Trong số 37 nạn nhân bị lừa đảo việc làm, có 14 người vẫn bị mắc kẹt ở Campuchia, 9 người khác ở Myanmar; 14 người được xác nhận an toàn và 11 người trong số họ đã trở về Hồng Kông.
“Hai trong số nạn nhân đã chọn ở lại (khu vực Đông Nam Á). Chúng tôi đang tích cực giúp đỡ một nạn nhân muốn trở về Hồng Kông”, ông Michael Cheuk Hau-yip, lãnh đạo cơ quan an ninh Hồng Kông cho hay. Ông nói thêm rằng những người đang mắc kẹt bị hạn chế tự do, nhưng sự an toàn của họ “không bị đe dọa lớn vào lúc này”.
Một trong những nghi phạm, Ma Che-hou, 30 tuổi, tạm thời bị buộc tội âm mưu lừa đảo và bị xét xử tại tòa vào sáng ngày 22/8.
Ma bị buộc tội lừa đảo nạn nhân Ng Sik-ming, bằng cách dụ dỗ rằng anh sẽ nhận được hơn 27.000 USD khi đến Thái Lan, sau đó giam nạn nhân ở Myanmar. Bên cạnh đó, Ma Che-hou cũng bị cáo buộc lừa một phụ nữ tên Ng Pui-lam khoảng 4.500 USD.
Ông Cheuk cho biết những kẻ lừa đảo đã đăng quảng cáo tuyển dụng các vị trí trong ngành game, bất động sản hoặc đơn giản là mở tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội, hứa hẹn mức lương cao và yêu cầu đầu vào thấp.
Sau khi bị dụ đến các nước Đông Nam Á, nạn nhân bị tịch thu hộ chiếu và đưa đến “trung tâm lừa đảo”. Tại nơi này, bất kỳ ai từ chối hợp tác hoặc trả tiền chuộc sẽ phải chịu sự đối xử vô nhân đạo, theo thông tin trước đó của cảnh sát.
Ông Cheuk tiết lộ rằng các nhà chức trách đã nhận hơn 200 tin nhắn qua một đường dây nóng được thiết lập trên Whatsapp để các nạn nhân hoặc gia đình của họ gửi yêu cầu giúp đỡ.
Theo các luật sư, những quy định pháp luật hiện hành của Hồng Kông là không đủ để giải quyết những hình thức lừa đảo như vậy do chưa có luật riêng biệt về buôn bán người và cưỡng bức lao động.
Phan Anh