Khủng hoảng Myanmar gióng “hồi chuông báo tử” cho ngành may mặc, việc làm và hy vọng

Myo Myo Aye, người sáng lập Công đoàn Đoàn kết Myanmar, cho biết thông qua một phiên dịch viên: “Tôi chấp nhận các đơn đặt hàng chuyển đi [nước khác]. Người lao động sẽ phải đối mặt với khó khăn và vất vả vì không có việc làm. Nhưng mặt khác, chúng tôi chỉ đơn giản là không chấp nhận chế độ quân đội.”

Hai năm sau khi mở nhà máy may mặc tại Myanmar, Li Dongliang đang đứng trước bờ vực phải đóng cửa và sa thải 800 công nhân còn lại của mình.

Công việc kinh doanh vốn đã gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19, nhưng sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, các đơn hàng đã dừng lại. Theo sau cuộc đảo chính là các vụ biểu tình nổ ra khắp nơi, lực lượng vũ trang tấn công dân thường, hàng loạt nhà máy bị đốt phá khi tình cảm chống Trung Quốc gia tăng, trong đó có nhà máy của ông. 

Câu chuyện của ông Li là biểu tượng cho tình huống đầy bấp bênh của ngành may mặc – một lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế Myanmar, chiếm một phần ba kim ngạch xuất khẩu và sử dụng 700.000 lao động có thu nhập thấp, theo số liệu của Liên Hợp Quốc.

“Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ Myanmar nếu không có đơn đặt hàng mới trong vài tháng tới”, ông Li nói với CNA, cho biết thêm rằng ông đang chỉ hoạt động với khoảng 20% ​​công suất để hoàn thiện nốt các đơn đặt hàng từ trước cuộc đảo chính, và đã cắt giảm 400 nhân viên.

Li cho biết ông và nhiều đồng nghiệp đang cân nhắc chuyển sang các trung tâm may mặc giá rẻ khác như Trung Quốc, Campuchia hoặc Việt Nam, vì các thương hiệu thời trang lớn như H&M và Primark đã ngừng hoạt động tại Myanmar do cuộc đảo chính.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Myanmar, các công dân Trung Quốc như Li đã đổ vốn vào gần một phần ba trong số 600 nhà máy may mặc của nước này. Đến nay, thương nhân Trung Quốc là nhóm nhà đầu tư lớn nhất.

Khin May Htway, đối tác quản lý của MyanWei Consulting Group, công ty tư vấn cho các nhà đầu tư Trung Quốc tại Myanmar, cho biết ít nhất hai nhà máy may mặc do Trung Quốc đầu tư ở Myanmar, sử dụng tổng cộng 3.000 công nhân, đã quyết định đóng cửa. Cô cho hay hai công ty này là khách hàng của cô, nhưng từ chối tiết lộ tên của các nhà máy.

Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hàng may mặc tăng mạnh ở Myanmar trong thập kỷ qua khi nước này bắt đầu cải cách kinh tế và các lệnh trừng phạt của phương Tây chấm dứt. Hàng loạt thỏa thuận thương mại đã giúp Myanmar trở thành một trong những trung tâm sản xuất ngành may mặc tại khu vực.

Theo số liệu của UN Comtrade, các lô hàng may mặc của Myanmar đã tăng từ dưới 1 tỷ USD vào năm 2011, chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất khẩu, lên hơn 6,5 tỷ USD vào năm 2019, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên, lĩnh vực này đã rơi vào khó khăn khi thế giới hứng chịu suy thoái do đại dịch COVID-19, khiến nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm. Hàng chục nghìn công việc tại các nhà máy may mặc đã bị cắt giảm ở Myanmar và các nơi khác ở châu Á.

Sau đó, đến lượt cuộc đảo chính xảy ra.

Trong những tuần sau cuộc đảo chính, nhiều công nhân may mặc đã tham gia các cuộc biểu tình hoặc không thể đi làm khi đường phố trở thành chiến trường. Theo các chủ sở hữu nhà máy, tình trạng hỗn loạn cũng làm ách tắc hệ thống ngân hàng và gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa ra vào trong nước.

