Qua hai sự kiện quốc tế lớn gần đây: Vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Hàn và căng thẳng ngoại giao giữa phương Tây và Nga sau vụ điệp viên hai mang bị hạ độc, ông John J. Xenakis – học giả, nhà phân tích chính trị quốc tế, nhà báo người Mỹ – đã đăng bài bình luận trên tờ Breitbart nhận định rằng chiến lược của Nga – Trung nhằm sử dụng Liên Hiệp Quốc để kiểm soát chính sách ngoại giao phương Tây đã không còn hiệu quả. Hai nước này đang có ý tưởng thành lập một tổ chức đa phương khác do họ kiểm soát mà thực chất là muốn chính thức hóa việc họ từ chối luật quốc tế hiện hành để dễ bề “cướp” lãnh thổ của các nước khác.
Văn phòng đại diện Liên minh Châu Âu tại Moscow, Nga.
Vào năm 2011, những cuộc biểu tình và các trận đấu súng quy mô lớn tại Tunisia vươn tới Libya, và vào tháng Hai, bạo lực đẫm máu đã lan từ Benghazi và Tobruk ở miền đông tới Tripoli ở miền tây. Điều này gây ra một cuộc khủng hoảng tị nạn lớn tại Libya với hàng trăm ngàn người di dân tràn sang Ai Cập, cùng các quốc gia láng giềng khác, và trải rộng từ Địa Trung Hải tới Châu Âu. Cuộc khủng hoảng tị nạn đó khiến Liên đoàn Arab phải yêu cầu phương Tây áp đặt một vùng cấm bay, và động thái này được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua. Vùng cấm bay này cuối cùng đã dẫn tới cuộc chiến tranh tại Libya, và cái chết của Muammar Gaddafi.
Từ năm 2011, học giả John J. Xenakis đã có các bài báo nhận định rằng Nga đã áp dụng một chính sách đặc biệt nhằm sử dụng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc làm công cụ kiểm soát chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, Châu Âu và NATO (Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), trong khi họ lại tự do theo đuổi bất kỳ chính sách nào họ muốn.
Cách thức hoạt động của chiến lược này là Nga yêu cầu bất kỳ hành động quân sự nào của Hoa Kỳ hoặc NATO phải được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua, khiến cho Nga có quyền phủ quyết hiệu quả đối với chính sách đối ngoại của các nước phương Tây. Trái lại, Nga có thể xâm lược Ukraina, xâm lược Crimea, sáp nhập Crimea vào Nga, hỗ trợ các tội ác chiến tranh của chính quyền Bashar al-Assad tại Syria, tất cả đều không cần Liên Hiệp Quốc (LHQ) phê duyệt. Vì vậy, Nga đã thực thi hoạt động quân sự một cách tự do, trong khi phương Tây bị kiềm chế bởi quyền phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an.
Đây thực sự là một kế hoạch đáng chú ý và đã thành công rực rỡ, làm tê liệt hoàn toàn LHQ và biến nó thành cơ quan bao che cho các tội phạm quốc tế chứ không phải là ngăn chặn chúng.
Trung Quốc cũng đã áp dụng nhiều chiến lược tương tự. Chế độ Bắc Kinh đã bồi đắp nhiều đảo nhân tạo trên biển Đông, sáp nhập vùng đất của nhiều nước khác vào Trung Quốc hoặc ngăn chặn các nước tiếp cận khu vực đánh bắt hải sản vốn là ngư trường truyền thống hàng trăm năm của họ, và chuyển đổi các hòn đảo nhân tạo thành các căn cứ quân sự quy mô lớn. Tòa Trọng tài của LHQ tại La Hay (Hà Lan) bác bỏ tất cả các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông vào tháng 7/2013, và phán quyết rằng tất cả hoạt động của Trung Quốc là vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế.
Trung Quốc phản ứng với quyết định của Tòa án Trọng tài LHQ bằng tuyên bố luật pháp quốc tế không áp dụng với họ. Trung Quốc cũng sử dụng quân đội để bắt ép các nước khác phải ủng hộ yêu sách của họ.
Như vậy, Nga và Trung Quốc đã làm rõ rằng luật pháp quốc tế không áp dụng với họ, và họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, và họ sẽ giết bất cứ ai cố gắng ngăn chặn họ.
