Bài viết này dựa trên “lý luận thiên nga đen” để giải thích các sự kiện quan trọng trong năm 2016. Một loạt các sự kiện “thiên nga đen” có thể làm cho tình hình ở Âu Mỹ hay thậm chí là thế giới có nhiều thay đổi mạnh mẽ, từ đó có thể sẽ làm xuất hiện ngày càng nhiều hơn những “hiệu ứng Thiên nga đen”.
Có thể xem năm 2016 là một năm với nhiều biến cố bất ngờ ngoài dự tính của đa số mọi người.
Lý luận Thiên nga đen do nhà đầu tư người Mỹ Nassim Nicholas Taleb đưa ra trong sách «The Black Swan: The impact of the highly improbable» (tạm dịch: “Thiên nga đen: Xác suất cực nhỏ, tác động cực lớn”) xuất bản năm 2007. Ở châu Âu chỉ có thiên nga trắng. Trước thời trung thế kỷ (trung cổ) người châu Âu chưa từng trông thấy thiên nga đen, vì thế mọi người đều cho rằng tất cả thiên nga đều màu trắng. Mãi cho đến năm 1697, người ta phát hiện có thiên nga đen ở châu Úc làm người châu Âu phải thay đổi suy nghĩ, đây là một cú sốc mạnh về tâm lý. Thứ nhất, những chuyện tưởng như không thể xảy ra đã xảy ra đầy bất ngờ, gây những ảnh hưởng cực lớn và sâu sắc. Thứ hai, ở châu Âu, xưa nay chỉ thấy thiên nga trắng khiến người ta kết luận “tất cả thiên nga đều màu trắng”, việc xuất hiện thiên nga đen đã lật ngược toàn bộ quan niệm trước đó. Đây là ý nghĩa cơ bản của “lý luận thiên nga đen”. Sự kiện thiên nga đen ám chỉ việc xuất hiện sự kiện bất ngờ làm cho những nhận thức cố hữu trước đó bị phá vỡ, làm con người phải thay đổi suy nghĩ.
Ví dụ, ngày 31/3/1909, con tàu Titanic khổng lồ do xưởng đóng tàu Hanan De Wolff ở Belfast (Bắc Ireland) đóng, được cho là tàu chở khách an toàn và tiên tiến nhất, “mãi mãi không bao giờ chìm” (The Unsinkable). Nhưng ngày 10/4/1912, trên đường từ Southampton (Anh) đi New York, đến đêm thứ tư trên chuyến đi đầu tiên, con tàu đã đụng phải tảng băng trôi trên Bắc Đại Tây Dương, tàu đã chìm và làm 1500 người thiệt mạng. Tính kiêu ngạo của con người khiến người ta chủ quan, cuối cùng gây thảm họa không thể cứu vãn.
Tòa tháp đôi tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York từng được cho là cái trụ thép, kiên cố như bàn thạch, không có khả năng sụp đổ. Nhưng vụ khủng bố bằng máy bay ngày 11/9/2001 đã làm cả hai tòa tháp hoàn toàn tan tành, khiến cho 2749 người thiệt mạng. Sau khi tòa nhà bị máy bay đụng vào thì kết cấu của nó vẫn ổn định, tuy nhiên do nhiệt độ quá nóng đã làm tan chảy từ từ phần cốt thép của tòa nhà, khiến nó bị sụp đổ.
Ngày 15/9/2008, Lehman Brothers Holding Inc có lịch sử 158 năm đã phải nộp đơn xin phá sản khiến “trái phiếu liên kết rủi ro tín dụng” (credit-linked note) của nó bị sụt giá đột ngột, hệ quả là thị trường tín dụng quốc tế hỗn loạn, nhiều người trong giới tài chính cho rằng công ty này phá sản có thể làm ngành công nghiệp tài chính Mỹ sụp đổ, do đó cho rằng Chính phủ Mỹ sẽ ra tay giải cứu, nhưng đáng tiếc là mong muốn không đi cùng thực tế.
