Mới đây, Bộ ngoại giao Mỹ đã mạnh mẽ lên án việc chính phủ Hồng Kông thân Bắc Kinh sử dụng Luật An ninh Quốc gia hà khắc như một công cụ chính trị nhắm vào tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily.
Ngày 17/6, khoảng 500 cảnh sát Hồng Kông đã đột kích vào trụ sở của Apple Daily và bắt giữ năm giám đốc của tờ báo này bao gồm cả tổng biên tập. Cảnh sát cáo buộc họ “thông đồng với nước ngoài hoặc với các yếu tố bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” bởi vì tờ báo này đã đăng hơn 30 bài báo kể từ năm 2019 kêu gọi quốc tế áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc và Hồng Kông. Apple Daily là một trong những tờ báo duy nhất còn lại vẫn đăng các tiếng nói chỉ trích Bắc Kinh và Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền, đồng thời thể hiện quan điểm ủng hộ đối với những người biểu tình Hồng Kông.
Cùng ngày, trong một cuộc họp báo ngắn qua điện thoại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhận định, các cáo buộc thông đồng “dường như hoàn toàn mang động cơ chính trị”. Ông nói thêm rằng năm giám đốc của Apple Daily nên được “trả tự do ngay lập tức”.
Ông Price nhấn mạnh: “Chúng tôi vô cùng lo ngại trước việc chính quyền Hồng Kông sử dụng một cách có chọn lọc Luật An ninh Quốc gia để nhắm mục tiêu một cách tùy tiện vào các tổ chức truyền thông độc lập.”
Ông cho hay, Bộ Ngoại giao Mỹ cảm thấy thật tệ hại khi cảnh sát Hồng Kông trích dẫn các bài báo đó của Apple Daily như một bằng chứng, bởi vì “việc trao đổi quan điểm với người nước ngoài trong lĩnh vực báo chí không bao giờ bị coi là một tội phạm”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Price khẳng định: “Chúng tôi yêu cầu chính quyền [Hồng Kông] ngừng nhắm mục tiêu vào các hãng truyền thông độc lập và tự do. Những nỗ lực để kiềm chế quyền tự do báo chí cũng như hạn chế luồng thông tin tự do không chỉ làm suy yếu các thể chế dân chủ của Hồng Kông mà còn phá hoại uy tín và khả năng tồn tại của Hồng Kông như một trung tâm quốc tế.”
Khoảng 3:30 chiều ngày 18/6 (giờ địa phương), chính phủ Hồng Kông thông báo, Bộ An ninh Quốc gia của Đặc khu đã chính thức buộc tội hai trong số năm giám đốc của Apple Daily vì tội thông đồng. Hai người này sẽ được đưa ra một tòa án địa phương vào sáng ngày 19/6. Ba người còn lại tiếp tục bị giam giữ để điều tra thêm.
Quyền tự do báo chí của Hồng Kông đã suy giảm mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực từ tháng 7/2020. Theo chỉ số quyền tự do báo chí do Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông (HKJA) tổng hợp, chỉ số đối với các nhà báo đã giảm xuống thấp kỷ lục ở mức 32,1 vào năm ngoái, giảm từ mức 40,9 của năm 2018.
Lý do của sự sụt giảm này là vì “các nhà báo cẩn thận hơn bao giờ hết khi họ chỉ trích Chính phủ Đặc khu Hồng Kông và Chính phủ Trung ương [chính quyền cộng sản Trung Quốc] cũng như việc ban lãnh đạo gây áp lực nhiều hơn đối với họ.”
Cuộc đột kích hôm thứ Năm (17/6) là cuộc tấn công thứ hai của cảnh sát vào trụ sở của Apple Daily. Hồi tháng 8/2020, 200 cảnh sát Hồng Kông đã ập vào tòa soạn này. Người sáng lập của Apple Daily, ông Jimmy Lai, hiện đang ngồi tù vì vai trò của mình trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, chống Bắc Kinh vào năm 2019. Ông Lai cũng đang chờ bị xét xử trong một phiên tòa riêng về an ninh quốc gia.
