Cuba gây chú ý toàn thế giới khi công bố bản dự thảo hiến pháp mới trong đó không nhắc đến Chủ nghĩa cộng sản. Nhiều tờ báo đã chạy dòng tít gây sốc: “Cuba bỏ Chủ nghĩa cộng sản”. Điều này có đúng không?
Việc Quốc hội Cuba đã thông qua bản dự thảo hiến pháp mới vào ngày 22/7/2018 đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông thế giới. Người ta đặc biệt chú ý tới những gì sẽ thay đổi trong chế độ chính trị cũng như kinh tế-xã hội của hòn đảo cộng sản khép kín này. Dưới đây là tóm lược một số điểm mới trong bản hiến pháp mới của Cuba.
Dự thảo hiến pháp mới gồm 224 điều sẽ thay thế cho hiến pháp hiện tại được ban hành năm 1976 sau khi Fidel Castro chiến thắng trong cuộc cách mạng. Hiến pháp 1976 của Cuba đặt chế độ cộng sản độc đảng vào vị trí độc tôn và hiện Cuba vẫn duy trì chế độ một đảng với Đảng Cộng sản Cuba là lực lượng duy nhất được phép lãnh đạo đất nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch mới Miguel Díaz-Canel của Cuba – người lãnh đạo Cuba đầu tiên không mang họ Castro – thừa nhận rằng Cuba và thế giới đã thay đổi mạnh mẽ từ năm 1976 và “thực tế mới nghĩa là hiến pháp có trách nhiệm phải được cập nhật”. Ông Canel nói rằng việc cải tổ hiến pháp là “sâu sắc”.
Ông Diaz-Canel nhậm chức ngày 19/4, kế nhiệm Raul Castro – em trai nhà lãnh đạo cách mạng Fidel Castro – cho rằng hiến pháp mới sẽ phản ánh “hiện tại và tương lai của đất nước”.
Hiến pháp mới đề xuất những thay đổi như công nhận hôn nhân đồng tính và từ bỏ mục tiêu xây dựng một “xã hội cộng sản” ở Cuba. Các thay đổi này đã thu hút chú ý mạnh mẽ từ truyền thông thế giới và trong nước. Tuy nhiên, quốc đảo Caribe này chắc chắn sẽ giữ chế độ chính trị và kinh tế xã hội chủ nghĩa độc đảng – do Đảng Cộng sản Cuba nắm quyền.
Trong khi dự thảo hiến pháp đã được hơn 600 đại biểu quốc hội “nhất trí” tán thành nó sẽ còn phải trải qua một quá trình “lấy ý kiến nhân dân” trước khi đem ra trưng cầu dân ý để chính thức có hiệu lực.
Một thay đổi thu hút chú ý cả trong và ngoài nước là đề xuất định nghĩa lại hôn nhân là sự việc giữa “hai người” thay cho “một nam và một nữ”. Theo BBC, thay đổi này mở đường cho việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Việc thay đổi này được xem là khá lạ do chính quyền cộng sản Cuba nhân danh “đạo đức cách mạng” đã lên án và trừng phạt những người đồng tính trong hàng chục năm sau cuộc cách mạng 1959. Người đồng tính bị đi đày trong các trại lao động, cùng với mục sư và các phần tử “chống đối xã hội khác”.
Một yếu tố quan trọng mà nhiều người cho rằng là nguyên nhân đứng đằng sau sự thay đổi này là người thúc đẩy nó chính là Mariela Castro, con gái của ông Raul Castro. Bà Mariela Castro, 55 tuổi, hiện là giám đốc Trung Tâm giáo dục giới tính quốc gia Cuba, gần đây được chú ý vì lên tiếng bảo vệ quyền của cộng đồng người đồng giới.
Trong khi vẫn khẳng định các nguyên tắc của một nền kinh tế “xã hội chủ nghĩa” và kế hoạch hóa tập trung, bản hiến pháp mới cũng chính thức công nhận “vai trò của thị trường” và “tài sản cá nhân” như một trong những thành tố tồn tại trong nền kinh tế Cuba.
Vì cực lực lên án chủ nghĩa tư bản phương Tây “giãy chết” mà “thị trường tự do” và “sở hữu tư nhân” là hai yếu tố chính trong đó, Cuba từ khi mới thành lập đã phê phán 2 yếu tố này là “thối nát” và là nguyên nhân gây ra sự bóc lột và bất công xã hội. Do đó thay đổi này trong hiến pháp phản ánh các quan chức Cuba đã buộc phải nhìn vào thực trạng của đất nước, khi mà Cuba buộc phải mở cửa cho du lịch và đầu tư nước ngoài khi mất đi viện trợ của Liên Xô. Trong quá trình đó, Cuba cũng phải cho phép các hoạt động tự doanh và doanh nghiệp tư nhân hoạt động. Theo BBC, hiện hơn một nửa triệu người dân Cuba có giấy phép kinh doanh tự do.
