“Nếu Biden thắng, Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ!” Tổng thống Trump cảnh báo hồi tháng 8. “Các vị sẽ phải học tiếng Trung Quốc”. Còn Biden thì chỉ trích ngược lại rằng thỏa thuận giai đoạn một của Trump với Trung Quốc toàn những cam kết mơ hồ, yếu đuối và nhai đi nhai lại của Bắc Kinh, hoàn toàn không thể cưỡng hành.
Vậy Biden có thể đối đầu với Trung Quốc hay không? Dưới đây là câu trả lời của tác giả Frank Lavin trên tạp chí Forbes.
***
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden đã dẫn trước đương kim Tổng thống Donald Trump trong các cuộc thăm dò dư luận trong vài tháng, nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận cuộc đua tranh cử đã đến hồi kết. Theo quan điểm của tôi, Biden thực sự có khả năng giành ưu thế trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 tới trong bối cảnh sự ủng hộ cho Trump tiếp tục suy giảm xoay quanh việc xử lý dịch bệnh và các vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, bất cứ điều gì đều có thể xảy ra vào tháng 11 tới. Trump đã chứng minh khả năng xoay chuyển tình thế khi rơi vào những cái hố sâu có thể kết thúc sự nghiệp của bất kỳ chính trị gia nào khác.
Từ tình huống hiện tại cho thấy, nếu mọi thứ đi đúng hướng, Joe Biden vẫn có cơ hội hất Trump ra khỏi cuộc đua và chính thức trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng vào tháng Giêng năm sau. Điều này đặt ra một số câu hỏi chính sách quan trọng cần được xem xét, trong đó có chính sách của Mỹ với Trung Quốc.
Nhìn chung, quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia khác là tương đối ổn định. Nếu không phải là quan hệ tích cực thì cũng là dựa trên các vai trò và quy tắc đã được xác định rõ ràng. Trung Quốc là nước lớn duy nhất đang xác định vai trò của mình. Quan hệ Mỹ – Trung hiện tại không những thiếu ổn định mà còn có chiều hướng xấu đi.
Hiện tại vấn có những phân tích chỉ ra rằng chính sách của Biden đối với Trung Quốc sẽ không trái ngược so với cách làm của Trump, ngoại trừ giọng điệu sử dụng. Điều này xuất phát từ sự đồng thuận rộng rãi ở giới nghị sĩ 2 đảng tại Washington rằng các vấn đề Mỹ phải đối mặt với Trung Quốc phần lớn nằm ở những hành vi sai trái của quốc gia này. Trên thực tế, Cương lĩnh của Đảng Dân chủ năm 2020 nêu rõ: “Đảng Dân chủ sẽ rõ ràng, mạnh mẽ và nhất quán trong việc đẩy lùi những quan ngại sâu sắc về kinh tế, an ninh và nhân quyền đối với các hành động của chính phủ Trung Quốc.”
Nhưng cũng có dấu hiệu cho thấy nếu lên nắm quyền, Biden sẽ thay đổi một số chính sách liên quan đến Trung Quốc. Giống như sự hoài nghi rộng rãi về Trung Quốc ở Washington, cũng tồn tại sự chán ngán lan rộng đối với cách xử lý vấn đề Trung Quốc đầy ngẫu hứng và bốc đồng của Trump.
Biden tự hào về định hướng chủ nghĩa quốc tế của mình. Từ lâu ông đã giữ quan điểm rằng về chính sách đối ngoại, Mỹ nên theo đuổi vai trò lãnh đạo quốc tế vì điều này phục vụ cho lợi ích quốc gia, chứ không phải vì sự hào phóng hay lòng vị tha. Nói cách khác, nếu Mỹ không nỗ lực để định hình các diễn đàn quốc tế thì vai trò lãnh đạo đó sẽ bị chuyển giao cho những người khác, đồng nghĩa với việc suy giảm vị thế và lợi ích của Mỹ. Đơn giản là nếu Mỹ không chủ động ảnh hưởng đến thế giới thì thế giới sẽ quay ngược lại tác động vào Mỹ.
Biden đã giải thích tỉ mỉ quan điểm Mỹ lãnh đạo quốc tế mang lại kết quả tốt hơn trong một bài phân tích đầu năm nay trên tạp chí Foreign Affairs có tiêu đề “Tại sao nước Mỹ phải trở lại dẫn đầu?”. Ông viết:
“Để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh cho tương lai chống lại Trung Quốc hoặc bất kỳ ai khác, Hoa Kỳ phải nâng cao lợi thế đổi mới của mình và đoàn kết sức mạnh kinh tế của các nền dân chủ trên toàn thế giới để chống lại các hành vi lạm dụng kinh tế và giảm bất bình đẳng.”
Tương tự như vậy, cựu phó Tổng thống cũng đưa ra nền tảng cho các sáng kiến thương mại:
“Điều sai lầm chính là tự vùi đầu vào cát và từ chối tham gia vào các thỏa thuận thương mại.”