Hôm thứ Sáu (18/6), nhiều người Hồng Kông đã đổ xô đến các sạp báo địa phương để mua báo của Apple Daily nhằm thể hiện sự ủng hộ của họ đối với các nhà báo của tờ báo này, trong số đó có một số người mua rất nhiều bản. Theo Apple Daily, một người dân địa phương giấu tên đã mua 300 bản của tờ báo phát hành hôm thứ Sáu (18/6) ở một sạp báo tại quận Cửu Long (Mong Kok) để ông ấy có thể phân phát chúng tại nhà hàng của mình.
Một người phụ nữ họ Lau nói với Apple Daily rằng cô ấy sẽ tiếp tục mua tờ báo này ngay cả khi nó chỉ in dòng chữ “Apple Daily” trong khi phần còn lại để trống. Một phụ nữ khác họ Chow đã chỉ trích cảnh sát. Cô nói rằng cô cảm thấy cảnh sát hiện giờ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn.
Cô Chow cho biết thêm, cô không thể làm gì ngoài việc chi 10 đô la Hồng Kông (1,29 USD) để mua một ấn bản của tờ báo này.
Ngày 18/6, Apple Daily đã tăng mức phát hành báo của mình lên đến 500.000 bản, so với mức 80.000 bản in hôm thứ Năm (17/6).
Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất lên tiếng lên án vụ đột kích và bắt giữ này. Úc, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Anh, và Đài Loan đều đồng loạt lên tiếng bày tỏ những quan ngại của họ.
Bộ Ngoại giao Úc đã viết trên Twitter: “Úc quan ngại việc bắt giữ các nhà báo của Apple Daily, và tác động của việc này đối với quyền tự do ngôn luận tại Hồng Kông, vốn đã được quy định trong Luật Cơ bản dựa trên cơ sở của Tuyên bố Chung Trung-Anh.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Vương quốc Anh đã ký Tuyên bố Chung Trung-Anh vào năm 1984, mở đường cho việc Anh trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Theo tuyên bố chung, Luật Cơ bản đã được soạn thảo để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của người Hồng Kông mà người Trung Quốc đại lục không được hưởng trong vòng ít nhất 50 năm dưới sự quản lý của chế độ cộng sản Trung Quốc theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Trong một thông báo phát hành ngày 17/6, Văn phòng Ủy viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông chỉ trích các chính trị gia phương Tây và truyền thông nước ngoài về những bình luận đối với vụ đột kích và bắt giữ năm giám đốc của Apple Daily, đồng thời cáo buộc họ “can thiệp vào vấn đề của Hồng Kông và các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.
Nhiều tổ chức nhân quyền trên khắp thế giới cũng công khai bày tỏ mối quan ngại của họ, bao gồm Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài tại Hồng Kông, tổ chức Phóng viên Không Biên giới, tổ chức Giám sát Hồng Kông (Hong Kong Watch), tổ chức Freedom House, Hiệp hội các nhà Xuất bản Tin tức Thế giới, Diễn đàn Biên tập viên Thế giới, Viện Báo chí Quốc tế, Tổ chức Ân xá Quốc tế, và Liên đoàn Nhà báo Quốc tế.
Ông Michael Abramowitz, chủ tịch của Freedom House cho biết: “Việc đột kích vào tòa soạn và bắt giữ các nhân viên của Apple Daily phản ánh sự gia tăng các nỗ lực mang tính hệ thống của chính quyền Hồng Kông nhằm biến các thể chế [dân chủ] của vùng đất này thành các phần mở rộng chuyên quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Ông nhấn mạnh: “Việc đối xử với báo chí độc lập [đưa tin] dựa trên thực tế như một mối đe dọa với an ninh quốc gia là một cuộc tấn công vào quyền tự do báo chí không thể chấp nhận và xảy ra trong bối cảnh một cuộc đàn áp rộng lớn hơn đối với quyền tự do ngôn luận và quyền tự do hội họp đang diễn ra tại Hồng Kông.”
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…