Quốc tế mạnh mẽ lên án vụ bắt 5 lãnh đạo Apple Daily Hồng Kông
- Bảo Minh
- •
Ngày 18/6, cảnh sát Hồng Kông đã đột kích vào tòa nhà Apple Daily và bắt giữ 5 lãnh đạo cấp cao của công ty, bao gồm CEO Next Digital là Trương Kiến Hồng (Zhang Jianhong), Tổng giám sát Next Digital Chu Đạt Quyền (Zhou Daquan), và tổng biên tập của Apple Daily La Vĩ Quang (Luo Weiguang), Phó Chủ tịch của Apple Daily là Trần Bái Mẫn (Chen Peimin), và Tổng giám sát nền tảng tin tức di động của Apple Daily là Trương Chí Vĩ (Zhang Zhiwei).
Về vấn đề này, nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Hồng Kông Tiêu Nhã Nguyên (Stephen Shiu) đã bày tỏ lòng kính trọng đối với 5 người bị bắt. Ông cho rằng việc ngồi vào vị trí đó vốn đã rất nguy hiểm vì đối mặt với nguy cơ bị bắt bất cứ lúc nào, để Apple Daily được tung hoành như thường thì họ phải không lùi bước, không bỏ trốn, sẵn sàng hy sinh thân mình.
Sau năm 1997 khi Hồng Kông trả về Trung Quốc, Apple Daily, một công ty con của Next Digital, là một trong số ít hãng truyền thông ở Hồng Kông vẫn kiên quyết đưa tin độc lập, vì vậy họ đã trở thành cái gai trong mắt chính quyền Bắc Kinh và Hồng Kông. Tháng 12 năm ngoái, người sáng lập Next Digital Lê Trí Anh đã bị bắt tạm giam vì cáo buộc vi phạm “Luật An ninh Quốc gia” phiên bản Hồng Kông, cho đến nay đã bị giam hơn nửa năm. Có tin đồn rộng rãi rằng Bắc Kinh có ý định đình chỉ việc xuất bản Apple Daily trước ngày 1/7 năm nay. Sau sự việc hiện nay, ông Tiêu Nhã Nguyên thở dài rằng chuyện gì đến sớm muộn gì cũng đến. Ông nhận định những nhân viên hiện vẫn chọn ở lại Apple Daily đều những người can đảm, bởi họ có thể chịu án tù tính bằng năm.
Theo Apple Daily, ngày 18, cảnh sát Hồng Kông đã điều động 500 cảnh sát đến phong tỏa tòa nhà và khám xét từ tầng 2 đến tầng 4. Phòng biên tập Apple Daily nằm trên tầng 2, cảnh sát lần lượt mở máy tính của nhiều nhân viên và tìm kiếm các tập tin trong đó, sử dụng chức năng tìm kiếm trên máy tính, họ tìm kiếm các bài báo và tài liệu có những từ như “nước ngoài, mít tinh”. Tổng biên tập điều hành Lâm Văn Tôn (Lin Wenzong) của Apple Daily chỉ ra rằng cảnh sát cũng đã khám xét văn phòng của các biên tập viên cấp cao và lấy đi máy tính cùng một số hồ sơ và tài liệu tin tức của họ. Đến khoảng 13:15 phút, sau hơn 5 giờ truy tìm, cảnh sát mới rút lui.
Cảnh sát cấp cao Lý Quế Hoa (Steve Li Kwai-wah) của Sở An ninh Quốc gia Hồng Kông cho biết, cảnh sát đã phong tỏa tài sản của ba công ty, bao gồm Apple Daily, xưởng in Apple Daily, và công ty hoạt động quảng cáo ‘AD Internet Company’, liên quan tổng số tiền 18 triệu đô la Hồng Kông. Ông Lý Quế Hoa cũng chỉ ra rằng kể từ năm 2019 đến nay, Apple Daily đã có hàng chục bài báo kêu gọi các biện pháp trừng phạt nước ngoài đối với Bắc Kinh và chính quyền Đặc khu Hồng Kông, do đó bị cáo buộc vi phạm Luật An ninh Quốc gia. Tuy nhiên, Sở trưởng An ninh Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) gặp gỡ các phóng viên vào chiều 18/6, đã không dám công bố những bài báo nào bị cáo buộc vi phạm Luật An ninh Quốc gia.