Sự kiện “thiên nga đen” thứ nhất: Nước Anh thoát Âu ngày 23/6/2016. Theo điều tra thăm dò trước khi bỏ phiếu thì phe muốn thoát Âu chịu lép vế, nhưng kết quả bỏ phiếu đã đảo ngược hoàn toàn. Hai ngày trước bỏ phiếu, nghị sĩ Quốc hội Jo Cox thuộc phe ủng hộ ở lại châu Âu đã bị bắn chết, theo đó số người ủng hộ ở lại châu Âu càng tăng lên khiến giá trị thị trường chứng khoán Âu Mỹ và bảng Anh tăng theo. Điều tra của NatCen cho thấy có 53% người Anh ủng hộ ở lại châu Âu, còn 47% muốn thoát Âu; điều tra của ORB cũng tương tự, tỉ lệ người ủng hộ thoát Âu là 46%. Nhưng cuối cùng kết quả bỏ phiếu đã gây chấn động thế giới, dĩ nhiên gồm cả nhiều người dân Anh, vậy là quan hệ hơn 40 năm giữa Anh quốc và châu Âu kết thúc. Sau đó, Thủ tướng David Cameron xin từ chức, ngày 13/7 bà Theresa Mary May lên làm Thủ tướng Anh. Hiệu ứng của sự kiện làm nổi lên phong trào muốn thoát Âu tại nhiều nước, trong đó có Ý. Những năm gần đây phong trào chống dân di cư ở Anh lên cao. Trong giai đoạn 2010 – 2016, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May đã mạnh mẽ chống nhập cư bất hợp pháp và hạn chế người nhập cư mới đến định cư ở Anh. Từ 2015 đến nay lại tiếp tục xuất hiện làn sóng người tị nạn vào châu Âu, bà Theresa May vẫn kiên quyết chống lại Liên minh châu Âu áp đặt hạn ngạch người tị nạn, vì thế nước Anh không bị tác động của cuộc khủng hoảng người tị nạn. Bà Theresa May cũng đẩy mạnh chống khủng bố giúp nước Anh tránh được các cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn…
Sau khi nhậm chức Thủ tướng, bà Theresa May lập tức đi thăm các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu như Đức, Pháp, Ý, nhấn mạnh cho dù Anh thoát Âu nhưng vẫn sẽ tiếp tục coi trọng quan hệ với EU. Bà Theresa cũng thay đổi chính sách thân Trung Quốc của ông Cameron. Theo đó vào cuối tháng 7/2016, Anh và Pháp đã ngừng hợp tác cùng Trung Quốc trong kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì cho rằng sự tham gia của Trung Quốc gây lo lắng về an ninh đối với Anh. Tác phong cứng rắn của bà Theresa rồi sẽ gây ra một số “hiệu ứng thiên nga đen” kéo theo.
Sự kiện thiên nga đen thứ hai: Ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ ngày 9/11/2016, trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ, sự kiện này cũng gây chấn động quốc tế. Trong những khảo sát điều tra cử tri trước bầu cử thì bà Hillary luôn dẫn trước ông Trump. Điều tra của CNN trước bầu cử cho thấy Hillary chiếm ưu thế với 46% người ủng hộ, so với 42% dành cho Trump; còn điều tra của công ty truyền thông ABC và Washington Post thì thì tỉ lệ ủng hộ Hillary là 47%, Trump là 43%; trong điều tra của Fox News, bà Hillary dẫn trước với 48% cử tri ủng hộ, còn Trump chỉ 44%… Nhưng kết quả bầu cử đã gây chấn động thế giới với phần thắng dành cho Trump, người ủng hộ hạn chế người nhập cư (nativism), chống tinh hoa, chính sách có lợi cho lớp người bình dân.