Hai sự kiện quốc tế gần đây, cả hai đều là sự kiện lớn và đáng chú ý, đã làm rõ ràng rằng chiến lược này của Nga-Trung không còn hiệu quả nữa.
Thứ nhất là tình hình Bắc Hàn. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đưa ra các đe dọa quân sự thực sự đáng tin. Nhiều người đã công khai nói rằng họ nghĩ ông Trump điên, nhưng điều đó là một chiến lược đàm phán đã đem lại lợi thế cho Tổng thống Mỹ vì cả Trung Quốc và Bắc Hàn đều nghĩ ông Trump đủ điên rồ để thực hiện lời đe dọa của ông. Và rõ ràng là bất kỳ hành động quân sự đơn phương nào của chính quyền Trump sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyền phủ quyết của Nga và Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an LHQ.
Sự kiện quốc tế đáng chú ý thứ hai là phản ứng của phương Tây với việc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái ông bị đầu độc tại Anh Quốc hôm 4/3 mà London cáo buộc Nga dùng chất độc thần kinh Novichok do họ sản xuất từ thời Liên Xô. Vào thời điểm này, cả hai nạn nhân nêu trên đều vẫn đang ở bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.
Ngay từ đầu, không có nghi ngờ gì về việc Nga sẽ chịu trách nhiệm, và chắc chắn họ sẽ tránh né nó vì Nga có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an. Tổng thống Nga Vladimir Putin vài ngày trước khi được phóng viên BBC hỏi về vụ việc của điệp viên Skripal đã cười mỉa và đưa ra câu trả lời có phần chế nhạo.
Tiếp theo đó là một chiến dịch thông tin sai lệnh lớn của người Nga. Họ gọi các cáo buộc của phương Tây là “diễn xiếc“, ” chuyện cổ tích“, và “âm mưu làm nạn nhân của Nga“. Vài ngày trước, một quan chức Nga nói với BBC rằng đây là cuộc tấn công mới nhất của phương Tây nhắm vào Nga trong vòng 200 năm qua.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã có phản ứng giận dữ với phát ngôn của người Nga:
“Có một cái gì đó trong loại phản ứng tự mãn, châm biếm mà chúng tôi đã nghe thấy cho thấy tội lỗi căn bản của họ. Họ muốn đồng thời vừa phủ nhận nó, vừa muốn tôn vinh nó.
Trong tâm trí của người dân hầu như chẳng ai có chút hoài nghi nào về việc đây không phải hành động của nhà nước Nga – cố ý sử dụng chất độc Novichok, một loại chất độc thần kinh do Nga phát triển để trừng phạt một kẻ đào thoát người Nga và trong thời điểm diễn ra cuộc chạy đua hướng tới cuộc bầu cử tổng thống mà ông Putin không muốn có bất kỳ chướng ngại nào.
Đây là một cựu điệp viên Nga sống ở đất nước này đã được nhà nước Nga chỉ định là đối tượng cần trả thù và trả đũa, và ông Vladimir Putin gần đây đã xuất hiện trên TV nói rằng những người như vậy đáng bị đầu độc, bị chẹn họng bằng 30 nén bạc. Đây là biểu hiện cách nhìn nhận điều xảy ra của những người chống lại đất nước của chúng ta”.
Một cuộc điều tra do các nhà khoa học Anh và nhiều nước Châu Âu khác thực hiện đã đưa tới kết luận rằng Nga, và có lẽ chính bản thân ông Putin, là chủ mưu vụ hạ độc điệp viên Sergei Skripal.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ông Putin trong quá khứ đã từng cho hạ độc nhiều điệp viên khác, vi phạm luật pháp quốc tế nhiều lần, và khi đó người Nga triển khai cùng cách thức điều tra và các chiến dịch thông tin sai lệnh. Và ông Putin luôn có nụ cười mỉa về các vụ việc như vậy vì ông biết rằng ông sẽ thoát khỏi việc bị kết tội.
Điều đáng chú ý lần này là các nước phương Tây đã đoàn kết ủng hộ Thủ tướng Anh Theresa May trong hành động chống lại Nga. Đã có hơn 20 quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada và nhiều nước thuộc Liên minh Châu Âu đã trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Nga.
