt nhấn mạnh việc quân đội Myanmar ủng hộ “Vành đai và Con đường” và xây dựng Hành lang Kinh tế Myanmar -Trung Quốc; quân đội Myanmar tuân thủ chính sách một Trung Quốc, ủng hộ quan điểm của Chính phủ Trung Quốc đối với các vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng; hỗ trợ Trung Quốc trong việc bảo vệ an ninh quốc gia và sự thịnh vượng lâu dài của Hồng Kông, cho rằng vấn đề Hồng Kông hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc nên các nước khác không có quyền can thiệp. Giữa tháng Một năm nay, ông Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Myanmar, không chỉ gặp Tổng thống Myanmar Win Myint, hội đàm với Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi mà còn gặp Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.
Truyền thông Trung Quốc bình luận về cuộc đảo chính của quân đội Myanmar
Trên đây là sơ qua ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Chính phủ Myanmar, không có nghĩa là Trung Quốc thực sự thao túng cuộc đảo chính này. Nhưng bình luận của truyền thông Trung Quốc về vấn đề Myanmar có những điểm độc đáo so với bình luận của đông đảo các phương tiện truyền thông thế giới, đặc biệt điểm nhấn trong vấn đề thảo luận về gian lận bầu cử. Trong bầu cử Mỹ, thời điểm trước ngày nhậm chức Tổng thống Mỹ 20/1, bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc giống như truyền thông cánh tả ở Mỹ, đã không thể thảo luận về gian lận bầu cử.
Tại Trung Quốc, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến dường như có đặc quyền nói về những vấn đề nhạy cảm trong thời điểm nhạy cảm. Ngay sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, ông ta có bài “Cuộc đảo chính quân sự Myanmar đã khuấy động Internet, tại sao lại đồng bộ với tình hình chính trị Mỹ?”, một trong những điểm nhấn là nói về cuộc đảo chính quân sự Myanmar như một hành động pháp lý phù hợp “Hiến pháp Myanmar”.
Theo Hiến pháp Myanmar năm 2008, quân đội Myanmar không chấp nhận các ràng buộc của chính phủ dân sự, đây là một nhóm quân sự độc lập nằm ngoài môi trường chính trị của đất nước, cũng là “lực lượng bảo vệ đất nước và bảo vệ Hiến pháp”. Tất nhiên, ông Hồ Tích Tiến không quên nhấn mạnh rằng hiến pháp này trao cho quân đội một địa vị đặc biệt, được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Tướng Than Shwe là Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Myanmar. Điểm thứ hai là cho rằng đây là “phiên bản Myanmar” của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 59, khởi đầu hai bên tương đồng nhau: Sau khi có kết quả bầu cử, ông Trump và USDP (Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển Myanmar) không phục vì cho rằng “gian lận phiếu bầu”, nhưng USDP ‘chơi ngầu’ hơn nhiều so với Trump: họ đã đưa ra một tuyên bố vào ngày 11/11 yêu cầu một cuộc bầu cử lại, và rất nhanh chóng đã tìm được “hậu thuẫn lớn” từ quân đội Myanmar.
Tạp chí Caixin Trung Quốc đã đăng trên Internet bài “Phiên bản Myanmar của ‘cuộc đảo chính Trump’, hướng đi của Biden như thế nào”, bài viết tập trung vào vấn đề gian lận bầu cử: “Điều nguy hiểm nhất là nghi ngờ trên diện rộng về tính công bằng của cuộc bầu cử, ngoài đảng đối lập được hỗ trợ bởi quân đội thì nghi ngờ cũng có ở một số tổ chức phi chính phủ trong và ngoài Myanmar, và cả điều tra viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền tại Myanmar. Giới truyền thông quốc tế và các tổ chức nhân quyền chú ý việc hàng triệu người Rohingya không thể tham gia bỏ phiếu, nhiều người trong số họ bị tước các quyền công dân cơ bản”; và cuối cùng liên kết với bối cảnh nước Mỹ: “Cảnh này có quen thuộc trong tổng tuyển cử Mỹ năm 2020 không? Có vẻ như không chỉ Mỹ có tranh chấp gian lận phiếu bầu, mà Myanmar cũng vậy!”