Những ưu tiên trong chính sách của ông Trump nhằm mục đích hồi sinh nền kinh tế Mỹ, bao gồm: theo chủ nghĩa bảo hộ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bỏ các hạn chế khai thác năng lượng trong nước, đưa ngành sản xuất ở nước ngoài trở về Mỹ, nới lỏng giám sát các tổ chức tài chính, yêu cầu Bộ Lao động điều tra việc lạm dụng thị thực làm việc để hạn chế người nhập cư bất hợp pháp và trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp ra khỏi Mỹ. Ông Donald Trump đã áp dụng các kinh nghiệm thành công trong kinh doanh vào việc quản trị nước Mỹ, mục đích để tạo ra cơ hội việc làm cho hàng chục triệu người nhằm khôi phục lại nền kinh tế Mỹ: trong chi tiêu hộ gia đình, cắt giảm thuế và bảo hiểm y tế; trong quốc phòng, xây dựng chính sách an ninh quốc gia, hạn chế căng thẳng với Nga và Trung Đông, tăng cường kiểm soát biên giới và không làm cảnh sát quốc tế để giảm chi tiêu quốc phòng; trong ngoại giao, áp dụng chính sách đối ngoại cô lập để thoát khỏi “Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương” (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) và ra điều kiện trong “chính sách một Trung Quốc”. Những chính sách này được giới bình dân ủng hộ, cho rằng Trump là người thật thà, biết nghĩ cho người Mỹ. Trong thời gian Trump cầm quyền chắc chắn sẽ xảy ra những “hiệu ứng thiên nga đen” làm tình hình thế giới thêm biến động.
Sự kiện thiên nga đen thứ ba: Làn sóng người tị nạn châu Âu. Câu chuyện này có thể kể từ năm 1963 khi “Thế giới Ả Rập phục hồi Đảng Xã hội (còn gọi là Đảng Baath)” sau biến động cướp quyền lực ở Iraq và thực hiện nền chính trị độc tài toàn trị. Từ năm 2004, Mỹ và các nước phương Tây áp dụng những biện pháp trừng phạt kinh tế – tài chính khiến kinh tế Syria ngày càng tồi tệ. Nền chính trị độc tài Syria gây những vấn đề nghiêm trọng về trật tự, xung đột và phân biệt đối xử sắc tộc, tình trạng tham nhũng, thất nghiệp và kỳ thị phụ nữ, tất cả đã làm người dân Syria vô cùng bất mãn đối với Chính phủ. Sau ảnh hưởng “Mùa Xuân Ả Rập”, ngày 26/1/2011 dân Syria rầm rộ biểu tình chống Chính phủ tại thủ đô Damascus, đòi cải cách dân chủ và thả các tù nhân chính trị. Chính phủ đã bắn người biểu tình và bắt bớ người bất đồng chính kiến. Nhưng hoạt động chống Chính phủ đã lan trên khắp đất nước, đòi Tổng thống Bashar từ chức. Phe đối lập được Mỹ và các nước phương Tây cùng người Hồi giáo Sunni ủng hộ thành lập lực lượng vũ trang, cuối cùng phát triển thành một cuộc nội chiến kéo dài cho đến ngày nay. Chính phủ lâm thời của phe đối lập Syria thành lập được “Liên hiệp các tổ chức vùng Vịnh” cùng 57 tổ chức thế giới Hồi giáo công nhận là chính quyền hợp pháp, sau đó lại được một số nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Libya, Qatar, Kuwait cùng Mỹ và các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức… ủng hộ.
