Ngày 22/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Hoa Kỳ không có ý định dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc.
Phát biểu của phát ngôn viên này dường như đảo ngược lại tuyên bố do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 tại Nhật Bản vào ngày 21/5, khi đó tổng thống Hoa Kỳ thông báo, ý tưởng nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Bộ trưởng Lý của Trung Quốc “đang được đàm phán ngay lúc này”.
Tổng thống Biden còn nhận định, quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ “bắt đầu tan băng rất sớm”.
Khi phát biểu với các phóng viên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mathew Miller đã được hỏi liệu Washington có đang xem xét dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với ông Lý để tạo điều kiện đàm phán với Trung Quốc hay không. Ông Miller đã trả lời: “Không, chúng tôi không xem xét.”
Ông Miller lưu ý, Tổng thống Biden “cũng đã nói rõ rằng chúng tôi không có kế hoạch dỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với ông ấy và đối với Trung Quốc nói chung.”
Ông Lý là một chuyên gia hàng không vũ trụ. Năm 2018, Hoa Kỳ đã trừng phạt ông Lý vì đã tham gia mua vũ khí của Nga khi ông lãnh đạo Cục Phát triển Thiết bị của quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc đã bổ nhiệm ông Lý làm bộ trưởng quốc phòng vào tháng 3 bất chấp lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Động thái này đã làm dấy lên lo ngại về những phức tạp có thể nảy sinh trong các cuộc đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Điều trần trước một ủy ban của Thượng viện vào ngày 11/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tiết lộ, ông đã cố gắng liên lạc với ông Lý “trong một số dịp khác nhau” để giới thiệu bản thân, nhưng những nỗ lực này đã bị từ chối.
Bộ trưởng Austin nhấn mạnh nhu cầu liên lạc trực tiếp giữa các bộ trưởng quốc phòng, chẳng hạn có số điện thoại của nhau để quay số nhanh, bởi vì ông lưu ý rằng xung đột giữa hai cường quốc “không phải sắp xảy ra và cũng không phải là không thể tránh khỏi.”
Trong lời chứng bằng văn bản của mình, Bộ trưởng Austin giải thích: “Tôi nghĩ điều này [việc liên lạc trực tiếp giữa hai bộ trưởng quốc phòng] là rất quan trọng khi hai quốc gia với những loại năng lực này hoạt động ở các vùng biển tranh chấp, đông đúc.”
Ông tiếp tục: “Có những việc chúng ta sẽ phải giải quyết theo thời gian và thật tốt khi có thể nhấc điện thoại và nói chuyện với những người cấp cao, vì vậy tôi sẽ tiếp tục làm việc này. Tôi nghĩ nó thật sự quan trọng.”
Theo nhà bình luận Chen Pokong ở Mỹ, việc ĐCSTQ bổ nhiệm ông Lý làm bộ trưởng quốc phòng là “có mục đích”. Mặc dù vai trò bộ trưởng quốc phòng của ông Lý chủ yếu mang tính biểu tượng với quyền lực hạn chế, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể có một số cân nhắc đặc biệt trong đầu khi đưa ra quyết định này.
Trong chương trình của mình trên YouTube, ông Chen nhận định: “Nếu ĐCSTQ bắt đầu chiến tranh với một quốc gia khác, thì ông Lý sẽ rất khó đào ngũ và bỏ trốn. Do ông ấy đang chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, ông Lý sẽ phải đối mặt với khả năng bị trừng phạt thêm hoặc bị bắt giữ nếu ông ấy đào thoát sang các nước khác.”
Ông Chen lưu ý, bởi vì quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc cần phải duy trì liên lạc, đặc biệt là các bộ trưởng quốc phòng, nên Hoa Kỳ sẽ phải liên lạc với ông Lý, nhưng khi làm như vậy, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ bị vô hiệu. Điều này cho thấy rằng ĐCSTQ dường như đang thách thức Hoa Kỳ.
Ông tiếp tục, ngược lại, nếu Hoa Kỳ không liên lạc với ông Lý, điều đó sẽ tương đương với việc quân đội Mỹ không duy trì liên lạc với cơ quan chỉ huy quân sự hàng đầu của Trung Quốc.
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…