Dường như không khó để nhận ra hàm ý của Trung Quốc là nếu Liên Hợp Quốc và Mỹ muốn can thiệp, trước tiên là nghĩ cách bắt Myanmar phục tùng, hoặc nghĩ cách sửa đổi Hiến pháp. Tất nhiên, có thể bao gồm điều quan trọng: một chính phủ dựa vào gian lận nghiêm trọng để lên nắm quyền, hãy ngừng ca ngợi dân chủ và bảo vệ nền dân chủ ở các nước khác.
Bên nào có ưu thế?
Vấn đề phân tích cuối cùng: Tại sao vào thời điểm này Trung Quốc lại muốn chủ động trước trong vấn đề Myanmar?
Trung Quốc vốn có hy vọng sau khi Trump không còn nắm quyền thì chính quyền Biden sẽ báo đáp Trung Quốc vì hỗ trợ nhiệt tình của họ. Nhưng chính quyền Biden hiện đang gặp nhiều khó khăn, với mâu thuẫn nội bộ lớn và chịu áp lực cao trong việc xây dựng chính sách. Do đó tại cuộc họp video trực tuyến hôm 29/1 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Washington, cố vấn an ninh quốc gia Sullivan của của ông Biden đã phát biểu: “Nội chính tức là ngoại giao, còn ngoại giao cũng là nội chính”, “Với Mỹ hiện nay, thách thức an ninh quốc gia có tính sâu rộng và cấp bách nhất là dọn dẹp ngôi nhà của chính chúng ta”. Hàm ý rằng muốn xử lý tốt các vấn đề bên ngoài thì trước tiên phải xử lý tốt các vấn đề bên trong, trọng tâm không phải vấn đề điều chỉnh chính sách đối ngoại. Trong một cuộc phỏng vấn với NBC ngày 1/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc lại rằng so với các nước khác thì Trung Quốc đặt ra thách thức lớn nhất đối với Mỹ. Bản chất của mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rất phức tạp, bao gồm cả đối đầu, cạnh tranh và cơ hội hợp tác, cho nên Mỹ phải xử lý mối quan hệ với Trung Quốc một cách khôn ngoan.
Trong bối cảnh chính sách về Trung Quốc chưa được công bố rõ ràng, chính quyền Biden đã rơi vào tình trạng “hỗn loạn” trong việc đối phó với những thay đổi ở Myanmar. Theo báo chí Mỹ trích dẫn nguồn tin nội bộ, các quan chức “rất không hài lòng” về thời điểm thực hiện hành động của quân đội Myanmar, nội bộ giới chức Mỹ và Nhà Trắng có những quan điểm rất khác nhau về cách giải quyết tình hình ở Myanmar, đặc biệt như có xem tình hình ở Myanmar là “đảo chính”, vì nếu định nghĩa tình hình ở Myanmar là “đảo chính” và cắt viện trợ đối với Myanmar thì có thể đẩy Myanmar đến gần Trung Quốc hơn. Nhưng nếu bỏ qua thì trái với cam kết của Mỹ trong việc “thúc đẩy dân chủ hóa Myanmar”. Nhưng dư luận có quan điểm cho rằng chính vì vài năm qua Mỹ và các nước phương Tây khác đã chỉ trích bà Aung San Suu Kyi quá nhiều, không ủng hộ đầy đủ nên đã tạo cơ hội cho phe quân đội nổi lên. Đồng thời một số chuyên gia cho rằng cuộc đảo chính Myanmar tạo cơ hội cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng.
Dù sau đó chính quyền Biden có áp dụng biện pháp gì đi chăng nữa, thì trong vấn đề biến động ở Myanmar, chắc chắn Mỹ đã yếu thế hơn Trung Quốc. Nhưng đó có thể là tin tốt cho Đài Loan, theo thái độ của Ngoại trưởng Blinken cho thấy sẽ không nâng cấp quan hệ ngoại giao Đài Loan – Mỹ lên cấp nhà nước, nhưng từ góc độ địa chính trị và cuộc đấu chính trị Trung – Mỹ thì bảo vệ vị thế của Đài Loan không cho phép Trung Quốc chiếm lợi thế lại là lựa chọn trong ngắn hạn của Chính phủ Biden.
Hà Thanh Liên
(UP Media trao quyền cho Vision Times công bố. Bài viết đại diện cho quan điểm của cá nhân tác giả).
Xem thêm:
Từ khóa Myanmar mối quan hệ Mỹ - Trung Quan hệ Trung Quốc - Myanmar đảo chính ở Myanmar Quân đội Myanmar đảo chính Chính biến Myanamar