Trong khi đó, Chính phủ Syria lại được Iran, Hezbollah và Nga hỗ trợ, vậy là cuộc nội chiến Syria lại trở thành sàn đấu giữa người Sunni và người Shia, đồng thời cũng là cuộc chiến giữa Mỹ và Nga, trong khi đó lại có hàng ngàn nhóm vũ trang nắm cơ hội nổi dậy, tấn công lẫn nhau, trong đó có “tổ chức Hồi giáo cực đoan”, do đó tình hình Syria ngày càng hỗn loạn và khó lường. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc chỉ ra, quân Chính phủ Syria và các nhóm đối lập đã phạm tội ác chiến tranh nghiêm trọng, bao gồm giết người, tra tấn, hành quyết. Chiến tranh và giết chóc đã khiến mọi người phải rời bỏ nhà cửa của họ ra đi, kể từ đầu tháng 4/2011 nhiều người Syria đã chạy trốn qua biên giới đến các nước láng giềng như Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra làn sóng người di cư lánh nạn.
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2015, số người tị nạn Syria đã lên hơn bốn triệu người, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận 1,8 triệu người, Lebanon nhận 1,17 triệu người, Jordan 630 ngàn người, Iraq khoảng 250 ngàn người, Ai Cập 130 ngàn người. Từ năm 2014, hơn một triệu người tị nạn đã tràn qua biển Aegean vào châu Âu, đạt tới đỉnh cao vào năm 2016, đã có hơn 3700 người bị chôn vùi dưới biển khơi hoặc mất tích. Mặt khác, tình hình rối loạn này cũng dẫn đến các cuộc tấn công khủng bố của “tổ chức Hồi giáo cực đoan” nhằm trả đũa châu Âu và các nước khác đã hỗ trợ quân nổi dậy Syria chống quân Chính phủ.
Thống kê: ngày 22/3/2016, sân bay Zaventem ở Brussels (Bỉ) và ga tàu điện ngầm gần trụ sở Liên minh châu Âu đã bị khủng bố làm ít nhất 34 người thiệt mạng và 170 người bị thương; ngày 29/6/2016, đánh bom sân bay Kemal Atatürk tại Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ làm chết 42 người, bị thương 238 người; ngày 14/7/2016, trong lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh tại Nice (Pháp), một chiếc xe tải đâm vào đám đông, sau đó lái xe đã bắn vào đám đông làm 84 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương; ngày 26/7/2016, một Linh mục người Pháp đã bị cắt cổ chết; ngày 19/12/2016, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn chết; ngày 22/3/2016, cuộc tấn công khủng bố tại sân bay Brussels (Bỉ) làm ít nhất 14 người chết, gần 100 người bị thương. Người châu Âu lo lắng những người tị nạn gây ra các vấn đề kinh tế và an ninh, lo sợ bọn khủng bố đóng vai người tị nạn vào châu Âu để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.
Sự kiện thiên nga đen thứ tư: Thủ tướng Đức Angela Merkel thông qua chính sách nới lỏng đối với những người tị nạn và nhận được khen ngợi của cộng đồng quốc tế, trở thành ứng cử viên nóng cho “Giải Nobel Hòa bình”, nhưng cũng vì thế bà phải chịu áp lực lớn ở trong nước. Trong cuộc bầu cử địa phương tháng 3/2016, “Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo” của bà đã thảm bại, mất quyền lãnh đạo tại hai bang, cho thấy chính sách thông thoáng đối với người tị nạn của Angela Merkel không được lòng dân Đức, vì người dân Đức tin rằng những người tị nạn khiến các nguồn lực quốc gia bị thuyên giảm và gây các vấn đề về an ninh, văn hóa. Ví dụ: nhiều vụ người tị nạn nam giới đi cướp bóc và tấn công tình dục phụ nữ; ngày càng nhiều căng tin trường học và nhà hàng ở Đức phải cẩn trọng để tránh mạo phạm đức tin Hồi giáo, chủ động ngừng cung cấp thịt heo, xúc xích, và các chế phẩm từ thịt heo khác, đây là một thách thức đối với văn hóa ẩm thực của Đức; tháng 11/2016, tờ Daily Mail đưa tin, một số người tị nạn Hồi giáo muốn biến nước Đức thành một nhà nước Hồi giáo, cách làm là khuyến khích các phụ nữ Hồi giáo sinh sản thật nhiều làm cho dân số Hồi giáo ở Đức vượt quá dân số không theo đạo Hồi, đồng thời tuyên truyền cho thế hệ sau hận thù những người không theo đạo Hồi, cho đến một lúc nào đó có thể tiếp quản nước Đức cũng như hủy diệt những người Đức không tin theo Hồi giáo. Lo lắng nhất của người Đức về khủng bố là bọn khủng bố đóng vai người tị nạn vào châu Âu để hành động tấn công khủng bố. Ngày 19/12/2016, tại ga xe lửa ở Berlin, một chiếc xe tải đâm vào một khu chợ Noel làm ít nhất 12 người chết, 56 người bị thương, sau đó chính Nhà nước Hồi giáo đã thừa nhận trách nhiệm.