Việc trục xuất các nhà ngoại giao sẽ không làm tổn hại nhiều đến Putin. Điều gây sốc là tất cả các quốc gia phương Tây đều thống nhất trong việc lên án Nga, một điều chưa từng xảy ra trong quá khứ. Điều này nhằm gửi tín hiệu cho Nga, cũng như Trung Quốc rằng những ngày họ sử dụng LHQ để có quyền phủ quyết đối với chính sách đối ngoại của phương Tây đang đi đến hồi kết.
Trung Quốc liệu có coi Anh Quốc hay phương Tây là đối tác thực sự?
Việc nhiều nước phương Tây cùng trục xuất các nhà ngoại giao Nga đem đến cho cả Moscow và Bắc Kinh một sự ngạc nhiên lớn. Tờ Hoàn cầu Thời báo – cơ quan của nhà nước Trung Quốc – đã đăng bài xã luận phản ứng giận dữ:
“Thực tế rằng các cường quốc phương Tây chính yếu có thể bắt nạt và “trừng phạt” một nước khác mà không theo các thủ tục tương tự các quốc gia khác vẫn tuân thủ và theo các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là một sự lạnh lùng. Trong Chiến tranh Lạnh, không một nước phương Tây nào dám thực thi hành động khiêu khích như vậy, nhưng bây giờ nó được thực hiện với sự thoải mái tự do. Những hành động như vậy không là gì khác hơn là một hình thức bắt nạt của phương Tây, đe dọa tới hòa bình và công lý toàn cầu”.
Thật nực cười khi người Trung Quốc lại nói về việc họ quan tâm tới luật pháp quốc tế. Hãy nhớ rằng điều mà Trung Quốc đang than thở chỉ là về việc trục xuất một số nhà ngoại giao. Nó tương phản với những hành động của Trung Quốc tại biển Đông, nơi họ vi phạm luật pháp quốc tế hàng ngàn lần. Điều đó nghiêm trọng hơn nhiều việc chỉ trục xuất các nhà ngoại giao.
Tuy nhiên, bài báo trên Hoàn cầu Thời báo cũng có ý đúng khi nói rằng: “Trong Chiến tranh Lạnh, không một nước phương Tây nào dám thực thi hành động khiêu khích như vậy, nhưng bây giờ nó được thực hiện với sự thoải mái tự do”. Thời Chiến tranh lạnh là trong thời kỳ thuộc kỷ nguyên thứ Ba – kỷ nguyên Xét lại (Unraveling era) khi cách cư xử của mọi người đang có xu hướng thỏa hiệp hơn. Ngày nay, thế giới đã bước sang kỷ nguyên Khủng hoảng (Crisis era), người dân thế giới ngày càng có xu hướng dân tộc chủ nghĩa, hiếu chiến và bài ngoại.
Tờ Hoàn cầu Thời báo viết tiếp: “Trong vài năm qua, tiêu chuẩn quốc tế đã bị giả mạo và bị thao túng theo những cách chưa từng thấy trước đây. Lý do cơ bản đằng sau việc giảm các tiêu chuẩn toàn cầu bắt nguồn từ sự chênh lệch về quyền lực sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ, cùng với các đồng minh, đã ép nhập tham vọng của họ vào các tiêu chuẩn quốc tế vì vậy hành động của họ, theo đó tuân theo một loạt các thủ tục và quy trình chuẩn, thực sự không là gì khác ngoài cơ hội thu lợi nhuận từ công thức được thiết kế cho chính họ. Những quốc gia phương Tây này hoạt động trong các nền tảng định hình quan điểm công chúng và các cơ quan truyền thông có quyền lực toàn diện để bảo vệ và biện minh cho những đặc quyền đó”.
Đây là lời lẽ khoa trương chống Mỹ điển hình kiểu Trung Quốc. Không nhiều người biết cái gọi là “nền tảng định hình quan điểm công chúng và các cơ quan truyền thông có quyền lực toàn diện” có nghĩa là gì, nhưng đa phần chúng ta đều thấy ở phương Tây luôn có đa dạng nguồn tin bày tỏ tất cả các quan điểm khác nhau, trong khi tại Trung Quốc nếu bạn đưa ra quan điểm không được Đảng Cộng sản Trung Quốc chấp nhận, thì bạn có thể bị bắt cóc, ném xuống hố, tra tấn hoặc bị giết hại.