Nhà bình luận Tiêu Nhã Nguyên cho rằng cáo buộc của chính quyền Hồng Kông đối với Apple Daily là rất vô lý. Trước hết, phiên bản Hồng Kông của Luật An ninh Quốc gia không xác định kỳ hạn trước đó, nghĩa là mọi hành động trước ngày 1/7/2020 sẽ không phải chịu trách nhiệm, trong khi sau thời điểm Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực thì Apple Daily đã không vi phạm. Ông thẳng thừng cho biết, không ai trong số những người của Apple Daily đăng bài nào kêu gọi các lệnh trừng phạt của nước ngoài đối với Hồng Kông.
Thứ hai, Apple Daily với tư cách là một hãng truyền thông phải tiếp xúc với nước ngoài là điều tất yếu, nếu không thì làm sao nhận được tin? Chỉ đơn giản tiếp xúc với người nước ngoài mà cho là thông đồng với thế lực nước ngoài được sao? Ông Tiêu Nhã Nguyên nói rằng tất nhiên các nhà chức trách sẽ không quan tâm những điều này, điều vô lý nhất là các nhà chức trách đã từ chối chỉ rõ bài viết nào vi phạm Luật An ninh Quốc gia.
Về tuyên bố của ông Sở trưởng An ninh Lý Gia Siêu cho biết nhà chức trách sẽ sử dụng hình phạt pháp lý nghiêm khắc nhất nếu [những lãnh đạo Apple Daily] liên quan Luật An ninh Quốc gia, ông Tiêu Nhã Nguyên tin rằng điều này có nghĩa là nhà chức trách có thể tùy tiện kết tội và xử lý những người liên quan trong vụ án với tội danh nghiêm trọng nhất và hình phạt cao nhất.
Về tuyên bố của Tổng Biên tập điều hành Apple Daily Lâm Văn Tôn nói sẽ cố gắng hết sức để tờ báo được xuất bản như bình thường, ông Tiêu Nhã Nguyên bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tinh thần hy sinh vì chính nghĩa của những nhân viên Apple Daily. Ông hình dung tình trạng bây giờ giống như trên chiến trường, khi tiếng súng nổ ra vẫn phải lao về phía trước, điều duy nhất có thể khiến người ta làm được là “tinh thần chính nghĩa”, chiến đấu vì bản thân và đồng đội, hỗ trợ nhau đến cùng. Ông kêu gọi người dân Hồng Kông tiếp tục ủng hộ Apple Daily.
Sau khi 5 lãnh đạo Apple Daily bị bắt và tòa soạn bị khám xét. Ngày 18/6, Apple Daily đã nâng số lượng phát hành báo giấy lên 500.000 bản, gấp hơn 5 lần lượng phát hành trung bình mỗi ngày.
Cộng đồng quốc tế phản ứng gay gắt về việc này
VOA đưa tin, Ned Price, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm 17/5 (giờ Mỹ), đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ việc chính quyền Hồng Kông bắt giữ 5 quản lý của Apple Daily và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho những người này. Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc chính quyền Hồng Kông sử dụng có chọn lọc Luật An ninh Quốc gia để nhằm vào các tổ chức truyền thông độc lập. Cáo buộc “âm mưu cấu kết với nước ngoài hoặc lực lượng nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” rõ ràng là hoàn toàn có động cơ chính trị.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng lên án tuyên bố nói rằng các bài viết được đăng trên Apple Daily là bằng chứng cho cái gọi là “thông đồng với lực lượng nước ngoài”. Ông Price nhấn mạnh, trong ngành thông tấn, việc trao đổi ý kiến với người nước ngoài không bao giờ được cấu thành tội trạng. Chức trách Hồng Kông ngày càng dùng Luật An ninh Quốc gia như một công cụ để đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập, bóp nghẹt tiếng nói của giới bất đồng chính kiến và quyền tự do ngôn luận. Điều này không chỉ gây hại cho hệ thống dân chủ của Hồng Kông, mà còn làm tổn hại uy tín và sức sống của Hồng Kông với tư cách là một trung tâm quốc tế.