Do tác động của một loạt các vấn đề xã hội và an ninh có nguồn gốc từ người tị nạn đã ảnh hưởng mạnh đến cơ hội tái nhiệm của bà Merkel, cũng liên quan đến tương lai của châu Âu, Liên minh châu Âu, trong bức tranh đầy bất ổn này “hiệu ứng thiên nga đen” tại Đức tiềm tàng nguy cơ xuất hiện, vì người ta bất mãn hiện trạng nên sẽ chống lại nó. Hiện trạng chính trị dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa bản địa hóa, chủ nghĩa dân túy, chống giới tinh hoa, chống thể chế hiện hành và chống toàn cầu hóa đang ngày càng dâng cao, trong nền dân chủ thì người dân có thể dựa vào lá phiếu bầu cử để lật đổ cục diện trật tự hiện hành để tìm một lối đi khác, vì vậy mà xảy ra những thay đổi lớn đối với tình hình chính trị Anh, Mỹ, và sẽ có thể đến với nước Đức. Nếu Anh là thành viên của Liên minh châu Âu thì khó tránh phải tiếp nhận dân tị nạn chạy khỏi Syria, vì thế thoát Âu là lựa chọn duy nhất của người dân Anh, là phù hợp trào lưu chống toàn cầu hóa, chống hợp nhất hóa, là tư duy ủng hộ chủ nghĩa bản địa và chủ nghĩa dân túy. Còn Donald Trump giành được chức Tổng thống nhờ từ bỏ vai trò cảnh sát quốc tế và ngăn chặn người vượt biên vào Mỹ cũng như trục xuất 11 triệu người di dân bất hợp pháp, sau này thậm chí cũng không bị giới hạn bởi chính sách “một nước Trung Quốc”, đây là con đường thống nhất với chống toàn cầu hóa, chống hợp nhất, là tư duy theo chủ nghĩa bản địa hóa và chủ nghĩa dân túy. Nhờ tính bộc trực và phương châm chính sách vì lợi ích bản địa mà Trump đã đánh bại người có kinh nghiệm chính trường dày dặn Hillary, điều này cũng là phù hợp với trào lưu chống thể chế hiện hành, chống giới tinh anh. Hơn nữa, chính sách của Trump nhận được ủng hộ của đa số giới bình dân, vì cho rằng Trump thực sự nghĩ cho người Mỹ. Tại các nước độc tài như Syria, làn sóng người dân rời bỏ nhà cửa của họ ra đi cũng là kết quả không thể tránh khỏi. Việc Thủ tướng Đức Angela Merkel dùng thái độ khoan dung và nhân đạo đối với người tị nạn, muốn giúp mọi người thoát khỏi thảm họa và cái chết đe dọa cần được khen ngợi, có lẽ bà muốn vá lại những vết thương nặng nề do nước Đức gây ra trong hai cuộc chiến tranh thế giới trước đây…
Thiên nga đen ẩn giấu trong sâu thẳm lòng người, khi nào hội đủ điều kiện nó sẽ bùng lên, gây những bất ngờ làm người ta phải giật mình.
Lưu Siêu Kỳ (Mộc Vệ biên dịch)
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…