Tờ báo của nhà nước Trung Quốc còn nhận định rằng: “Cho tới gần đây, càng nhiều nước ngoài thành nạn nhân của những lời hùng biện và các biện pháp ngoại giao phi lý của phương Tây. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo của các quốc gia này buộc phải đội một chiếc mũ có các khẩu hiệu và lời lẽ như: “áp bức chính nhân dân mình”, “độc tài” hoặc “thanh trừng sắc tộc bất chấp họ vô tội”.
Những nước đang là “nạn nhân” của phương Tây mà Trung Quốc nhắc tới là gì? Có lẽ họ đề cập tới Myanmar, nơi chính phủ cầm quyền đang thực hiện thảm sát và thanh trừng sắc tộc đối với người hồi giáo Rohingya.
Chưa hết, Hoàn cầu Thời báo nhấn mạnh: “Điều còn vượt trên cả sự lăng nhục là cách thức mà Mỹ và Châu Âu đã đối xử với Nga. Hành động của họ đại diện cho một sự nông nổi và liều lĩnh phát triển thành đặc trưng bá quyền phương Tây, điều khiến họ chỉ biết cách để làm dơ bẩn các mối quan hệ quốc tế. Ngay bây giờ là thời điểm hoàn hảo cho các quốc gia ngoài phương Tây phải tăng cường sự thống nhất và hợp tác cùng nhau. Những quốc gia này cần thiết lập một mức độ độc lập ngoài phạm vi ảnh hưởng của phương Tây, đồng thời phá vỡ chuỗi các tuyên bố độc quyền, các phán xét đã được xác định trước và tiến đến việc đánh giá khả năng tự phán xét của chính họ.
Người ta đã hiểu rằng để đạt được những nỗ lực tập thể quốc tế như vậy là điều nói dễ hơn làm vì chúng cần được hỗ trợ cơ bản trước khi bất cứ điều gì có thể xảy ra. Cho đến khi một loạt các liên minh mới nổi lên, các hiệp hội đa quốc gia như BRICS, hoặc thậm chí là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, cần phải cung cấp giá trị cho những quốc gia ngoài phương Tây và chủ động tạo ra liên minh với họ.
Điều mà nước Nga đang trải qua hiện nay có thể coi là gương phản chiếu về cách mà các nước ngoài phương Tây khác có thể bị đối xử trong một tương lai không xa. Trục xuất các nhà ngoài giao Nga không đồng nghĩa với việc ngăn chặn được nước Nga. Nói chung, đó là một chiến thuật đe dọa đã trở thành biểu tượng của các nước phương Tây, và hơn nữa, các biện pháp như vậy không được luật pháp quốc tế ủng hộ và do đó không có căn cứ. Quan trọng hơn, cộng đồng quốc tế nên có những công cụ và phương tiện để đối trọng những hành động như vậy”.
Điều mà Hoàn cầu Thời báo nêu ở trên đã động tới cốt lõi của vấn đề. Người Trung Quốc đang đề xuất thành lập một tổ chức quốc tế khác, có lẽ là thực thể cạnh tranh với Liên Hiệp Quốc, ở đó họ sẽ nắm giữ quyền kiểm soát. Ý tưởng này hoàn toàn là ảo tưởng, bởi vì ngay cả khi một tổ chức như thế tồn tại, nó cũng sẽ vận hành theo các cách thức xung đột tương tự như những gì đang xảy ra tại Hội đồng Bảo an LHQ ngày nay.
Xét riêng Nga và Trung Quốc, họ đã gần như rơi vào một cuộc chiến tranh toàn diện trong những năm 1960. Ngày nay họ có một ‘cuộc hôn nhân’ thuận lợi bởi vì cả hai cùng đang sáp nhập các vùng lãnh thổ của các nước khác, đang làm đúng những gì mà Hitler đã từng làm trước Thế chiến II và đang lợi dụng lẫn nhau để biện minh cho hành động của mình. Nga và Trung Quốc cơ bản là hai quốc gia tội phạm, áp dụng quy tắc “tôn trọng kẻ cướp”.
Tuy nhiên, thông điệp thực sự ở đây là Trung Quốc và Nga muốn chính thức hóa việc họ từ chối luật quốc tế, những chuẩn mực đã tạo dựng nền tảng hòa bình kể từ sau Thế chiến II.
Tác giả: John J. Xenakis
Tân Bình dịch và biên tập
Xem thêm:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…