Các nhà quan sát nhận định rằng sự thay đổi này trong hiến pháp Cuba là đi theo hướng của “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” giống như các đồng minh Việt Nam và Trung Quốc, tuy nhiên còn xa mới đạt được đến mức tự do như 2 nước này.
Khác với 2 nước cùng ý thức hệ còn lại, chính quyền và truyền thông nhà nước Cuba vẫn bày tỏ sự ghét bỏ đối với việc làm giàu cho cá nhân và hiến pháp mới vẫn cấm “việc tập trung tài sản” vào tay tư nhân.
Hiến pháp mới đề xuất các thay đổi trong hệ thống chính trị Cuba. Một là tạo ra vị trí Thủ tướng đứng đầu Hội đồng Bộ trưởng (nội các) để điều hành quốc gia trong các công tác bình thường. Thủ tướng sẽ được Quốc hội chỉ định theo đề xuất của Chủ tịch nước.
Chức Thủ tướng đã tồn tại một thời gian ngắn trong những năm đầu của cách mạng Cuba nhưng sau bị lược bỏ để quyền lực tập trung hết vào Chủ tịch.
Một thay đổi khác là tăng quyền lực địa phương bằng cách cho các Tỉnh trưởng (governor) điều hành 15 tỉnh của Cuba thay vì các chủ tịch hội đồng tỉnh như hiện tại. Hiến pháp mới cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “quyền tự trị” của mỗi tỉnh.
Nhận được sự chú ý và bàn luận nhiều nhất là việc bỏ đoạn “tiến lên xã hội cộng sản” trong bản hiến pháp mới, tuy vẫn giữ lại mục tiêu “xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Một số hãng truyền thông lập tức đưa tin này lên trang nhất. “Cuba bỏ chủ nghĩa cộng sản” là dòng tiêu đề lớn trên trang CiberCuba của những người bất đồng ý kiến tại nước này.
Thậm chí đã có các cuộc tranh luận bên trong Cuba về sự thay đổi này. Chẳng hạn, dưới phần bình luận của trang nhật báo Juventud Rebelde, tờ báo chính thức của Đoàn thanh niên Cộng sản Cuba, độc giả Juan R Oro viết: “phần lớn người Cuba chúng ta không đồng ý với đề án hiến pháp này và cũng không đồng ý rằng từ chủ nghĩa cộng sản bị loại ra khỏi hiến pháp”.
Một độc giả khác là “El Oriental” bình luận: “Jose del Oro, nếu chủ nghĩa cộng sản đã là một thất bại tại Châu Âu và nó xua đuổi các nhà đầu tư thì tại sao lại cứ phải duy trì một hệ thống lỗi thời và đã bị chứng minh là thất bại vốn không thể phát triển nữa, nó đơn giản là biến mất”.
Giới lãnh đạo Cuba và truyền thông nhà nước nhấn mạnh rằng việc từ bỏ mục tiêu tiến lên chủ nghĩa cộng sản không đồng nghĩa với việc Cuba từ bỏ chế độ chính trị hiện hành. Đảng cộng sản vẫn là lực lượng lãnh đạo duy nhất và hệ tư tưởng Fidel, Marx-Lenin vẫn được áp dụng triệt để.
Báo Granma của Đảng cộng sản Cuba ghi rõ: “Dự thảo hiến pháp tái khẳng định tính chất xã hội chủ nghĩa của hệ thống xã hội, kinh tế và chính trị của chúng ta, cũng như vai trò định hướng của Đảng cộng sản Cuba”.
Theo Chủ tịch quốc hội Esteban Lazo thì “tư tưởng” của Cuba cộng sản không biến mất mà chỉ được cập nhật để đảm bảo mục tiêu xây dựng “chủ nghĩa xã hội bền vững, thịnh vượng, dân chủ, độc lập và chủ quyền”.
Rất nhiều người Cuba lưu vong và bất đồng ý kiến với chính phủ tỏ ra không hài lòng với những thay đổi mới của hiến pháp.
Trên trang 14yMedio do các nhà bất đồng ý kiến lập ra, một dòng tít với mục đích chế nhạo bản hiến pháp mới được chạy vào ngày 22/7 viết: “Sẽ không có sự chuyển tiếp nào ở Cuba… thậm chí là chuyển tiếp lên chủ nghĩa cộng sản”.
Theo BBC, một số người Cuba lưu vong còn hỏi liệu sau khi thay hiến pháp, trẻ em Cuba trước khi đi học còn phải hô những khẩu hiệu cách mạng như “Tiên phong vì Chủ nghĩa cộng sản! Sẵn sàng [hy sinh] như đồng chí Che [Guevara]” hay không?
Đức Trí (T/h)
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…