Hy vọng giải cứu 53 người trên chiếc tàu ngầm Indonesia mất tích đã tắt dần vào thứ Bảy (24/4) khi lượng oxy dự trữ của nó được cho là đã cạn kiệt. Hiện tại, mục tiêu trọng tâm mới là trục vớt con tàu bị nạn khỏi vùng biển ngoài khơi Bali.
(Ảnh: Đội cứu hộ tìm kiếm ở biển Bali)
Trước đó, nhà chức trách Indonesia cho biết con tàu do Đức chế tạo chỉ được trang bị đủ oxy trong 3 ngày sau khi bị mất điện, tức là từ khoảng 4h sáng ngày 21/4 đến sáng sớm ngày thứ Bảy 24/4.
Nhưng thời hạn này đã trôi qua vào đầu ngày thứ Bảy mà vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu của con tàu mất tích và 53 thủy thủ đoàn.
Hàng trăm quân nhân cùng tàu thuyền đã tham gia vào cuộc tìm kiếm con tàu KRI Nanggala 402 từ khi nó mất liên lạc vào sáng sớm ngày thứ Tư 21/4 trong cuộc tập trận phóng ngư lôi ngoài khơi hòn đảo Bali.
Bất chấp hy vọng về một phép màu, một vết dầu loang nơi tàu ngầm được cho là đã chìm cho thấy khả năng tàu đã bị hư hỏng thùng nhiên liệu, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa chết người.
Có nhiều lo ngại rằng chiếc tàu ngầm có thể bị vỡ ra khi nó chìm xuống độ sâu 700m – thấp hơn nhiều so với độ sâu mà nó được chế tạo để chịu đựng là 250m.
Con tàu đã được lên kế hoạch thực hiện các bài tập huấn luyện. Nó mất liên lạc ngay sau đó.
Các nhà chức trách chưa đưa ra lời giải thích khả thi cho sự biến mất đột ngột của tàu ngầm, hoặc bình luận về việc liệu con tàu hàng chục năm tuổi có bị quá tải hay không.
Các nước láng giềng Singapore và Malaysia cũng như Hoa Kỳ và Úc là các quốc gia đã hỗ trợ trong cuộc tìm kiếm với gần hai chục tàu chiến được triển khai để lùng sục khu vực có diện tích khoảng 34 km vuông.
Hôm thứ Năm, quân đội Indonesia cho biết họ đã tìm thấy dấu hiệu của một vật thể có từ tính cao ở độ sâu từ 50 đến 100 mét, nuôi dưỡng hy vọng tìm thấy tàu ngầm.
Nhưng với lượng dự trữ oxy đã cạn kiệt vào sáng thứ Bảy, hy vọng đang tắt dần.
Trước đó, thế giới đã xảy ra một vài vụ tai nạn tàu ngầm chết người.
Điển hình nhất là vụ đánh chìm tàu Kursk năm 2000, niềm tự hào của Hạm đội phương Bắc của Nga.
Tàu ngầm Kursk đang diễn tập ở biển Barents thì bị chìm với 118 người trên tàu. Cuộc điều tra cho thấy một quả ngư lôi đã phát nổ, kích nổ tất cả những quả khác.
Hầu hết thủy thủ đoàn đã chết ngay lập tức, nhưng một số vẫn sống sót trong vài ngày sau đó trước khi chết ngạt.
Năm 2003, 70 sĩ quan và thủy thủ đoàn của Hải quân Trung Quốc đã thiệt mạng do ngạt thở trong một vụ tai nạn trên tàu ngầm lớp Ming trong cuộc tập trận..
Năm năm sau, 20 người thiệt mạng vì khí độc khi hệ thống chữa cháy vô tình được kích hoạt trên một tàu ngầm Nga đang thử nghiệm ở Biển Nhật Bản.
Và vào năm 2018, các nhà chức trách đã tìm thấy mảnh vỡ của một tàu ngầm Argentina đã mất tích một năm trước đó cùng với 44 thủy thủ trên tàu.
Lê Xuân (theo AFP)
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…