Sau đó, Biden, với một giọng điệu giống Trump, nói về yêu cầu mạnh tay kinh tế và gắn nó với chủ đề lãnh đạo quốc tế trước đó của ông:
“Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tiếp tục tự tung tự tác như trước, công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của nước Mỹ và các công ty Mỹ sẽ bị đánh cắp. Trung Quốc cũng đang tiếp tục lợi dụng các khoản trợ cấp để tiếp sức cho các công ty nhà nước, tạo ra một lợi thế cạnh tranh không công bằng, và tiến thêm một bước trong kế hoạch nâng cao vị thế thống trị của công nghệ và các ngành công nghiệp tương lai.
Cách hiệu quả nhất để đối mặt với thách thức đó là xây dựng một mặt trận thống nhất giữa các đồng minh và đối tác của Mỹ để đối đầu với các hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, ngay cả khi chúng ta đang tìm cách hợp tác với Bắc Kinh trên các vấn đề mà lợi ích của cả hai hội tụ, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh y tế toàn cầu.”
Từ những dữ kiện trên, ta có thể thấy tóm gọn sách lược Trung Quốc của Biden như dưới đây. Độc giả cần lưu ý rằng Biden có lẽ sẽ không chọn công khai các thay đổi trong chính sách với Trung Quốc trước cuộc bầu cử. Ông cần bảo vệ bản thân trước những chỉ trích của Trump cho rằng ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ là yếu đuối trước Bắc Kinh.
Biden hiểu rõ công cụ tốt nhất mà ông có để tác động Trung Quốc là hợp tác sát cánh cùng các quốc gia khác. Đây là một điểm khác với cách tiếp cận “Nước Mỹ một mình” (“American alone”) của Trump. Điều này cho thấy khả năng Biden muốn hồi sinh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng trước tiên ông ấy cần xác nhận đồng thuận ở cả Mỹ và châu Á. Mặc dù Đảng Dân chủ có một số khuynh hướng chủ nghĩa bảo hộ, nhưng do TPP là một hiệp định thương mại danh tiếng dưới thời Obama nên nó tạm thời vẫn chiếm được cảm tình nhất định của các chính trị gia Dân chủ.
Các chính sách Đài Loan và Biển Đông là nơi hội tụ sự đồng thuận lưỡng đảng mạnh mẽ ủng hộ các lợi ích truyền thống của Mỹ.
Không rõ liệu Biden có gỡ bỏ hàng rào thuế quan Trump áp lên Trung Quốc hay không. Trong tình cảnh này, nếu ông có suy nghĩ thế thì cũng sẽ không nêu ra vấn đề này cho đến sau Ngày bầu cử.
Tuy nhiên, ở chính quyền Biden chúng ta sẽ thấy sự cải thiện trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc. Trump có sở thích nã pháo chỉ trích vào đối thủ, còn Biden có xu hướng hành động theo cách tinh vi và bài bản hơn. Chỉ riêng sự cải thiện về ngôn ngữ, giọng điệu sẽ làm dịu đi một tranh cãi quá nóng gần đây và mở ra một cơ hội cho Trung Quốc xuống nước.
Những điều trên chỉ ra nếu Biden thắng cử, Bắc Kinh cũng có không gian để thay đổi. Ví dụ, Trung Quốc có thể trả tự do cho hai người Canada mà họ đã bắt giữ, Michael Kovrig và Michael Spavor, “vì lý do sức khỏe”. Trung Quốc cũng có thể hỗ trợ tư cách thành viên WHO của Đài Loan giống như tư cách thành viên WTO hoặc APEC. Hoặc Trung Quốc có thể đưa ra một số cắt giảm thuế quan, việc này sẽ gián tiếp thúc đẩy Biden làm điều tương tự. Tất cả những dự đoán này sẽ không xảy ra trước tháng 1 năm 2021.
Có nhiều yếu tố khiến cho mối quan hệ Mỹ – Trung phức tạp và giải quyết tất cả những bất đồng giữa hai bên chỉ trong một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ tiếp theo là không khả thi. Nhưng nếu Mỹ và Trung Quốc có thể thực hiện một vài bước tích cực tiếp theo, ít nhất điều này sẽ đem lại sự ổn định nhất định trong quan hệ hai cường quốc. Nó cũng nhắc nhở hai bên rằng có tồn tại các yếu tố của mối quan hệ cùng có lợi.
Cuối cùng, Biden liệu có thể đương đầu với Trung Quốc hay không? Ông sẽ có một vài ý tưởng và có khả năng hành động. Vì vậy câu trả lời dự kiến của tôi sẽ là “Có”. Nhưng một câu hỏi không kém phần quan trọng là liệu Trung Quốc có dám đi những bước tích cực tương tự như thế hay không?
Hoa Minh
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…