Người phát ngôn chính sách an ninh và đối ngoại của EU cho biết, vụ việc này cho thấy Luật An ninh Quốc gia được sử dụng để bóp nghẹt tự do báo chí và tự do ngôn luận ở Hồng Kông, đồng thời nhấn mạnh rằng tất cả các quyền và tự do hiện có của người Hồng Kông phải được bảo vệ đầy đủ, bao gồm cả tự do tin tức và báo chí.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab viết trên Twitter rằng cuộc đột kích và bắt giữ nhắm vào Apple Daily cho thấy Bắc Kinh đang sử dụng Luật An ninh Quốc gia để đối phó với những tiếng nói bất đồng thay vì để bảo vệ an toàn công cộng. Trong “Tuyên bố chung Trung – Anh”, Trung Quốc đã cam kết bảo vệ tự do báo chí, tự do báo chí cần phải được tôn trọng.
Tổ chức Nghiên cứu các vấn đề toàn cầu Canada (Global Affairs Canada – GAC) viết trên Twitter, vụ bắt giữ này là một ví dụ khác cho thấy Luật An ninh Quốc gia được dùng để đàn áp quyền tự do báo chí. Canada ủng hộ mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận và báo chí, những quyền tự do này trong Luật Cơ bản phải được đảm bảo, và tuân thủ theo quy phạm quốc tế.
Các nghị sĩ từ Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và châu Âu cũng bày tỏ quan ngại.
Ông Stephen Kinnock, thành viên Quốc hội Vương quốc Anh, chỉ trích rằng nền dân chủ, tự do báo chí và “một quốc gia, hai chế độ” tại Hồng Kông đã bị phá vỡ. Ông hỏi khi nào Chính phủ Anh sẽ trừng phạt Trưởng Đặc khu Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) và rút thẩm phán Anh ở Hồng Kông về nước.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ Marco Rubio chỉ trích ĐCSTQ tiếp tục sử dụng Luật An ninh Quốc gia gắt gao để đàn áp tự do báo chí ở Hồng Kông. Ông nói: “Những cáo buộc không chính đáng được đưa ra chống lại các phóng viên của Apple Daily là một cuộc tấn công trắng trợn của ĐCSTQ vào quyền tự do báo chí và phải bị hủy bỏ ngay lập tức.“
Thành viên Nghị viện châu Âu Hilde Vautmans chỉ ra rằng Hồng Kông không còn tự do và quyền tự chủ, và không có gì có thể bù đắp cho những gì mà người Hồng Kông đã bị tước đoạt. Nếu EU và Hoa Kỳ thực sự ủng hộ nền dân chủ, họ nên áp dụng các biện pháp trừng phạt của Đạo luật Magnitsky.
Ông Frank Müller-Rosentritt, một thành viên của Hạ viện Đức, nói rằng Đạo luật An ninh Quốc gia tiếp tục gây tổn hại đến nền dân chủ và tự do của Hồng Kông. Phe dân chủ đã bị tan rã, nhà báo bị bắt, Đức và Liên minh châu Âu nên lên án rõ ràng các cuộc tấn công mới nhất của ĐCSTQ nhằm vào sự tự do báo chí.
Ngoài ra, cả Đan Mạch và Ý đều có các thành viên quốc hội theo dõi và lên án vụ việc trên Twitter.
Bảo Minh (t/h), Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông Dòng sự kiện Apple Daily Luật An ninh quốc gia Hồng Kông