Với sự lên án của quốc tế về cuộc đảo chính ngày càng tăng, các thương hiệu thời trang châu Âu và Mỹ tháng trước đã đưa ra một tuyên bố thông qua các hiệp hội của họ rằng họ sẽ bảo vệ việc làm và tôn trọng các cam kết ở Myanmar.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị gần đây đã ngừng đặt hàng tại Myanmar, bao gồm nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới, H&M của Thụy Điển, Next và Primark của Anh, và Benetton của Ý.

Hãng Next cho biết họ sẽ đặt hàng thay thế ở  Bangladesh, Campuchia và Trung Quốc; trong khi Benetton nói rằng họ sẽ chuyển hoạt động kinh doanh sang Trung Quốc. H&M và Primark chưa bình luận về việc họ sẽ phân phối lại đơn đặt hàng như thế nào.

Tại Việt Nam, chủ sở hữu nhà máy may mặc Ravi Chunilal nói với Reuters rằng ông đang nhận được thêm nhiều đơn hàng từ các doanh nghiệp châu Âu chuyển hướng từ Myanmar.

Peter McAllister của Ethical Trade Initiative, một tổ chức về quyền lao động cho biết: “Họ không muốn từ bỏ Myanmar … nhưng họ đang bị ép buộc.”

McAllister cho rằng lĩnh vực may mặc của Myanmar sẽ rất khó phục hồi nếu các nhà đầu tư Trung Quốc rời đi.

Tâm lý chống Trung Quốc đã tăng lên kể từ cuộc đảo chính khi người biểu tình cáo buộc Bắc Kinh ủng hộ chính phủ quân sự. Trong bối cảnh đó, một số nhà máy do Trung Quốc đầu tư, bao gồm cả của Li, đã bị đốt cháy.

Các nhóm nhân quyền đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về tình trạng bóc lột trong lĩnh vực may mặc của Myanmar, nơi mà hầu hết lao động nữ chỉ kiếm được khoảng 4.800 kyat (tương đương 3,40 USD) một ngày, mức thấp nhất trong khu vực.

Nhưng nó cũng giúp nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo đói, khi công nhân có tiền gửi về cho gia đình của họ.

Khin Maung Aye, giám đốc điều hành của nhà máy sản xuất hàng may mặc Lat War, với 3.500 lao động, nói rằng lĩnh vực này sẽ đối mặt với sự sụp đổ nếu quân đội không khôi phục lại một chính phủ được bầu cử dân chủ.

Ông cho biết “một sự nghèo đói khủng khiếp” đang chờ đợi, và rằng nhà máy của ông hiện cũng chỉ đang sản xuất các đơn hàng từ trước cuộc đảo chính. 

Mỹ, nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với quân đội Myanmar, vào cuối tháng trước đã đình chỉ các thỏa thuận thương mại với nước này.

Steve Lamar, chủ tịch Hiệp hội Giày dép và Quần áo Hoa Kỳ, đại diện cho hơn 1.000 thương hiệu thời trang, cho biết điều đó có thể “báo trước sự gián đoạn trong tương lai” cho lĩnh vực may mặc của Myanmar.

Nhưng một số công đoàn đại diện cho công nhân may mặc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn để gây sức ép đối với quân đội, mặc dù điều đó có thể gây tổn hại thêm cho ngành công nghiệp dệt may của nước này.

Myo Myo Aye, người sáng lập Công đoàn Đoàn kết Myanmar, cho biết thông qua một phiên dịch viên: “Tôi chấp nhận các đơn đặt hàng chuyển đi [nước khác]. Người lao động sẽ phải đối mặt với khó khăn và vất vả vì không có việc làm. Nhưng mặt khác, chúng tôi chỉ đơn giản là không chấp nhận chế độ quân đội.”

Lê Xuân (theo Channel News Asia)

Xem thêm:

Lê Xuân

Published by
Lê Xuân

Recent Posts

Đề xuất đưa vàng mã, túi nilon vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…

1 giờ ago

Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ngãi bị kỷ luật khiển trách

Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…

2 giờ ago

Tổng thống Biden: Trát ICC đòi bắt Netanyahu là “thái quá”

Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…

3 giờ ago

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

5 giờ ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

5 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

6 giờ ago